Thời kỳ Nam triều, Văn Quảng Thông đuổi theo một con heo lớn bị trúng tên, bất ngờ đến một nơi như thế giới đào nguyên. Anh chàng dù chỉ ở đó một thời gian ngắn, nhưng mười hai năm đã trôi qua ở thế gian. Quan hệ duyên cố nào giữa con heo, thủ phạm tạo ra hành trình kỳ thú này, và Văn Quảng Thông?
Vào năm Nam triều Tống Văn Đế Nguyên Gia thứ 26 (năm 449), ruộng lúa của Văn Quảng Thông, một dân làng ở huyện Ma Dương, Thần Châu, đã nhiều lần bị một con heo lớn ở đâu tới ăn. Con heo rất háu ăn, đã gặm trụi không ít cây giống của nhà họ Văn. Văn Quảng Thông rất tức giận, liền chuẩn bị cung tên, muốn bắn chết con heo lớn.
Ngày hôm sau, con heo lớn lại xuất hiện. Văn Quảng Thông đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên nhanh chóng bắn mũi tên trúng con heo. Con heo lớn mang theo mũi tên chạy vài dặm, phi vào một cánh cổng lớn rồi biến mất.
Văn Quảng Thông đuổi theo con heo lớn, theo nó chạy vào cánh cổng, phát hiện sảnh đường, cung điện bên trong xây dựng rất tráng lệ. Một người đàn ông ở đâu bất ngờ xộc vào, động tĩnh lớn như vậy đã khiến mọi người bên trong kinh động.
Lúc này, một ông lão chống gậy bước ra, theo sau là một đồng tử (cậu bé người hầu) mặc đồ màu xanh. Ông lão hỏi: “Ngươi là ai, làm sao tới đây?”
Văn Quảng Thông đáp: “Có một con heo lớn ăn hết lúa giống, bị tôi bắn trúng, tôi đi theo con heo lớn chạy tới đây”.
Ông lão nói: “Nếu có người mà gia súc của họ giẫm nát ruộng của người khác, thì đó là không đúng, nhưng lẽ nào vì lý do này mà muốn lấy đi gia súc của người khác, có phải là quá phận không?” Văn Quảng Thông nhanh chóng quỳ lạy ông lão và xin lỗi.
Ông lão nói: “Biết lỗi năng sửa, không gì hơn thế. Bởi vì con heo này kiếp trước có tội, nên kiếp này phải chịu báo ứng như vậy, con không cần phải xin lỗi nữa”. Rồi ông lão lệnh cho đồng tử đưa Văn Quang Thông đi uống rượu.
Văn Quảng Thông theo đồng tử đến một đại sảnh, nhìn thấy một nhóm tiên nhân. Chư tiên nhân mặc áo choàng lông vũ, đầu đội khăn vuông màu đen. Có người đang chơi su bồ, có người đang chơi cờ vây, cũng có người đang uống rượu.
Có một đồng tử rót rượu, Văn Quảng Thông uống đã ngà say. Sau đó, họ đến một nơi có hàng chục chiếc ghế dài, trên mỗi chiếc ghế dài có một người ngồi, mỗi người cầm một cuốn sách, trông như đang nghe giảng.
Một lúc sau, họ lại đến bên cạnh ông lão. Ông lão quở trách cậu đồng tử gác cửa, nói: “Sao con lại mở cửa để heo chạy ra chạy vào mà không biết?” Rồi ông lão nói với Văn Quảng Thông: “Đây không phải là heo thật, cậu nên đi đi”. Nói xong, liền bảo đồng tử đưa chàng họ Văn ra ngoài.
Văn Quảng Thông tò mò hỏi: “Lão nhân đó là ai?” Cậu bé đồng tử nói: “Vị đó là Hà Thượng Công. Thượng đế sai ngài ấy giảng giải Kinh Dịch cho chư tiên”.
Theo “Thần tiên truyện” ghi chép, vào thời kỳ Hán Văn Đế, có một người xây nhà tranh ven sông để ở, nên người dân thời bấy giờ gọi ông là “Hà Thượng Công”. Hán Văn Đế thích đọc Đạo Đức Kinh, ra lệnh cho tất cả vương công đại thần đều phải đọc thuộc lòng. Tuy nhiên, trong kinh có một số nội dung mơ hồ khó hiểu, đương thời đại thần không ai có thể giải thích rõ ràng, Hán Văn Đế nghe nói Hà Thượng Công tinh thông “Đạo Đức Kinh” nên đã đích thân ra sông cầu giáo, nhưng Hà Thượng Công vẫn ngồi trong xe.
Trong lúc trò chuyện, Hán Văn Đế cho rằng Hà Thượng Công thân là thần dân, nhưng đối với vua một nước mà dám ngạo mạn như vậy. Hà Thượng Công thị hiện thần thông, bay lên trời rồi nhìn xuống Hán Văn Đế: “Ta không lên trời, cũng không xuống đất, ở trung gian không liên lụy ai, làm sao có thể coi ta là thần dân của ngài?”
Hán Văn Đế sửng sốt, vội vàng xuống xe hành lễ quỳ bái Hà Thượng Công. Hà Thượng Công đã truyền thụ cho ông hai cuốn kinh thư. Hai cuốn kinh thư này được Hà Thượng Công viết trong hơn 1.700 năm, và mới chỉ được truyền lại cho ba người, thêm Hán Văn Đế là bốn người. Ông bảo Hán Văn Đế hãy quay lại nghiên cứu kỹ lưỡng, để có thể giải quyết những câu hỏi khó trong “Đạo Đức Kinh”.
Hà Thượng Công chỉ bảo xong, đột nhiên biến mất, chỉ để lại một đám sương mù mây khói, Hán Văn Đế còn lại một mình ngơ ngác. Không ngờ sau hàng trăm năm, Văn Quảng Thông của Nam triều cũng may mắn gặp được Hà Thượng Công.
Văn Quảng Thông lại hỏi đồng tử: “Vậy cậu là ai?” Cậu bé đáp: “Tôi tên là Vương Phụ Tự, học tập Kinh Dịch gần năm trăm năm, nhưng chưa bao giờ lý giải thấu yếu nghĩa của nó, nên tôi bị phạt làm canh cổng ở đây”. Vương Phụ Tự, còn được gọi là Vương Bật, là người đặt nền tảng cho huyền học thời nhà Ngụy và nhà Tấn. Ông thỉnh giáo Hà Thượng Công về những vấn đề khó lý giải trong Đạo Đức Kinh, đã làm người hầu quét dọn trong mười năm ở đây trước khi trở thành gác cổng.
Văn Quảng Thông vừa rời đi, vị đồng tử nhẹ chân đá một tảng đá lớn lên để chặn cửa. Đến cửa, Văn Quảng Thông mới phát hiện, cung tên dùng để bắn con heo đã mục nát.
Văn Quảng Thông tiến nhập vào không gian khác và chỉ ở đó trong thời gian ngắn, nhưng ở thế gian, mười hai năm đã trôi qua. Người nhà họ Văn cho rằng Văn Quảng Thông bị heo cắn chết, nên thậm chí còn tổ chức tang lễ cho anh chàng. Bây giờ dân làng thấy anh chàng đã trở lại, điều này gây chấn động cả làng. Mọi người nghi nghi hoặc hoặc, và cũng rất ngạc nhiên.
Văn Quảng Thông kể cho dân làng nghe về cuộc phiêu lưu đuổi lợn của mình, ngày hôm sau anh chàng dẫn dân làng đi tìm lại cánh cổng đó, nhưng họ không bao giờ tìm thấy nữa.
Theo “Quảng dị ký – quyển 1”, “Thái bình quảng ký – quyển 10
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch