Đại Kỷ Nguyên

Thống lĩnh 100 nghìn quân bắc phạt, Lý Thường Kiệt đã khiến cả Trung Quốc chấn động như thế nào?

Với sự táo bạo, chiến thuật lạ kỳ và cuộc tập kích đầy bất ngờ, mãnh tướng Lý Thường Kiệt đã dạy cho quân Tống một bài học nhớ đời trước âm mưu xâm lược nước ta.

Lý Thường Kiệt

Lý Thường Kiệt (1019 – 1105) là nhà quân sự, nhà chính trị nổi tiếng, một thái giám đời nhà Lý, có công to lớn trong việc đánh bại hoàn toàn quân nhà Tống vào năm 1075-1077. Ông được cho là người đầu tiên viết ra tác phẩm khẳng định chủ quyền dân tộc: Nam Quốc Sơn Hà.


Bài thơ: Nam Quốc Sơn Hà

Sinh ra ở làng An Xá, huyện Quảng Đức nay là Cơ Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Lý Thường Kiệt tên thật là Ngô Tuấn, tự Thường Kiệt, con trai của Sùng tiết tướng quân Ngô An Ngữ. Theo một số tư liệu, ông là hậu duệ của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập, con trưởng của Ngô Quyền. Bình sinh, ông là người khôi ngô tuấn tú, thông minh, nhanh nhẹn. Từ bé, Ngô Tuấn đã rất có chí khí, yêu thích võ thuật, chăm chỉ luyện kiếm và bày trận đồ hằng này. Đêm đêm lại chăm chỉ chong đèn nghiên cứu binh pháp.

Năm 20 tuổi, Lý Thường Kiệt được đưa vào làm hoạn quan trong cung vua. 22 tuổi, ông giữ chức “Hoàng môn chi hậu” trong quân túc vệ… Khi vua Lý Thánh Tông lên ngôi, ông được rời khỏi những chức vụ trong nội cung và đưa ra giúp việc nhà vua tại triều đình. Ông được phong là Thái bảo, cầm “tiết việt”, đi thanh tra các quan ở vùng Thanh – Nghệ.

Âm mưu xâm lược Đại Việt của nhà Tống

Thời bấy giờ ở phương bắc, nhà Tống đang phải đối mặt với sự uy hiếp của các bộ tộc hùng mạnh là Đại Liêu, Tây Hạ, Khiết Đan… Cộng thêm đó là các cuộc khởi nghĩa liên tiếp của nông dân nổ ra do mâu thuẫn gay gắt xuất phát từ chính sách cải cách thiếu hiệu quả trong nước của tể tướng Vương An Thạch. Đứng trước tính hình đó, Tống Thần Tông và Vương An Thạch đã vạch ra một kế hoạch xâm Đại Việt chi tiết hòng giảm áp lực, lấy lại uy tín, đồng thời khiến hai nước Hạ, Liêu phải kiêng nể mình. 


Người Khiết Đan. (Hình minh họa)

Theo đó, nhiều căn cứ quân sự được dựng lên gần biên giới Đại Việt. Đặc biệt, thành Ung Châu với địa thế yếu hiểm liên tiếp được xây dựng hơn 5 căn cứ khác với mỗi trại hơn ba nghìn quân thường trực (chưa kể đến dân binh, thổ đinh…). Các tướng am hiểu Đại Việt được điều động, đóng nhiều chiến thuyền, các cuộc tập trận quy mô lớn cũng được tiến hành. Đồng thời, nhà Tống ra sức lôi kéo các thủ lĩnh những bộ tộc dân tộc miền núi ở biên giới tiếp giáp của 2 nước. Ý đồ xâm chiếm Đại Việt càng ngày càng lộ rõ. 

Cuộc chinh phạt táo bạo lên đất Tống

Trước tình hình đó, vua Lý Nhân Tông và tướng quân Lý Thường Kiệt đã ra sức chuẩn bị cho một trận đánh lớn. Khi ngồi lại cùng bàn bạc đối sách cùng vua Nhân Tông và nhiều đại thần khác, Thường Kiệt đã đề xuất phương án chủ động đem quân đánh chặn từ sớm thay vì ngồi nơm nớp đợi giặc.

Cùng năm 1075, Lý Thường Kiệt chỉ huy 10 vạn đại quân, chia thành 2 đạo, đánh thẳng sang đất Tống. Trong đó, quân bộ gồm 60.000 người do các tướng Tôn Đản, Thân Cảnh Phúc, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Vi Thủ An chỉ huy. Bộ binh tập trung ngay ở các châu Quảng Nguyên, Môn (Đông Khê), Quang Lang, Tô Mậu rồi tràn sang đánh các trại Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, châu Tây Bình, Lộc Châu.

Lý Thường Kiệt chỉ huy 40.000 quân thủy cùng voi chiến đi đường biển từ châu Vĩnh An (Quảng Ninh) đổ bộ lên đánh các châu Khâm, Liêm. Đồng thời, Tông Đản cũng vây chặt châu Ung. Ngày 30 tháng 12 năm 1075, quân Đại Việt phá được thành Khâm Châu, bắt toàn bộ quan quân nhà Tống mà không phải giao chiến một trận nào. Ba ngày sau, Liêm Châu cũng thất thủ. Tướng nhà Tống ở đây cũng bị bắt cùng với hơn 8.000 thổ binh. Khi được tin hai châu Khâm, Liêm đã mất, nhà Tống rất hoang mang, lo lắng. Ty kinh lược Quảng Nam tây lộ vội vã xin viện binh: 20.000 quân, 3.000 con ngựa và khí giới.

Trên các mặt trận, quân đội nhà Lý hoàn toàn làm chủ. Lý Thường Kiệt cho đạo quân ở Khâm Châu và Liêm Châu tiến lên phía bắc. Đạo đổ bộ ở Khâm Châu kéo thẳng lên Ung Châu. Còn đạo đổ bộ ở Liêm Châu tiến sang phía đông bắc, chiếm lấy Bạch Châu, để chặn quân tiếp viện của nhà Tống từ phía đông tới.

Khi ấy, Tô Giám cùng với 2.800 quân cương quyết cố thủ trong thành Ung Châu kiên cố. Đô giám Quảng Tây là Trương Thủ Tiết đem quân đến cứu trợ thì bị Lý Thường Kiệt đón đánh ở cửa ải Côn Lôn (nay thuộc thành phố Nam Ninh, Quảng Tây) phá tan được, chém Trương Thủ Tiết tại trận. 


Lý Thường Kiệt hạ thành Ung châu

Dẫu thế, Tô Giám vẫn cố thủ trong thành Ung Châu, nhất quyết không hàng. Sau nhiều cố gắng, cuối cùng quân Đại Việt dùng hỏa công kết hợp với nhiều cách đánh độc đáo khác đã hạ được Ung Châu. Ngày vây hãm thứ 42, thành bị hạ, tướng chỉ huy Tô Giám tự thiêu để khỏi rơi vào tay quân Lý. Lý Thường Kiệt cho quân phá thành lấy đá, đất lấp sông ngăn viện quân sau đó tiến đánh Tân Châu và tiêu hủy toàn bộ lương thảo, vũ khí, thành lũy ở đây. Sau khi đạt được mục đích, Lý Thường Kiệt đã cho quân rút về nước. Cuộc chinh phạt trên đất Tống kết thúc. 

Cuộc hành quân bất ngờ, chớp nhoáng lên đất Tống khi ấy chính là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong lịch sử quân Đại Việt tiến đánh sang đất Trung Quốc. Sự kiện đó thực sự khiến triều đình nhà Tống choáng váng. Vương An Thạch và Tống Thần Tông không thể ngờ rằng một tướng vô danh ở Đại Việt lại dám cả gan mang quân chinh phạt. Không kịp phòng bị, các căn cứ quân sự được xây dựng suốt mấy năm trời của nhà Tống đều bị thiêu hủy cả. Do đó, muốn cất binh đánh Đại Việt nhà Tống lại phải xây dựng cơ sở lại từ đầu. Khoảng thời gian quý báu đó đủ để quân dân Đại Việt xây dựng lực lượng, chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài và gian khổ sau đó. Và cũng có thể nói, sở dĩ cuộc kháng Tống thành công có đóng góp rất lớn từ cuộc tấn công bất thần của Lý Thường Kiệt.

Bảo Nguyên 

Xem thêm:

Exit mobile version