Khi Trần Triều Phụng nhìn thấy chiếc túi vải, đó là chiếc túi mà ông đánh mất, ông không thể ngờ rằng có người giao tài sản bị mất đến tận cửa nhà mình. Trần Triều Phụng không yên lòng, khăng khăng muốn chia đôi nó với Lã Ngọc, nhưng Lã Ngọc không muốn nhận tiền tạ lễ…
Ở huyện Vô Tích, phía nam sông Giang Nam, có một gia đình nhỏ họ Lã. Ba anh em được đặt tên là Lã Ngọc, Lã Bảo và Lã Trân. Anh cả Lã Ngọc kết hôn với Vương thị, anh hai Lã Bảo kết hôn với Dương thị, và anh ba Lã Trân vẫn chưa kết hôn.
Vương thị sinh được một con trai, tiểu danh là Hỉ Nhi. Khi lên sáu tuổi, Hỉ Nhi theo một anh hàng xóm đi xem Thần hội, và bị người ta bắt cóc. Hai vợ chồng họ đăng bố cáo tìm con trai, liên tục tìm kiếm mấy ngày liền cũng không phát hiện bóng dáng con trai. Lã Ngọc vừa bực vừa hận, không thể ngồi yên ở nhà, bèn tới nhà một phú hộ mượn hai lượng tiền làm vốn buôn vải bông, vừa bán vừa tìm kiếm tung tích của con trai.
Mỗi năm, anh đều tháng Hai xuất hành, đến tháng Tám và tháng Chín lại về nhà, sau đó thu mua bông vải mới và tiếp tục bán. Sau bốn năm liên tục, Lã Ngọc đã chắt chiu được một số lợi tức từ công việc vất vả của mình, nhưng vẫn mãi chưa tìm được con trai. Đến năm thứ năm, Lã Ngọc lại nói lời chia tay với người vợ Vương thị và quay trở lại công việc kinh doanh.
Lần này sau khi rời đi, Lã Ngọc đã lưu lại Sơn Tây trong nhiều năm. Sau khi tất toán các khoản, anh chuẩn bị quay trở về nhà. Một buổi sáng, trên đường đến Trần Lưu, ngẫu nhiên nhặt được một chiếc túi vải nặng. Khi mở ra xem, anh thấy bên trong đầy bạc trắng, ước chừng hai trăm lượng. Lã Ngọc chợt nghĩ đến gia chủ đánh mất túi tiền này, nhất định trong lòng như lửa đốt. Anh không muốn chiếm hữu số tiền đó, liền đứng lại bên đường chờ gia chủ mất đồ quay lại. Nhưng đợi cả một ngày cũng không thấy có người đến, ngày hôm sau anh phải lên đường, đi hơn 500 dặm tới Nam Túc Châu.
Đêm đó, khi đang tá túc trong nhà trọ, anh gặp một thương gia tên là Trần Triều Phụng, người mở một cửa hàng ngũ cốc ở Dương Châu. Hai người cùng trò chuyện về sinh ý giang hồ. Trần Triều Phụng kể rằng mình đã bất cẩn làm mất một túi vải màu xanh lá cây ở Trần Lưu vào năm ngày trước, trong đó có hai trăm lượng bạc. Mãi đến tối khi đi ngủ, mới biết rằng túi tiền đã bị mất tích. Họ Trần cho rằng đã qua một ngày, chắc có người nhặt được rồi, quay lại tìm cũng chẳng ích gì, đành phải tự nhận mình xui xẻo.
Lã Ngọc nghe xong, mượn lời muốn tiễn Trần Triều Phụng đến Dương Châu, thuận đường ghé thăm cửa hàng. Trần Triều Phụng đồng ý. Sáng hôm sau, cả hai cùng nhau lên đường. Chưa hết một ngày đã đến Dương Châu. Đến cửa hàng của họ Trần, Lã Ngọc đề cập đến việc mất bạc ở Trần Lưu và hỏi Trần Triệu Phụng tài sản bị mất trông như thế nào. Trần Triều Phụng mô tả không sai chút nào. Lã Ngọc tâm lý minh bạch, biết rằng cái túi vải xanh chính là của họ Trần, liền lấy ra trả lại.
Khi Trần Triều Phụng nhìn thấy chiếc túi vải, đó là chiếc túi mà ông đánh mất, ông không thể ngờ rằng có người giao tài sản bị mất đến tận cửa nhà mình. Trần Triệu Phụng không yên lòng, khăng khăng muốn chia đôi nó với Lã Ngọc, nhưng Lã Ngọc không muốn nhận tiền tạ lễ. Trần Triều Phụng cảm kích không thôi, vội vàng bày tiệc rượu đáp tạ quý nhân. Ông tự nghĩ: Thật hiếm khi gặp được người tốt như Lã Ngọc, ân đức như vàng, thật khó báo đáp. Ông có một cô con gái mười hai tuổi, muốn nhân dịp này kết thân với Lã Ngọc. Vì vậy trong bữa tiệc, liền hỏi Lã Ngọc có con trai không?
Nghe đến đây, Lã Ngọc đã bật khóc và kể về sự việc con trai mình đã mất tích như thế nào. Mãi đến giờ vợ vẫn chưa có con, nên anh đang tính nhận một người con nuôi để chiếu cố lúc tuổi già. Trần Triều Phụng kể rằng có một người hầu nhỏ tuổi trong gia đình được ai đó đưa đến cách đây vài năm, cậu bé rất khôi ngô và ngoan ngoãn, hiện tại đã mười ba tuổi, đang cùng với những đứa trẻ nhà họ Trần đọc sách tại học đường. Trần Triều Phụng muốn tặng cậu bé thư đồng này cho Lã Ngọc làm con nuôi. Vừa nói, ông vừa sai người trợ lý đến học đường gọi thư đồng có tên là Hỉ Nhi. Lã Ngọc nghe thấy tên Hỉ Nhi giống con trai mình, trong tâm cảm thấy rất bồn chồn.
Một lúc sau, cậu bé đến và cúi đầu chào Lã Ngọc theo quy cách của học đường. Khi Lã Ngọc vừa thấy cậu bé, trong lòng cảm thấy hoan hỉ vô cùng, tinh tế nhận ra dáng vẻ của con trai mình. Hóa ra, năm Hỉ Nhi bốn tuổi, vì một cú ngã, khóe lông mày bên trái của cậu đã bị rách, để lại một vết sẹo nhỏ. Cậu bé thư đồng cũng có một vết sẹo ở khóe lông mày bên trái. Lã Ngọc hỏi về thân thế của cậu bé thì được biết họ là Lã, trong gia đình có hai người chú. Ngay sau khi Lã Ngọc nghe thấy điều này, đã gọi “con trai tôi!” và bật khóc ôm chầm lấy con.
Hỉ Nhi đã thất lạc nhiều năm, khi nhìn thấy cha ruột của mình ngay trước mắt, cậu mừng rỡ đến mức rơi nước mắt. Lã Ngọc đứng dậy và bái tạ Trần Triều Phụng. Trần Triều Phụng nói: “Ân sư lượm vàng không tham, hoán vàng thành đức, đó là Thượng Thiên đã an bài cho huynh đến hàn xá, cho cha con huynh lại được đoàn viên”. Cha con Lã Ngọc đã thất lạc nhau, giờ lại được tìm thấy. Kết quả là, lưỡng gia Trần – Lã đã lập một hôn ước, kết thành thông gia.
Ngày hôm sau, Lã Ngọc đưa con trai đến nói lời từ biệt. Trần Triều Phụng đã tổ chức một bữa tiệc thịnh soạn cho họ, và tống tặng họ hai mươi lạng bạc để chuộc lỗi vì đã hắt hủi Hỉ Nhi trong quá khứ. Lã Ngọc nhất định không nhận, bản thân còn chưa đưa sính lễ, sao có thể lấy tiền của thân gia đây. Trần Triều Phụng thuyết đạo: “Đây là tôi tự nguyện tống tặng con rể hiền của tôi, chứ không liên quan đến chuyện của thân phụ. Thân phụ nếu từ chối, chính là không đồng ý với việc kết nghĩa thông gia”. Lã Ngọc thực không biết phải từ chối ra sao, đành nhận món quà.
Lã Ngọc trong tâm thầm nghĩ: Mình vì nghĩa trả vàng, mà cha con được tương phùng. Bây giờ lại dựa vào thân sự tốt đẹp này mà nhận tiền, như thể gấm đính thêm hoa. Thực tại đã không cách nào có thể báo đáp Thiên Địa. Vì vậy, ông dự định dùng 20 lượng bạc của Trần gia để mua ngũ cốc và gửi đến tự viện cung cấp cho tăng nhân, dưỡng phúc điền.
Sáng sớm hôm sau, Lã Ngọc cùng con trai đi thuyền đi được vài dặm trên sông thì nghe tiếng kêu lớn. Hóa ra có một chiếc thuyền bị thủng, khách rớt xuống sông. Người dân trên bờ gọi thuyền đến trục vớt, nhưng thuyền đến trục vớt đòi tiền, đã xảy ra cự cãi. Lã Ngọc muốn dùng tiền đó mua gạo cho tăng nhân, nhưng việc cứu người trước mắt lại càng gấp gáp hơn. Vì vậy, ông nói với đám đông: “Hãy cứu lấy tính mạng từng thuyền nhân, và tôi sẽ tặng mọi người hai mươi lạng bạc”.
Mọi người lái xuồng nhỏ ra đáp cứu, thậm chí một số người trên bờ biết nước cũng nhanh chóng nhảy xuống nước cứu. Một lúc sau, cả chiếc thuyền đã được cứu. Lã Ngọc giữ lời và đưa tiền cho mọi người. Những người được cứu đều biết ơn. Lã Ngọc nhận ra một người trong số họ, hốt nhiên gọi: “Đệ đệ, sao em lại ở đây?!” Lã Ngọc nhận ra đó là em trai thứ ba của mình, Lã Trân!
Lã Ngọc cảm kích đến mức nhanh chóng chắp tay hướng lên trời bái, đáp tạ Thượng Thiên đã ban cho anh em họ một mạng. Lã Ngọc gọi Hỉ Nhi đến gặp người chú thứ ba, và kể cho chú ba về chuyện trả vàng hoàn con. Lã Trân đã rất sửng sốt khi nghe điều này. Lã Ngọc thắc mắc tại sao chú ba lại ở đây?
Thì ra người anh thứ hai là Lã Bảo nghe đồn rằng Lã Ngọc đã mắc bệnh mà vong thân ở Sơn Tây, Lã Bảo đã ép chị dâu Vương thị tái giá. Vương thị không chịu nghe lời, sai Lã Trân đến Sơn Tây dò hỏi tin tức của Lã Ngọc, nhưng không ngờ trên đường lại gặp nạn. Lã Trân thúc giục anh cả Lã Ngọc mau mau hồi gia, để không sinh sự rắc rối. Lã Ngọc vội vàng gọi người khởi thuyền, lên đường trong đêm đầy sao. May mắn thay, anh đã về nhà kịp thời để ngăn cản Lã Bảo bán Vương thị.
Lã Ngọc không tham tài, thủ nghĩa hoàn vàng. Tuân theo thiên đạo, khiến cuộc đời của ông ấy giống như gấm đính thêm hoa, liên tiếp ba lần kỳ tích giáng hạ. Người con trai thất lạc đã được tìm thấy, và anh đã cứu được em trai của mình. Lã Ngọc và vợ lại được đoàn tụ, nhất gia cốt nhục đoàn viên. Hoàng Thiên hữu báo, hiển nhiên không sai lệch! Kể từ đó, Lã Ngọc siêng năng tu nhân tích đức, gia đình cũng ngày một hưng vượng.
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Tác giả Đỗ Nhược, Epoch Times
Hương Thảo biên dịch