Đại Kỷ Nguyên

Tìm lại huy hoàng kỳ 9: “Các ngài phải chăng đang mù chữ ngay trên chính đất nước mình?”

Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc “huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.

Nền văn hóa và văn học truyền thống dân tộc Việt Nam vốn đẹp tinh khiết tựa sen, nhưng giờ… chẳng mấy ai hiểu được nữa…

Có một thực tế là, các khách du lịch đến nước ta đều ngạc nhiên trước tình trạng người Việt không đọc được những dòng chữ đề trên các đền đài và di tích lịch sử, văn bia, thư tịch… Họ nói “Các ngài là những người mù chữ ngay trên đất nước mình.” Câu nói có thể khiến người nghe chết lặng.

“Người Việt không hiểu Hán tự cũng là cội nguồn của việc hiểu sai các từ Việt gốc Hán. Cũng như người Pháp không thể giỏi tiếng Pháp nếu không biết tiếng La Tinh, người Việt Nam cũng không thể giỏi tiếng Việt nếu không biết chữ Hán, thứ chữ đã từng được dùng để viết hơn 70% số từ của tiếng Việt, những từ mà ngày nay vẫn được dùng với một tần suất rất cao.” Trích nhận xét của cố giáo sư Cao Xuân Hạo trên tạp chí Kiến thức ngày nay.

Cổng chính đền Hùng, nơi người người đi qua vào các mùa lễ hội để tưởng nhớ các Vua Hùng ngày giỗ tổ, nhưng mấy ai hiểu những điều được viết hết sức trang trọng trên cổng và các cột trụ?

Tầng tầng lớp lớp nghĩa sâu xa ẩn trong hình tượng con chữ: Tại sao người xưa say mê những áng văn chương cổ đến thế…

Thời đi học phổ thông, những ông giáo già mỗi lúc dạy văn học cổ như Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi thường phóng bút viết những chữ Hán như “rồng bay phượng múa” trên bảng. Và rồi giải thích. Phải nói, lũ học trò ngày đó rất say mê các giờ Văn như thế này. Nó như là giảng được cái hồn, cái vía của ngôn ngữ dân tộc. Nó như nổi được cái mạch truyền thống đáng tự hào của cha ông ta qua bao nhiêu thế hệ. Chữ Hán cho ta gặp lại Hưng Đạo Đại Vương qua “Hịch tướng sỹ”, cho ta gặp Nguyễn Trãi ở áng “Thiên cổ hùng văn” bất hủ, gặp Quang Trung trong lời dụ ở thành Nghệ An khi thần tốc tiến quân ra Thăng Long ngày Tết, gặp Nguyễn Du với “Sở kiến hành”, “Phản chiêu hồn”…

Khi nhớ mặt chữ của một từ thì người học rất khó quên được ý nghĩa của nó, chẳng hạn chữ an (安) gồm nữ (女 đàn bà) ở dưới miên (宀 mái nhà) nên có nghĩa là an (an ổn), hoặc chữ minh (明) gồm nhật (日 mặt trời) và nguyệt (月 Mặt Trăng) nên có nghĩa là sáng. Như vậy mỗi từ của chữ Hán có tính chất sống động và đầy hàm ý, hình ảnh và tưởng tượng, vì vậy đọc một bài thơ bằng tiếng Hán, thì cảm thấy bay bổng, sâu sắc và ý nghĩa, giàu có và thú vị hơn rất nhiều khi đọc cũng bài thơ đó phiên âm ra chữ tiếng Việt. Cái hay còn tăng thêm gấp bội nếu ta thưởng thức được nét bút của người viết, và ai cũng nhận ra môn “thư họa”, “thư pháp” (vẽ chữ) vốn là bước đầu của môn hoạ, người nào viết đẹp chữ Hán cũng được xem giống như một hoạ sĩ.

Bình Ngô Đại Cáo

Nâng niu từng con chữ Thánh Hiền…

Cha ông mình không có thành kiến những con chữ ấy chứa đựng “tư tưởng bành trướng”, chứa đựng “tính giai cấp”. Họ trân trọng gọi là “chữ Thánh Hiền“, họ sống và thăng hoa, nâng niu những con chữ đó trong suốt nhiều nghìn năm, mà không hề bài xích là con chữ riêng của đất nước nào đó…

Những nét chữ rồng bay phượng múa này đây chính là di sản văn hóa của đất Việt…

Học chữ Hán mà viết được Hịch, được Cáo như cha ông thì tuyệt biết bao. Học chữ Hán để đọc và hiểu biết hơn Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du thì càng làm cho chúng ta tự hào hơn về dân tộc. Học chữ Hán để chúng ta tiếp xúc với nền lịch sử sâu sắc và uyên thâm qua những áng văn bia ở Văn Miếu mà không mấy người hiểu được nội dung…

Bia Văn Miếu (Ảnh: cinet.vn)

Trên những tấm bia Hán tự này có những áng văn bất hủ như thế này đây:

Kẻ sĩ được ghi tên vào tấm đá này, ắt nên giữ lòng trong sạch, tiết tháo kiên trinh, giúp đời hành đạo, giúp vua ban ơn cho dân, ngõ hầu công danh sự nghiệp được khắc vào chuông đỉnh, thêu lên cờ hiệu, cùng với tấm đá này soi tỏ mới không hổ thẹn với khoa danh. Thảng hoặc có kẻ quỳ gối uốn mình, tô vẽ giả dối, ngọc vết khó giấu, đá vết khó mài, công luận ngàn năm, há chẳng đáng sợ sao! Thế thì dựng bia đá này chẳng phải riêng để bồi đắp Nho phong mà còn để giùi mài sĩ khí, việc đó có quan hệ đến thanh danh giáo hóa thật lớn vậy”. (Trích văn bia khoa thi năm 1748)

82 tấm bia đá ở Văn Miếu không chỉ là nguồn tư liệu phong phú phản ánh một giai đoạn lịch sử hơn 300 năm dưới triều Lê – Mạc, bia tiến sĩ Văn Miếu còn là bức tranh sinh động về việc tuyển dụng và đào tạo nhân tài độc đáo ở Việt Nam, thể hiện ở tư tưởng trị quốc dựa vào nhân tài. Vậy mà chúng ta không đọc được, không hiểu được, chẳng phải quá đáng tiếc hay sao?

Mộc bản triều Nguyễn: Ký ức thế giới

Hay như trên mộc bản triều Nguyễn, di sản thế giới của Việt Nam, là niềm tự hào của chính nước Việt Nam, trong đó là những nội dung gì? Là sự đồ sộ uyên nguyên của lịch sử Việt Nam triều Nguyễn, từ địa lý, chính trị – xã hội, quân sự, pháp chế, văn hóa giáo dục, tôn giáo – tư tưởng- triết học, văn thơ, ngôn ngữ – văn tự.

Tài liệu mộc bản có nhiều tác phẩm quý hiếm như: Đại Nam thực lục, Đại Nam nhất thống chí, Khâm định Việt sử thông giám cương mục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ… ngoài ra còn có các tác phẩm Ngự chế văn, Ngự chế thi do các vị hoàng đế nổi tiếng như Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức sáng tác.

Mộc bản triều Nguyễn (Ảnh: cinet.vn)
Mộc bản triều Nguyễn (Ảnh: cinet.vn)

Mộc bản triều Nguyễn gồm 34.618 tấm với 55.318 mặt khắc, chứa đựng nội dung của 152 đầu sách với 1.935 quyển phản ánh mọi mặt của xã hội Việt Nam dưới triều Nguyễn.

Với nội dung uyên nguyên đồ sộ như thế, mộc bản Triều Nguyễn đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới của UNESCO và cũng chính thức được đưa vào chương trình “Ký ức thế giới” (Memory of the World Programme) của UNESCO, là niềm tự hào của Việt Nam với cả thế giới. Nhưng, người Việt Nam lại hầu hết không hiểu được, không đọc được. Điều này ngẫm ra chẳng phải thật đáng tiếc hay sao?

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: Những giá trị trường tồn với thời gian

Trong mộc bản của chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), ngôi chùa được vinh danh là: Đại danh lam cổ tự, là một kho tàng vô giá với thời gian, trong đó có kinh, sách, các văn bản về giới luật nhà Phật và một số trước tác về thơ, phú, nhật kí của một số vị cao tăng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử… Đó là giá trị về tư tưởng giáo lý của nhà Phật, về triết lý nhân sinh, giá trị về văn học và ngôn ngữ, giá trị về kiến trúc và đặc biệt là giá trị nhân văn sâu sắc. Chúng ta, những người con đất Việt, lại không thể đọc được, chẳng phải vẫn là ba chữ “thật đáng tiếc” hay sao?

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: cinet.vn)
Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm (Ảnh: cinet.vn)

Văn minh đồ sộ và uyên thâm của Văn hóa Thần truyền 5000 năm vĩ đại của Trung Hoa cũng có thể làm cho tiềm năng người Việt nâng cao. Đài Loan, Hồng Kông và xa hơn là văn hóa Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore… đều không từ chối văn minh Thần Châu. Ngay lĩnh vực văn chương, ta nỡ nào từ chối Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị? Nỡ nào từ chối Ngô Thừa Ân, La Quán Trung,Thi Nại Am…?

Điều thực sự may mắn, là chúng ta hiện nay vẫn còn chưa quá muộn để có thể học và nghiên cứu chữ Hán như một di sản văn hoá của chính dân tộc mình, phải chăng đó là một ân huệ của Thánh Hiền?

Lịch sử và văn hóa truyền thống, tinh khiết như hoa sen, có thể khiến đạo đức nhân loại nâng cao trở lại…

Và nhờ đó, mà những người con đất Việt vững chãi bảo tồn được truyền thống văn học lịch sử quý giá của dân tộc, khiến đạo đức dân tộc nâng cao trở lại, thăng hoa trở lại trong những nghệ thuật cao cả như thư pháp, vốn là tài sản chung của các dân tộc Viễn Ðông và có thể làm thành một mối dây liên lạc thuần tịnh giữa các dân tộc rất gần gũi nhau về văn hoá này.

Vinh Chính – Hà Phương Linh

Tiếp theo của các kỳ:

Exit mobile version