Tài vật, đối với con người là vật ngoài thân, cho nên cần biết đủ mới sống vui, không tham lam thì thân mới được sống đời an nhiên.
Lòng tham của con người giống như ngọn lửa, nếu không được dập tắt kịp thời sẽ khiến cả cánh rừng cháy trụi; lòng tham cũng giống như nước, nếu không kiểm soát kịp thời thì sẽ biến thành cơn lũ tàn phá mọi thứ cản đường nó.
Lão Tử đã nói: “Tội lỗi không gì lớn bằng không biết đủ, họa hoạn không gì lớn bằng lòng tham”. Quá cố chấp vào điều gì thì ắt sẽ phải trả giá. Bởi vậy mới nói tham lam là nguồn gốc của mọi điều ác. Rất nhiều nỗi thống khổ bi ai trên đời đều khởi nguồn từ lòng tham, do đó làm người chớ có tham lam.
Tục ngữ có câu: “Quân tử yêu tài, nắm giữ đạo đức”. Sống trên đời, được và mất đôi khi chỉ phụ thuộc vào một ý niệm. Lựa chọn khác nhau sẽ dẫn đến những hậu quả khác nhau.
Chương ‘Nhân gian’ trong cuốn ‘Hoài Nam Tử’ có bàn về hai sự kiện lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa, đó là ba nhà phân Tấn và giả mượn đường phạt Quắc, lòng tham của hai vị quân vương khiến nước mất nhà tan thân bại danh liệt.
Mỗi một sự kiện phát sinh trong lịch sử không thể nào chỉ do một nhân tố đưa tới mà ẩn chứa bên trong nhiều nguyên do phức tạp. Tuy nhiên, trong đó phải có một điều gì đó đáng để người đời sau lấy làm bài học nhắc nhở mình.
Ba nhà phân Tấn
Sự kiện ‘Ba nhà phân Tấn’ là câu chuyện đề cập đến việc 3 nhà Hàn Triệu Ngụy cùng phân chia đất Tấn vào cuối thời Xuân Thu. Trong lịch sử, “Ba nhà phân Tấn” được coi là bước ngoặt phân tranh giữa cuối thời Xuân Thu và đầu thời Chiến Quốc.
Lúc đó, Trí Bá đòi xin một phần đất trên lãnh thổ nước Ngụy nhưng Ngụy Tuyên Tử không muốn cho. Lúc này Nhâm Đăng nói: “Hiện tại Trí Bá đang ở thế nổi tiếng cường thịnh, uy thế khắp thiên hạ, giờ mở miệng muốn đất đai, nếu như không cho thì có khác nào trở thành nước chư hầu đầu tiên gánh chịu tai nạn, tốt hơn hết là nên cho đi”. Ngụy Tuyên Tử nói: “Nếu như Trí Bá lại đòi xin đất đai tiếp thì phải làm sao?”
Nhâm Đăng nói: “Trước tiên Ngụy gia chúng ta cho hắn một ít đất đai, sau khi Trí Bá nếm được mùi vị của quả ngọt, hắn sẽ dùng kế sách này hướng đến các chư hầu khác đòi xin đất, các chư hầu khác cũng chỉ còn cách nghe theo, nhưng trong lòng họ sẽ nảy sinh oán hận. Tới lúc đó chúng ta có thể liên mình với các chư hầu khác cùng nhau đối phó Trí Bá rồi. Như thế thì phần đất mà chúng ta lấy về sẽ không chỉ là số lãnh thổ đã mất mà thôi”. Nguy Tuyên Tử nghe lời Nhâm Đăng mà nhượng lại một phần đất cho Trí Bá.
Sau khi nếm được vị ngọt của việc xin đất, quả nhiên Trí Bá lại hướng đến Hàn Khang Tử đòi xin một phần lãnh thổ, Hàn Khang Tử cũng không dám không cho. Lúc này các chư hầu đều nơm nớp lo lắng. Tiếp đến, Trí Bá lại hướng đến Triệu Tương Tử đòi thổ địa, Triệu Tương Tử liền cự tuyệt không cho. Vì thế Trí Bá lại ép buộc hai nhà Hàn Ngụy tiến đánh Triệu Tương Tử và bao vây Triệu ở thành Tấn Dương. Thế nhưng lúc này, 3 nước chư hầu là Triệu Hàn Ngụy đã bí mật liên lạc với nhau, hợp mưu cùng hành động đánh bại quân của Trí Bá ở Tấn Dương, bắt giữ Trí Bá, sau đó đem lãnh thổ nước Tấn mà Trí Bá nắm giữ chia thành 3 phần.
Ba nhà phân Tấn là một sự kiện trọng đại mang tính lịch sử và là bước ngoặt giữa thời Xuân Thu và Chiến Quốc. Trí Bá là con của Tuân thủ lĩnh, là người kết thúc sự thịnh vượng của gia tộc Tuân thị. Sự tham lam của Trí Bá đã dẫn tới kết cục thảm thương, lãnh thổ bị chia 3, nước mất nhà tan, thân bại danh liệt.
Giả mượn đường phạt Quắc
Giả mượn đường phạt Quắc cũng là một sự kiện khác nổi tiếng trong lịch sử. Vào thời Xuân Thu, nước Tấn muốn đánh chiếm hai nước nhỏ lân cận là nước Ngu và nước Quắc. Lúc đó hai nước này có quan hệ với nhau rất tốt. Khi Tấn muốn tiến đánh Ngu thì Quắc đưa quân binh đến trợ giúp. Nước Tấn nếu muốn đánh Quắc thì Ngu cũng sẽ đưa quân đi tiếp viện. Đại thần Tuân Tức đã dâng lên Tấn Hiến Công một kế thượng sách. Ông nói, nếu muốn tấn công chiếm lấy hai nước nhỏ này, nhất định phải ly gián họ, khiến cho họ không trợ giúp nhau nữa. Quốc quân nước Ngu có lòng tham không đáy, chúng ta có thể đem những thứ tốt ban cho ông ta.
Tuân Tức kiến nghị Tấn Hiến Công bỏ ra hai món bảo vật yêu quý là ngựa tốt đất Khuất và ngọc đẹp Thùy Cức, ban cho Ngu Công. Tuy nhiên Hiến Công lại tỏ ra luyến tiếc không muốn cho đi. Vì thế Tuân Tức nói: “Đại vương yên tâm, đây chỉ là nhượng lại để cho ông ta tạm thời bảo quản mà thôi, chờ diệt xong nước Ngu, tất cả chẳng phải lại trở về tay ngài sao?”
Vì vậy, Tấn Hiến Công đã đem 2 bảo vật là Ngọc quý Thùy Cức và Ngựa tốt đất Khuất ban tặng nước Ngu với yêu cầu mượn đường chinh phạt nước Quắc. Quốc quân của nước Ngu nhìn 2 bảo vật ngọc bích và ngựa tốt thì có chút động tâm, cho nên khi đề xuất mượn đường đưa ra thì ông liền đồng ý. Lúc này Cung Chi Kỳ khuyên can: “Cái này không được! Nước Ngu chúng ta và nước Quắc giống như bánh xe và phụ mộc, phụ mộc gắn chặt bánh xe ở đầu hai bên, bánh xe cũng cần dựa vào phụ mộc bảo vệ. Nước Ngu và nước Quắc hiện tại đã hình thành thế cục nương tựa vào nhau. Nếu như cho nước Tấn mượn đường, như vậy thì sáng sớm nước Quắc bị tiêu diệt thì đến tối nước Ngu cũng sẽ bị diệt vong”.
Cung Chi Kỳ nhiều lần khuyên can Ngu Công nhưng không thuyết phục được. Ông nói rằng, hai nước Ngu Quắc gắn bó như môi với răng, nước Quắc một khi bị tiêu diệt thì môi hở răng lạnh, nước Tấn sẽ không bỏ qua cho nước Ngu. Ngu Công lại nói, vì kết giao với một bằng hữu nước nhỏ mà đắc tội với một bằng hữu nước lớn, đó mới là kẻ ngu đần. Quân vương nước Ngu cự tuyệt lời khuyên can của Cung Chi Kỳ, cho quân Tấn mượn đường.
Quân Tấn đi qua đường nước Ngu cho mượn tiến đánh nước Quắc đã giành được thắng lợi, tiêu diệt nước Quắc. Trên đường trở về, quân Tấn đã dễ dàng đánh dẹp nước Ngu.
Bởi vì lòng tham mà Trí Bá cùng quân vương nước Ngu đã khiến cho nước mất nhà tan.
Sống ở trên đời, mỗi người chúng ta đều phải đối mặt với nhiều sự lựa chọn khác nhau, có lúc chọn sai vẫn có thể bù đắp, thế nhưng cũng có lúc chọn sai lại khiến bản thân phải ân hận cả đời. Cho nên mỗi người cần luôn thận trọng với lời nói và hành động của mình, chớ để lòng tham làm mờ tâm trí.
San San