Đại Kỷ Nguyên

Thời xưa, thầy thuốc và Đạo sĩ chữa bệnh như thế nào?

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Thời xa xưa có những vị lương y và Đạo sĩ có kỳ tài về trị bệnh. Phương pháp của họ vô cùng đặc biệt, có khi chỉ là dùng tâm lý chữa bệnh, lại có khi chữa bệnh bằng món ăn dân dã thường ngày.

Lương y chữa bệnh bằng tâm lý

Vào thời nhà Đường, trong thành Trường An có một vị thầy thuốc vô cùng tài giỏi. Lúc ấy có người phụ nữ cùng chồng từ xa tới kinh thành, vì trước đó bà vô tình nuốt phải một con côn trùng nên trong lòng lo lắng không yên, và cũng vì quá lo lắng mà đổ bệnh. Bà đã đến nhiều nơi chữa trị, uống đủ mọi loại thuốc thang mà bệnh vẫn không thuyên giảm. Sau đó, chồng bà đã cho mời vị thầy thuốc kia đến thăm khám.

Vị thầy thuốc bèn nghĩ ra một cách. Ông nói với người bảo mẫu vốn tính tình cẩn thận lại được bà chủ tin tưởng, dặn rằng: “Giờ ta sẽ cho bà chủ của ngươi uống thuốc để bà nôn ra, ngươi hãy lấy bát hứng lại, rồi kể với bà chủ rằng lúc nôn đã có một con côn trùng nhảy ra. Nhưng nhớ là phải tuyệt đối giữ bí mật chuyện này, không được để bà chủ biết đó chỉ là lời nói dối”. Bảo mẫu đã làm theo đúng lời dặn dò, quả nhiên sau đó bệnh của bà chủ đã khỏi.

Lại có một vị thầy thuốc khác tên là Triệu Khanh. Ngày nọ, có chàng trai thấy hoa mắt chóng mặt, nhìn đâu cũng thấy mọi thứ đang quay cuồng, người nhà không rõ anh mắc bệnh gì nên cho mời thầy thuốc Triệu Khanh tới thăm khám. Ông thầy hẹn với chàng trai rằng sáng sớm ngày hôm sau sẽ chiêu đãi cậu món cá sống. Sáng ngày hôm sau chàng trai đến chỗ hẹn, có người dẫn cậu ta vào phòng đợi và dặn cậu hãy kiên nhẫn ngồi chờ cho đến khi Triệu tiên sinh khám xong cho một bệnh nhân khác, hẹn rằng xong việc thầy thuốc sẽ qua gặp cậu ngay.

Một lúc sau, có người bưng đến trước mặt cậu một bát giấm to, chỉ đặt đó mà không nói thêm gì khác. Chàng trai ngồi chờ từ sáng sớm cho tới tận trưa mà vẫn không có chút gì bỏ bụng, cậu vừa sốt ruột lại đói bụng, hơn nữa mùi thơm của bát giấm cứ thoảng qua thoảng lại khiến cậu không kiềm chế được bèn đưa bát lên uống một hớp. Hương vị của giấm rất thơm ngon, khiến cậu sau một hồi lưỡng lự lại nhấc bát lên và uống một hớp nữa. Lúc này chàng trai thấy trong người rất khoan khoái dễ chịu, bèn bê cả bát giấm lên và uống cạn.

Triệu Khanh thấy chàng trai đã uống hết liền bước ra tiếp đón. Ông nói: “Trước đây cậu thường hay ăn cá sống nên mới hoa mắt nhiều như vậy. Bát giấm ta chuẩn bị vừa nãy là để cậu uống nó, giờ bệnh của cậu khỏi rồi đấy. Hôm qua ta mời cậu bữa cá sống chỉ là đùa thôi, mục đích là để cậu uống hết bát giấm đó mà, hy vọng cậu sẽ không vì vậy mà thất vọng”.

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Đạo sĩ giỏi y thuật

Vào những năm Trinh Nguyên đời nhà Đường, ở Giới Châu có một vị Đạo sĩ tên là Vương Ngạn Bá có biệt tài về bắt mạch chữa bệnh. Qua bắt mạch, ông có thể biết được người bệnh còn sống hay đã chết, sống thọ hay đoản mệnh…

Lúc ấy, con trai của Thượng thư Bùi Trụ đột nhiên mắc bệnh lạ, các thái y trong triều đình đều cho rằng căn bệnh này vô phương cứu chữa nên không ai dám nhận lời giúp đỡ. Sau có người khuyên Bùi Trụ đi tìm Đạo sĩ Vương Ngạn Bá về chữa cho công tử.

Vương Ngạn Bá bắt mạch cho Bùi công tử rồi sắc thuốc, công tử vừa uống thuốc xong bệnh liền khỏi. Bùi thượng thư hỏi nguyên do, Vương Ngạn Bá nói: “Cậu bé bị trúng độc cá da trơn”. Quả đúng là như vậy, con trai của Bùi thượng thư từng ăn cá trước khi đổ bệnh.

Mặc dù vậy Bùi Trụ vẫn bán tín bán nghi, ông cho người cắt một ít cá da trơn cho thủ hạ ăn thì thấy người này cũng có triệu chứng giống như con trai ông vậy. Lúc này, Bùi thượng thư mới hoàn toàn tâm phục khẩu phục trước tài năng của vị Đạo sĩ.

Lại có chuyện kể rằng, trước khi hành nghề y Vương Ngạn Bá từng nói: “Ta sẽ bắt đầu nghề y từ đây!”. Sau đó Vương đạo sĩ cho xây vài chiếc lò sắc thuốc trong vườn nhà. Vương Ngạn Bá nói với mọi người: “Người bị nóng thì uống loại thuốc này, người bị lạnh thì uống loại thuốc kia, người trúng gió thì chọn loại này, người bị bệnh về khí huyết thì chọn loại kia”. Những người uống thuốc của ông không ai là không khỏi bệnh, từ đó danh tiếng của Vương Ngạn Bá lan xa khắp vùng.

Theo Thân Tư Mính, Secretchina
Quỳnh Chi biên dịch

Video: Thiên tai nhân hoạ hay khủng hoảng niềm tin?

Exit mobile version