Trải qua một ngày bận rộn, bãi triều xong Cốc Đế đang trong thư phòng nghỉ ngơi, bất chợt một cung nhân đến bẩm báo rằng: “Thái hậu có lời mời hoàng đế”.
- Tiếp theo Kỳ 10
Cốc Đế lập tức đến vấn an. Thái hậu Ác Bầu bộc bạch: “Hôm nay là ngày Thứ phi trở dạ, từ sáng sớm đến bây giờ cổ tử cung vẫn chưa mở, trên ngực tựa hồ như có vật gì đó nhô lên, cứ thi thoảng lại ngất đi, rất nhiều thái y đã phải bó tay, đều kết luận rằng lành ít dữ nhiều, trước tình hình này nên xử trí sao đây?” Dứt lời, trên khuôn mặt bà hiển lộ sắc khí tiều tụy buồn bã.
Cốc Đế điềm tĩnh trấn an: “Mẫu thân yên tâm, nhi tử nhận thấy Giản Địch là người giàu lòng nhân ái lại coi trọng lễ nghĩa, chắc hẳn sẽ không gặp rủi ro bất trắc. Thái y tuy đưa ra nhận định như vậy, song có thể là do y thuật của họ chưa đủ cao minh. Hơn nữa chúng ta vẫn còn cách phái người đi tìm kiếm, chiêu mời những lương y khác bên ngoài thành, họ sẽ có năng lực cứu người, cũng chưa phải là đã hết cách. Dù cho đến cuối cùng vô phương cứu chữa, xảy ra chuyện được – mất, sinh – tử âu cũng đã tận lực rồi, mẫu thân thấy phương cách này thế nào?”
Ác Bầu đáp: “Hoàng đế nói rất đúng, cần nhanh chóng phái người đi tìm!” Cốc Đế đồng thuận, lui về, lập tức hạ lệnh cho thuộc hạ phân thành từng nhóm đến khắp nơi dò hỏi chiêu mộ những lương y có năng lực trị liệu cho các trường hợp khó sinh nở.
Ra sức tìm kiếm đến nửa đêm, cuối cùng cũng mời được một vị đại phu, tuy nhiên người này từ trước đến nay chưa từng nổi danh, tuổi tác đã ngoài 40. Sau khi hành lễ, Cốc Đế còn chưa kịp tìm hiểu cặn kẽ về danh tính của anh ta, đã gấp gáp hỏi: “Khanh có thể trị liệu cho những trường hợp khó sinh không?” Vị đại phu đáp: “Tiểu dân cũng có những hiểu biết và kiến thức sơ lược”. Cốc Đế liền phái người dẫn đường đưa đại phu đến hậu cung.
Giản Địch lúc này đã rơi vào trạng thái hôn mê bất tỉnh. Khương Nguyên, Thường Nghi lo lắng, bật khóc nức nở, Ác Bầu lại càng bi thương, sầu não. Đại phu vừa bước vào, còn chưa kịp hành lễ chào hỏi, đã lập tức phụng mệnh kiểm tra tình trạng của Giản Địch. Đại phu tiến đến bên giường bệnh, trước tiên quan sát tỉ mỉ sắc mặt của Giản Địch, bắt mạch qua hai tay, sau đó ấn ấn xung quanh vùng lồng ngực phía trước, rồi quay lại bẩm báo với Ác Bầu, Khương Nguyên và mọi người rằng: “Chư vị có thể yên tâm, đây là một trường hợp sinh nở đặc biệt, có chút kỳ lạ, hiếm thấy, chứ không phải là khó sinh, sẽ không sao cả”.
Ác Bầu nghe được những lời này cảm thấy nhẹ lòng, lồng ngực giãn ra thư thái, gấp gáp xác nhận: “Quả thật là không sao chứ?” Vị đại phu không ngớt lời khẳng định: “Không sao, không sao hết. Tiểu dân đến cùng hai vị đồ đệ, họ và các dụng cụ đều đang ở bên ngoài, xin hãy phái cung nhân cho gọi họ vào hậu cung, là có thể tiến hành trị liệu”.
Ác Bầu nhận thấy có đôi chút bất thường, khó hiểu, một mặt vẫn điều người mời hai vị đồ đệ của anh ta, mặt khác hỏi lại vị đại phu: “Trước tình trạng nguy cấp này, khanh có phương pháp trị liệu thế nào? Tại sao lại cần đến các dụng cụ?” Đại phu đáp: “Sẽ không gặp nguy hiểm, Thái hậu yên tâm. Thứ phi sinh nở lần này thuộc một hệ phương pháp sinh sản khác, không giống như bình thường, cần giải phẫu lồng ngực, sau đó mới có thể hạ sinh, vì vậy cần sử dụng đến khí cụ”.
Ác Bầu nghe thấy vậy cực kỳ hoảng sợ, Khương Nguyên, Thường Nghi và các cung nhân cũng vô cùng hoang mang, sửng sốt. Ác Bầu nhấn mạnh: “Việc này chẳng phải rất nguy hiểm sao? Ngộ nhỡ ảnh hưởng đến sinh mệnh, thì phải làm sao đây? Huống hồ bào thai nằm trong ổ bụng, bất quá cũng chỉ can thiệp vào phần bụng, tại sao lại giải phẫu lồng ngực? Phải chăng khanh đã chọn nhầm phương pháp trị liệu rồi?”
Đại phu điềm tĩnh đáp: “Phương pháp trị liệu này không hề sai sót, nếu không giải phẫu phần lồng ngực thì tuyệt đối không thể hạ sinh, tiểu dân nào dám coi sinh mạng con người như trò đùa chứ? Thái hậu xin hãy yên tâm”.
Ác Bầu không khỏi lo lắng, do dự chẳng thể quyết định. Lúc này hai vị đồ đệ đã mang theo khí cụ bước vào hậu cung. Đại phu tiến hành giao phó nhiệm vụ điều chế dược phẩm và chuẩn bị dụng cụ cho họ, sẵn sàng tinh thần trị liệu. Thường Nghi đứng bên cạnh, đề xuất với Ác Bầu: “Thái hậu, tại sao người không mời Hoàng đế tới, rồi đưa ra quyết định?” Ác Bầu đáp: “Đúng vậy! Đúng vậy!”. Bà lập tức lệnh cho cung nhân mời Hoàng đế tới. Một lát sau, Cốc Đế giá lâm, vị đại phu một lần nữa trình bày, giải thích cụ thể phương pháp của trị liệu của mình. Cốc Đế hỏi lại: “Phương pháp trị liệu này sẽ không có sai sót chứ?” Đại phu đáp: “Tuyệt đối không có sai sót, nếu có một chút lừa gạt, tiểu dân nguyện phục theo gia hình tra tấn, xin nhận tội trạng lang băm sát nhân để tự trừng phạt”.
Cốc Đế tiếp tục cân nhắc: “Phương pháp này rốt cuộc có nguy hiểm không, có phương pháp khác tốt hơn không?” Đại phu đáp: “Phương pháp này không hề nguy hiểm, quả thật không còn phương pháp khác”. Cốc Đế quan sát phong thái đối đáp khoan thai của vị đại phu cùng thần sắc kiên định, cho rằng đây nhất định là một vị đại phu y thuật cao minh, liền ra quyết định: “Nếu đã như vậy, đành trông cậy cả vào khanh, hãy trị liệu cho Thứ phi của Trẫm, sau này Trẫm nhất định sẽ hậu tạ tương xứng”. Đại phu đáp: “Không dám, không dám, tiểu dân dốc sức cũng là chuyện nên làm”. Dứt lời, liền quay về phía Ác Bầu: “Thái hậu, hậu phi, có thế việc trực tiếp chứng kiến quá trình giải phẫu sẽ khiến các vị sợ hãi, xin tạm thời tránh mặt, tốt nhất không nên gây ra bất kỳ tiếng động nào, tránh để đại phu và sản phụ loạn tâm mà sao nhãng”. Cốc Đế cũng thuận ý: “Đúng vậy! Đúng vậy!”. Sau đó, Ác Bầu, Khương Nguyên cùng mọi người tránh sang phòng khác, chỉ lưu lại hai cung nhân trong phòng để hỗ trợ phục vụ ca sinh nở. Đại phu liền hỏi hai vị cung nhân: “Tã lót sơ sinh, nước nóng đã sửa soạn rồi chứ?” “Đều đã chuẩn bị chu đáo rồi” – họ đáp.
Mọi thứ đã sẵn sàng, đại phu gọi đồ đệ dùng một tấm vải ướt phủ lên khuôn mặt Giản Địch, đồng thời phân công một cung nhân đi lấy lửa, một cung nhân mở chăn mền, cởi xiêm áo của Giản Địch, để lộ phần lồng ngực. Đồng thời kéo khố y đến cuống rốn, đồ đệ mang đến một lưỡi dao mỏng nhỏ, đại phu đón tay nhận lấy rồi bước lên giường bệnh. Hai đồ đệ bưng nước thuốc, khí cụ, đứng bên cạnh hỗ trợ. Trước tiên vị đại phu dùng một chút nước thuốc, chà lên phần ngực của Giản Địch, rồi khéo léo lấy lưỡi dao rạch một đường hình chữ thập trên da trước, dùng khí cụ kéo về bốn phía, sau đó nhẹ nhàng di chuyển lưỡi dao tiếp tục rạch một đường hình chữ thập lên lớp mô thịt bên trong, cũng phanh ra bốn phía thông qua khí cụ, chỉ thoáng chốc đã lộ ra một lỗ hổng lớn phía trước ngực Giản Địch, máu tươi tràn ra không ngớt. Thật thần kỳ, từ phía trong vết mổ bỗng xuất hiện mái tóc của thai nhi, đại phu trông thấy, lập tức dùng tay ấn ấn, xốc lên toàn thân Giản Địch, sau đó một em bé sơ sinh cùng nhau thai, màng ối theo vết mổ ra bên ngoài. Một đồ đệ buông dụng cụ xuống, đưa hai tay đón lấy đứa trẻ, nhanh chóng gột gột nhau thai, tựa như lột bỏ vỏ bọc của măng tre vậy, em bé là một nhi tử. Hai cung nhân chứng kiến cảnh tượng đó, hoảng sợ đến mức sắc mặt tái mét, tim đập không ngừng. Hài nhi sau khi được gột bỏ nhau thai màng ối, hiển lộ ra khuôn mặt, thân thể, mang theo hàn khí, cất tiếng khóc oa oa. Sau đó vị đồ đệ giao hài tử lại cho cung nhân, đồng thời nhẹ giọng dặn dò: “Cẩn thận chút nhé”. Lúc này cung nhân tựa như người trong mộng chợt tỉnh, lập tức ẵm bồng em bé đi tắm và quấn tã lót.
Ngay khi đồ đệ bên này bế hài nhi ra ngoài, thì đồ đệ còn lại đã nhanh chóng chuẩn bị chỉ dược, kim khâu, khăn vải sẵn sàng hỗ trợ đại phu. Đại phu thao tác một cách tỉ mỉ, lần lượt khép lớp mô thịt bên trong cùng lớp da bên ngoài từng tầng từng tầng khéo léo hợp lại rồi đưa chỉ khâu từng mũi từng mũi cẩn trọng nối liền vết mổ, một lát sau không còn vết thương hở nữa. Sau đó đại phu dùng khăn vải thấm khô máu rồi dán lên đó một miếng cao thuốc lớn. Tiếp theo chuẩn bị tấm vải trắng dài chừng hơn một trượng, dặn dò cung nhân băng bó từ lưng đến ngực sản phụ, sau tháng 7 mới được phép tháo bỏ, nhưng cử chỉ cần nhẹ nhàng, không thể vận động mạnh.
Suốt quá trình giải phẫu hộ sinh lần này, từ khi bắt đầu đến khi kết thúc, chỉ kéo dài một khắc đã hoàn tất. Cốc Đế luôn ngồi bên cạnh quan sát không rời mắt, chứng kiến kỹ thuật tinh thâm cùng phương pháp mẫn tiệp, trong lòng vô cùng khâm phục. Đại phu gấp gáp bước xuống giường, bận rộn qua lại xử lý các công đoạn cuối cùng. Chờ ông ta rửa tay xong, Cốc Đế tiến đến nói lời cảm ơn: “Vất vả, vất vả rồi! Quả thật khiến khanh hao tâm tổn sức rồi!” Vị đại phu vừa tháo hạ y xuống, trước biểu hiện của Cốc Đế, cảm thấy đôi chút luống cuống, đang chuẩn bị mở lời, thì Ác Bầu, Khương Nguyên, Thường Nghi dù đang ở bên ngoài nhưng ngay khi nghe thấy tiếng khóc oa oa của hài tử, đã không thể kiên nhẫn mà vội bước vào phòng. Ác Bầu gấp gáp hỏi: “Thứ phi sao rồi?” Đại phu đáp: “Tiểu dân đã dùng thuốc gây mê để giảm thiểu cảm giác khó chịu cho sản phụ, ước chừng một khắc nữa mới tỉnh dậy, lúc này không thể kinh động đến cô ấy”.
Ác Bầu nghe vậy vẫn không khỏi lo lắng, liền đi đến bên giường, cúi xuống nghe ngóng, sau khi cảm nhận được tiếng thở nhè nhẹ đều đặn của Giản Địch, tựa như đang ngủ say, bà mới thở phào nhẹ nhõm. Quay đầu lại ngắm nhìn tiểu hài tử, biết mình có thêm một cháu trai, vui mừng khôn xiết. Cốc Đế tiến lại gần Ác Bầu, nói: “Đêm cũng khuya rồi, mẫu thân tuổi tác đã cao, xin hãy hồi cung nghỉ ngơi yên giấc, đừng quá hao tâm về chuyện của nhi tôn”. Ác Bầu nói: “Không sao, không sao, quả thật tình huống cấp bách vừa rồi đã khiến ta quên hết mệt mỏi, hiện tại bình an vô sự, ta có thể trở về phòng nghỉ ngơi rồi”. Dứt lời, bà từ tốn rời đi, Khương Nguyên và Thường Nghi cùng tiến vào.
Cốc Đế quay lại nói với vị đại phu: “Thời gian không còn sớm nữa, sau quá trình vất vả vừa rồi, chắc hẳn khanh cũng cảm thấy đói bụng, Trẫm đã lệnh cho hạ nhân chuẩn bị chút đồ ăn, mời khanh ra phòng ngoài ngồi nghỉ ngơi. Sau khi dùng bữa, Trẫm sẽ điều người đưa khanh trở về nhà”. Đại phu khiêm nhường liên tục nói lời cảm tạ: “Hoàng đế ban thưởng mỹ thực tiểu dân không dám nhận, chỉ có điều tiểu dân còn hai đơn thuốc cần kê ra, đợi sau khi Thứ phi tỉnh dậy, có thể chiểu theo đó mà sắc thuốc”.
Cốc Đế tâm đắc: “Như vậy thật là tốt quá”. Rồi lập tức hạ lệnh cho cung nhân lấy đèn đuốc dẫn đường vào thư phòng. Đại phu thoáng nhìn, trông thấy ba gian phòng nhỏ, trong phòng thắp một chiếc đèn cầy lớn, đêm đã khuya, mặc dù không quan sát được rõ ràng lắm, nhưng có thể thấy cách bài trí hết sức giản đơn, ngoại trừ rất nhiều cuốn thư sách thẻ tre được bày biện xung quanh bốn vách, thì không còn gì khác. Đại phu cảm thấy bội phục trước đức tính cần kiệm của Cốc Đế. Sau khi cung nhân bố trí xong bàn ghế theo hướng nam bắc, Cốc Đế mời đại phu ngồi ở phía tây, vốn là vị trí dành cho khách quý, đại phu không dám nhận. Cốc Đế từ tốn nói: “Trên triều đình cần coi trọng lễ nghĩa quân thần, đâu phải ngẫu nhiên Trẫm được giao phó trọng trách gánh vác cương vị đó. Hôm nay trong thư phòng riêng của Trẫm, khanh đương nhiên là khách quý, hà tất phải câu nệ. Huống hồ Trẫm vẫn hướng về phía nam, không hề ảnh hưởng đến quy tắc lễ nghi, khanh hãy an tọa”. Đại phu đành phụng mệnh, xin cáo lỗi rồi ngồi xuống. Hai đồ đệ cũng được sắp xếp chu đáo những vị trí ngồi khác ở phía dưới.
Tại đây, Cốc Đế có dịp trò chuyện với đại phu: “Y thuật của khanh quả thực cao minh, Trẫm vô cùng khâm phục! Những tri thức này là tự bản thân khanh nghiên cứu ra, hay là được sư phụ truyền thụ cho?” Đại phu đáp: “Hạ thần được sư phụ truyền thụ”. Cốc Đế tiếp lời: “Sư phụ của khanh là người phương nào?” Đại phu đáp: “Tiểu dân có theo học mấy vị sư phụ. Một vị mang tên Du Phu, một vị là Thiếu Phu, họ là hai huynh đệ. Phương pháp trị bệnh của họ không dùng đến thuốc thang, không cần đến kim châm, học thuật xoa bóp hay kỹ năng chườm nóng dán cao, mà tập trung chuyên môn về phẫu thuật, tách da, giãn cơ giãn mạch, nối gân, chích tủy não, gột sạch dạ dày, ngũ tạng, rèn luyện tinh lực ôn hòa… Tiểu dân vừa dùng phương pháp giải phẫu để trị liệu cho Thứ phi, chính là học thuật tiếp thu từ hai vị sư phụ này. Ngoài ra tiểu dân còn có hai vị sư phụ khác là Vu Bành và Đồng Quân. Hai người họ có thế mạnh về nội khoa, có thể điều chế ra đủ loại phương thuốc, cứu giúp nhiều sinh mệnh. Đối với chuyên môn giải phẫu, kỹ thuật khâu, băng bó… họ cũng thuần thục, song không thể tinh thông như hai vị Du sư phụ”.
Cốc Đế cảm phục: “Thì ra khanh chính là đệ tử của mấy vị danh y đó, nên học thuật mới tinh thâm đến vậy, Trẫm đã thất lễ rồi. Những đại y sư đó trước đây đều là thần tử của tiên tăng tổ Hoàng Khảo, lúc đương thời họ cùng với tiên tăng tổ Hoàng Khảo và Kỳ Bá, Thiên Lôi, mọi người phối hợp nghiên cứu y thuật, đã cống hiến đóng góp không ít những phát minh quan trọng, được hậu thế tôn danh là ông tổ của ngành y khoa, những thành tựu này Trẫm biết rất rõ. Khanh chính là đệ tử của họ, Trẫm quả thật đã thất lễ rồi! Chỉ có điều với tri thức và tay nghề tuyệt kỹ mà khanh trau dồi được, lẽ ra danh tiếng phải lẫy lừng thiên hạ, truyền bá tứ phương viễn xứ, tại sao khanh ở gần trong gang tấc, Trẫm cũng không hề hay biết? Phải chăng khanh không hành đạo?”
Đại phu đáp: “Tiểu dân không quá nặng tâm vào việc cần trị bệnh cho quá nhiều người”. Cốc Đế ngạc nhiên hỏi: “Tại sao lại như vậy?”. Đại phu từ tốn: “Tiểu dân chính là xuất phát từ bốn nguyên nhân:
Nguyên nhân thứ nhất, y đạo cực kỳ thâm thúy, nhân mệnh vô cùng quan trọng, tiểu dân tuy được nhiều danh sư truyền thụ, đã trau dồi được sơ lược tri thức về y học, song quả thực vẫn chưa đủ dũng khí, chưa đủ tự tin, vô cùng lo sợ vì một chút lơ đãng, sai sót của bản thân mà liên lụy đến sinh mệnh con người.
Nguyên nhân thứ hai, tiểu dân có một niềm đam mê nghiên cứu sâu sắc đối với các loại sách cổ, nếu dành quá nhiều thời gian cho việc trị bệnh cứu người, tuy có thể tích lũy thêm chút kinh nghiệm, song quá trình nghiên cứu của cá nhân sẽ không khỏi bị sao nhãng, ngược lại dẫn đến bản thân không thể tiến bộ.
Nguyên nhân thứ ba, bản tính tiểu dân mộc mạc, chất phác, không biểu hiện thái độ hùa theo, cổ xúy hay hoan nghênh người nhà bệnh nhân, vì vậy người đến trị bệnh ngày càng ít.
Nguyên nhân thứ tư, mối quan hệ giữa những người đồng đạo sẽ dễ nảy sinh sự ganh đua, đố kỵ; Tiểu dân không giống như họ, luôn tự nhủ bản thân nên bình hòa, nhượng bộ; Họ không giống như tiểu dân, thường so sánh thiệt – hơn, được – mất mà tự chiêu mời những tính toán, so đo, ganh ghét, nhẹ thì gièm pha, phỉ báng, vu cáo lẫn nhau, nặng tâm thì sẵn sàng bất chấp đánh đổi tính mệnh.
Thuở trước có một vị lương y, vô cùng cao minh, nhưng ông ấy quá coi trọng việc thể hiện bản thân, thường xuyên xuất đầu lộ diện, thấy nơi đâu coi trọng phụ nữ, ông liền trở thành đại phu chuyên trị bệnh bạch đới; Nơi đâu đề cao lão nhân, ông chuyển sang hành nghề trị bệnh lao lực và khôi phục chức năng về tai, mắt; Đối với những nơi yêu thích trẻ em, ông lại là đại phụ chuyên trị nhi khoa. Tuy vang danh thiên hạ, nhưng đến cuối cùng lại bị người ta ám sát. Có thể thấy sự nổi tiếng, thật không dễ dàng đảm đương. Tiểu dân coi đó như một bài học, một tấm gương soi mình, vì vậy tiểu dân không xô bồ trị bệnh cho quá nhiều người cũng chính là vì bốn nguyên nhân này.
Trách nhiệm của đại phu vốn dĩ là cứu người, không phải là hình thức mượn cớ kiếm lời. Tuy nhiên tâm danh lợi của các vị đại phu hiện nay tương đối lớn, thiện tâm cứu người ngày càng mai một dần. Giả sử tiểu dân cũng giống như họ, quá đề cao giá trị bản thân, nếu không nhận được nhiều vật phẩm tạ lễ sẽ từ chối chữa trị, như vậy chẳng phải là có lỗi với chính lương tâm mình, cũng là biểu hiện không có đạo đức nghề nghiệp, lại càng có lỗi hơn với các vị sư phụ trước đây đã tận tâm truyền thụ cho tiểu dân năm xưa. Giả sử không đòi hỏi hậu tạ, ai đến cũng chấp nhận chữa trị, như vậy không những cướp đi bát cơm manh áo mưu sinh của những vị đại phu khác, thậm chí càng kết thêm ân oán, đố kỵ thâm sâu, hơn nữa cũng không thể liên tục cần mẫn từ sáng sớm đến tận đêm khuya, một khắc thời gian rảnh rỗi, nghỉ ngơi cũng không có, bản thân tiểu dân đâu đủ sức lực để chống đỡ cơ chứ? Tuy rằng y gia cát cổ chi tâm, nên hy sinh vì người khác, song năng lực hữu hạn, khó tránh khỏi lơ là, sai sót, ngược lại có thể liên lụy, tổn hại đến sinh mệnh bệnh nhân, hà cớ gì phải tạo thêm quá nhiều gánh nặng cho bản thân! Vì vậy tiểu dân đã tự đề ra một nguyên tắc, sau vài năm, nhất định sẽ di chuyển đến một địa phương khác, thay tên đổi họ, hạn chế danh tính cho nhiều người biết, như vậy số lượng người đến trị bệnh sẽ giảm thiểu. Lần này chuyển đến Bặc Đô, thời gian lưu lại chưa lâu, nên không có nhiều người biết đến tiểu dân”.
Cốc Đế thán phục: “Thì ra nguyên cớ là vậy. Nhân phẩm, tâm thuật của khanh quả thật lại càng đáng kính hơn! Tuy nhiên, Trẫm còn chút nghi vấn cần thỉnh giáo khanh. Từ cổ chí kim về đạo lý sinh sản của phụ nữ, luôn có một nguyên tắc nhất định, lần này Thứ phi sinh con, khanh nhận định phương thức không tuân theo lẽ thường, mà hạ sinh từ lồng ngực, vậy khanh dựa trên căn cứ nào? Đây là phương pháp sinh sản vốn có từ thời cổ đại? Hay là khanh tự nghiên cứu ra?”
Đại phu từ tốn đáp lời: “Đây là phương pháp vốn có từ thời cổ đại, chỉ có điều không nhất thiết phải hạ sinh từ ngực, có thể sinh từ lưng, từ xương sườn, hoặc từ hai bên nách, tất cả đều có. Bên cạnh đó là một số trường hợp kỳ lạ nhất của bốn vị phu nhân nọ: Một người sau khi mang thai, qua mười tháng vẫn chưa chuyển dạ, trên vầng trán của cô bỗng xuất hiện một vết thương, ngày càng lớn dần, rồi hài nhi được sinh ra từ vết thương trên trán đó. Cũng có trường hợp đứa bé được sinh ra từ cổ. Một câu chuyện khác về một phu nhân nọ sau khi mang thai, trên xương đùi luôn có cảm giác ngứa ngáy không thôi, do xoa gãi quá nhiều mà tạo thành vết thương, và hài nhi được sinh ra từ miệng vết thương đó. Còn một trường hợp nữa đặc biệt kỳ lạ, vị phu nhân đó trong quá trình mang thai, cảm nhận thấy thai nhi từ từ di chuyển xuống đùi rồi rớt xuống chân, rồi tiếp tục dịch chuyển đến ngón chân cái. Nó lớn dần như chiếc cốc, gây ra cảm giác đau đớn như bị gãy xương, sau đó một hài nhi từ ngón chân cái được sinh ra, chẳng phải là rất kỳ lạ hay sao? Sơ lược về các phương pháp sinh sản, cổ nhân gọi là “坼疈” (sách phúc), trong lịch sử đều có ghi chép lại, chỉ là không đươc lưu truyền rộng rãi mà thôi”.
Cốc Đế băn khoăn hỏi: “Phương pháp sinh của tiểu nhi tử lần này, có thể nuôi dưỡng trưởng thành được không?” Đại phu đáp: “Nhất định là có thể nuôi dưỡng đến khi trưởng thành. Theo quan sát của tiểu dân, những hài nhi được sinh ra từ sườn, nách, ngực, lưng không những trưởng thành khỏe mạnh, mà hơn nữa còn xuất chúng phi thường; Những đứa trẻ sinh ra từ trán, cổ, đùi, ngón chân cái thì vận mệnh không quá nổi bật. Nếu so sánh thì sinh ra từ trán sẽ tốt hơn một chút. Xét về quá trình nuôi dưỡng, cũng không dễ dàng thuận lợi”.
Cốc Đế tiếp tục hỏi: “Khanh căn cứ vào đâu mà có thể tiên đoán về tương lai của những tiểu nhi được sinh ra theo các chủng phương pháp khác nhau sẽ trở thành người phi thường hay bình phàm cơ chứ?”
Đại phu đáp: “Con người được sinh ra, vốn nên tuân theo quỹ đạo thông thường, tuy nhiên với những trường hợp sinh ra bằng một phương pháp đặc biệt khác, có thể thấy ngay từ ban đầu kể từ khi sinh ra, họ đã được đặt định một con đường không giống như mọi người, há chẳng phải sẽ kiệt xuất, phi thường hay sao? Chỉ có điều phụ nữ luôn thụ thai trong ổ bụng, sinh ra từ ngực, lưng, sườn, nách vẫn thuộc trong phạm vi quanh phần bụng, tuy có chút kỳ lạ song vẫn theo chính thống, vậy nên sẽ trở thành người phi thường. Còn những trường hợp hạ sinh từ trán, cổ, đùi, ngón chân cái thì cách xa ổ bụng, hơn nữa những bộ phận này được cấu thành từ hệ thống khung xương ổn định, không có nhiều không gian để dung nạp bào thai, những thai nhi nhất định từ đó sinh ra, ắt hẳn rất hiếu kỳ, cố chấp, đương nhiên không thể trở thành những nhân vật tài năng. Nhưng với những trường hợp sinh ra từ trán, cho thấy một ý chí tiến thủ, tâm cầu tiến, có thể trở thành tướng quân thống lĩnh binh lực; Những trường hợp sinh ra từ ngón chân cái phản ánh sự hạ lưu thấp kém, nhất định không có tiền đồ”.
Cốc Đế tiếp lời: “Vậy theo nhận định của khanh, nhi tử của Trẫm lần này được sinh ra bằng phương pháp giải phẫu lồng ngực chắc hẳn sẽ có một tương lai triển vọng phải không?” Đại phu đáp: “Bốn phương pháp sinh sản từ sườn, nách, ngực, lưng đều kì lạ hiếm thấy. Song nếu phân tích một cách tỉ mỉ cặn kẽ thì sẽ nhận ra sự khác biệt, con đường sinh ra từ sườn, từ nách vì nghiêng lệch một chút, tương lai sẽ trở thành người tu hành đắc đạo, không màng đến nhân tình thế sự hay lợi ích quốc gia; Sinh ra từ lưng – vốn là vị trí trung tâm, tương lai sẽ kiến lập nhiều kỳ công, gặt hái thành tựu lớn cống hiến cho đại sự quốc gia, tuy nhiên chính bản thân họ cần không ngừng hy sinh trải qua mọi gian nan cực khổ. Đối với những hài nhi được sinh ra từ ngực, phía chính diện, tương lai có tiền đồ, không chỉ lập công lớn cho quốc gia, truyền phúc cho tử tôn, mà một đời của họ luôn sung túc, an thiện bình khang, sẽ không gặp phải hiểm nguy bất trắc. Tiểu dân nói ra điều này không phải là những lời tâng bốc xu nịnh, vị hoàng tử này có lẽ chính là linh khí quy tụ trong thiên địa!”
Cốc Đế cười đáp: “Quá khen ngợi rồi. Trẫm cho rằng, lần này Thứ phi sinh nở may mắn gặp được khanh nên mới tránh được nguy hiểm. Thiết nghĩ, người có y đạo cao thâm như khanh, từ cổ chí kim, liệu có được mấy người? Giả sử trong những trường hợp sinh nở đặc biệt, mà không gặp được lương y, dù có là linh khí quy tụ trong thiên hạ nhưng không thể xuất sinh, ngược lại dẫn đến họa nạn mẫu tử mất mạng, thì sẽ ra sao? Há chẳng phải linh khí phản đảo mà trở thành lệ khí (tội lỗi) hay sao?”
Đại phu đáp: “Theo quan điểm của tiểu dân, nhất định sẽ không xảy ra tình huống xấu như vậy. Bởi vì linh khí quy tụ trong thiên địa xuất sinh tuyệt đối không phải ngẫu nhiên, phàm đã đặt định để một hài nhi ra đời theo phương thức như vậy, thì nhất định sẽ có biện pháp bổ cứu. Giống như năm ngoái khi tiểu dân đến Nhạc Dương hành nghề y, bởi vì mọi người đến trị bệnh quá đông, nên sau khi rời khỏi đó, theo chủ ý ban đầu tiểu dân vốn dĩ sẽ đến Đế Khâu, nhưng thực tế lại chuyển đến vùng đất này, cũng không rõ nguyên cớ do đâu mà lại thay đổi kế hoạch như vậy, lại có mặt tại đây, vừa khéo dịp Thứ phi đến kỳ sinh nở, có thể thấy trong chốn u minh luôn tồn tại một thế lực chi phối, không rõ ai dẫn lối chỉ đường. Cho dù tiểu nhân không có mặt, ắt hẳn sẽ xuất hiện một đại phu khác gánh vác trọng trách tương tự như tiểu dân hôm nay, cũng là một khả năng. Giả sử không có ai đến điều trị, thời gian dần trôi qua, trên lồng ngực sẽ tự xuất hiện vết rạn nứt và tiểu nhi được ra đời, rất có thể là như vậy. Chỉ là miệng vết thương khó lành, khiến sản phụ chịu nhiều đau đớn hơn một chút. Linh khí được bồi dưỡng, mà không thể xuất thế, khiến mẫu tử mất mạng, tình huống đó tuyệt đối sẽ không xảy ra”.
Cốc Đế vừa định mở lời hỏi tiếp, thì đồ ăn đã được bưng lên, bày biện sẵn sàng, mọi người đều đang đói bụng, liền cầm đũa thưởng thức.
Đang dùng bữa, một cung nhân đến thỉnh giáo: “Thứ phi đã tỉnh lại rồi, muốn ăn một chút cháo, có thể ăn chứ ạ?” Đại phu đáp: “Có thể, có thể chứ, nhưng cần nêm nếm gia vị nhạt và hâm nóng hổi, nên ăn nhiều một chút.” Cung nhân vâng mệnh rồi lui về.
Sau khi dùng bữa, sắc trời trong vắt, đại phu thỉnh xin một cây bút, cẩn trọng kê hai đơn thuốc rồi bẩm báo với Cốc Đế rằng: “Bẩm Hoàng đế, đơn thứ nhất uống ba thang, đơn thứ hai uống năm thang, là Thứ phi có thể hồi phục hoàn toàn rồi”. Dứt lời, đứng dậy xin cáo từ. Cốc Đế một lần nữa nói lời cảm tạ, phái người tiễn lương y xuất cung, rồi đích thân đến thăm hỏi tình trạng của Giản Địch. Không ngờ rằng Ác Bầu, Khương Nguyên, Thường Nghi đã sớm có mặt tại đó. Cốc Đế lo lắng hỏi: “Mẫu thân không chợp mắt nghỉ ngơi một chút à? Người quá hao tâm rồi”. Ác Bầu đáp “Ta vừa về ngả lưng, chỉ là không sâu giấc, trong lòng cứ luôn bồn chồn không yên nên trở dậy. Vị đại phu này quả đúng là thần y, khi ta đến, Thứ phi cũng vừa tỉnh, hỏi nàng ấy cảm giác ra sao, thì một chút nhận thức về quá trình sinh nở cũng không hay biết, hơn nữa lại chẳng hề đau đớn, hoàng nhi xem có thần kỳ không?” Cốc Đế tâm đắc: “Y thuật của đại phu đó quả thật tinh thâm, anh ta còn kê thêm hai đơn thuốc lưu lại đây”. Dứt lời, bèn rút đơn thuốc bên người trao lại cho Khương Nguyên, giao phó cho cô sắp xếp. Rồi quay lại dặn dò Ác Bầu: “Trời đã sáng rồi, mẫu thân cũng bận rộn suốt đêm, nên nghỉ ngơi một chút, nhi tử cũng đã đến giờ thượng triều”, Sau đó hai người từ biệt.
Ba ngày sau, Cốc Đế đặt tặng cho tiểu hoàng tử một cái tên, gọi là “Khiết”.
Khiết vốn là một loại côn trùng, nó sinh sản không giống như con người, Cốc Đế lấy tên loại côn trùng này đặt cho hoàng tử có lẽ để ghi lại dấu ấn về cách thức ra đời đặc biệt kỳ lạ hiếm thấy của nhi tử. Sau đó, Cốc Đế phái cử hạ nhân đến chiêu mời vị đại phu nọ, chuẩn bị sắc phong một chức quan và động viên đại phu thu nạp thêm nhiều đệ tử, cống hiến cho sự nghiệp phát triển của y học. Đáng tiếc rằng hạ nhân hồi cung lại báo tin, vị đại phu từ sáng sớm hôm qua sau khi trở về nhà, đã gấp gáp thu dọn hành lý, dẫn theo hai đồ đệ chuyển đến địa phương khác rồi, hiện không rõ tung tích. Cốc Đế biết tin vô cùng buồn rầu, luyến tiếc.
Vài tháng sau, trong một buổi thượng triều, Cốc Đế chia sẻ với các vị đại thần: “Năm ngoái, Trẫm đã triển khai hành trình tuần tra về ba phía đông – bắc – tây, riêng phương nam chưa có dịp đặt chân tới. Hiện tại triều đình bình ổn, Trẫm dự định đi tuần về phương nam một chuyến, các vị chư thần hãy tuân thủ theo lệ cũ, mọi công việc sắp xếp tương tự như lần trước, vững tâm trấn giữ kinh thành, đồng lòng quản lý chính vụ. Chuyến đi lần này của Trẫm dự định sẽ không kéo dài quá ba bốn tháng”.
Các vị đại thần tuân mệnh. Duy chỉ có lão tướng Tư Hoành đứng lên bẩm tấu: “Hoàng đế đến phương nam, lão thần xin tình nguyện dẫn theo binh sĩ tháp tùng hộ tống, để tránh hiểm nguy bất trắc”. Cốc Đế do dự: “Trẫm đi tuần thủ cũng đơn thuần chỉ là tìm hiểu phong tục tập quán, khảo sát tình hình đời sống nhân dân, điều tra vai trò tích cực, tác động tiêu cực của chính sách chính trị đã ban hành, nên sử dụng phương tiện di chuyển giản đơn, tuyệt đối không phô trương. Bởi vì một khi quá phô trương, quan lại sẽ phô này những giả cảnh hoa lệ, hơn nữa việc phiền hà đến bách tính lao động sẽ là điều không thể tránh khỏi, như vậy ý nghĩa của chuyến đi tuần thủ không phải vì nhân dân, mà ngược lại còn ảnh hưởng tiêu cực đến bách tính. Huống hồ việc tìm hiểu phong tục tập quán, khảo sát đời sống, phân tích chế độ chính vụ nếu muốn đạt được hiệu quả, thì sắp xếp lực lượng xe kiệu giản đơn mới có thể rút ngắn sự giãn cách giữa quân vương và nhân dân, từ đó dễ dàng chứng kiến và minh bạch mọi chân tướng. Ngược lại nếu phô trương một đại đội xe kiệu tháp tùng phía trước, không chừng quan lại địa phương sau khi nghe ngóng tin tức sẽ nhanh chóng chuẩn bị ngụy tạo hoàn cảnh đối phó, bách tính trông thấy cũng chấn động, sợ sệt, nào dám bày tỏ ý kiến nguyện vọng cơ chứ? Vì vậy Trẫm không muốn điều động binh sĩ tháp tùng phía trước. Còn về bách tính ở phương nam, họ tựa như những hài tử non nớt của Trẫm, hà cớ gì oán giận, trách móc Trẫm, có thể gây tổn hại, xảy ra điều gì bất trắc được chứ? Các khanh đừng quá lo lắng!”
Nghệ đáp: “Còn một số điều mà Hoàng đế chưa tường tận, địa thế phương nam lão thần vô cùng thân thuộc. Bách tính ở đó không phải tất cả đều là người Trung Quốc; Tam Miêu, Cửu Lê, Nam Man, Tây Nhung hơn phân nửa là người tạp cư. Người Trung Quốc đương nhiên luôn cảm kích ân đức của hoàng đế, song ngộ nhỡ gặp người Miêu, Lê, Nhung, Man, trong lòng họ chưa quy phục, cũng chưa có đức cảm, như vậy sẽ ra sao? Thỉnh xin Hoàng đế thận trọng, tốt hơn hết hãy để lão thần điều động binh sĩ tháp tùng hộ tống”. Cốc Đế lắng nghe, trầm ngâm chưa quyết.
Hỏa Chính Ngô tiếp lời: “Thần phụ trách quản lý phương nam nên biết rõ, bản tính của người Nhung, Man quả thật rất khó lường. Cổ nhân có câu lo trước khỏi họa. Theo ý kiến của thần, vẫn nên để lão tướng dẫn binh hộ tống mới có thể an tâm”. Cốc Đế ra quyết định: “Đã như vậy, Trẫm giao phó cho Tư Hoành tuyển chọn năm trăm sư đồ trang bị tài võ kỹ thuật, phụ trách thống lĩnh đoàn tháp tùng, sẵn sàng đối phó với các tình huống hiểm nguy bất trắc”. Tư Hoành Nghệ vâng mệnh: “Như vậy thật tốt”. Sau khi bãi triều, ông lập tức triển khai tuyển chọn binh sĩ.
Cốc Đế phái cử cung nhân đến bẩm báo với Thái Hậu về kế hoạch đi tuần tại phương nam. Ác Bầu biết đây là chuyện quốc gia đại sự, đương nhiên không can dự. Không ngờ rằng công chúa sau khi biết tin, đã thỉnh xin được đi cùng Cốc Đế. Cốc Đế từ chối: “Chuyến đi lần này đường xá xa xôi, hiểm trở. Vừa rồi Tư Hoàng lão tướng đã nói, nếu giáp mặt với người Miêu, Lê, Nhung, Man e rằng sẽ có đôi chút trở ngại. Con chỉ là một tiểu cô nương, sao có thể đi cùng được chứ, như vậy chẳng phải là muốn nhân thêm nỗi lo lắng, mệt mỏi cho Trẫm hay sao?”
Mục đích của công chúa chỉ là muốn được đi đây đó ngao du thưởng ngoạn, mở rộng tầm mắt. Công chúa lúc này đã hai mươi tuổi, bản tính vốn yêu thích du lạc, sơn thủy vùng lân cận Bậc Đô cô đều từng đặt chân tới, song vẫn chưa thỏa mãn đam mê, rất muốn được đi đến khắp nơi trong thiên hạ. Năm trước khi Cốc Đế đi tuần, đúng lúc cô đang lâm bệnh nên không thể cùng đi, khiến mong mỏi càng thêm sâu sắc. Lần này Cốc Đế dự định đi tuần, cô đương nhiên sẽ không bỏ qua cơ hội. Công chúa có dung mạo xinh đẹp lại thông minh lanh lợi nên tất cả mọi người đều yêu quý, đặc biệt cô được Ác Bầu coi trọng như trân bảo. Lần này biết được ý nguyện của công chúa, Ác Bầu liền mở lời với Hoàng đế: “Mẫu thân nghĩ, con hãy cho phép công chúa đồng hành, Tứ phi cũng đi mà. Năm trước chẳng phải Chính phi, Thứ phi cũng có dịp được đi tuần hay sao? Dịp này cũng là cơ hội để hai mẫu tử họ được mở rộng tầm mắt. Tuy đường xá xa xôi lại hiểm trở gian nan, song có lão tướng Nghệ tháp tùng, chắc hẳn có thể yên tâm”. Cốc Đế nghe mẫu thân giao phó, không thể trái lời, đành thuận theo ý nguyện. Biết tin, Thường Nghi và công chúa vô cùng hân hoan vui mừng, đích thân chuẩn bị hết thảy hành lý.
Theo kế hoạch đã định, trước tiên Cốc Đế thông cáo cho toàn thể chư hầu phương nam, ước định ngày tháng gặp mặt tại Nam Nhạc, sau đó chọn ngày xuất phát. Thật không may, trước khi khởi hành một hôm, bỗng nhận được hung tin từ địa phương Hùng Tuyền, cấp báo rằng nơi đây đang xuất hiện khấu tặc phản loạn, khí thế vô cùng hung hãn, nhiều quan binh đã đến đó trấn áp song lần lượt thất bại. Sự tình cấp bách, thỉnh cầu triều đình nhanh chóng điều quân tiếp viện, nếu không sẽ không thể đảm bảo được an nguy cho bách tính.
Cốc Đế hay tin, lập tức triệu tập quần thần lên điện thương thảo đối sách. Kim Chính đề xuất: “Thần nghe nói, tướng sĩ của địa phương Hùng Tuyền vẫn luôn được tán dương về năng lực tinh nhuệ, nếu hôm nay thất bại trước khấu tặc, thì chắc hẳn trong hàng ngũ phản tặc đó sở hữu một người có bản lĩnh, ta không thể xem nhẹ coi thường. Chủ ý của thần là xin đề bạt Tư Hoành Nghệ thống lĩnh đoàn viện binh, như vậy mới chắc chắn lập nên công trạng, không biết ý Hoàng đế thế nào?”
Cốc Đế đáp: “Khanh nói rất đúng, Trẫm cũng có suy nghĩ như vậy”. Nghệ đáp: “Vấn đề quân sự, lão thần không dám thoái thác. Tuy nhiên hiện tại sắp đến ngày khởi hành tháp tùng hoàng đế đi tuần sát ở phía nam, thần không thể phân thân, thỉnh xin Hoàng Đế hoãn lại ngày xuất phát, đợi lão thần diệt khấu tặc khải hoàn trở về, có được không?”
Cốc Đế từ tốn: “Sự việc này cũng không nhất thiết phải vậy. Trẫm vốn dùng chữ tín để trị vì thiên hạ, ngày tháng nam tuần đã thông cáo cho toàn thể chư hầu, nay đột ngột thay đổi thì chính là thất tín, Trẫm luôn tâm niệm lấy trung thực đối đãi chư hầu, dùng nhân từ đối đãi bách tính, thiết nghĩ chuyến đi lần này cũng chưa hẳn sẽ gặp hiểm nguy bất trắc. Cho dù người Miêu, Man, Lê, Nhung có hành động đột kích, thì chư hầu và bách tính lân cận nhất định sẽ cứu viện tiếp sức cho Trẫm, vậy nên không có gì cần lo lắng. Hiện tại bách tính Hùng Tuyền đang rơi vào tình cảnh khổ cực lầm than, không được yên giấc, Trẫm vô cùng phiền muộn. Nếu đặt lên bàn cân so sánh, thì việc cứu giúp nhân dân Hùng Tuyền là nhiệm vụ cấp bách quan trọng hàng đầu, còn an nguy của Trẫm chỉ đứng ở vị trí thứ yếu mà thôi. Khanh hãy nhanh chóng lên đường!” Nghệ nhận được chỉ dụ, chỉ đành cúi đầu vâng mệnh, thống lĩnh tướng sĩ tức tốc di chuyển đến Hùng Tuyền ngay trong đêm hôm đó.
Sáng sớm hôm sau, Cốc Đế cùng Thường Nghi và công chúa từ biệt Ác Bầu, theo như ngày ấn định ban đầu khởi hành. Ác Bầu nhìn thấy bóng lưng công chúa lên đường, bất giác buồn rầu mà rơi nước mắt, giống như tình huống sẽ không còn gặp lại, quả thật không rõ nguyên cớ vì sao. Ba người bước ra khỏi cửa cung điện, cùng lên xe, ngoài năm trăm binh sĩ cùng đội ngũ tháp tùng, còn dẫn theo một chú chó tên là Bàn Hồ. Bàn Hồ to lớn phi thường, có tiếng gầm gừ và động tác nhào lên mạnh mẽ tựa như mãnh hổ vậy. Nó thường đi theo công chúa khi ở trong cung nên luôn bị gò bó hạn chế, nay được ra bên ngoài, có thể ngẩng cao đầu chạy nhảy, từ phía trước xe, ra phía sau xe, rồi đột nhiên chạy băng băng vào trong rừng rậm, dừng chân bên bờ suối nhỏ uống nước, dễ dàng nhận thấy sự phấn khích và dáng vẻ nhanh nhẹn hoạt bát của nó.
Công chúa từ trên xe quan sát, trỏ tay về phía Bàn Hồ rồi thủ thỉ với Cốc Đế: “Phụ thân từng nói lộ trình về phương nam gập ghềnh hiểm trở, e rằng sẽ gặp tai họa từ người Miêu, Man, Lê, Nhung. Bây giờ chúng ta đã có chú chó này bảo vệ, nếu họ dám tới, chắc chắn sẽ bị cắn 120 cái”. Dứt lời cất tiếng cười khúc khích, chiếc xe tiếp tục bon bon theo đại lộ thẳng tiến.
(Còn tiếp)
- Xem trọn bộ Thượng cổ bí sử
Theo Vision Times
Minh Ngọc biên dịch