Vào thời nhà Thanh, có một người Hồ Nam làm nghề buôn bán hàng hóa ở Hán Khẩu gọi là Giáp mỗ. Vào năm Đạo Quang thứ 30, thổ phỉ phát động cuộc nổi dậy ở Quảng Tây. Sau đó, thổ phỉ bất ngờ đến Hồ Nam, vợ chồng Giáp mỗ phải trốn về nông thôn để ẩn náu. Vợ là mỗ Thị có nhan sắc, hai vợ chồng tình cảm sâu sắc. Vì vội vã bỏ trốn không mang theo nhiều tiền tài, nên sau khi thổ phỉ rút lui, Giáp mỗ không còn tiền để duy trì sinh kế, nên đã treo cổ tự vẫn.
Sau khi người vợ phát hiện ra, nàng lao tới cứu chồng, đỡ chồng lên giường. Phải một tiếng sau người chồng mới tỉnh lại. Người vợ khóc và hỏi: “Tại sao mình lại làm điều này? Em phải làm gì nếu mình chết?” Giáp mỗ thở dài và nói: “Tôi làm điều này chỉ vì em. Đàn ông không thể tự lập, tự mình chết đói, đó là chuyện tự mình phải gánh chịu. Nhưng lại liên lụy đến em phải chịu khổ, tôi trong tâm rất bất an. Hơn nữa em vẫn còn trẻ, vẫn còn có sự lựa chọn khác, tôi hy vọng một ngày nào đó em sẽ không quên cố nhân, mỗi năm dùng một bát cơm nghênh gió chiêu hồn tôi, tôi sẽ cảm ơn bất tận, đây là điều tôi thực sự nghĩ tới. Nếu hai người chúng ta lựa chọn ở bên nhau, thì cả tôi và em đều chết, đối với ai cũng đều không có chỗ tốt!”
Người vợ nói: “Sao mình lại nghĩ nhiều thế! Thay vì để em chết theo mình, sao mình không lùi lại một bước mà nghĩ, nếu mình bán em lấy tiền, mình có thể dùng số tiền đó mưu sinh. Đây chẳng phải là điều toàn mỹ nhất cho cả đôi bên sao?” Giáp mỗ nói: “Đúng vậy, nhưng chỉ cần tôi còn một hơi thở, thì tôi thực sự không nỡ làm điều đó!” Người vợ nói: “Đây là điều bản thân em muốn làm, đối với mình có gì phải phàn nàn đây?” Sau nhiều lần thương nghị, bà mối cải giá cho vợ của Giáp mỗ lấy Giả mỗ, một doanh nhân giàu có ở Hán Khẩu.
Gia đình Giả mỗ bán than qua nhiều thế hệ, trong nhà có rất nhiều tiền tài. Khi quân thổ phỉ Quảng Tây đến, mẹ, vợ và con trai nhỏ của ông đều bị bọn thổ phỉ bắt cóc. Sau khi bọn thổ phỉ ở Hồ Bắc và Hồ Nam bị tiêu diệt, ông lấy số tiền cất giữ trong hầm để tổ chức lại công việc kinh doanh cũ, đồng thời nhờ bà mối giúp ông tìm một người vợ thứ hai, vừa khớp là vợ của Giáp mỗ. Sau khi vào phòng, ông lén nhìn thấy vợ mới trẻ tuổi đang thập phần bi thương. Đến lúc chuẩn bị đi ngủ, chỉ thấy nàng ngồi quay lưng vào ngọn nến mà khóc lóc. Giả mỗ ngạc nhiên hỏi: “Nương tử sao bi thương đến vậy? Lẽ nào nàng hận tôi ngu sao?”
Mỗ Thị đứng dậy nức nở nói: “Thiếp chỉ than cho mình bạc mệnh. Sao thiếp dám ghét bác? Hồi tưởng lại bản thân cùng chồng cũ, từ khi thành hôn đến nay chúng tôi đều tôn kính nhau, giữa vợ chồng chưa từng có sự tình bất hoà nào. Hôm nay đột nhiên rời xa chàng mà cải giá cho bác, vợ chồng bao năm giờ ly biệt, không biết chồng cũ lúc này ra sao? Trước mặt người mới mà lại nghĩ đến tình cũ mà buồn thương, thực sự là không tự chủ được, chỉ hy vọng bác có thể thông cảm và tha thứ, thiếp cảm thấy được an ủi.”
Giả mỗ kinh ngạc nói: “Nương tử nguyên là có chồng rồi sao?” Đối phương đáp: “Dạ vâng.” Giả mỗ lại hoi: “Bà mối lừa ta! Bà mối lừa ta! Nếu không phải nương tử nói ra, tôi dường như đã mắc bẫy rồi! Thật bất nghĩa!” Vì vậy, ông an ủi nàng và bảo nàng đừng buồn. Ông nói rằng sáng hôm sau ông sẽ đưa nàng về với người chồng ban đầu của mình, và tặng họ một trăm đồng tiền làm quà. Mỗ thị nghe xong không cầm được nước mắt, lập tức cúi đầu cảm tạ. Giả mỗ gọi nữ đầu bếp đến bầu bạn với mỗ Thị, còn bản thân ngủ một mình ở phòng ngoài với cây nến.
Rạng sáng, ông ra lệnh cho bà mối gọi cho Giáp mỗ, giải thích ý định của mình, nhờ bà mối đưa mỗ Thị về. Giáp mỗ cảm động rơi nước mắt. Sau khi hỏi thăm, Giả biết Giáp mỗ là người giỏi làm ăn, nên đưa cho Giáp mỗ 200 tiền làm vốn để trang trải chi phí kinh doanh và sinh hoạt. Hai vợ chồng Giáp mỗ vui mừng khôn xiết, liên tục bái tạ họ mà về.
Mỗ Thị nói với Giáp mỗ: “Thiếp nghe thụ ân tất báo. Giả mỗ tình nghĩa cao thượng hiếm có, mình nên nỗ lực kiếm tiền, sau này nhất định phải báo đáp ông ấy.” Giáp mỗ gật đầu nói: “Em nói thật đúng!” Đến cuối năm, sau một thời gian kinh doanh nhỏ, họ kiếm được lợi nhuận gấp bội. Người vợ bảo nhất định phải đem phần lợi tức này đi trả ơn Giả mỗ, Giáp mỗ đã làm theo lời vợ.
Giả mỗ cao hứng nói: “Cậu quả là giỏi kiếm tiền mà! Đáng tiếc số vốn quá ít, hy vọng có thể gia tăng. Tôi cấp cho cậu thêm hai nghìn tiền làm vốn, hy vọng cậu có thể tạo nên sự khác biệt lớn hơn. Bây giờ, với số tiền ít ỏi này, xin hãy giữ lấy và làm việc chăm chỉ. Một năm nữa tôi sẽ nghe tin vui từ cậu.”
Giáp mỗ bái tạ từ biệt Giả mỗ, mang theo số tiền đến Trường Sa. Vì lúc đó gạo Hồ Nam giá rẻ, buôn gạo Hồ Nam có thể mang lại lợi nhuận khổng lồ, nên Giáp mỗ đã mua một con tàu rất lớn để chở gạo. Khi Giáp mỗ chuẩn bị lên đường, thì gặp quân đội Hồ Nam đang đi tiếp viện An Huy, tàu của Giáp mỗ bị một nhóm binh sĩ chiếm cứ. Khi họ đến Vũ Xương, Giáp mỗ cầu xin vị tướng này, đề nghị trả tiền mua một con tàu khác để đổi. Thấy tàu của Giáp mỗ rất rộng rãi, tướng quân ra lệnh cho binh lính rút lui, còn bản thân lại ngồi trên tàu, Giáp mỗ không còn cách nào khác, đành nghe lời họ.
Vị tướng này rất thích tính cách của Giáp mỗ. Sau khi đến Vạn Thành, ông nhanh chóng chiếm được Vạn Thành. Mỗi doanh trại cần rất nhiều lương thực, tướng quân đã giúp Giáp mỗ bán lương thực cho từng doanh trại, thu được lợi nhuận khổng lồ. Khi đó, có rất nhiều phụ nữ bị bọn thổ phỉ bắt cóc. Giáp mỗ thỉnh cầu tướng quân, dùng hơn 100 tiền mua một người phụ nữ khoảng ba mươi tuổi. Cô ấy còn có một bà mẹ già và một đứa con đồng hành, đưa họ về để báo đáp Giả mỗ.
Sau khi trở về Hán Khẩu, ông chuẩn bị của hồi môn, chọn ngày lành tháng tốt, bảo vợ đưa người phụ nữ đó đến nhà Giả mỗ. Vừa xuống xe, người phụ nữ và Giả mỗ gặp nhau, không khỏi ôm lấy nhau khóc lóc thảm thiết. Người phụ nữ đó không ai khác chính là vợ của Giả mỗ, người bị bọn thổ phỉ bắt cóc. Vợ Giáp mỗ nghe tin thì mừng rỡ chúc mừng. Giả mỗ hỏi thăm tình trạng của vợ, càng vui hơn khi biết mẹ và con trai nhỏ vẫn bình an vô sự. Mẹ già và con trai nhỏ của ông không ai khác chính là bà lão và đứa trẻ đi cùng người phụ nữ này. Giả mỗ nhanh chóng nhờ người đưa hai mẹ con về nhà, gia đình đoàn tụ, vui buồn lẫn lộn, chuẩn bị yến tiệc để tế tự, mời các nghệ nhân đến biểu diễn để báo tạ Thượng Thiên bảo hộ. Từ đó trở đi, gia đình Giả và Giáp trở thành bạn tốt của nhau, họ thường xuyên qua lại với nhau và có một tình bạn sâu sắc, giống như người một nhà.
Nguồn: “Lan điều quán ngoại sử”.
(Ảnh đại diện: Hoàng Bỉnh Trung thời nhà Minh, do Bảo tàng Cố Cung Quốc gia Đài Loan cung cấp)
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch