Đại Kỷ Nguyên

Tiền từ đâu mà có? Câu chuyện chiếc bánh nướng có vàng

Thủa xưa có một lão nông hiền lành lương thiện, thường ngày vẫn luôn lấy việc giúp người giúp đời làm niềm vui. Vì đã tích được đại đức, đến đời này lão nông được chuyển sinh thành một vị thái tử tôn quý. Cùng thời với lão nông còn có một kẻ nhà giàu tham lam keo kiệt, đến kiếp này phải chuyển sinh thành một tên ăn mày nghèo nàn cơ cực.

Thái tử vì trải qua nhiều kiếp vẫn luôn tích thiện, từ nhỏ đã khẳng khái hào phóng rộng lượng, tấm lòng thoáng đãng rộng mở, thậm chí còn mang tất cả tiền bạc của mình đi bố thí cho những người dân nghèo khổ. Quốc vương vì không chấp nhận được việc này, nên đã ra lệnh đuổi thái tử ra khỏi cung. Thái tử lưu lạc ngoài nhân gian, phải ăn trái cây dại và bện lá cỏ cây làm áo quần. Về sau, thái tử gặp người ăn xin kia và trở thành bạn tốt, cùng kết giao đồng hành, đi lưu lạc bốn phương.

Tại nước láng giềng, vị quốc vương đột nhiên băng hà. Vì ngài không có con trai nối dõi nên các đại thần trong triều vô cùng lo lắng. Họ bắt đầu đi khắp nơi tìm kiếm với mong muốn gặp được bậc quý nhân đủ phúc đủ đức để kế nhiệm đức vua, cai quản vương quốc. Một ngày nọ, thái tử và người ăn mày kia lưu lạc tới quốc gia đó. Thái tử vì đi đường mỏi mệt nên nằm nghỉ dưới gốc cây, còn người ăn mày kia thì tranh thủ đi xin ăn.

Đúng lúc đó các vị đại thần đi ngang qua, họ tận mắt chứng kiến một hình ảnh hiếm thấy: cho dù ánh nắng mặt trời có thay đổi hay dịch chuyển thế nào đi nữa, bóng cây vẫn luôn che cho thái tử, giúp thái tử không bị ánh nắng chiếu vào người. Quan đại thần vui mừng khôn xiết, cho rằng thái tử là người đại phúc đại đức, bèn mời thái tử về cung làm vua.

Sau khi lên ngôi, trong lòng thái tử vẫn luôn nghĩ tới người ăn mày nọ. Nhưng mãi vẫn không thể tìm thấy anh ta, thế là thái tử nghĩ ra một cách: ông cho người nướng vài chiếc bánh, rồi âm thầm giấu vàng vào một trong số đó, sau đó phái người hầu mang những chiếc bánh đó đi tìm người ăn mày kia và đưa bánh cho người ăn mày. Người hầu đi khắp nơi tìm kiếm, cuối cùng cũng có thể giao những chiếc bánh của thái tử cho người ăn mày. Người ăn mày nhận bánh, cầm từng cái từng cái nâng lên xem trọng lượng, phát hiện trong đó có một chiếc rất nặng. Anh ta tưởng rằng cái bánh đó chưa chín, thế là trả lại chiếc bánh đó cho người hầu của thái tử và nói: “Cái bánh này tặng lại cho anh.”

(Ảnh minh họa: chauko.com)

Lời bàn:

Người xưa từng giảng rằng, phúc báo là do nhân quả ba đời quyết định. Cũng giống như vị thái tử kia, mặc dù mất đi quyền kế thừa ngôi báu ở vương quốc của mình, nhưng lại có thể làm vua ở nước láng giềng, đây là phúc báo từ đời trước mang lại. Người ăn mày kia vì không tích phúc kiếp trước, đến kiếp này có cầm được vàng trong tay cũng không thể hưởng thụ.

Mỗi người đều có số mệnh về tiền tài của mình, đây đều là ‘Nhân’ từ đời trước quyết định. Do đó, nếu chúng ta có đủ phúc báo, cho dù không tranh không đấu, tiền tài cũng sẽ không thiếu thốn; nếu thiếu phúc báo, cho dù có cố gắng tranh giành chiếm đoạt, tiền tài cũng không thể đến tay.

Theo SecretChina
Kiên Định

Exit mobile version