Cốc Đế cùng Giản Địch đặt chân đến địa phận Hữu Nhung Quốc, phụ thân Giản Địch – Hữu Nhung Hầu hân hoan ra nghênh đón. Vì tiên liệu rằng Cốc Đế hoặc một tướng sĩ cấp cao sẽ có dịp đích thân ngự giá, để tỏ lòng tôn kính Hữu Nhung Hầu đã đặc biệt ra sắc lệnh cho xây dựng một tòa Cao Đài chín tầng, chờ dịp Cốc Đế giá lâm sẽ mời lên Cao Đài du lãm, tham quan.
- Tiếp theo Kỳ 8
Buổi tối hôm đó ông tổ chức bữa yến tiệc thiết đãi long trọng trên Cao Đài, Hữu Nhung Hầu phu nhân cùng tham gia, bầu không khí vô cùng náo nhiệt với các hoạt động khua chuông nổi trống, tấu nhạc xướng ca. Hai ngày sau, Cốc Đế tâm sự cùng Giản Địch: “Nàng hiếm có dịp trở về quê hương, đoàn tụ cùng phụ mẫu, trẫm dự định chuẩn bị một chuyến tuần sát về phương Tây, hành trình ước chừng trong nhiều ngày, nàng đợi Trẫm quay trở về đón nàng cùng hồi cung nhé”. Ngày hôm sau, Cốc Đế theo kế hoạch đã định bắt đầu xuất phát.
Thời gian này Giản Địch có nhiều ngày tháng được quây quần bên gia đình ruột thịt, vô cùng hạnh phúc. Giản Địch có một người em gái khoảng hai mươi tuổi, tên là Kiến Tì, tính cách vui vẻ, hoạt bát, thông minh và có đôi chút ham vui. Dịp này Giản Địch trở về thăm nhà, cô đặc biệt vui mừng, phấn chấn, gần như quấn quýt bên Giản Địch suốt ngày đêm, nếu không phải là trò chuyện, thì cũng cười nói hoặc bày trò láu lỉnh, tinh nghịch.
Vì sự có mặt của Cốc Đế nên đôi lúc cô vẫn còn e dè khi muốn tìm Giản Địch tâm sự và chưa thể thỏa thích thực hiện những kế hoạch mà mình sắp xếp. Vừa khéo dịp Cốc Đế về phía tây tuần sát, cô lập tức đề xuất với mẫu thân: “Tỷ tỷ nay đã trở thành hậu phi nương nương rồi, chúng ta tuyệt đối không thể sơ suất, cần khoản đãi cung kính mới phải lẽ”. Mẫu thân cười đáp: “Ngày tỷ tỷ trở về chẳng phải đã mở tiệc nghênh đón rồi sao, con còn muốn khoản đãi thế nào?” Kiến Tì phủ nhận: “Không phải, không phải, đó là yến tiệc dành cho Hoàng Đế, chứ đâu phải để chào đón hậu phi nương nương. Bây giờ cần tổ chức một lễ tiệc riêng cũng long trọng tương đương như thiết đãi hoàng đế vài hôm trước, như vậy mới được xem là chu đáo cung kính!” Giản Địch nghe thấy vậy, cười trừ rồi vội che miệng Kiến Tì lại mà nói: “Muội không được hồ đồ như vậy”. Kiến Tì tinh nghịch đẩy tay tỷ tỷ mà dứt khoát nói: “Hậu phi nương nương không cần khách khí, muội nhất định sẽ mở tiệc hoan nghênh khoản đãi”.
Suy nghĩ một hồi, mẫu thân cũng thuận ý nói: “Cũng tốt, cũng tốt mà, mấy hôm trước dù có dịp đến Cao Đài chín tầng, nhưng ta mới chỉ lên đó một lần, lại vào ban đêm, rồi bận hành lễ, quả thật không có thời gian để tận hưởng du lãm ngắm cảnh, hay là ngày mai gia đình chúng ta cùng lên Cao Đài dùng bữa trưa nhé”. Kiến Tì đáp: “Tốt quá tốt quá! Con thấy chuông trống nhạc khí vẫn còn lưu trữ trên Cao Đài. Trưa ngày mai chúng ta vừa thưởng thức mỹ thực, vừa tấu nhạc khua chuông nổi trống hoạt náo vui vẻ, chẳng phải là rất thú vị sao!” Sau đó cô liền trình bẩm với Hữu Nhung Hầu và nhận được sự đồng tình chấp thuận.
Đến hôm sau, mọi người cùng tập trung lên đài ngắm nhìn quang cảnh xung quanh, hướng về phía nam không thể thấy trọn vẹn đỉnh núi cao chót vót đang chờn vờn trong mây, phía trên tuyết phủ trắng xóa. Phía đông Ửu Trạch là sóng nước mênh mông vô bờ bến. Phía tây bắc thấp thoáng ẩn hiện một dải cát bồi xa xăm. Kiến Tì hướng tay trỏ về phía đó mà nói với Giản Địch rằng: “Tỷ tỷ, Hoàng đế đang ở bên kia kìa, tỷ có nhìn thấy không? Ngài đang ngày đêm nhớ mong tỷ đó”. Mọi người đang vui vẻ cười nói, bất chợt trông thấy một đôi chim yến đang tung cánh bay lượn thăng hạ trên bầu trời phía trước.
Mẫu thân Giản Địch thoáng chút ngạc nhiên: “Bây giờ đã xuất hiện chim yến rồi ư, tại sao năm nay chim yến lại bay đến sớm như vậy?” Giản Địch đáp lời: “Không phải mẫu thân à, là do tiết khí năm nay đến sớm. Dù trọng xuân (giữa xuân) mới bắt đầu, song kỳ thực tiết xuân phân đã cận kề, vì vậy chim yến đã bay đến rồi”. Kiến Tì lém lỉnh cười đáp: “Không phải, không phải, bởi vì Hoàng đế và Hậu phi nương nương sánh đôi giá lâm, vậy nên chúng mới song song xuất hiện, sớm mai còn muốn sóng đôi cùng bay đi”. Mẫu thân nghe vậy liền nghiêm nghị khiển trách: “Không được ngỗ nghịch như vậy, tại sao con có thể lấy chim yến so sánh với hoàng đế cơ chứ, thật là đại bất kính, Hoàng đế biết chuyện nhất định sẽ trừng phạt con”. Kiến Tì cười lớn, đang chuẩn bị phản ngôn thì cung nhân đến thỉnh mời mọi người vào dùng bữa. Lễ tiệc bắt đầu, Kiến Tì kiên quyết muốn đưa Giản Địch lên ngồi ở vị trí đầu tiên, Giản Địch từ chối: “Muội à, đừng hồ đồ nữa, chúng ta cùng dùng bữa thôi, trên thế gian này làm gì tồn tại đạo lý nữ nhi được ngồi trên mẫu thân cơ chứ?” Kiến Tì đáp: “Tỷ vốn là Hậu phi nương nương, đâu cần tuân theo đạo lý của nữ nhân bình phàm cơ chứ?” Trước thái độ kiên quyết không thuận theo của Giản Địch, Kiến Tì cũng đành bỏ cuộc.
Đang dùng bữa, Kiến Tì trông thấy nhạc cụ liền đề xuất: “Ở đây sẵn có nhiều nhạc khí đến vậy, chi bằng chúng ta hãy truyền một nhạc công tới, để họ tấu lên những nhịp điệu du dương”. Mẫu thân nghiêm mặt nhắc nhở: “Việc này tuyệt đối không thể được, chỉ khi thiên tử dùng bữa mới có thể tấu nhạc. Chúng ta làm như vậy há chẳng phải lạm quyền, phá vỡ lễ nghi của thiên tử hay sao? Nhất định không thể làm vậy được”. Kiến Tì cười đáp: “Bây giờ không có vấn đề gì cả, thiên tử dù không hiện diện nhưng hậu phi nương nương đang ở đây, cũng giống như thiên tử vậy, có gì mà phải e ngại chứ”. Mẫu thân xua tay nhất mực gạt đi: “Điều này tuyệt đối không thể được!” Kiến Tì lại đề xuất: “Vậy thì chúng ta sẽ thay đổi lại một chút, không khua chuông mà chỉ nổi trống, cũng không truyền nhạc công mà mời một cung nhân thay thế, bất luận thế nào hậu phi nương nương cũng thấp hơn thiên tử một bậc, có lẽ tiến hành như vậy sẽ không sao cả”. Dứt lời, bất chấp mẫu thân có cho phép hay không, cô lập tức gọi một cung nhân đánh trống, vừa dùng bữa vừa thưởng thức, khi nghe được thanh âm tiếng trống vang rền, cô cảm thấy vô cùng cao hứng mà thốt lên: “Hay quá, hay quá, sau này mỗi lần ta dùng bữa, nhất định sẽ truyền gọi ngươi đến đánh trống, cũng là một phương thức thư giãn hiệu quả”. Trông thấy những hành động của cô, mọi người có mặt hôm đó đều bất giác bật cười vui vẻ. Dùng bữa xong, tiếng trống cũng dừng. Mẫu thân hạ đài hồi cung trước, tỷ muội hai người nán lại tiếp tục ngao du ngắm cảnh và trò chuyện.
Đang chuẩn bị bước xuống đài, bất chợt đôi chim yến ban nãy cũng vừa bay tới. Kiến Tì gấp gáp gọi Giản Địch: “Tỷ tỷ, chúng ta bắt được chúng rồi!” Dứt lời, liền đưa tay ra giữ lấy.
Giản Địch trông thấy đôi chim yến vô cùng đáng yêu, nên cũng giúp Kiến Tì bắt lại. Chim yến vốn là một trong những loài chim có tốc độ bay nhanh nhất, về lý tuyệt đối sẽ không dễ dàng bị bắt, nhưng thật kỳ lạ đôi chim yến này lại luôn miệng kêu “Thụy ải thụy ải”, bay tới bay lui, nán lại ở phía đông một chút, nghỉ ngơi ở phía tây một chút, không bay ra khỏi tòa Cao Đài. Bỗng Kiến Tì bắt được một con, con còn lại cũng được một cung nhân chộp lấy. Trong lúc cấp bách, không tìm được vật chuyên dụng để nuôi giữ đôi chim yến, trùng hợp thay cạnh đó có một chiếc giỏ ngọc, mọi người tạm thời để đôi chim yến dưới đó rồi đậy lại. Kiến Tì lúc này chạy nhiều đến mức đôi má đỏ ửng, tiếng thở gấp gáp, nói với Giản Địch rằng: “Trong cung muội có một chiếc lồng sắt, có thể nuôi chim được.” Dứt lời liền truyền gọi cung nhân lập tức mang lồng sắt tới, Kiến Tì muốn he hé mở chiếc giỏ ngọc. Giản Địch nhắc nhở: “Muội coi chừng, đừng để chúng bay mất nhé!” Kiến Tì đáp: “Không thể, không thể”. Vừa nói, vừa nhẹ nhàng vén vén giỏ ngọc, không ngờ rằng đôi chim yến tựa như đang chờ đợi thời cơ, khi miệng giỏ dần dần hé mở, chúng nhanh chóng tìm cách thoát ra từ khe hở, bay vụt về hướng bắc, động tác dứt khoát đến mức khiến Kiến Tì té ngã, cô vô cùng hối hận. Giản Địch cũng không ngớt lời: “Thật đáng tiếc! Đáng tiếc!” Tuy nhiên sau khi mở chiếc giỏ ngọc ra, lại xuất hiện tiếng lanh canh lộp cộp của hai quả trứng nhỏ, tỷ muội hai người vừa trông thấy liền bắt đầu vui vẻ trở lại, hoan hỉ nói: “Chỉ trong chớp mắt đã sinh được hai quả trứng rồi, thật là kỳ lạ! Lẽ nào hai chim yến này không phải một đôi trống mái, mà đều là con mái ư?”
Vì trứng yến rất hiếm dịp xuất hiện nên các cung nhân xôn xao đến chiêm ngưỡng. Kiến Tì càng thêm hân hoan vui mừng, thủ thỉ với Giản Địch: “Tỷ tỷ, sự việc sáng nay mà chúng ta trải qua thật kỳ lạ và vô cùng hoan hỉ, chúng ta hãy cùng sáng tác một ca khúc để lưu lại dấu ấn kỷ niệm này nhé”. Giản Địch hoàn toàn tán đồng với đề xuất đó. Vậy là hai tỷ muội họ cùng bắt tay vào soạn thảo ca từ bài hát với tiêu đề “Yến yến bay đến”. Tương truyền rằng âm tiết của ca khúc này vô cùng tuyệt diệu, hậu duệ đời sau tôn xưng họ là người sáng lập Bắc Âm, tuy nhiên thời gian trôi đi, thật đáng tiếc là ca từ đã dần bị thất truyền. Người biên tập xin phép không bình phẩm, không đề cập đến.
Sáng tác xong, thời gian cũng không còn sớm nữa, tỷ muội họ mang theo hai quả trứng yến hồi cung. Hai ngày sau, vừa đến tiết xuân phân, khí trời ấm áp, cảnh xuân diễm lệ. Kiến Tì thỉnh xin mẫu thân cho phép cô được cùng Giản Địch đi ngao du ngắm cảnh ở miền ngoại ô. Mẫu thân từ tốn trả lời: “Mẫu thân cũng đang dự tính chút chuyện, tỷ tỷ của con trở thành hậu phí cũng đã nhiều năm rồi, song vẫn chưa sinh nở, đây quả thực là một việc vô cùng quan trọng và cấp thiết. Cách đây năm dặm có một Cao Âm Miếu, là miếu tế tự Nữ Oa nương nương, ta nghe nói vô cùng linh nghiệm. Ngày mai vừa đúng dịp tiết xuân phân, ta dự định sắp xếp cho tỷ tỷ con đến miếu bái tế Nữ Oa nương nương, thỉnh xin một nhi tử, con hãy cùng đồng hành nhé, đây cũng là điều tốt”. Bà quay sang hỏi ý Giản Địch: “Con thấy thế nào?” Giản Địch tuy có chút e ngại nhưng không đành lòng làm trái ý mẫu thân, hơn nữa câu chuyện về Khương Nguyên cầu tử ở Bế Cung mà sinh được một nhi tử cô ấy cũng biết, nên liền thuận theo, tiến hành trai giới thanh tịnh. Sáng hôm sau, mẫu thân cô sớm đã chu đáo chuẩn bị tế phẩm, tiễn biệt hai chị em lên đường. Đi đến vùng ngoại ô, liễu rủ xuống đôi bên mép nước, mây mù giăng trên núi, quang cảnh vô cùng diễm lệ, khiến lòng người nhẹ nhõm, vui tươi, thanh thản.
Tiếp tục di chuyển thêm chặng đường dài, lên đến một gò đất, quả nhiên xuất hiện một ngôi miếu hướng mặt về phía đông, tuy không quá đồ sộ, song vô cùng gọn gàng sạch sẽ. Tỷ muội hai người cùng bước vào, Giản Địch thành tâm cầu nguyện, sau đó nán lại trong miếu nghỉ ngơi một lát, cô tò mò hỏi đoàn người tháp tùng: “Gò đất này tên gọi là gì vậy?”
Đoàn tháp tùng đáp: “Gò đất này được gọi là Huyền Khâu. Phía bên dưới có một cái hồ mang tên Huyền Trì hoặc là Huyền Phố. Cũng bởi vì đáy nước quá sâu, thủy sắc lại màu đen, vậy nên họ mới lấy cái tên này”. Kiến Tì nghe thấy vậy, rất hiếu kỳ liền đưa Giản Địch cùng đi xuống gò quan sát. Quả nhiên trông thấy một hồ nước sâu rộng, lại có màu đen kịt, chiều dọc khoảng năm trượng, chiều ngang khoảng hơn tám trượng. Ở góc nghiêng hướng về phía nam xuất hiện một tấm bàn thạch bằng phẳng nhô lên khỏi mặt nước, cũng không rõ là do Tạo hóa hay là do con người hữu ý đặt để vào đó.
Giản Địch tiếp tục hỏi đoàn tháp tùng: “Nước trong hồ có dòng chảy lưu thông không?” Họ đáp: “Có dòng chảy lưu chuyển ạ. Lỗ hổng ở góc phía đông bắc chính là đường thông ra ngoài. Vì đây là nhất lưu nên mang tên gọi Hắc Thủy, hạ lưu trực tiếp chảy về Nhược Thủy. Một điểm đặc biệt là nước trong hồ có nhiệt độ ấm áp, bất luận khí hậu giá lạnh đến thế nào, cũng không thể kết thành băng, nhưng khi nhất lưu chảy ra bên ngoài thì nhiệt độ nước sẽ chuyển lạnh”. Kiến Tì nghe nói nước trong hồ là nguồn nước ấm, cảm thấy vô cùng kỳ lạ, liền nói với Giản Địch: “Trong thiên hạ lại có nguồn nước ấm nóng, thật là hiếm thấy!” Giản Địch đáp lời: “Có gì mà hiếm gặp kia chứ? Thiên hạ bao la rộng lớn, nguồn suối nước ấm nhiều vô kể. Tháng trước tỷ nghe Hoàng đế kể lại, tại địa phương Lương Sơn cũng có một suối nước nóng, Hoàng đế còn từng ngâm mình tắm gội ở đó”.
Kiến Tì hiếu kỳ: “Còn có thể tắm gội sao?” Giản Địch đáp: “Đương nhiên là có thể tắm gội. Tỷ còn nghe nói, một số người mắc bệnh ngoài da còn thường tắm trị bệnh”. Kiến Tì liền thủ thỉ: “Muội từ sáng nay khởi hành đến giờ, suốt hành trình toàn thân ướt đẫm mồ hôi, quả thật rất khó chịu, chúng ta xuống hồ ngâm mình tắm gội một chút được không, cũng hiếm có dịp mà”. Giản Địch bật cười nói: “Muội đừng hồ đồ, không mắc bệnh ngoài da, muội tắm hồ nước ấm làm gì? Huống hồ giữa thanh thiên bạch nhật, đoàn người tháp tùng đều có mặt ở đây, hai tỷ muội ta vốn thân phận nữ nhi lại tháo bỏ xiêm y xuống hồ tắm gội, còn ra bộ dạng gì nữa?” Kiến Tì đáp: “Tắm gội cũng chỉ là cái cớ để trải nghiệm chơi đùa chút thôi, tỷ nói muội không có bệnh ngoài da, chẳng lẽ Hoàng đế trên núi Lương Sơn tắm gội cũng là vì mắc bệnh ngoài da hay sao? Về phần đoàn người tháp tùng, ta có thể hạ lệnh cho họ rời đi, không cho phép lưu lại gần đây. Còn bách tính nếu biết nữ nhi của quốc quân, hậu phi của đế vương đang ở đây, họ tuyệt đối sẽ không lui tới, vậy có gì mà phải sợ?” Sau đó không ngớt lời năn nỉ “Tỷ tỷ tốt, tỷ tỷ tốt”, Giản Địch bất lực, đành chiều theo ý cô ấy. Trước tiên ra lệnh cho hạ nhân rời đi, giao trách nhiệm cho họ ở bên ngoài canh chừng, tạm thời ngăn cản bách tính đến gần khu vực này dạo chơi. Sau đó hai tỷ muội mới tháo bỏ y phục xuống hồ.
Nước trong hồ quả nhiên rất ấm áp, Giản Địch dặn dò Kiến Tì: “Muội nên cẩn trọng một chút, đây không phải là chuyện đùa! Tỷ thấy bên kia có một khối đá bằng phẳng, đáy nước chắc hẳn nông hơn một chút, chúng ta cùng qua đó tắm nhé”. Kiến Tì thuận theo, bơi sang đó, quả thật nước nông hơn, bất quá cũng chỉ đến bắp đùi.
Trong lúc hai tỷ muội ngâm mình, đột nhiên xuất hiện một đôi chim yến bay lượn qua lại trên mặt hồ. Kiến Tì thủ thỉ với Giản Địch: “Tỷ Tỷ, đôi chim yến hôm trước lại bay tới kìa”.
Giản Địch thắc mắc: “Sao muội có thể khẳng định chính là đôi chim yến hôm trước?” Kiến Tì đáp: “Muội cảm thấy có chút thân thuộc, hơn nữa muội nghĩ có thể vì không lạ lẫm với tỷ muội ta nên chúng mới không chút sợ hãi mà bay lượn sát về phía chúng ta đến vậy!” Giản Địch bất giác bật cười trước suy nghĩ ngây ngô của muội muội, bỗng đôi chim yến bay đến đậu trên mặt phiến đá bằng phẳng, khoảng cách rất gần Giản Địch. Kiến Tì hô lên: “Tỷ Tỷ, nhanh nhanh bắt lấy chúng đi!” Giản Địch từ tốn: “Chúng ta tắm gội ở đây, làm sao bắt được chim yến cơ chứ? Nếu bắt được, cũng không có vật dụng để nuôi giữ chúng!” Kiến Tì đáp: “Không sao cả, muội đã có cách”. Giản Địch vừa đưa tay ra, định bắt lấy, nhanh như cắt đôi chim yến lập tức vụt bay đi, chỉ để lại một quả trứng ngũ sắc, lanh canh lung linh trên mặt phiến đá bằng phẳng, trông vô cùng đáng yêu. Giản Địch thoạt nhìn, cảm thấy có đôi chút kinh ngạc liền đặt lên tay ngắm nghía, tuy nhiên vì đang tắm gội, nên không tìm được nơi an toàn để cất giữ quả trứng, còn đang suy nghĩ do dự, bỗng Kiến Tì hét lớn: “Tỷ tỷ cẩn thận, không được để vỡ nhé, muội nghĩ hay là tỷ tỷ tạm thời ngậm trong miệng, sau khi lên đến bờ, ta sẽ lấy ra”. Giản Địch cân nhắc một lúc, rồi thuận theo, ngậm quả trứng trong miệng.
Khi quay trở lại gần đến bờ hồ, bất chợt trông thấy Kiến Tì ở phía trước vấp phải một viên đá lớn, tưởng như sắp ngã nhào, Giản Địch lo lắng mà vội vàng muốn gọi thật to muội muội, nhất thời không lưu ý, quả trứng yến trong miệng đã nuốt xuống yết hầu rồi.
Giản Địch cảm nhận được một luồng hơi ấm nóng từ lồng ngực truyền xuống hạ bộ, lập tức toàn thân mềm nhũn rã rời, dần dần chuyển sang trạng thái khó chịu không thoải mái. Cô tập trung định thần lại, trấn tĩnh tâm tư, gắng gượng từng bước từng bước lên trên bờ. Lúc này Kiến Tì đã lên trước, đang lau người và thay y phục, còn trách móc Giản Địch: “Tỷ tỷ, sao tỷ lại đi chậm như vậy chứ? Quả trứng chim yến ngũ sắc đó có thể giao cho muội rồi chứ?” Kiến Tì không hay biết rằng Giản Địch lúc này hữu khí vô lực, bước không nổi lên bờ, lại càng không thể mở miệng đáp lời.
Kiến Tì nhận thấy có chút bất thường, vội vàng tiến lại dìu đỡ tỷ tỷ, miệng không ngớt lời hỏi han: “Tỷ tỷ, khuôn mặt tỷ sao lại ửng đỏ lên như vậy, thần khí vô cùng uể oải, hẳn là có gì đó khó chịu trong người phải không?” Giản Địch khẽ gật đầu, tiếp tục mặc y phục. Kiến Tì đưa tay đến gần miệng Giản Địch để lấy quả trứng yến, Giản Địch liên tục lắc đầu, không nói được thành lời. Kiến Tì cũng chẳng thể lý giải được nguyên cớ, chỉ đành ngơ ngác nhìn cô ấy.
Một lát sau, Giản Địch mặc lại xiêm y, thần sắc lúc này cũng dần khôi phục, liền than trách Kiến Tì: “Đều do muội đi lại không cẩn trọng, quẩn chân té vấp, khiến tỷ tỷ sốt ruột, thảng thốt mà nuốt quả trứng yến xuống yết hầu rồi, đến bây giờ nhip tim của tỷ vẫn còn đập rất nhanh đây!” Kiến Tì thoáng chút thất vọng: “A yo! Tại sao lại nuốt xuống bụng mất tiêu rồi? Đáng tiếc đáng tiếc! Tuy nhiên theo như muội biết thì trứng yến vô hại, nếu lỡ nuốt vào cũng sẽ tiêu hóa, không gây tổn hại gì cả. Tỷ tỷ có thể yên tâm!” Giản Địch thủ thỉ: “Muội khiến tỷ bị doạ một phen nôn nóng, bây giờ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, chúng ta hãy cùng trở về nhà thôi”.
Kiến Tì vâng lời, tập hợp đoàn tháp tùng nhanh chóng hồi cung, vừa về đến nhà cô đã tóm lược toàn bộ diễn biến của chuyến ngao du thuật lại với mẫu thân.
Đêm hôm đó, có lẽ vì ban ngày nuốt trứng yến nên cảm giác vô cùng khác lạ, Giản Địch ủ rũ mệt mỏi nằm nghỉ từ rất sớm. Kể từ đó, bất tri bất giác cô mang thai. Vì vậy, hậu nhân làm thơ, có hai câu là: “Thiên mệnh huyền điểu, giáng thế sinh thương”, chính là điển cố này. Mãi cho đến bốn ngàn năm sau, hoàng đế đất nước Mãn Châu nhắc đến lão tổ tông của họ, kể rằng ban đầu có ba nữ tử đang tắm gội trong hồ, gặp được đôi dị điểu, một hạt chu quả rớt xuống trước mặt họ, một nữ tử nhặt hạt chu quả đó lên nuốt vào trong dạ, sau đó mang thai mà hạ sinh được lão tổ tông của hoàng đế Mãn Châu, chắc hẳn vẫn còn những cuốn sách cổ ghi chép lại câu chuyện đó.
Về hành trình của Cốc Đế, sau khi lên đường, trước tiên họ di chuyển lên núi Bất Châu sơn, thăm quan tưởng niệm di tích Cộng Công Thị xúc tử. Rồi tiếp tục theo hướng tây đến Nhai Sơn, nơi đây trên núi phủ bạt ngàn loại đan mộc viên diệp hồng hoa, vô cùng diễm lệ. Theo như lời người bản xứ, đan mộc là loài hoa mang sắc vàng, ra trái màu đỏ mọng với mùi vị vô cùng ngọt ngào, khi thưởng thức sẽ mang lại cảm giác no lâu, không cảm thấy đói trong suốt một khoảng thời gian dài. Cốc Đế tâm đắc: “Loại trái cây này thật có ích, chỉ đáng tiếc lúc này vẫn chưa ra trái, nên ta không có dịp nếm thử. Điều đáng tiếc hơn nữa là loại cây này chỉ sinh trưởng tại nơi đây, nếu có thể nhân giống trồng trọt tại nhiều địa phương khác thì quả thực có thể đem lại càng nhiều giá trị cho bách tính, đặc biệt là khi gặp nạn mất mùa”.
Quan viên tháp tùng liền đề xuất: “Hoàng đế, vậy tại sao chúng ta không di dời mấy gốc cây, mang đến Đô Thành trồng thử?” Cốc Đế từ tốn đáp: “Trẫm cũng có suy nghĩ giống như vậy, chỉ có điều mỗi loại cây cối như thế này đều có đặc tính riêng, đều có một thổ nghi riêng, nếu ta đột ngột thay đổi thổ nhưỡng, thay đổi điều kiện nuôi dưỡng, thì chúng không thể sống được; giả sử có thể tồn tại, thì công dụng lợi ích của chúng cũng không được bảo toàn trọn vẹn. Trẫm không rõ đặc tính của loại đan mộc này như thế nào? Có thể cấy ghép được không? Khanh hãy tìm một người bản xứ để hỏi rõ nhé!” Quan viên tháp tùng nhận lệnh rồi rời đi.
Lát sau, quan viên đó trở về cùng một người bản xứ, Cốc Đế hỏi anh ta về đặc tính của đan mộc, người bản địa đáp: “Loại đan mộc này quả thật rất khó nuôi trồng, trong quá trình chăm sóc phải liên tục tưới nước ngọc cao, duy trì đều đặn trong vòng năm năm thì màu sắc của cây mới đầy đủ ngũ thái quang tiên, mùi vị của trái quả mới thơm ngát ngọt ngào, mang lại cảm giác no lâu, chống đói. Giả sử không tưới nước ngọc cao, thì không thể sống được; nước ngọc cao cung cấp không đủ, cũng không thể tồn tại được.” Cốc Đế thắc mắc hỏi lại: “Ngọc cao là thứ gì vậy? Chúng được sinh ra ở đâu?”
Người bản xứ trả lời: “Ngọc cao chính là tinh túy kết tinh từ ngọc, sinh ra ở phía tây Tắc Trạch. Tất cả ngọc ngà bên trong Tắc Trạch đều do ngọc cao kết thành. Theo như lời kể của các thế hệ tiền bối truyền đạt lại, mùi vị của ngọc cao cũng tựa như mỹ tửu, con người uống nhiều có thể trường sinh bất lão. Tuy nhiên, ngọc cao sinh ra từ nơi đó không phải là tốt nhất, ngọc cao hảo hạng bắt nguồn từ trên đỉnh núi Thiểu Thất Sơn và Hoa Sơn, người ngao du nào may mắn được uống, có thể lập tức trở thành Thần Tiên”. Cốc Đế tiếp tục hỏi: “Vậy những cây đan mộc hiện đang có ở đây, đều không phải do các khanh trồng sao?” Người bản địa đáp: “Không phải, đều là do thế hệ tiền bối trước đây đã trồng”. Cốc Đế tiếp lời: “Khanh tại sao lại không trồng?” Người bản xứ đáp: “Bởi vì ngọc cao vô cùng hiếm có! Nguồn gốc của ngọc cao ở phía tây nam Tắc Trạch, ngày trước rất phong phú dồi dào, nhưng hiện tại không còn nhiều nữa, vậy nên đan mộc cũng không thể tiếp tục được trồng”.
Cốc Đế đã hiểu được nội tình: “Thì ra là như vậy”. Sau đó truyền lệnh đưa người bản xứ trở về nhà, Cốc Đế trong lòng thầm nghĩ: “Loại ngọc đó chắc hẳn là một linh vật, ta cũng đâu ngại một chuyến đi thám hiểm cơ chứ”. Chủ ý đã quyết, liền hạ lệnh cho đoàn tháp tùng, men theo đường mòn thẳng về hướng Tắc Trạch. Nhìn về phía tây trước mắt là một vùng đất xa xăm, cũng không rõ diện tích to nhỏ thế nào. Cốc Đế chỉ thị: “Theo như lời người bản xứ, khởi nguyên của ngọc cao ở phía tây nam Tắc Trạch, vậy chúng ta hãy men theo hướng tây nam mà tìm kiếm”. Sau hai ngày di chuyển, trải qua những chặng đường gập ghềnh hiểm trở, họ phát hiện thấy một tấm bi văn tại Tắc Bàng, trên đó khắc chín câu thơ với nội dung: “Viên ngọc quý tựa như người lương thiện. Kiên định tinh túy, giữa trạch đầm vẩn đục mà tỏa hào quang. Ngũ sắc phát sáng, dung hòa nhu cương. Thiên địa quỷ thần, là thực là hưởng, phục tùng Quân tử, chống lại tà ác”.
Cốc Đế đọc xong thầm nghĩ: “Chiểu theo những câu thơ này mà nhìn nhận, thì những thứ sinh ra từ trong trạch này không nhất định đều là ngọc quý, hoặc là một loại ngọc, cứng chắc hơn ngọc bình thường một chút, cũng không biết chừng”. Ông lập tức hạ lệnh cho đoàn tháp tùng tiếp tục kiếm tìm ở đôi bên mép nước, sau một hồi lâu, quả nhiên tìm được một vật tựa như đá mà không phải là đá, giống như ngọc nhưng cũng phải là ngọc. Khi soi dưới ánh mặt trời mà quan sát, hào quang lấp lánh rực rỡ, hơn nữa đặc biệt cứng chắc. Đồng thời hai người khác cũng tìm được vài miếng ngọc, một miếng màu đen, những miếng còn lại màu trắng. Cốc Đế đặt miếng bạch ngọc trên tay, mài mài cọ xát một lực nhẹ lên viên ngọc giống như ngọc mà cũng không phải là ngọc, đột nhiên miếng bạch ngọc phân thành hai nửa. Mọi người vô cùng kinh ngạc: “Thật là lợi hại!” Cốc Đế nói: “Vật này theo như nội dung trên tấm bi văn ‘Phục tùng quân tử, chống lại tà ác’, Trẫm sẽ mang theo bên mình”. Dứt lời, lại tiếp tục truyền lệnh tìm kiếm theo hướng tây nam.
Không thể ngờ rằng, càng di chuyển càng gặp nhiều gian nan, trước một dải mênh mông sóng nước, không con đường nào có thể băng qua. Cốc Đế hạ chỉ: “Hiện tại xuân thủy phương sinh, nguồn nước trong trạch dồi dào, xem ra không thể đi qua, đành để sau này tìm kiếm vậy”. Rồi ra hiệu lệnh cho đoàn tháp tùng lên đường trở về. Qua nhiều ngày sau, đã an toàn đặt chân đến địa phận Nhung Quốc, Giản Địch lúc này mỗi khi dùng bữa thường có biểu hiện ốm nghén, thích thưởng thức những đồ ăn có vị chua.
Cốc Đế biết cô mang thai, vui mừng khôn xiết, thủ thỉ hỏi cô rằng: “Thời gian thăm hỏi phụ mẫu cũng đã kéo dài, nay Trẫm muốn cùng nàng hồi cung, vậy ý nàng thế nào?” Giản Địch đáp: “Thiếp đương nhiên thuận ý theo bệ hạ trở về”. Đêm hôm đó, Giản Địch tâm sự ý nguyện của hoàng đế cho phụ mẫu. Vợ chồng Nguyên Hầu dù yêu thương ái nữ hết lòng, song trước ý chỉ của hoàng đế, cũng không cố chấp giữ hai người ở lại. Riêng Kiến Tì sau khi biết chuyện, cảm giác như sét đánh ngang tai, trong lòng vạn phần buồn bã mà rơi nước mắt. Giản Địch an ủi: “Tỷ lần này hồi cung, qua một hai năm nữa là lại có thể hồi hương rồi. Muội ở nhà phụng dưỡng chăm sóc phụ mẫu, đừng nôn nóng chờ mong. Hôm qua hoàng đế tặng tỷ một viên hắc ngọc, nói rằng tìm thấy trong Tắc Trạch, vốn là một bảo vật, tỷ tặng lại cho muội nhé”. Dứt lời, cô lấy viên ngọc từ trong túi áo trao cho Kiến Tì. Vốn là cốt nhục ruột thịt đã nhiều năm xa cách, vừa đoàn tụ được hai tháng, nay lại phân ly, trong lòng vô cùng hụt hẫng, quả thật không thể ngăn dòng lệ đang tuôn rơi lã chã.
Hai ngày sau, Nguyên Hầu tiến hành mở tiệc thiết đãi, tiễn biệt Cốc Đế trên Cao Đài chín tầng; Đồng thời Kiến Tì cùng mẫu thân cũng tổ chức lễ chia tay Giản Địch trong hoàng cung, huyên náo suốt một ngày. Hôm sau, Cốc Đế cùng giản Địch thẳng hướng Thai Quốc mà bắt đầu khởi hành.
(Còn tiếp)
- Xem trọn bộ Thượng cổ bí sử
Theo Vision Times
Minh Ngọc biên dịch