Hạ bút viết Tảo hành, Ôn Đình Quân không chỉ viết ra kinh nghiệm chân thực của du khách thời cổ đại, mà giống như một bức tranh chiêm nghiệm cuộc đời mình, là quá khứ chua cay trên con đường sĩ đồ không ngừng truy cầu công danh. Cuối cùng hết thảy, giống như giấc mộng Đỗ Lăng phiêu miểu, đã hóa thành hư không.
Khi bước vào tuổi trung niên, hành trình tứ tiết của nhân sinh cũng đã bước đến mùa thu của sinh mệnh. Ở những năm tháng tượng trưng cho mùa thu hoạch này, có người công thành danh tựu, có người nhân gia mỹ mãn, cũng có người, vẫn lủi thủi độc hành trên con đường đời.
Văn nhân năm mươi tuổi triều Đường sống lâu ở đô thành Trường An phồn hoa như gấm, nhưng bản thân ông lại thấy mình tâm tình lạc nhịp với thành thị này. Ông đầy tài hoa nhưng lao đao khốn cùng, dù coi nơi đây là cố hương thứ hai, nhưng lại vừa tiếp nhận chỉ ý bổ nhiệm đi xa. Vào một buổi sớm khi trăng tàn chưa khuất, dù tâm tình chẳng muốn rời xa, ông đành gánh sao đội nguyệt, bước chân lên đường biệt xứ.
Ông xuất phát từ một lữ điếm đơn sơ, băng qua cầu, tiến vào vùng núi hoang dã. Cùng với tiếng gà gáy, ông dùng đôi mắt đầy thi ý, ngắm nhìn sự biến hóa của khung cảnh núi non từ lúc âm u đến khi trời dần sáng. Thành Trường An đã ở phía sau lưng, nhưng tình cảnh mỹ hảo của nó đã vĩnh viễn định lại trong tâm trí ông.
Chuyến xuất hành bình thường này đã biến trở nên phi thường bởi phong cảnh và tâm trạng hoài niệm trong mắt thi nhân. Ông đã ghi lại cuộc hành trình phong ba này thành một bài thơ tràn đầy dư vị. Đây chính là bài thơ “Thương Sơn Tảo Hành” của Ôn Đình Quân:
Thần khởi động chinh đạc, khách hành bi cố hương.
Kê thanh mao điếm nguyệt, nhân tích bản kiều sương.
Hộc diệp lạc sơn lộ, chỉ hoa chiếu dịch tường.
Nhân tư Đỗ Lăng mộng, phù nhạn mãn hồi đường.
Tạm dịch
Mờ sớm chuông khua rộn, người đi nhớ cố hương.
Điếm tranh gà gáy nguyệt, cầu ván dấu in sương.
Lá hộc lạc sơn lộ, hoa trắng sáng trạm tường.
Hoài vọng Đỗ Lăng mộng, le nhạn đầy ao chuôm.
Thưởng thức thi cảnh
Cổ nhân có câu tục ngữ: “Vị vãn tiên đầu túc, kê minh tảo khán thiên.” Người viễn hành thời cổ đại có tập quán xuất hành sớm, trong tiêu đề của bài thơ đã được miêu tả bằng hai chữ “Tảo hành”, miêu tả những gì nhà thơ đã nghe, thấy và cảm nhận khi xuất hành vào sáng sớm. Câu đầu “Thần khởi động chinh đạc”, nhà thơ thức dậy từ sáng sớm, khi còn đang ngái ngủ, đã nghe những thấy tiếng chuông lanh canh ngoài lữ điếm. Ông cảm nhận qua tai những hoạt động bận rộn của hành khách trước khi khởi hành, chẳng hạn như lên ngựa và chuẩn bị xe, cho thấy chuyến hành trình sớm sắp bắt đầu.
Kèm theo tiếng chuông lanh canh, nhà thơ cũng vội vã thu dọn hành trang, lao đến một nơi hoàn toàn xa lạ. Bị biệt phái đi xa, ông cảm thụ nỗi cô đơn bi lương, viết ra tâm thanh của người lữ khách: “Khách hành bi cố hương.” Từ cuộc đời của nhà thơ mà nhìn, ông khách cư tha hương, trung niên lưu lạc, một đời phiêu bạt vô định, tựa như một người khách bước vội qua nhân gian. Đâu mới là cố hương thực sự của ông, lúc nào mới có thể quay trở về nơi đó?
Hai câu tiếp theo được coi là những câu thơ tả cảnh nổi tiếng. Nhà thơ vừa lên đường, đã nghe tiếng gà gáy sáng, xa xa là vầng trăng khuyết đang mờ dần trên bầu trời. Ông đi tới cầu, thấy ván gỗ mặt cầu bị sương muối đầu xuân bao phủ, trên đó đã in đầy dấu chân của những hành nhân. Từ nội dung mà nói, thi nhân mô tả đều là những cảnh vật thường thấy, dù không một chữ đề cập đến “tảo hành” nhưng đã mô tả chuẩn xác trạng thái trình hiện của cảnh vật lúc rạng đông.
Những ý tượng phong phú sống động có âm có sắc này đã tạo nên một hoàn cảnh lữ hành lạnh lẽo hoang tàn, ám chỉ sự nhọc nhằn thanh khổ của người tảo hành bất đắc dĩ. Mà thủ pháp tu từ của ông càng khiến người ta kinh ngạc, khi giải khai chúng ra, thì mười danh từ: kê, thanh, mao, điếm, nguyệt, nhân, tích, bản, kiều, sương, không có từ nào nhàn nhã, hoàn toàn thông qua những danh từ dồn dập này biểu đạt ý cảnh của bài thơ. Người đời Tống nhận xét: “Những cảnh khó tả như hiện lên trước mắt, nội hàm bất tận bao chứa những điều không thể diễn đạt bằng lời.” Những gian khổ trên đường và lo lắng ưu tư của cuộc hành trình, không cần đa ngôn, mà ý tứ đều uẩn chứa trong những vần thơ.
Thi pháp tổ hợp các danh từ ý tượng cũng được nhiều văn nhân cổ đại tham khảo. Thi nhân Âu Dương Tu triều Tống có câu đối “Điểu thanh mai điếm vũ, liễu sắc dã kiều xuân”, còn Mã Trí Viễn triều Nguyên trong “Thiên tịnh sa” cũng có những câu như “Khô đằng lão thụ hôn nha, tiểu kiều lưu thủy nhân gia” v.v., tất cả đều triển hiện bức tranh phong cảnh sung mãn và súc tích như họa.
Nhà thơ trên sơn lộ (con đường núi), vừa nhìn thấy một cảnh sắc xuân sớm: lá sồi khô héo vàng rơi rụng khắp con đường nhỏ, hoa chỉ trắng tinh khiết chiếu sáng bức tường đất của trạm bưu dịch. Núi Thương nằm gần Thương Lạc, Thiểm Tây ngày nay, khắp nơi là cây hộc, cây chỉ. Những chiếc lá đã khô rụng, nhưng hoa xuân đã lặng lẽ nở rộ, mang lại sức sống mới trong khí hậu ấm và lạnh. Nhà thơ bước trên những chiếc lá khô mềm mại trên sơn lộ, những vất vả của cuộc hành trình đường dài dường như được giải tỏa rất nhiều, tắm mình trong ánh ban mai nhàn nhạt, màu trắng tinh khiết không tì vết của hoa chỉ dường như càng đặc biệt mãn nhãn. Sau vầng trăng lạnh và sương giá, nhà thơ hân hoan thưởng thức cảnh vật dần sáng lên, trong nội tâm dường như đang dâng lên một niềm vui vi diệu.
Tuy nhiên, niềm vui đó thật ngắn ngủi, bởi nhà thơ chỉ là vị khách qua đường miễn cưỡng ly hương, điều hoài niệm là thành Trường An mà ông ngày tư đêm tưởng. Ông từ cảnh sắc trước mắt lại liên tưởng đến gia viên tại Trường An, “Nhân tư Đỗ Lăng mộng, phù nhạn mãn hồi đường”, nhớ về thành Trường An mùa xuân ấm áp tình người, nơi ao hồ đầy chim le chim nhạn bay về quy tụ, một khung cảnh tràn đầy sức sống.
Câu kết của bài thơ dường như hỗ ứng câu “Khách hành bi cố hương”, tình cảm phát triển trải qua quá trình từ buồn sang vui, rồi lại chuyển sang buồn, lúc thăng lúc trầm. Câu kết mở ra một mộng cảnh mông lung náo nhiệt trước khi đóng lại, biểu hiện nghệ thuật tả cảnh vui mà không khỏa lấp được nỗi buồn. Giấc mộng Đỗ Lăng này, có hiệu quả giống như hiệu ứng hình ảnh mờ dần trong điện ảnh, càng lưu lại dư vị sâu lắng.
Câu chuyện đằng sau bài thơ Đường
Ôn Đình Quân, nguyên danh Kì, tự Phi Khanh. Theo “Tân Đường thư” ghi chép, ông sinh ra trong một gia đình quý tộc đang sa sút, là cháu của tể tướng Ôn Ngạn Bác triều Đường Thái Tông. Ôn Đình Quân từ nhỏ đã thông minh tài giỏi, tinh thông thơ văn và âm luật, là nhà từ vựng, nhà thơ nổi tiếng cuối thời Đường. Những bài thơ của ông cũng nổi tiếng như Lý Thương Ẩn, được gọi là “Uẩn Lý”, từ vựng của ông ngang hàng với Vi Trang, được gọi là “Uẩn Vi”. Về văn thể, ông và Lý Thương Ẩn, Đoạn Thành Thức phong cách tương cận, cả ba người đều xếp hạng thứ 16, nên còn được gọi là “36 thể”.
“Dịch thế tham Chu dịch, thừa gia học Lỗ Nho”, công huân trác việt của ông nội đã khiến vị thư sinh trẻ tài hoa này nhiệt thành kính mộ, tích cực tiếp thụ các giá trị quan trong điển tịch của Nho gia, càng kích phát hoài bão muốn chấn hưng gia tộc, tề dân an bang của ông. Ôn Đình Quân sớm đã tiến vào Trường An, bước trên con đường khoa cử nhập sĩ.
Nhờ tài năng văn chương xuất chúng, tài tư mẫn tiệp, tài danh của Ôn Đình Quân rất nhanh đã quảng truyền khắp kinh thành. Kỳ thi tiến sĩ coi trọng thi phú, yêu cầu thí sinh trong thời gian quy định hoàn thành một bài thơ bát vận. Ôn Đình Quân không cần bản nháp, xoa tay vận bút liền phú thành một vần thơ, tám lần xoa tay đã hoàn thành thi tác, vì thế mà có biệt danh là “Ôn Bát Xoa”. Tuy nhiên, ông luôn thiếu một chút may mắn, thi mãi vẫn rớt, không có cửa báo quốc, cả đời lận đận.
Điều này có lẽ là do tính tình của ông. Ôn Đình Quân ỷ tài mà phóng khoáng, kết giao với con nhà giàu, phong lưu phóng túng, lưu lại trong sách sử tiếng là “Sĩ hành trần tạp”, vi phạm yêu cầu đức hành của xã hội truyền thống đối với nhân sĩ, vì thế mà không cách nào được người đương quyền đánh giá. Hơn nữa, ông cảnh giới cô ngạo, trực ngôn không kiêng kị, xúc phạm quyền quý đương triều, cũng dẫn đến bi kịch sĩ đồ của ông. Vì như ông từng bình phẩm thừa tướng Lệnh Hồ Đào là “Trung thư đường nội tọa tướng quân”, châm biếm ông ấy tài sơ học thiển.
Một lần khác, ông trong lữ điếm gặp Đường Tuyên Tông xuất hành với y phục không tươm tất, vì không biết dung nhan hoàng đế, ông ngạo nghễ cật vấn: “Ngài là quan lại trường sử, tư mã chi lưu a? “Hay là loại quan viên đại tham, bộ úy?” Sau chuyện này, ông bị giáng xuống huyện úy phương thành. Nguyên nhân được đề cập trong chiếu thư là: “Khổng môn dĩ đức hành vi tiên, văn chương vi mạt. Ngươi vô đức hành, dẫu văn chương viết hay thì có ích gì?”
Ôn Đình Quân dù không thiếu tài năng, nhưng khó thành đạt, tuy vậy triều đình vẫn trân trọng tài hoa của ông, phái ông đến địa phương làm một chức quan nhỏ. Để duy trì sinh kế, ông đành tiếp thụ sự an bài như vậy, vì vậy mà có cuộc viễn hành rời kinh này. Vào những năm cuối của Đường Tuyên Tông, ông tại Thương Lạc đã khó nhọc vượt qua vùng rừng núi, hồi ức về Trường An, nơi khiến ông thành danh, lại cũng khiến ông thất ý, mà viết nên bài thơ “Thương Sơn Tảo Hành”.
Về các tác phẩm tiêu biểu của Ôn Đình Quân, tác phẩm nổi tiếng nhất phải là “Hoa Gian Từ”. “Tiểu sơn trọng điệp kim minh diệt” “Quá tận diên phàm giai bất thị”, những ngôn từ hoa mỹ được ngâm nga vừa đẹp đẽ, tinh xảo, vừa uyển chuyển, thâm tình. Trường phái Hoa gian do ông đại diện là lưu phái đầu tiên trong Từ sử, và nó là nguồn gốc trực tiếp của phái Uyển Ước Từ, các nhà thơ sau này như Lý Dục, Âu Dương Tu, Liễu Vĩnh, Lý Thanh Chiếu v.v. đều coi Ôn Từ là tổ tông, mang lại sự thịnh vượng cho Tống Từ.
Trên thực tế, phong cách thơ của ông đa dạng hơn, chủ đề phong phú hơn, bao gồm những bài thơ vịnh sử hoài cổ phúng kim, những bài thơ vịnh thiền tự thanh tân tĩnh mịch, những bài thơ tiễn biệt hoài cổ, còn có những bài thơ lữ hành hoài niệm cố hương. Trong đó bài “Thương Sơn Tảo Hành” chính là giai tác thiên cổ truyền tụng của ông. Hạ bút viết Tảo hành, Ôn Đình Quân không chỉ viết ra kinh nghiệm chân thực của du khách thời cổ đại, mà giống như một bức tranh chiêm nghiệm cuộc đời mình, là quá khứ chua cay trên con đường sĩ đồ không ngừng truy cầu công danh. Cuối cùng hết thảy, giống như giấc mộng Đỗ Lăng phiêu miểu, đã hóa thành hư không. Khi tỉnh mộng, Ôn Đình Quân có lẽ đã xem nhẹ được mất, trong thi từ ca phú, mà tìm đến một phương thế giới thuộc về chính mình.
Theo Lan Âm, The Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch