Đại Kỷ Nguyên

Thuộc những câu tinh hoa này của cổ nhân, bạn có thể thăng hoa tầng thứ (P.9)

Quý Tiện Lâm, nhà ngôn ngữ học Trung Quốc, nhà phiên dịch văn học, chuyên gia tiếng Phạn và tiếng Pali đã từng nói: Học thuộc 148 câu thơ cổ này, bạn có thể đề cao tầng thứ, không chỉ về phương diện văn học. Đối với những nhà thư pháp gia mà nói, học thuộc những bài thơ từ này, khai bút sẽ có thể dễ dàng trôi chảy rồi.

Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu với quý độc giả những câu cổ thi nổi tiếng trong kho tàng văn hoá truyền thống phương Đông, ngõ hầu khơi gợi lại phong vị cổ kính thanh tao dường như đều có trong sâu thẳm mỗi người. Trải qua mưa gió cuộc đời, chúng tôi tin rằng khi đọc những câu thơ cổ này, quý độc giả sẽ có nhiều chiêm nghiệm.

101.天長地久有時盡,此恨綿綿無絕期。(唐白居易長恨歌)

“Thiên trường địa cửu hữu thì tận

Thử hận miên miên vô tuyệt kỳ”.

(Đường Bạch Cư Dị – Trường hận ca)

Dịch nghĩa:

Trời đất dài lâu cũng có lúc hết

Hận này dằng dặc, không thủa nào cùng!

102.試玉要燒三日滿,辨材須待七年期。(唐白居易放言)

“Thí ngọc yêu thiêu tam nhật mãn

Biện tài tu đãi thất niên kỳ”.

(Đường Bạch Cư Dị – Phóng ngôn)

Dịch nghĩa:

Thử ngọc cần phải thiêu đủ ba ngày

Nhận biết cái tài phải đợi thời gian bảy năm.

Thử ngọc cần phải thiêu đủ ba ngày – Nhận biết cái tài phải đợi thời gian bảy năm. (Ảnh: aminoapps.com)

103.曾經滄海難為水,除卻巫山不是雲。(唐元稹離思)

“Tằng kinh thương hải nan vi thuỷ

Trừ khước Vu Sơn bất thị vân”.

(Đường Nguyên Chẩn – Ly tứ)

Dịch nghĩa:

Đã từng đi qua biển lớn mênh mông rồi thì khó có gì có thể gọi là nước (không có nước nơi nào khác đáng chú ý nữa)

Trừ mây rực rỡ ở núi Vu Sơn ra thì chẳng có gì đáng gọi là mây (không mây ở nơi nào khác đáng chú ý nữa).

(Nguyên Chẩn – Nỗi nhớ xa cách)

Nguyên Chẩn, tự Vi Chi, là nhà thơ, nhà văn và nhà chính trị nổi tiếng của Trung Quốc thời Trung Đường. Danh sĩ Hoàng Thao thời Vãn Đường viết: “Đời Đường, trước thì có Lý Bạch, Đỗ Phủ; sau thì có Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị, thật đúng như biển cả mênh mông, như Hoa Nhạc (tức núi Hoa Sơn ở Thiểm Tây) ngất trời”.

Hai câu thơ trên của Nguyên Chẩn đã trở thành một thành ngữ tiếng Trung, hàm ý rằng những ai đã từng trải nghiệm thế giới rộng lớn sẽ không bị khuất phục bởi những điều nhỏ nhoi.

104.年年歲歲花相似,歲歲年年人不同。(代悲白頭翁 – 唐劉希夷)

“Niên niên tuế tuế hoa tương tự

Tuế tuế niên niên nhân bất đồng”.

(Đại bi bạch đầu ông – Đường Lưu Hy Di)

Dịch nghĩa:

Năm đến năm đi, hoa vẫn thế

Năm qua năm lại, người đâu còn như xưa.

(Thương thay ông lão đầu bạc – Lưu Hy Di)

Lưu Hy Di, tự Diên Chi, đỗ Tiến sỹ thời vua Đường Cao Tông. “Thương thay ông lão đầu bạc” (còn gọi là “Vịnh lão đầu bạc”) là bài thơ nổi tiếng nhất của ông. Bài thơ thể hiện nỗi cảm hoài về sự vô thường của kiếp người, đặt trong bối cảnh phía đông thành Lạc Dương hoa rơi gió thổi vô tình. “Ông già” trong bài thơ xưa kia cũng là một trang thiếu niên tuấn tú, thuộc hàng vương tôn quý tộc, sống trong điện đài lầu gác hoa lệ. Nhưng giờ đây, “một sớm mắc bệnh nằm đó, không ai biết”, chẳng còn sống được bao lâu nữa.

Năm đến năm đi, hoa vẫn thế – Năm qua năm lại, người đâu còn như xưa. (Ảnh: wikipedia.org)

105.醉卧沙場君莫笑,古來征戰幾人回!(唐王翰涼州詞)

“Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi!”

(Đường Vương Hàn – Lương Châu từ)

Dịch nghĩa:

Nằm say khướt ở sa trường, anh chớ cười

Xưa nay chinh chiến mấy ai trở về đâu!

(Vương Hàn – Khúc hát Lương Châu)

Lương Châu nay thuộc tỉnh Cam Túc, giữa Lan Châu và Vũ Uy, trước đây là nơi hàng bao thế kỷ người Hồ và người Hán đánh nhau. “Lương Châu từ” là một điệu hát cổ nói về chuyện trận mạc biên ải.  

106.黑髮不知勤學早,白首方悔讀書遲。(唐顏真卿)

“Hắc phát bất tri cần học tảo

Bạch đầu phương hối độc thư trì”.

(Đường Nhan Chân Khanh)

Dịch nghĩa:

Khi tóc đen không biết sớm chăm chỉ học hành

Chỉ tới khi bạc đầu mới hối hận đọc sách muộn.

Nhan Chân Khanh, tự Thanh Thần, là một nhà thư pháp hàng đầu trong lịch sử Trung Quốc sống vào triều Đường. Hai câu thơ trên trích từ tác phẩm “Cần học” (Cần cù học tập), trước đó ông viết: “Canh ba lên đèn canh năm gà gáy, chính là lúc nam nhi đọc sách”. Ngày nay, hỏi mấy ai làm được như Nhan Chân Khanh?

107.採得百花成蜜後,為誰辛苦為誰甜。(唐羅隱蜂)

“Thái đắc bách hoa thành mật hậu

Vị thuỳ tân khổ vị thuỳ điềm”.

(Đường La Ẩn – Phong)

Dịch nghĩa:

Chọn lựa gom góp trăm hoa, luyện thành mật ong xong

Vì ai cay đắng (vất vả), vì ai ngọt bùi (hạnh phúc)?

(La Ẩn – Ong)

108.十年磨一劍,霜刃未曾試。(唐賈島劍客)

“Thập niên ma nhất kiếm

Sương nhận vị tằng thí”.

(Đường Giả Đảo – Kiếm khách)

Dịch nghĩa:

Mười năm chỉ mài có một thanh kiếm,

Lưỡi kiếm sắc lạnh như sương nhưng chưa từng dùng thử.

Mười năm chỉ mài có một thanh kiếm – Lưỡi kiếm sắc lạnh như sương nhưng chưa từng dùng thử. (Ảnh: qiew.club)

109.誰知盤中餐,粒粒皆辛苦。(唐李紳憫農)

“Thuỳ tri bàn trung xan

Lạp lạp giai tân khổ”.

(Đường Lý Thân – Mẫn nông)

Dịch nghĩa:

Có ai biết rằng bát cơm trong mâm,

Mỗi hạt đều là đắng cay cực khổ?

(Lý Thân – Thương xót nông dân)

Bài này được tác giả vô danh dịch, sau thành ca dao Việt Nam:

Ai ơi bưng bát cơm đầy,

Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.

110.男兒何不帶吳鉤,收取關山五十州。(唐李賀南國)

“Nam nhi hà bất đới Ngô câu

Thu thủ quan sơn ngũ thập châu”.

(Đường Lý Hạ – Nam quốc)

Dịch nghĩa:

Nam nhi tại sao không mang theo câu liêm sắc bén của nước Ngô

Thu phục năm mươi châu bị chia cắt ngoài quan sơn”.

Theo Soundofhope.org
Như Ý biên dịch và chú giải

Exit mobile version