Lã Mông đời Tống trong “Trương Hiệp trạng nguyên – thăng hoa khí tử” đã nói một câu thế này: “Thiên hữu bất trắc phong vân, nhân hữu đán tịch họa phúc”– trời có gió mây bất trắc, người có họa phúc ngày đêm – ý tứ là họa phúc có thể đột nhiên phát sinh, thường nằm ngoài dự liệu của con người.
Dân gian xưa nay thường nói: “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh” – Nhà ai tích thiện ắt dồi dào phúc lành – liệu có thực sự tồn tại “Cổng Tích Thiện” không? Có đúng là, trong u minh luôn có Thần linh đang coi xét thế nhân?
Quan Thái thú triều Minh mộng thấy “Tích thiện chi môn”
Vào thời kỳ Minh triều, khi Lưu Huỳnh, thái thú Đinh Châu, đang nhậm chức Lang trung tại Hình bộ Nam Kinh, có một đêm, ông mơ thấy mình đang bước qua một cây cầu nguy hiểm, vô tình bị trượt chân rơi xuống vực sâu. Điều kỳ dị là, trong vực có một cái cổng lớn, bên trên có dòng chữ “Tích thiện chi môn” – Cổng Tích Thiện.
Lúc này, xuất hiện một người đàn ông mặc áo giáp vàng, dẫn Lưu Huỳnh tiến vào bên trong cổng lớn. Lưu Huỳnh ngạc nhiên phát hiện, cảnh giới bên trong hoàn toàn không giống thế giới nhân gian. Lưu Huỳnh hành lễ bái phục tại bậc thềm, một vị thân mặc lễ phục đang ngồi trên đại điện. Có lẽ là một vị Thần linh, liếc mắt nhìn thọ số của Lưu Huỳnh, rồi hỏi: “Ngươi là người có đại phúc, thọ đến 75 tuổi, hôm nay hà cớ gì mà đến nơi đây?”
Sau khi Lưu Huỳnh trần tình nguyên do, vị Thần linh ra lệnh cho thị vệ lấy kim trảo (móng vàng) đánh vào lưng ông, ngay lập tức ông từ trong mộng tỉnh dậy, phát hiện bản thân mình đầm đìa mồ hôi. Nghĩ đến trường cảnh trong mộng, Lưu quân cảm thấy thật là kỳ quái.
Ngày hôm sau, sau khi Lưu Huỳnh trở về từ quan nha, ông nằm trên giường nghỉ ngơi một lúc. Đột nhiên, bùn đất rơi xuống mặt ông. Ông nghĩ đó là một con chuột nhảy qua xà nhà, nhưng khi ông đứng dậy thì không thấy gì cả. Tuy nhiên, ngay khi ông nằm xuống, lại một lớp bùn đất khác lại đổ xuống mặt ông.
Lưu Huỳnh đành ngồi dậy không nằm thêm nữa. Không ngờ, trong tích tắc cột nhà gãy cái rắc, tường đổ sập xuống, vừa khớp đè lên chiếc giường ông vừa nằm. Sau khi tai nạn phát sinh, Lưu Huỳnh đột nhiên nghĩ tới giấc mộng hôm qua, ông vì bước vào “Tích Thiện Chi Môn”, mà được Thần linh báo trước, đến lúc này ông mới cảm thán: thực tại quá thần kỳ!
Sau đó, Lưu Huỳnh bãi quan trở về nhà, ông sống một cuộc sống thập phần thư thái nhàn nhã trong những năm cuối đời, trong nhà con cháu hiếu hiền phụng dưỡng ông. Lưu Huỳnh quả nhiên đã sống thọ đến cuối sinh nhật lần thứ bảy mươi lăm của mình.
Do thiếu các tài liệu ghi chép, hậu nhân khó có thể biết được Lưu Huỳnh hoặc tổ bối Lưu gia đã làm những việc thiện gì. Tuy nhiên, xét theo sự bảo hộ của Thần linh, Lưu gia hẳn phải tích được đại đức mới có thể gặp hung hóa cát.
Một chút bụi bẩn rơi trên mặt, đã cứu Lưu Huỳnh thoát nạn. Hãy cùng xem mẩu chuyện thời nhà Thanh, phương thức Thần linh bảo hộ thực sự siêu xuất khỏi trí tưởng tượng của con người.
Mặt xanh nanh vàng kề vai chống tường, trẻ em khóc thét
Trong những năm Đạo Quang Thanh triều (1821-1850), một sự cố đã phát sinh ở Chiết Giang nghiệt thự (tức tòa án). Đương thời, một vị liêm phóng sứ (quan chức tòa án) đang chuẩn bị tiếp đãi khách thì đột nhiên nghe thấy tiếng trẻ con khóc ầm ĩ ngoài sân. Vị liêm phóng sứ cảm thấy rất kỳ quái, liền bước ra xem, hỏi chuyện gì đã xảy ra?
Một số khách mời khác cũng theo ông bước ra khỏi đại sảnh, đúng lúc này cả sảnh hoa đột ngột đổ sụp. Cảnh tượng này khiến tất cả mọi người đều thất kinh. Sau đó, họ liền hỏi đứa trẻ vì sao mà khóc? Đứa trẻ nói: “Con vừa nhìn thấy hàng chục người mặt mày xanh lét, răng nanh vàng, tất cả họ đều đang hết sức kê vai chống tường, trông họ đều có vẻ rất nỗ lực. Con nhìn thấy họ như thế, cảm thấy vô cùng kinh hãi.”
Có lẽ, vị quan liêm phóng sứ và những vị khách đó chưa đến tuyệt mệnh, hoặc có lẽ họ trên có âm đức, được Thần linh bảo hộ. Trong u minh, một nhóm người mặt xanh nanh vàng tới đây để chống đỡ bức tường, còn mượn tiếng la hét khóc lóc của trẻ con để thu hút quan liêm phóng sứ và khách mời, bảo toàn tính mệnh cho họ.
Thái thú nửa đêm may mắn vượt nạn
Thái thú Triệu Đồng Sinh theo quân đến Sơn Đông. Một đêm, ông đã đi ngủ. Đột nhiên nổi lên một trận cuồng phong, và trời bắt đầu đổ mưa lớn. Cuồng phong tập kích, phòng ngủ của thái thú họ Triệu bị thổi lật tung, rơi xuống đất, âm thanh đổ sập chấn động vài dặm. Những người đồng hành kinh hoàng chạy đến cứu, mọi người đều tưởng Triệu Đồng Sinh chắc chắn đã chết.
Có người khóc lớn, gào lên gọi Đồng Sinh, đột nhiên nghe thấy vang lên một tiếng trả lời yếu ớt. Những tráng sĩ quân đội đã gạt đống đổ nát sang một bên, giải cứu Triệu Đồng Sinh ra ngoài. Điều kỳ dị là Triệu Đồng Sinh bị chôn vùi dưới đống đổ nát, nhưng ông ấy không chút tổn hại, cũng không bị vết thương nào.
Mọi người xúm hỏi ông chi tiết. Thì ra khi Triệu Đồng Sinh đang ngủ say, ban đêm đột nhiên tỉnh giấc. Ông ngồi dậy, mặc quần áo, đang định lấy cái bình, còn chưa kịp cúi xuống lấy, trong tai liền nghe thấy ầm ầm biển động núi lở, tường thành tứ phía đổ sập xuống. Bên cạnh chiếc ghế mà Triệu Đồng Sinh đang ngồi, tình cờ có một cây cột, vừa khớp cây cột có chỗ trống chỉ đủ chứa một người. Triệu Đồng Sinh nhờ vậy đã không chết sau đại nạn.
Nếu như đầu của Triệu Đồng Sinh vẫn còn trên gối, đầu ông ấy hẳn sẽ vỡ bởi gạch ngói, và hai chân sẽ bị đè bẹp bởi dầm rơi xuống. Nếu ông ấy chỉ vươn người khỏi giường thì ông ấy cũng bị đè chết. Thật trùng hợp, ông ấy đã đột nhiên ngồi dậy ngay khi vừa tỉnh dậy, ngồi dậy cũng chưa kịp cúi người xuống lấy bình, thời cơ trong tích tắc, không nhanh không chậm, không trước không sau, giống như trong u minh ông có người hiệp trợ vậy.
Khi kiếp nạn phát sinh, họ may mắn được Thần linh bảo hộ, may mắn sống sót qua tai nạn. Đọc xong những mẩu chuyện nhỏ này, “Tích thiện chi gia tất hữu dư khánh” – nhà tích thiện ắt dư phúc lành – liệu có thể là nói càn không?
Tác giả Tống Bảo Lam, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch