Đại Kỷ Nguyên

Thuật nhìn người của đức Khổng Tử giúp bạn thấu tỏ nhân sinh

Biết vật đã khó, biết người còn khó hơn! Cùng xem thuật nhìn người của Khổng Tử: Nhìn thấu lòng người, lĩnh ngộ ba câu nói này là đủ.

Người xưa có câu: “Họa hổ họa bì nan họa cốt, tri nhân tri diện bất tri tâm”, vẽ hổ là vẽ da nhưng khó vẽ được xương, biết người là biết mặt, khó biết được lòng.

Người giám định nghệ thuật nhìn nhầm một bức tranh chữ, cùng lắm chỉ là phá sản, chẳng qua là tổn thất về vật chất. Nhưng nếu nhìn nhầm người, nặng thì họa hại vô hạn, nhẹ thì mất cả người lẫn của.

“Kinh bác quốc học” chia sẻ rằng nội hàm của “nhìn người” hoàn toàn khác hẳn với “nhìn vật”.

Tục ngữ nói: “Không biết vật, nửa đời khổ. Không biết người, cả đời khổ”.

Lý Hồng Chương là một đại thần triều đình nhà Thanh, cũng vì nhìn nhầm người, trong chiến tranh Trung – Nhật Giáp Ngọ dùng kẻ tham sống sợ chết đặt vào cương vị quan trọng. Mặc dù một số tướng sĩ biểu hiện anh dũng, nhưng cuối cùng toàn bộ thủy quân Bắc Dương bị tiêu diệt. Lý Hồng Chương cũng cả đời mang bị tiếng xấu. Bởi vậy học cách nhìn người là cực kỳ quan trọng.

Vậy như thế nào là biết nhìn người?

Kỳ thực câu hỏi này từ thời Xuân Thu đã sớm có đáp án.

1. Thuật nhìn người của Khổng Tử

Khổng Tử vào thời Xuân Thu đã từng nói: “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an, nhân yên sưu tai? Nhân yên sưu tai?”. 

Tạm dịch là: “Xem mục đích việc anh ta làm, xem những việc và cách thức anh ta đã làm, xem những việc làm anh ta yên vui thích thú, thì sẽ biết anh ta là người như thế nào. Là người như thế nào làm sao mà giấu được? Làm sao mà giấu được?”. 

Để hiểu chính xác một người, cách tốt nhất là xem lời nói, việc làm của anh ta, nó thể hiện tâm trí anh ta có trong sạch lương thiện hay không. Quan sát cách thức thực hiện của anh ta, từ đó có thể thấy phương thức làm việc của anh ta có thỏa đáng hay không. Xem xét anh ta an tâm vui thích về điều gì, từ đó có thể thấy giới hạn chuẩn mực nguyên tắc của anh ta. Nếu bạn thấy rõ cả 3 điểm này thì không ai có thể lừa dối che giấu bạn được.

Ảnh minh họa Khổng Tử. (Ảnh từ youtube)

Ban đầu đọc qua, rất nhiều người không hiểu được ý nghĩa thâm sâu trong câu nói ấy. Nhưng từ cổ chí kim, cổ nhân nhìn người thành công cũng nhờ dùng ba điểm này.

2. Qua một bữa cơm, đã biết người này không thể dùng

Khi Tăng Quốc Phiên đóng quân tại An Khánh, có một vị đồng hương đến gặp mặt xin đầu quân. Ông phái người điều tra về vị đồng hương này, biết được người này mấy năm gần đây sống tại quê nhà Hồ Nam quả đúng không sai. Gặp mặt đồng hương, ấn tượng về tướng mạo đàng hoàng trung thực, Tăng Quốc Phiên cũng cảm thấy rằng người này có thể ủy thác trọng trách.

Tăng Quốc Phiên đang chuẩn bị sắp xếp một số vị trí trong quân cho vị  đồng hương này, cũng vừa kịp lúc đến bữa cơm trưa. Ông quyết định trước hết mời vị đồng hương cùng dùng cơm.

Tuy nhiên, cũng là trong bữa cơm ấy, Tăng Quốc Phiên liền bỏ ngay ý định lưu lại người này trong quân, dứt khoát kiên quyết để vị đồng hương này ra đi.

Vị đồng hương này đương nhiên cảm thấy rất khó hiểu, liền tìm đến em họ của Tăng Quốc Phiên, hỏi xem lý do tại sao Tăng Quốc Phiên lại đột nhiên đổi ý như vậy. Tăng Quốc Phiên nói: “Ông ta nghèo kiết xác, lại lần đầu làm khách, mà nhặt bỏ hạt lép đi rồi ăn. Cho dù ông ta có vẻ chất phác. Nhưng ta e rằng ông ta thấy hoàn cảnh lạ sẽ đổi lòng, cho nên mới không dùng”.

Thì ra gạo dành để chiêu đãi trong bữa ăn là lấy từ quân lương, có lẫn một số hạt lép, mặc dù ăn vào không sao cả nhưng cũng ít nhiều ảnh hưởng đến khẩu vị.

Vị đồng hương này, nhà cũng không giàu sang phú quý gì, lần đầu tiên ăn bữa cơm như thế này, vậy mà lại đem hạt lép bỏ đi. Từ một động tác nhỏ này, Tăng Quốc Phiên liền nhìn ra rằng người này tuy bề ngoài thuần phác, nhưng nội tâm lại không thành thật.

Nếu người này về sau đứng núi này trông núi nọ, hoặc là thậm chí quay lại đầu quân cho quân Thái Bình, thì không biết sẽ sẽ sinh ra hậu quả gì, vì vậy chi bằng bây giờ để vị ấy quay trở về nhà. Vị đồng hương nghe xong liền xấu hổ mà rời đi.

Cũng chính vì nguyên nhân này, Tăng Quốc Phiên đã ý thức đề phòng từ đầu, vì vậy ông lãnh đạo quân Tương hơn mười năm, từ đầu đến cuối đều chưa từng xảy ra nội biến.

Tăng Quốc Phiên. (Ảnh: soha.vn)

Đây cũng chính là ấn chứng minh xác cho điều Khổng Tử đã nói, “thị kỳ sở dĩ” (xem xét việc người ta làm). Để hiểu một người cần xem những gì anh ta đã làm trước đây, đang làm gì bây giờ, và tương lai gặp phải chuyện như vậy thì anh ta có thể sẽ làm gì.

Tuy nhiên muốn hiểu người, với chỉ một điểm này thì còn chưa đủ. Có những người bản chất bên trong rất đáng quý lại có thể bị che lấp bởi những sự tình bề mặt.

3. Lòng đố kỵ dẫn đến sự thất bại trong việc khôi phục Trung Nguyên

Hoàng đế Hiếu Tông triều đại Nam Tống, lúc còn tại vị đã làm rất nhiều việc, trọn đời tận sức với Bắc phạt, khôi phục Trung Nguyên. Về sau, hoàng đế Hiếu Tông phái Lý Hiển Trung xuất quân ra Hào Châu, phái Thiệu Hoành Uyên xuất quân ra Giang Tô. Bởi vì Thiệu Hoành Uyên đố kỵ, ghen ghét tài năng của Lý Hiển Trung, trong giờ phút chiến đấu quan trọng, Thiệu Hoành Uyên không những án binh bất động mà còn lan truyền tin đồn dao động lòng quân, dẫn đến các tướng lĩnh như thống chế trong quân là Chu Hoằng cùng con trai của Thiệu Hoằng Uyên là Thiệu Thế Hùng dẫn quân chạy trốn.

Lý Hiển Trung bại trận tháo chạy về thành, quân Tống “người dẫm đạp người, xác đè lên xác”, bất đắc dĩ thừa lúc đêm tối phá vòng vây mà tháo chạy. Quân Kim chiếm lại Túc Châu, sai Cốc Thanh Thần truy kích quân Tống. Đuổi tới Phù Li (nay thuộc tỉnh An Huy) lại đánh bại quân Tống. Quân Tống tổn thất thảm hại về người và của. Cuộc Bắc phạt kết thúc trong thất bại.

Bởi vì nội bộ quan lại lục đục, Thiệu Hồng Uyên sát hại Lý Hiển Trung vọng tưởng độc chiếm quyền lực, trở thành công thần duy nhất khôi phục Trung Nguyên, nhưng ngược lại đã khiến cho Tống triều thất thế. Hoàng đế Hiếu Tông hối hận nhưng không kịp. Đáng tiếc thời gian trôi đi không cách nào kéo lại, thất bại, khắc vào bánh xe lịch sử, lần lượt hết lần này đến lần khác lại diễn ra. Chúng ta có thể từ trong đó thấy được gợi ý, chính là “Sát kỳ sở an” (xem người đó an vui vì điều gì). Đặt tâm của mỗi người và vận mệnh người đó là có quan hệ chặt chẽ với nhau.

Thiên hạ cũng chẳng có gì mới mẻ, chỉ bất quá là theo thời gian mà thay lớp áo bên ngoài trước mắt mọi người. Khổng Tử sớm đã nhận ra được đạo lý trong đó, chỉ là rất ít người biết điều này.

Tổng kết quy tắc nhìn người của Khổng Tử, có thể khái quát thành ba chữ: “Thị”, “Quan”, “Sát”. Ông nói: “Thị kỳ sở dĩ, quan kỳ sở do, sát kỳ sở an”, tức là xem mục đích việc anh ta làm, xem những việc và cách thức anh ta đã làm, xem những việc làm anh ta yên vui thích thú, là có thể nhìn rõ được phẩm giá của một người.

Tổng kết quy tắc nhìn người của Khổng Tử, có thể khái quát thành ba chữ: “Thị”, “Quan”, “Sát”. (Ảnh từ youtube)

Vậy nên trong đối nhân xử thế, mỗi người trong chúng ta đều nên ghi nhớ: giữ cặp mắt sáng rộng mở, giao lưu với nhiều người bạn tốt, chọn dùng người tài đức.

Chân thành không có nghĩa là chỉ trích khuyết điểm của người khác, mà chính là không khuyến khích những thiếu sót của người khác.

Nhìn thấu sự tình, bạn sẽ hiểu mình nên làm gì.

Nhìn thấu nhân tình, bạn sẽ biết cách xử thế.

Theo Soundofhope
Mây Trắng biên dịch

Exit mobile version