Tìm được ý nghĩa chân chính của cuộc đời, ở tuổi 70, bà Patricia Falcon-Celli, chuyên gia ghi chép báo cáo lâm sàng đã nghỉ hưu sinh sống ở Ohio, Hoa kỳ tiết lộ: “Thực tình là, nếu không có Pháp Luân Đại Pháp, suốt cuộc đời này tôi sẽ không biết đến một ngày hạnh phúc”.
Mơ hồ về danh tính
Trong suốt quãng thời thơ ấu, trên tường nhà tôi có treo bức ảnh một cô bé đang cười rất tươi. Tôi còn nhớ khi lên bốn tuổi, một hôm mẹ chỉ bức ảnh và nói đó là chị gái tôi. Chị đã qua đời 9 tháng trước khi tôi được sinh ra. Tên của chị được bố mẹ đặt luôn cho tôi.
Vì vậy, mỗi khi viếng nghĩa trang, tôi lại nhìn thấy tên chị ấy/ tên tôi trên bia mộ. Điều này làm tôi luôn mơ hồ về danh tính của mình.
Có thể bởi sớm phải chứng kiến cảnh ly tán, chia lìa, từ nhỏ tôi đã nhiều lần tự hỏi: Con người rốt cuộc đến thế gian làm gì, chỉ để chịu khổ đau mất mát thôi sao? Lớn lên ở vùng New Orleans/Louisiana, nơi người dân hết năm này qua năm khác oằn lưng chống lại thiên tai bão lụt, câu hỏi về ý nghĩa của cuộc đời thực sự ngày càng lớn lên trong tôi. Học hết trung học, đại học, rồi tham gia các khóa học sau đại học, chẳng nơi nào cho tôi được câu trả lời thỏa đáng.
Mặc dù gia đình theo đạo Thiên Chúa, những điều tôi học được trong Kinh Thánh cũng không giúp giải đáp thắc mắc của tôi. Sau này, theo các con, tôi còn gia nhập Hội Thánh Lutheran. Là người ham mê đọc sách, tôi say sưa nghiên cứu Phật giáo, Hindu giáo, Do Thái giáo, triết học và tâm lý học. Tôi đã đọc tất cả các tác phẩm kinh điển của văn học phương Tây. Nghiền ngẫm khối tri thức cao siêu mà các bộ óc vĩ đại tâm huyết ấy viết ra cũng không làm cho tôi minh tỏ được những điều mình khát khao tìm hiểu.
Công cuộc truy tìm lời giải cho câu hỏi lớn về giá trị và mục đích của sinh mệnh sau này dẫn dắt tôi trở thành một nhà chiêm tinh nghiệp dư và một tín đồ Wiccan tôn thờ đa thần. Dù có những phát hiện mới, nhưng điều tôi kỳ vọng nhất vẫn còn như đang ở rất xa.
Điều trị ung thư vú ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ của tôi
Năm 1992, tôi bị ung thư vú với tiên lượng rất xấu. Sau ca phẫu thuật cắt bỏ triệt căn và sáu tháng hóa trị liên tục, sức khỏe của tôi trở nên vô cùng tồi tệ. Điều mà tôi sợ lúc đó không còn là căn bệnh ung thư mà chính là những độc tố đang dần dần hủy hoại cơ thể tôi.
Chuyên trách ghi chép các báo cáo lâm sàng của các bác sỹ trong bệnh viện, tôi thường xuyên phải ghi lưu những báo cáo về bệnh nhân đang điều trị ung thư. Tôi luôn tự nhủ sẽ không bao giờ để cơ thể mình phải chịu đựng những đau đớn này. Tuy nhiên, khi bác sĩ nói với tôi rằng nếu không trị liệu bằng hóa chất, tôi sẽ không sống được quá một năm. Tôi buộc phải lựa chọn hóa trị liệu để có thể kéo dài 5 năm cuộc sống, vì hai con còn nhỏ của mình.
Phác đồ được chỉ định đối với tôi là sáu tháng, mỗi đợt truyền hóa chất sẽ kéo dài hai tuần nhằm tiêu diệt tế bào ung thư. Tuy nhiên, tất cả các tế bào khỏe mạnh khác của tôi cũng bị tiêu diệt theo. Tác dụng phụ của hóa trị liệu chính là tàn phá cơ thể.
Tôi bị buồn nôn dữ dội, rụng tóc, và mất thính giác. Buồng trứng của tôi bị phá hủy, tôi bị mãn kinh sớm. Với tâm trạng đau khổ, tính khí thất thường, luôn luôn giận dữ một cách cực đoan, lúc nào tôi cũng chỉ muốn nhảy xuống sông gần đó để hạ hỏa. Trí nhớ và tư duy của tôi suy giảm, triệu chứng mà họ gọi là “rối loạn chức năng não”. Cơ và xương đều bị tổn thương, yếu đến nỗi bị ngứa tôi cũng không thể đưa tay lên gãi được.
Hóa chất tiêu diệt cả hồng cầu và bạch cầu, nên bệnh nhân trở nên yếu ớt, thiếu máu và suy giảm miễn dịch. Khi chỉ còn 2 đợt hóa trị cuối cùng tôi đã cảm thấy mình như đang sắp chết. Một đêm trong mơ tôi nghe một tiếng nói vang lên và trước mắt tôi hiện lên dòng chữ lớn, in đậm: “HÓA TRỊ SẼ GIẾT CHẾT BẠN, KHÔNG PHẢI UNG THƯ!”. Dòng chữ đó dành cho tôi. Và thế là tôi không bao giờ quay lại điều trị bằng hóa chất nữa.
Trong vòng một năm sau đó, sức khỏe của tôi được cải thiện, tóc mọc trở lại, nhưng thính giác và trí nhớ của tôi không thể hồi phục được như xưa. Tôi chấp nhận thực trạng cơ thể chỉ còn một bên vú, tuy nhiên, bởi những di chứng lâu dài do hóa trị, nhiều tuổi hơn, tôi bị loãng xương sớm, viêm xương khớp, sa tử cung, sa bàng quang, và suy giảm miễn dịch dẫn đến viêm phổi.
Trong nhiều năm sau đó, tôi liên tục phải nhập viện vì chứng viêm phổi kép (cả hai phổi). Các cơn ho nặng, dai dẳng làm tôi kiệt quệ, có lần tôi còn phải đi cấp cứu vì ho tới mức thoát vị ổ bụng.
Họa vô đơn chí
“Phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí’, điều tồi tệ nhất đã xảy ra với gia đình tôi. Alan, cậu con trai 12 tuổi của tôi, sợ mẹ chết sớm, nên chỉ sau vài ngày tôi được chẩn đoán ung thư, cháu liền bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng. Cả gia đình lại dốc sức lo chữa trị cho cháu. Cháu bị rối loạn tâm thần phân liệt thể hoang tưởng, nghe thấy tiếng nói, và trầm cảm dạng rối loạn lưỡng cực.
Thuốc men bác sỹ kê cho Alan không phải lúc nào cũng có tác dụng. Khi bệnh nặng, cháu phải nhập viện. Có bằng tốt nghiệp phổ thông trung học, nhưng Alan không thể đi làm, bởi không chịu được áp lực và tác động tâm lý từ môi trường. Có thời gian Alan cố gắng sống tự lập trong một căn hộ riêng, nhưng rồi cháu đã không thể xoay sở được. Niềm mong mỏi con trai có một cuộc sống bình thường của tôi đã không thành hiện thực. Vô cùng đau khổ, nhưng tôi buộc phải chấp nhận và chỉ biết yêu thương con nhiều hơn.
Alan sống cùng vợ chồng tôi. Con gái lớn Renee vào đại học, rồi kết hôn và có ba con. Con bé có cuộc sống riêng hạnh phúc, không liên quan gì đến người anh phiền toái của nó. Cuộc sống của chúng tôi ở nhà căng như dây đàn, thăng trầm theo cảm xúc thất thường của Alan, có thể ví như ngồi trên tàu lượn siêu tốc vậy, rất hãn hữu mới có vài quãng ngày bình yên.
Tôi và Alan gần gũi, hòa hợp, bởi tôi hiểu cháu một cách sâu sắc và biết cách chuyện trò với cháu. Nỗi sợ lớn nhất mà cháu luôn canh cánh bên lòng là không biết sẽ sống ở đâu khi bố mẹ qua đời. Chồng tôi – Alfred lo mọi giao dịch y tế, làm việc với bệnh viện, bảo hiểm, đưa Alan đi khám…
Mặc dù quan tâm chăm sóc con chu đáo, nhưng chồng tôi lại rất dễ mất bình tĩnh, thường hay to tiếng với con. Những lúc như thế, một trận chiến thực sự sẽ nổ ra, khi thì vỡ cái này, khi thì bể cái kia. Sau khi đã hạ hỏa, thật lạ, hai cha con lại đối xử với nhau như bình thường. Rõ ràng giữa họ có một mối dây ràng buộc chặt chẽ. Thường thì, họ sẽ lại yên lặng ngồi bên nhau, hoặc chỉ nói chuyện qua lại vài câu.
Đầu năm 2016, chồng tôi bị ung thư phổi và phải xạ trị. Alan rất lo cho bố. Ở nhà cháu chăm sóc bố từng li từng tí, từ cái chăn đắp, đôi dép, ly nước, đồ ăn nhẹ hoặc bất cứ điều gì bố cần cháu làm giúp.
Nỗi sợ mất cha khiến bệnh tình của Alan nặng hơn, cháu buộc phải nhập viện thường xuyên hơn. Chắc các bạn hiểu được người mẹ đau đớn ra sao khi phải chứng kiến điều này.
Các đợt xạ trị cũng vắt kiệt sức lực của chồng tôi. Ông ấy không còn gánh vác được việc nhà cũng như những việc quen làm trước đây. Bởi vậy, mặc dù tuổi đã cao, sức đã cạn, tôi buộc phải lo toan mọi việc trong gia đình. Có nhiều khi, lòng tự hỏi, nếu cứ mãi tình trạng này, tôi còn gắng gượng được bao lâu nữa?
Cuộc gặp gỡ thần kỳ thay đổi cuộc đời tôi
Đã gần đi hết chặng đường đời, vậy mà điều tôi khao khát tìm kiếm vẫn bặt vô âm tín. Tôi tin rằng trên thế gian này có tồn tại một kết nối tâm linh tối thượng, và rằng con người đến đây đều phải có lý do đặc biệt nào đó. Cuộc sống của tôi cứ buồn thảm trôi đi như thế, nếu như không có một ngày, vào tháng 1 năm 2015… Tôi đã gặp được Pháp Luân Đại Pháp, chính xác hơn, Pháp Luân Đại Pháp đã tìm ra tôi.
Trong khi đang lướt qua những thông tin giới thiệu trên một cuốn tài liệu tại trung tâm giải trí gần nhà ở Dublin, Ohio, một dòng chữ in đậm bỗng lọt vào mắt tôi: “Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công) là một môn tu luyện khí công cao tầng được truyền lại từ Trung hoa cổ đại lấy đặc tính căn bản của vũ trụ: Chân, Thiện và Nhẫn làm nguyên lý chỉ đạo tu luyện.”
Từ sâu thẳm tim mình, như được mách bảo, tôi biết đây là một môn tu luyện vô cùng quý giá, không gì sánh được. Ở tuổi 66, tôi bắt đầu tham gia học Pháp nhóm, và luyện tập các bài công pháp của Pháp Luân Công. Tôi chuyên tâm hàng ngày luyện công và chú trọng thực hành đề cao tâm tính của mình theo những chỉ dẫn được nêu lên trong cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”. Bao nhiêu câu hỏi mà cả đời không tìm được lời giải, tôi đều tìm thấy khi đọc cuốn sách kỳ diệu này.
Rất nhanh, tôi bắt đầu trải nghiệm nhiều cải biến tích cực trên cả thân và tâm. Căn bệnh đau cân cơ, kết quả không mong đợi của ca phẫu thuật nối đĩa đệm đốt sống cổ đã hành hạ tôi hàng chục năm bỗng không cánh mà bay. Chứng viêm phổi mãn không trở lại. Tôi không phải ăn uống kiêng khem với chỉ lúa mì, các loại hạt, và các chế phẩm từ sữa nữa. Trầm cảm và lo lắng kéo dài chấm dứt. Tôi càng ngày càng khỏe mạnh hơn.
Bầu không khí trong gia đình cũng đột nhiên trở nên yên ả đến kỳ lạ. Chồng tôi và Alan không còn gây hấn với nhau, các cuộc cãi vã cứ thể giảm dần rồi mất hẳn. Con gái tôi và các cháu dường như cũng thay đổi. Alan cũng ý thức được hành vi của mình hơn trước, nên trong giao tiếp với chị gái và các cháu mỗi dịp về chơi nhà cũng trở nên có kiểm soát hơn. Do đó, mối quan hệ của họ dần được cải thiện.
Mối quan hệ của tôi với Alfred cũng được cải thiện. Khi tôi không còn cảm thấy bị ức chế vì bản tính bừa bộn, không có kế hoạch, thích tích trữ đồ đạc của Alfred, ông ấy lại tự giác để ý dọn dẹp, ít bày bừa hơn.
Về cơ bản chồng tôi là một người tốt, nhưng ông ấy lại rất bảo thủ, đôi khi hống hách. Với tôi, dường như ông ấy không bao giờ thực sự lắng nghe. Điều này làm tôi rất bất bình. Giữa chúng tôi thường xuyên xảy ra xung đột. Mỗi khi cãi nhau ông luôn giành phần thắng. Tôi chỉ còn biết kìm nén cơn giận dữ và oán hận của mình, giấu nó vào trong. Điều này thực ra vô cùng nguy hiểm, cái quả bom không biết lúc nào sẽ phát nổ này làm tôi mệt mỏi, chán nản. Giờ đây, khi không còn tranh hơn thua, đơn giản là chỉ lắng nghe ông ấy, chúng tôi bắt đầu có thể nói chuyện cởi mở, gần gũi hơn. Mối quan hệ của chúng tôi nhờ vậy được cải biến rõ rệt.
Một trái tim mạnh mẽ, kiên cường hơn…
Năm 2016, gia đình tôi gặp một biến cố lớn. Alan bất ngờ tự tử, khi mới 37 tuổi. Trên thế gian này, không có nỗi đau nào quặn thắt hơn, khắc khoải và không thể nguôi ngoai hơn nỗi đau mất con của người mẹ.
Nếu chưa tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, chắc chắn tôi sẽ không thể vượt qua nỗi đau tột cùng thống khổ này. Có lẽ tôi đã suy sụp hoàn toàn, thậm chí còn muốn chết theo con. Nhưng, điều đó đã không xảy ra, tôi có thể vững vàng chấp nhận cái chết của đứa con trai duy nhất, đã gắn bó, là chỗ dựa tinh thần cho tôi suốt gần 40 năm qua, để cháu ra đi thanh thản, và tự mình hồi phục không lâu sau biến cố. Trong những ngày này, trong tôi tràn ngập niềm cảm thông sâu sắc với nỗi đau của những người làm cha, làm mẹ khi vĩnh viễn mất đi đứa con thân yêu của mình, trong đó có mẹ tôi.
Kể từ khi bắt đầu tu luyện cho đến nay tôi liên tục có những thay đổi. Tôi đã có thể dễ dàng tha thứ cho người khác vì những gì không tốt họ gây ra cho tôi, và sẵn sàng thừa nhận, hối lỗi về những sai lầm mà tôi đem đến cho người khác. Tôi đã nhận ra rất nhiều điều về bản thân mình trước đây đã ngăn trở tôi trở thành một người tử tế và có một cuộc sống tốt đẹp.
Nhờ thực hành những nguyên lý của Đại Pháp, tôi trở nên vị tha hơn, dung nhẫn hơn. Giờ đây, bất kể khi nói hay khi làm gì, tôi đều sẽ nghĩ cho người khác trước tiên. Mặc dù vẫn phạm sai lầm nhưng tôi đã có thể rút kinh nghiệm từ những sai lầm ấy, và làm tốt ở những lần sau.
Cuộc sống của một con người bình thường luôn tiềm ẩn đầy rẫy những rủi ro. Qua chẩn đoán gần đây và chụp CT bác sỹ cảnh báo các tế bào ung thư phổi của chồng tôi đã lan rộng; xạ trị không có tác dụng. Alfred phải liên tục vào viện để hút dịch phổi, làm các xét nghiệm, hóa trị và nhận phác đồ điều trị từ các bác sỹ chuyên khoa. Hiện tại chúng tôi cũng không rõ liệu việc điều trị sẽ có kết quả khả quan hay không. Nhìn ông ấy đau đớn tôi chỉ biết cố gắng chăm sóc ông ấy thật chu đáo và không nguôi nuôi hy vọng.
Chặng đường mà chúng tôi đang đi còn rất nhiều khó khăn và thử thách. Tuy nhiên, đã là một người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thực hành nguyên lý Chân Thiện Nhẫn trong từng ý niệm, hành vi ứng xử, mỗi ngày qua đi, tôi lại thấy mình mạnh mẽ hơn, thiện lương hơn và nhẫn nại hơn. Con người đau khổ, bệnh tật, chất chồng oán hận xưa kia đã vĩnh viễn rời xa. Giờ đây ở tuổi 70, chăm sóc chồng ốm đau bệnh tật, tôi không những chẳng kêu ca phàn nàn, mà còn luôn lạc quan vui vẻ, có lúc tôi chợt nhận ra mình đang huýt sáo, hay khe khẽ hát một mình. Thực tình là, nếu không có Pháp Luân Đại Pháp, suốt cuộc đời này tôi sẽ không biết đến một ngày hạnh phúc.
Ghi chú của Ban biên tập: Pháp Luân Đại Pháp (hay còn được gọi là Pháp Luân Công) là một môn tu luyện thiền định cổ xưa của Phật gia lấy việc đồng hóa với đặc tính căn bản của vũ trụ Chân – Thiện – Nhẫn làm cơ sở giúp người tu luyện cải thiện sức khỏe, đề cao đạo đức và tăng trưởng trí huệ.
Cuốn sách “Chuyển Pháp Luân”, video các bài giảng Pháp Luân Đại Pháp và các thông tin về môn tu luyện này qua 41 ngôn ngữ được tải xuống hoàn toàn miễn phí tại trang web: www.phapluan.org.
Theo NTD Ấn Độ
An Nhiên