Vào thời nhà Thanh, có một vị chư sinh (học sinh thi đỗ được nhận vào các phủ, châu, huyện vào thời Minh, Thanh) ở Hàng Châu tên là Vương Bá Phủ, dạy học sinh tại nhà một quan chức ở ngoại ô Dũng Kim Môn. Một hôm rảnh rỗi, chàng đi bộ đến cánh đồng bát quái, gặp một đạo sĩ. Cánh đồng này hình bát quái, ở trung tâm có một hình Thái cực tròn, tỏa ra ngoài tám đường nhỏ, giữa các đường nhỏ lại có ba đường nhỏ trông giống như tam hào bát quái, do đó nó được đặt tên là cánh đồng bát quái.
Đạo sĩ nói với chàng: “Ta và ngươi có duyên phận. Ngươi đời trước từng là một đạo sĩ, thắp hương kính phụng ta rất kiền thành, nên kiếp này ta đến độ ngươi. Ngày mai khi mặt trời vừa mọc, ta ở tại đây đợi ngươi, ngươi nhất định phải đến.”
Ngày hôm sau, Vương Bá Phủ ra ngoài ngay khi trời vừa sáng mà không báo trước cho các học trò, đi đến cánh đồng bát quái, nơi đạo sĩ đã ở đó. Đạo sĩ đưa cho chàng một viên thuốc, bảo chàng nuốt nó. Ông cũng yêu cầu chàng nhắm mắt lại, chỉ cảm thấy gió thổi bên tai, đạp mây dưới chân mà bay lên.
Trong chốc lát họ đã đến một ngọn núi sâu, nơi đó cung vàng mái ngọc, cây châu hoa ngọc, hạc trắng loan vân, chim hót líu lo. Sau khi ăn khô thịt, uống rượu ngọt, chàng mới nhận ra đạo sĩ là tiên nhân, và đây là ngọn núi tiên.
Một lúc sau, Vương Bá Phủ chợt nhớ ra nhà mình gia cảnh bần khốn, đứa con nhỏ còn chưa đầy mười tuổi, chàng buồn bã không vui, muốn quay về, nước mắt lưng tròng. Đạo sĩ nhìn thấy vậy, biết chàng trong tâm đang nghĩ gì, liền nói: “Đáng tiếc ngươi không có phúc khí, vừa đến đây lại muốn quay về.” Nói rồi liền tiễn chàng đến một chiếc cầu đá. Vương Bá Phủ lúc này không thể nói được nữa, lại lạc mất đường về, cứ đi tới đi lui trên cầu. Cư dân dưới cầu, có một người nông dân biết chàng, bèn giữ chàng lại ăn cơm, sau đó đưa chàng về học đường. Nguyên lai người nông dân này là tá điền của nhà quan, trước đây từng học ở trường nên có quen biết.
Sau khi Vương Bá Phủ trở lại trường học, chàng vì không nói được, không thể dạy học sinh, nên phải về nhà. Sau khi trở về nhà, chàng suốt bốn mươi ngày không nói được. Thân thích bằng hữu cho rằng chàng đã gặp quái thú nơi hoang dã, nên mời các đạo sĩ đến lập đàn cầu cúng cho chàng để trừ tà. Đêm đó Vương Bá Phủ mơ thấy bản thân đến một đạo viện, nhìn thấy vị đạo sĩ mà mình đã gặp trước đây, đang ngồi quay mặt về phía nam, bên dưới là một vị tinh quan mặc áo choàng như mây, ra ra vào vào báo cáo sự việc, người gác cổng tiến vào báo cáo: “Vương tú tài đến.” Vương Bá Phủ quỳ xuống bậc thềm, đạo sĩ lệnh cho tinh quan bóp yết hầu chàng để chàng nôn ra viên thuốc mà chàng nuốt trước đây, Vương Bá Phủ lập tức nói được, sau đó thả cho về.
Khi bước ra khỏi đạo viện, chàng hỏi người gác cổng: “Chân nhân này là ai?” Người gác cổng nói: “Đây là Trương Quả Lão thần tiên Thượng Động, con lừa trắng buộc ở hành lang là vật cưỡi của lão.” Vương Bá Phủ sau khi nói được, lại quay trở về học đường dạy học. Sau đó, con đường công danh của chàng gặp phải nhiều trở ngại, khiến chàng khốn đốn và chán nản, nửa cuộc đời còn lại si si điên điên, lang thang vất vưởng. Chàng than trách bản thân, đã đến núi tiên mà không ở lại. Những người trần thế cả đời sống vì tình đều là như thế. Chàng không ngừng kể lại cho bạn bè nghe về trải nghiệm của chính mình. Trương Nguyên Canh, tác giả cuốn sách “Trương thị chi ngôn”, biết được sự việc này từ Đái Ngọc Tuyền, một người Võ Lâm (tên gọi cũ của Hàng Châu), và đã ghi chép lại.
Tiếp theo, hãy nói về câu chuyện hai vị tiên độ nhân, câu chuyện cũng diễn ra vào thời nhà Thanh.
Có một người ăn xin ở chợ Thông Châu, tay cầm một hồ lô và một cây gậy, trần trụi, đôi giày không đáy, vết loét trên bụng bốc mùi hôi thối đến nỗi mọi người trong chợ đều bịt mũi. Người ăn xin hét lên khi gặp người: “Đỗ lí cơ, đỗ lí cơ” (Bụng đói, bụng đói!) Người ta cho tiền thì không lấy, cho ăn cũng không ăn. Sau ba ngày như thế, mọi người cảm thấy kỳ quái, cho rằng người ăn xin khả năng là bị điên, vì không chịu ăn đồ ăn của người khác ngay cả khi đói. Đợi khi anh ta lại hét lên “Đỗ lí cơ”, họ liền mắng anh, ác cảm với mùi hôi thối trên thân anh ta. Mọi người bàn nhau đuổi người ăn xin đi khỏi nơi đó.
Người ăn xin mỉm cười nói: “Tôi bất quả chỉ tự hét lên: ‘Đỗ lí cơ’, chuyện đó thì liên quan gì đến anh?” Sau đó càng hét to hơn.
Lúc này, một thanh niên đột nhiên chạy ra khỏi kho gạo, quỳ xuống trước mặt người ăn xin và nói: “Đại sư độ tôi, đại sư độ tôi!” Người ăn xin cười lớn, giơ tay nói với mọi người: “Tôi hiện tại thực sự là muốn độ Lý Cơ!” Thế là túm chàng trai trẻ, bay lên không trung mà đi. Nguyên lai chàng trai trẻ này họ Lý tên Cơ, và “đỗ lí cơ” (tức bụng đói) của người ăn xin hóa ra là một biệt ngữ của “độ Lý Cơ”. Sau khi những người ăn xin rời đi, khu chợ tràn ngập hương thơm trong ba ngày.
Ngoài ra còn có một người ăn xin ở chợ Uyển Lăng, thân mặc quần áo rách rưới, bụng lộ ra ngoài. Trên bụng đầy những vết loét mưng mủ lẫn máu, mùi hôi thối khiến ai cũng không thể đến gần. Ông ta hét lên trong chợ: “Ai liếm bụng ta?” Mọi người giận dữ hét lên: “Đồ ăn xin hèn hạ, ai liếm bụng mày?” Một phán quan ngồi trên chiếc kiệu đi ngang qua, gặp người ăn xin ở chợ. Ông ấy lập tức bước ra khỏi chiếc kiệu, quỳ xuống liếm bụng người ăn xin. Người ăn xin và phán quan tức thì biến mất.
- Nguồn: “Trương thị chi ngôn”, “Nhĩ thực lục”
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch