“Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc“huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.
Xem thêm:
- Phần 3: Tứ bất tử của Việt Nam, họ là ai?
- Phần 3.1: Ba lần chuyển sinh của Tiên Chúa Liễu Hạnh
- Phần 3.2: Tiên giới thánh duyên Chử Đồng Tử và Tiên Dung
Trong các phần trước của loạt bài “Tìm lại huy hoàng”, chúng ta đã đi qua các câu chuyện về các vị “Tứ bất tử” của Việt Nam.
Trong các vị được lưu danh bất tử qua các thời kỳ, Chử Đồng Tử (đời Hùng Vương thứ 18) được thờ như ông tổ của đạo thờ tiên (Chử Đạo Tổ); Thánh Gióng (đời Hùng Vương thứ 6) vốn là Thiên tướng trên trời, xuống giúp dân tộc Việt dẹp giặc, rồi lại bay về trời; Tản Viên Sơn Thánh (còn gọi là Sơn Tinh, đời Hùng Vương thứ 18), hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ, dòng dõi con rồng cháu tiên, vốn “theo cha xuống biển”, rồi lại “từ biển đi lên” để lưu danh lịch sử. Liễu Hạnh công chúa (thời Hậu Lê thế kỷ 15) vốn là con gái thứ 2 của Ngọc Hoàng Thượng Đế, 3 lần giáng trần để ngàn đời được tôn phong là “Mẫu nghi thiên hạ – Mẹ của muôn dân” và cuối cùng quy y cửa Phật.Trong các ngôi vị tứ bất tử, chúng ta thấy có đại diện của cả tín ngưỡng Phật, Đạo, Thần (Phật, Thánh, Thần, Tiên…). Mỗi vị đã đặt định ra cho con người nền tảng văn hóa tín ngưỡng khác nhau vào Phật, Đạo, Thần và đạo lý làm người.
Còn Từ Đạo Hạnh (1072-1116) và Nguyễn Minh Không với quốc hiệu Lý Quốc Sư (1066 – 1141), là hai vị thiền sư, cao tăng nổi tiếng đời nhà Lý thế kỷ 11, với huyền sử cuộc đời mang dấu tích của Phật Pháp thần thông đã đưa họ thành bất tử. Họ đã đặt định ra văn hóa tín ngưỡng Phật giáo.
Trong chính sử và huyền sử, ngôi vị đệ tứ của tứ bất tử thường thuộc về Thánh Mẫu Liễu Hạnh nhiều hơn (tham chiếu phần 3 của “Tìm lại huy hoàng”), tuy nhiên, có nhiều ghi chép cho thấy trước khi Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh vào thế kỷ 15, ngôi vị đệ tứ Tứ Bất Tử thuộc về Nguyễn Minh Không tức Lý Triều Quốc Sư, và Từ Đạo Hạnh, giáng sinh từ thế kỷ 11. Kiều Oánh Mậu, học giả người làng Đường Lâm, là nhà học giả cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong lời Án sách Tiên phả dịch lục có viết:
“Tên các vị Tứ bất tử của nước ta là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Vì bấy giờ Tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào.”
Còn tài liệu xưa nhất về thuật ngữ Tứ bất tử là bản Dư Địa Chí, in trong bộ Ức Trai di tập. Nguyễn Tông Quai ở thế kỷ XVII là người đầu tiên giải thích thuật ngữ Tứ bất tử, khi ông chú giải điều 32 trong sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi. Lời chú ấy như sau:
“… Tản Viên Đại Vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa bay lên không trung, Đồng tử nhà họ Chử gậy nón lên trời; Ninh Sơn (nay là Sài Sơn), Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai. Ấy là An Nam Tứ bất tử vậy”.
Lý Quốc Sư – vị thiền sư chứng ngộ Phật Pháp thần thông và mở mang Phật giáo tại Việt Nam
Lý Quốc Sư, ông là ai, người ngày nay thường lầm tưởng đó là 1 cái tên của một vị anh hùng lịch sử họ Lý.
Thực ra hoàn toàn không phải, Lý Quốc Sư là tên gọi do triều nhà Lý ban cho, họ Lý là họ của Vua do nhà vua ban tặng, ghép với chức danh pháp lý cao nhất của một vị thiền sư nổi tiếng Nguyễn Minh Không thành tên Lý Quốc Sư – danh hiệu này có nghĩa là “vị thầy của quốc gia”.
Và trang sử gắn với ông là một trang sử huy hoàng bởi những kỷ lục ít ai ngờ tới: vị thiền sư sáng lập nhiều ngôi chùa nhất Việt Nam (hơn năm trăm ngôi chùa). Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng: “Quốc sư Minh Không rất linh ứng. Phàm khi có tai ương hạn lụt, cầu đảo đều nghiệm cả.” Nguyễn Minh Không, cùng với người anh em kết nghĩa Từ Đạo Hạnh, là hiện thân quyền lực linh thiêng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý – là dược sư tài giỏi, là thiền sư tài cao đức trọng, là bậc thánh tổ nghề đúc đồng Việt Nam.
Những ai có ít nhiều hiểu biết về Phật giáo, hẳn sẽ không quên cái tên Mục Kiền Liên và Liên Hoa Sắc, những vị đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni với danh xưng “đệ nhất thần thông”. Và những ai am hiểu Phật Giáo hơn, cũng sẽ biết về việc Tổ Bồ Đề Đạt Ma của môn phái Thiền tông vượt sông chỉ bằng một cọng lau. Nhưng ít ai ngờ tới là ngay tại đất Đại Việt của chúng ta, vào triều nhà Lý, có những vị thiền sư đã chứng ngộ thần thông của Phật Pháp… Thần thông ngoài đời nơi đất Việt của chúng ta thực sự có tồn tại, chứ không phải chỉ trong những câu chuyện hư cấu. Đó là nhờ nỗ lực chân tu Phật Pháp của các vị chân sư thời đó…
Theo Thiền Uyển Tập Anh và Đại Việt Sử Ký Toàn thư, Đức Thánh Nguyễn hay Lý Quốc Sư Nguyễn Minh Không có tên húy là Nguyễn Chí Thành. Ông sinh ngày 14 tháng 8 năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất triều Lý Thánh Tông (1066) tại làng Điềm Xá, phủ Tràng An ( nay thuộc thôn Quốc Thanh xã Gia Thắng huyện Gia Viễn tỉnh Ninh Bình). Cha của Thánh Nguyễn là ông Nguyễn Sùng, quê ở thôn Điềm Xá, phủ Tràng An. Mẹ ông là bà Dương Thị Mỹ, quê ở Phả Lại, phủ Từ Sơn (Bắc Ninh). Thiếu thời ông chuyên làm nghề chài lưới của ông cha. Năm 11 tuổi ông xuất gia đầu Phật. Ông đã kết nghĩa anh em cùng thiền sư Nguyễn Giác Hải và thiền sư Từ Đạo Hạnh, là những vị chân sư có uy tín đương thời. Họ cùng sang Tây Trúc học đạo.
Thời ấy, Phật giáo đã được truyền vào Việt Nam và đang ở giai đoạn cực thịnh. Phật giáo được coi là quốc giáo và có ảnh hưởng rất lớn tới mọi mặt của đời sống. Chính vì vậy, rất nhiều người dân Đại Việt thời bấy giờ đều lập chí tu hành học đạo. Chí Thành cũng là một trong số ấy.
Theo sách “Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược” (Phòng Địa chí – Thư viện tỉnh Nam Định chế bản) tại trang 146, trong mục chùa Keo thì: Không Lộ tên chính là Nguyễn Chí Thành người xã Điềm Xá huyện Gia Viễn cùng Nguyễn Viết Y người xã Loa Điền Hải Thanh kết bạn với nhau, Chí Thành đạo hiệu là Không Lộ, Viết Y đạo hiệu là Giác Hải, sau gặp sư Từ Đạo Hạnh người Yên Lãng cùng sang Tây Trúc học đạo đều thành.
Vị thiền sư sáng lập nhiều ngôi chùa nhất Việt Nam
Khi đã đắc đạo, ông trở về quê nhà dựng chùa Viên Quang, sau đó lại lập nhiều chùa ở vùng châu thổ Sông Hồng: Phả Lại (Bắc Ninh), Giao Thủy (Nam Định), Vũ Thư (Thái Bình), Hoa Lư (Ninh Bình), Hà Nội, Hải Dương… lấy vị hiệu là Minh Không. Từ đó dân gian thường gọi ông là Nguyễn Minh Không. Theo lịch sử xây dựng chùa, trong suốt cuộc đời, Nguyễn Minh Không đã sáng lập hơn năm trăm ngôi chùa trên đất Đại Việt.
Nhiều ngôi chùa lớn còn tồn tại đến ngày nay như: chùa Bái Đính, chùa Cổ Lễ, chùa Non Nước, chùa Địch Động, chùa Quỳnh Lâm, chùa Am Tiên, chùa Kim Liên, chùa Hàm Long….
Dược sư, pháp sư tài danh
Tu thiền đắc đạo, ông có thể đi mây về gió, ngả nón làm thuyền vượt sông cả, cho cả kho đồng nước Tống vào túi đem về đúc tứ đại khí, thò tay vào vạc dầu đang sôi vớt hàng trăm chiếc kim chữa bệnh cho Vua Lý Thần Tông. Đó là những câu chuyện được lịch sử ghi chép.
Người sáng tạo Đại Nam Tứ Khí (Tượng Phật, Hồng Chung, Đỉnh, Vạc)
Theo thiền sư Thích Thanh Từ viết trong Thiền sự Việt Nam, bấy giờ Nguyễn Minh Không muốn tạo Đại Nam tứ khí (Tượng Phật, Hồng Chung, Đỉnh, Vạc), một hôm Minh Không suy nghĩ: “Nước Tống ắt có nhiều đồng tốt có thể dùng đúc được”. Nghĩ xong, sư thẳng đường sang Bắc Triều (Trung Quốc), trước hết sư ghé trọ một nhà trưởng giả xin mảnh đất bằng chiếc áo cà sa để lập kỳ viên.
Trưởng giả cười bảo: “Xưa kia Thái tử nhà Lương muốn lập kỳ viên, mảnh đất rộng đến nghìn dặm, lấy vàng lót đất. Tại sao ông chỉ xin mảnh đất bằng áo cà sa chỉ bằng chuồng gà làm gì?” Đêm ấy sư trải chiếc áo cà sa ra khắp 10 dặm đất. Trưởng giả thấy phép thần thông của nhà sư, liền dắt vợ con ra lễ bái và từ đó cả nhà đều quy y tam bảo.
Hôm khác sư mang bát, chống gậy trước thềm rồng đứng khoanh tay. Vua Tống vào triều bá quan văn võ tung hô xong xem thấy vị sư già bèn triệu vào hỏi:
– Thầy già ốm yếu này quê phương nao, tên họ gì, đến đây có việc chi?
Sư tâu:
Thần là bần tăng nơi tiểu quốc xuất gia đã lâu, nay muốn tạo Đại Nam tứ khí mà sức không tùy tâm nên chẳng sợ xa xôi lặn lội tới đây, kính mong thánh đế mở rộng lòng thương ban cho chút ít đồng tốt để đem về đúc tạo. Vua Tống hỏi:
– Thầy đem bao nhiêu đồ đệ? Sư tâu:
– Bần tăng chỉ có một mình xin đầy đãy này quảy về.
– Vua bảo: Phương nam đường xa diệu vợi tuỳ sức sư lấy được bao nhiêu thì lấy, đủ quảy thì thôi.
Sư vào kho đồng lấy gần hết sạch kho mà chưa đầy đãy, quan giữ kho lè lưỡi lắc đầu vào triều tâu việc ấy với Vua. Vua ngạc nhiên hối hận nhưng lỡ lời hứa rồi không biết làm sao. Sư nhận đồng xong, vua Tống sai bá quan tiễn sư về nước sư từ chối nói rằng:
– Một đãy đồng này tự thân bần tăng vận sức quảy được.
Nói xong sư bước ra lấy đãy mang vào đầu gậy nhẹ nhàng mang đi. Đến sông Hoàng Hà sư lấy nón thả xuống nước làm thuyền sang sông chỉ trong khoảng chớp mắt đã đến bờ.
Về nước, sư đến chùa Quỳnh Lâm, huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh đúc một pho tượng đồng lớn là tượng A-di-đà. Tại Kinh Đô nơi Tháp Báo Thiên sư đúc một cái đỉnh, ở Phả Lại sư đúc một quả Đại Hồng Chung, tại Minh Đảnh sư đúc một cái vạc. Công quả hoàn thành sư làm bài tán rằng:
Lạp phù việt đại hải
Nhất tức vạn lý trình
Tống đồng nhất lang tận
Phấn tý thiên câu lực
Dịch nghĩa:
Nón nổi vượt biển cả
Một hơi muôn dặm đường
Một đãy sạch đồng Tống
Dang tay sức ngàn ngựa.
Nguyễn Minh Không được các làng nghề đúc đồng suy tôn là ông tổ nghề đúc đồng, mặc dù mặc dù từ thế kỷ X, Vua Đinh Tiên Hoàng đã cho đúc tiền bằng đồng đầu tiên trong lịch sử và trước đó người Việt cổ đã đúc trống đồng. Với vai trò là quốc sư triều Lý, ông tham gia gây dựng nhiều công trình Phật giáo và “An Nam Tứ đại khí” là những báu vật nổi tiếng của nước Đại Việt thời Lý – Trần. Ông là người sưu tầm và phục hưng nghề đúc đồng – tinh hoa của văn minh Đông Sơn – văn minh người Việt cổ mà trở thành tổ sư nghề đúc đồng.
Thần y chữa bệnh hóa hổ cho vua Lý Thần Tông
Thiền sư Minh Không đồng thời là một dược sư nổi tiếng thời Lý, một trong những kỳ tích của ông được sử sách ghi lại là chữa thành công bệnh cho vua Lý Thần Tông, từ đó được phong làm quốc sư.
Năm vua Lý Thần Tông 21 tuổi bỗng nhiên mắc bệnh hóa thành cọp ngồi xổm chộp người, cuồng loạn đáng sợ. Triều đình phải làm cũi vàng nhốt vua trong đó. Khi đó có đứa bé ở Châu Định hát rằng:
Nước có Lý Thần Tông
Triều đình muôn việc thông
Muốn chữa bệnh, thiên hạ
Cần được Nguyễn Minh Không.
Tương truyền lúc còn đang học đạo, trong khi đi qua khu rừng, Từ Đạo Hạnh dùng phép thần thông hóa hổ dọa, Nguyễn Minh Không không nao núng e sợ, ung dung nói với con hổ: “Đạo huynh đấy à? Tưởng đạo huynh làm gì ích lợi cho đời, lại đi làm thú dữ hại người đấy ư? Đạo huynh muốn thế, kiếp sau sẽ được làm mà…”
Từ Đạo Hạnh hối hận: “Xưa kia đức Thế Tôn tạo quả viên thành còn chịu báo kim sương, mã mạch, huống chi tôi sinh thời mạt pháp đâu có thể tránh được, đời sau sẽ làm quốc chủ và sẽ chịu báo này, ông với tôi có nhân duyên bằng hữu lúc đó hãy cứu tôi.“
Sau khi thiền sư Đạo Hạnh hóa, đầu thai là Dương Hoán, được Vua Nhân Tông yêu quý lập làm Hoàng Thái tử và kế vị ngai vàng tức Lý Thần Tông hoàng đế.
Khi vua mắc bệnh, triều đình sai quan chỉ huy đi đón sư, đến am sư cười bảo: “Đây không phải là chuyện cứu cọp đó ư?” Quan chỉ huy hỏi: “Sao thầy biết trước?” Sư bảo: Ta biết việc này trước 30 năm”
Trong quốc sử Đại Việt Sử Ký Toàn Thư cũng ghi rằng: “Tục truyền khi sư Từ Đạo Hạnh sắp trút xác, trong khi ốm đem thuốc niệm thần chú rồi giao lại cho Nguyễn Minh Không, dặn rằng sau 20 năm nếu thấy Quốc Vương bị bệnh lạ thì tới chữa ngay, có lẽ là việc này.”
Sư đến triều, khi gặp vua, Sư lớn tiếng nói: “Ðấng đại trượng phu, giàu sang bốn bể, há lại làm ra những điều cuồng loạn đấy ư?” Sư vào trong điện ngồi, lên tiếng bảo: Bá quan đem cái đảnh dầu lại mau, trong đó để 100 cây kim và nấu cho sôi, đem cũi vua lại gần đó. Sư lấy tay mò trong đảnh lấy 100 cây kim châm cứu cho nhà vua. Lông và móng răng hổ rụng hết, toàn thân vua hoàn phục như cũ. Vua tạ ơn sư một ngàn cân vàng và ngàn khoảng ruộng để hương hỏa cho chùa. Ruộng cày không lấy thuế.
Đến năm Đại Định thứ 2 (1141) Sư quy tịch.
Đại Việt sử ký toàn thư tập 1 có ghi: vua bệnh nặng, chữa thuốc không khỏi, nhà sư Minh Không (người Gia Viễn Ninh Bình) chữa khỏi, phong làm Quốc sư, tha phu dịch cho vài trăm hộ.
Trang 353 Đại Việt Sử Ký Toàn thư ghi: Mùa thu tháng 8 Quốc sư Minh Không chết. Sư người Đàm Xá, huyện Gia Viễn, phủ Trường Yên rất linh ứng, phong chi có thủy hạn tai hại gì cầu đảo đều nghiệm cả. Nay hai chùa Giao Thủy và Phả Lại đều tô tượng để thờ.
Ngày nay, vùng đồi núi Gia Sinh, Gia Viễn, hiện vẫn còn cái tên làng Sinh Dược (làng thuốc sống) do Lý Quốc Sư dùng cây thuốc ở đây chữa bệnh. Từ các loại thảo dược này ông đã chữa bệnh nan y cho vua Lý Thần Tông và bào chế ra nhiều loại thuốc chữa bệnh cho nhân dân, ông đã truyền lại cho dân nhiều bài thuốc hay và sử dụng thuốc nam, châm cứu chữa bệnh. Đến nay vùng đồi núi Sinh Dược, Gia Sinh vẫn còn nhiều cây thuốc quý như: Bình vôi, Ngành ngạnh, Hoài sơn, Khúc Khắc, Mặt quỷ, Bòn bọt, Hà thủ ô, Hy thiêm thảo, chè vằng, Thiên niên Kiện, Bố chính sâm…
Là một dược sư pháp sư và quốc sư tài danh được phong Thánh, ông đã được vinh danh Tứ bất tử của Việt Nam. Trang sử gắn với ông là một trang sử huy hoàng của Phật giáo hưng thịnh thời Lý.
Nhưng trên tất cả, phải chăng ông được vinh danh Bất tử để mãi mãi lưu dấu ấn Phật Pháp thần thông tại nhân gian…?
Hà Phương Linh
Xem thêm