“Tìm lại huy hoàng” là loạt bài nhiều kỳ do chuyên mục Văn Hóa thời báo Đại Kỷ Nguyên biên soạn, nhằm khôi phục dấu ấn nền văn hóa truyền thống đất Việt qua những câu chuyện lịch sử mang màu sắc“huyền sử”, hy vọng đem tới cho độc giả một cái nhìn mới về những nhân vật lịch sử và văn hóa truyền thống nước nhà.

Xem thêm

Từ trước tới nay, câu chuyện cổ tích giản lược về Chử Đồng Tử và Tiên Dung thường hay làm dấy lên những thắc mắc trong lòng người đọc như: Tại sao công chúa Tiên Dung lại dám tự ý kết duyên không theo lệnh vua cha? Một câu chuyện gặp nhau trong phòng tắm ngoài trời, có gì đáng để lưu lại ngàn đời và trở thành một trong tứ bất tử ở Việt Nam?

Đó là bởi vì những gì tinh túy nhất, thâm sâu nhất đã bị giản lược đi, chỉ để lại hiện tượng bề mặt đọc qua thấy trần trụi và thô tục. Người đời sau không biết lại tiếp tục gán cho huyền sử này một ý nghĩa “quyền tự do yêu đương” theo nhu cầu của con người hiện đại.

Sự thực có phải như vậy không?

Ý nghĩa của bản huyền sử gốc: Hết thảy đều hành sự thuận theo thiên ý (ý trời).

Khi những câu chuyện huyền sử được truyền từ đời này sang đời khác, người ta đã tự ý sửa lại, cắt xén, thêm bớt theo nhận thức và quan niệm của mình. Vì càng ngày càng có nhiều người không tin sự tồn tại của thần Phật, nên những chi tiết nguồn gốc “tiên cốt” của các nhân vật hay các tình tiết thần thoại thường bị lược bớt đi sau này (“tiên cốt” hay “cốt tiên” nghĩa là nhân vật vốn có nguồn gốc thần tiên trên thượng giới đầu thai làm người phàm).

Thay vào đó, các đời sau chỉ chép lại nội dung bề mặt, mô tả nhân vật như những con người gốc gác hoàn toàn phàm tục, và đưa vào những ý nghĩa phù hợp với quan niệm của mình.

Như đề cập tới trong phần 3: Tứ bất tử của Việt Nam, họ là ai, Chử Đồng Tử được tôn vinh là Chử Đạo Tổ (Đạo Tiên). Bản thần tích gốc về câu chuyện Chử Đồng Tử và Tiên Dung do Nguyễn Bình soạn vào năm 1572 toát lên ý nghĩa:


Chử Đồng Tử và hai vị phu nhân vốn đều có nguồn gốc Tiên trên thượng giới xuống theo Thiên ý để thực hiện sứ mệnh của mình. Hoàn cảnh gặp gỡ kỳ lạ hay hôn nhân tự nguyện rốt cuộc chỉ cái cớ tác thành để họ cùng nhau thực hiện sứ mệnh giúp dân giúp nước và đặt định tín ngưỡng Phật Đạo Thần cho dân tộc Việt.

Tình tiết chính của câu chuyện:

Vua Hùng thứ 18, là vua Hùng Duệ Vương, sinh được một người con gái đẹp như tiên vì thế đặt tên là Tiên Dung.

Ngay trước lúc sinh công chúa, nhà vua nằm mộng thấy mình bồng trên tay một bé gái có mây ngũ sắc vờn quanh. Đêm ấy hoàng hậu thụ thai rồi sinh ra công chúa Tiên Dung.

Tiên Dung xinh đẹp, nết na hiếu thảo. Năm Tiên Dung 16 tuổi nhiều Lạc Hầu, Lạc Tướng đều nhắm nhe muốn xin làm con rể vua Hùng. Thái tử con vua nước phương Bắc, Hoàng đế nước láng giềng phía Nam cũng gửi lễ vật xin được ra mắt Tiên Dung.

Hết thảy lời cầu xin Tiên Dung đều từ chối. Không phải nàng trịch thượng kiêu kỳ, hay muốn quyền tự do lựa chọn, mà là nàng chờ đợi thiên ý.

Công chúa cúi đầu tâu với vua cha: Muôn tâu Phụ vương, con trộm nghĩ truyện trăm năm do trời đất sắp đặt, việc lúc nào đến sẽ đến, con đâu dám trái mệnh trời.

Vua Hùng nghe hài lòng, không ép. Lại thể theo ý nguyện của Tiên Dung, nhà vua truyền cấp cho chiếc thuyền lớn để nàng đi du ngoạn khắp nơi.  Công chúa tâu với vua cha: Muôn tâu con mong muốn biết các thần dân của phụ vương sống ra sao, muốn xem bờ cõi phụ vương mở rộng tới đâu, núi sông tươi đẹp như thế nào.

Lần ấy công chúa Tiên Dung cho thuyền theo dòng sông Cái đi mãi về xuôi.

Giữa những bãi dâu, lũy tre, đồng lúa xanh rì, con sông uốn khúc đưa thuyền công chúa trôi mãi tựa như có một bàn tay vô hình đưa đẩy. Đứng tựa mạn thuyền, chợt công chúa thấy qua khúc ngoặt hiện ra trước mắt mình một bãi cát vàng chạy dài tít tắp. Sao đây chưa phải là bờ biển, sao đây không gần núi đá cao mà lại có bãi cát mịn sạch bong như thế này?

Tiên Dung truyền lệnh cắm sào lên bãi cát dạo chơi. Nước sông trong vắt, sóng lăn tăn vỗ quanh mạn thuyền, bãi cát phẳng lỳ chưa hề có dấu chân người. Tiên Dung truyền vây màn, cho nàng tắm mát.

Nước mát lạnh khiến nàng tắm thỏa thích vì thế không hề hay biết cát khô dưới chân bị nước cuốn trôi để lộ ra cái đầu, tảng ngực trần và toàn bộ thân thể một người con trai, cũng giống nàng, không một mảnh vải che thân.

Công chúa suýt kêu lên một tiếng gọi thị nữ. Vừa lúc người kia ngửng lên, Tiên Dung kịp nhận ra gương mặt chàng trai hai mắt mở to, vẻ còn sợ hãi hơn nàng. Tiên Dung hỏi: Người là ai? sao lại ở đây? Chàng trai đáp: Thưa tôi họ Chử, làm nghề đánh cá, nhà ở gần đây thôi. Tôi …

Công chúa lại hỏi tiếp: Vậy nhà ngươi mắc tội gì? Vì sao phải đi trốn như thế này? Chàng trai vẫn nằm yên trên cát, trả lời: Tôi không có tội gì cả, chỉ vì tôi nghèo, không có quần áo che thân nên khi thấy người lạ, phải chui vào bãi cát, bụi lau lẩn trốn…

Nơi bãi cát Chử Đồng Tử trốn, nay chính là Xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội
Nơi bãi cát Chử Đồng Tử trốn, nay chính là Xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín, Hà Nội

Không thể kéo dài cả hai trong cảnh ngộ như thế này. Tiên Dung ném cho chàng trai cái khăn và gọi chàng trai đứng dậy, ngắm nhìn gương mặt thuần hậu của chàng, nàng hỏi tiếp: Chuyện của chàng hẳn là dài lắm?

Tên chàng là Chử Đồng Tử. Đồng Tử quê ở Chử Xá (nay thuộc xã Văn Đức, Huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Cha chàng là Chử Cù Vân, mẹ tên Bùi Thị Gia. Một này kia, trong lúc ông bà Chử đi vắng, đột nhiên ngọn lửa bốc lên thiêu trụi căn nhà nhỏ, không để lại chút gì dù chỉ là cái bát mẻ để ăn cơm. Rồi sau đó bà Gia ốm nặng, và mất. Từ đấy cha con Chử Đồng Tử đùm bọc nhau, cuộc sống vô cùng nghèo khổ.

Có lẽ trên thế gian này chưa có ai nghèo như bố con họ Chử, nghèo đến mức cả nhà chỉ có một chiếc khố dùng chung. Suốt ngày, hai người ngâm mình dưới nước đánh bắt cá, mỗi lần có việc phải tiếp xúc với người ngoài hoặc đi chợ bán cá, mua gạo thì cha nhường con, con nhường cha mặc khố lên bờ.

Chu dong tu 2

Trước khi ra đi, ông Chử Cù Vân dặn con: Bố chết đã có đất cát vùi kín. Con ở trần gian không thể ở trần đi ra ngoài, nên giữ khố này để mà dùng.

Nhưng Đồng Tử đã ngăn lại và nói: Bố cứ yên lòng. Con sống ở đời chịu khó làm ăn sẽ mua được nhiều quần áo.

Không thể để cha chết trần. Chử Đồng Tử quỳ lạy cha xin tha tội bất hiếu, đóng khố cho cha cẩn thận rồi mới đem chôn.

Cũng từ đấy Chử Đồng Tử thường suốt ngày lặn ngụp đánh cá ở những quãng sông vắng. Mỗi lần gặp thuyền buôn đi qua chàng cứ phải đứng ngâm nửa mình dưới nước.

Sẽ không ai biết trên đời có một chàng Chử Đồng Tử hiếu thảo nhường ấy, nghèo khổ nhường ấy, nếu như…

Thiên duyên kỳ ngộ: cuộc gặp gỡ của hai người do trời dẫn dắt

… Chử Đồng Tử bạo dần lên, kể tiếp: Tôi đang đánh cá thì nghe tiếng đàn hát, cười nói. Sự tình hoảng hốt còn phân vân chưa biết tính sao thì thuyền đã lướt tới. Cũng vì hôm nay tôi mải đuổi bắt một con cá to. Khi đầu nó nhô lên, hai mắt như hai viên ngọc, vẩy bạc óng ánh.

Cứ mỗi lần con cá quẫy đuôi là tôi lao tiếp theo vài sải. Những tưởng mười mươi chộp được, ai ngờ nó lặn mất tăm, ngẩng đầu lên đã thấy buồm gấm như một đám mây phủ sẫm mặt nước. Tôi chỉ còn cách xấp ngửa chạy lên bờ như mọi khi tìm bụi lau chui vào ẩn nấp. Nhưng… quanh mình chỉ thấy bãi cát trống trơn. Thưa, bãi cát… như là con sông theo lệnh Long Vương rút cạn nước mà nên sự tình. Vì quãng sông này tôi thường lui tới. Vừa mới hôm qua tôi còn ở đây mà chưa hề thấy.

Tôi càng chạy cát càng lún dưới chân, ngoảnh nhìn lại thấy thuyền đã đậu bên bờ. Thuyền đậu mà vừa to vừa lạ. Tôi chỉ còn cách moi cát vùi mình xuống. Tưởng cố nằm chờ, mọi sự sẽ qua đi. Ai ngờ…

chu dong tu 3


Chử Đồng Tử vừa ở nơi đó, hôm qua còn chưa có bãi cát này, rồi lại được dẫn dắt để đuổi theo con cá mà tới địa điểm gặp gỡ, là ngẫu nhiên hay đều do Trời sắp đặt, là ý Trời dẫn dắt?

Đến lượt Tiên Dung tự kể chuyện mình: Thiếp là con gái vua Hùng… Chử Đồng Tử giật mình quỳ xuống: Tôi không được biết, xin tha tội chết. Tiên Dung vội bước lên, nâng chàng dậy.

Nàng Tiên Dung chắp hai tay trước ngực, mặt ngửa nhìn trời: Tôi đã nguyện không lấy chồng nhưng hôm nay gặp chàng trai trong cảnh ngộ này cũng là do trời đất sắp đặt xui khiến.

Nói rồi nàng vén màn truyền thị nữ mang thêm cho một bộ quần áo, bộ nam trang luôn có sẵn trên thuyền đã một lần công chúa mặc cải dạng lên bờ trảy hội.

Tất cả thị nữ đều kinh ngạc mở to mắt khi thấy nữ chủ nhân của mình từ trong màn bước ra bên một chàng trai tuấn tú. Hai người sánh vai nhau bước xuống thuyền.

Công chúa kể lại sự tình cho các thị nữ cùng nghe rồi truyền mở tiệc hoa. Từ lúc bước chân lên thuyền, bước vào một thế giới mới giàu sang quyền quý, lại biết mình sẽ kết vợ chồng cùng công chúa, Chử Đồng Tử có ý từ chối. Nhưng Tiên Dung nói:

Ta làm theo ý Trời, là do duyên Trời tác hợp, chàng việc gì mà lo ngại?”

Hai người bước ra đầu thuyền quỳ trên chiếc chiếu đậu. Trước mặt là hương án bày đĩa hoa, bát nước và ba nén hương. Đôi vợ chồng trẻ khấn lạy cảm ơn sự tác thành của trời đất, cầu xin các đấng thần linh chứng giám.

Công chúa Tiên Dung: Mời chàng sang nghỉ phòng bên. Thiếp đã cho người về báo với vua Cha, Mẫu Hậu và Thái Trưởng công chúa, Duyên khánh công chúa, Thái Hiến công chúa. Khi nào được phép chúng ta sẽ thành thân. Bổn phận làm con, phải giữ tròn chữ hiếu, chữ trinh.

Người thị nữ cầm giá nến đi trước dẫn đường, Chử Đồng Tử theo sau.

Nào ngờ… Nghe con gái cử người về báo tin, vua Hùng nổi giận: Tiên Dung không biết trọng danh tiết, đi chơi giữa đường lại hạ giá, lấy người nghèo. Thiếu gì vương tôn công tử mà đi lấy một người không rõ gốc gác. Từ nay mặc kệ nó, không cho trở về nữa.

Nhập thế gian

Thế là chàng Chử Đồng Tử không khoác áo phò mã cưỡi ngựa hồi cung. Còn công chúa Tiên Dung bán hết ngọc ngà châu báu đổi lấy bộ quần áo thường dân trở thành một cô gái quê mùa cùng chồng xây dựng tổ ấm.

Đôi vợ chồng trẻ không về Chử Xá, làm nhà mới ở xuôi phía dưới nơi mà sáng sáng chỉ cần chống cửa là nhìn ngay thấy bãi cát trời đất xếp đặt cho hai người gặp nhau.

Thế rồi mưa thuận gió hòa, thóc đầy bồ, tôm cá đầy khoang, nơi Chử Đồng Tử – Tiên Dung ở, người theo về quần cư ngày càng đông vui. Làng thêm xóm mới. Chợ thêm phiên, lều quán kéo dài. Bến sông kè đá. Thuyền to không biết từ phương xa nào tới mang theo nhiều hàng quý hiếm.

Một hôm Tiên Dung bàn với Chử Đồng Tử: Thiếp nghe người khách buôn phương xa mới tới đây nói rằng đất mình nhiều sản vật quý… Nếu biết vượt biển mang bán tận phương xa thì sau mỗi chuyến đi một dật vàng lãi thành mười dật. Chàng thấy thế nào?

Ban đầu Đồng Tử gạt đi: Trước đây ta nghèo đến mức không có cả đến cái khố mà mặc, nay được giàu có sung sướng thế này là mang ơn trời đất lắm rồi. 

Tiên Dung: Nếu mộng giàu sang thì thiếp đã chẳng theo chàng. Ngoài đất nước ta, còn có núi sông nào nữa? Ngoài thế giới ta đang sống, còn có thế giới nào nữa? Chàng hãy nghe em, thử một chuyến đi xa.

Có lẽ đây chính là thiên ý. Chử Đồng Tử cần phải đi để gặp Thầy gặp Đạo.

Gặp Sư Phụ và đắc đạo

Chử Đồng Tử nghe lời háo hức lên thuyền cùng người khách thương vượt biển. Sau ba ngày ba đêm, thuyền thả neo dưới chân một đảo vắng lấy thêm nước ngọt. Trong khi các thủy thủ sửa sang buồm lái thì Chử Đồng Tử lững thững lên bờ dạo chơi. Chàng thấy hòn đảo xanh tươi, phong cảnh đẹp lạ kỳ, con chim có tiếng hót lạ như mời chàng vui chân đi tiếp, đi mãi sâu vào bên trong đảo.

Chử Đồng Tử ngửng đầu lên nhìn thấy chót vót trên núi cao một cái am cỏ. Từ trong khe núi có một cụ già râu tóc bạc phơ bước ra. Ông cụ đầu đội nón mây, tay lê gậy trúc, chân dậm hài cỏ vừa đi vừa phất tay áo rộng, hát rằng:

Núi cao chót vót nước lại thâm
Trong cõi trần ai kẻ tri âm
Ai kẻ tri âm thời đồng tâm
Đồng tâm xin kết bạn giai âm
Kết bạn giai âm muôn dặm cũng tầm
Vui với núi cao cùng nước thâm.

Chử Đồng Tử đón sẵn bên đường, vái lạy: Tôi trộm nghe câu hát, biết mình có phúc được gặp bậc tiên. Dám xin rủ lòng cho theo học đạo.

Ông cụ nói: Ta chờ con đã lâu rồi.

Nói đoạn quay người đi trước bước chân thoăn thoắt. Đồng Tử theo sau thấy mình đạp lên đá mà nhẹ như đi trên mây, một chốc tới am cỏ, nhìn xuống xa vời không thấy bãi đá, cây rừng đâu cả. Ông cụ giữ Chử Đồng Tử ba ngày, truyền dạy phép thuật.

Trước khi chia tay, cụ cho Chử Đồng Tử một chiếc gậy và một cái nón, dặn: Phép biến hóa ở cả trong hai thứ này.

Chử Đồng Tử xuống núi, ngoảnh lại đã không thấy am cỏ đâu. Đang hoảng sợ thì nhìn phía xa chàng thấy trên mặt biển thấp thoáng một cánh buồm vội dơ tay vẫy gọi. Thuyền ghé vào bờ, không ngờ gặp đúng những người đã cùng Chử Đồng Tử đi buôn. Người trên thuyền mừng rỡ kể lại hôm ấy Chử Đồng Tử lên đảo rồi lạc trong khe núi. Mọi người chia nhau tìm kiếm hồi lâu không thấy đành phải nhổ neo đi tiếp. Ai cũng nghĩ Đồng Tử không còn nữa. Chuyến buôn nay mới trọn vẹn, mọi người cho thuyền quay mũi dong buồm về đến đây, tính chuyện lên thắp nén hương. Một người nói: Vừa đúng ba năm… Chử Đồng Tử giật mình nhớ lại:

Chàng ở trên núi chỉ có ba ngày. Thì ra một ngày trên cõi tiên bằng một năm dưới hạ giới.

Tiên Dung thấy chồng đắc đạo trở về thì mừng lắm. Nàng cũng xin được truyền dạy phép thuật, cả hai vợ chồng cùng tu luyện rồi đi hành đạo, cứu nhân độ thế.

Hành đạo cứu người

Tiên Dung nói: Ta đã hằng sản hằng tâm cứu người nghèo, giúp kẻ khó, làm cho nhiều người có nhà ở, cơm ăn, áo mặc. Nhưng cái sự đau ốm, tử biệt sinh ly thì vẫn chưa làm cho trăm họ vợi đau khổ phần nào.

Chử Đồng Tử chỉ vào chiếc gậy, cái nón, nhắc lại lời ông cụ trên am cỏ nói với mình: Phép biến hóa ở cả trong hai vật này.

Phải năm phát dịch người chết rất nhiều. Có nhà chết không còn một ai. Có làng đầu xóm, cuối xóm ngày đêm vang tiếng người khóc thảm thiết.

Trước tai họa của nhân dân, Chử Đồng Tử – Tiên Dung ra tay cứu vớt. Người chết nằm đó, chỉ cần Chử Đồng Tử cầm gậy thần chỉ thẳng vào là mở mắt hồi sinh. Nghe tin làng Ông Đình chết nhiều người. Chử Đồng Tử ngả nón rồi cùng Tiên Dung ngồi lên bơi vun vút qua sông. Khi hai ông bà tới nơi thì hầu như cả làng không còn bóng người, xác chết nằm phơi khắp trong nhà ngoài ngõ. Những người đang hấp hối cũng chỉ biết nằm thoi thóp thở. Chử Đồng Tử phải đến gần cầm gậy đập mấy cái liền vào từng xác chết, gọi: dậy, dậy mau! Những xác người từ từ mở mắt rồi ngồi nhỏm dậy. Khi biết mình vừa được sống lại họ quỳ lạy tạ ơn rối rít. Chử Đồng Tử cười, hỏi: Khỏe hẳn chưa? Đáp: Thưa, khỏe lắm rồi ạ. Chử Đồng Tử: Khỏe thì ra sân vật nhau cho ta xem!

Người nghe, tất thảy reo hò ầm ĩ kéo nhau ra sân ra bãi ôm nhau, vật nhau theo tiếng trống thúc dồn dập của người cầm trịch. Nhưng ngoảnh nhìn thì cứu tinh của họ, ông bà Chử Đồng Tử – Tiên Dung đã đi từ lúc nào. Hẳn là hai người tiếp tục đi đến những thôn khác, đáp ứng lời nguyện cầu của dân làng khác đang có dịch bệnh hoành hành.

Từ ngày đắc đạo, Tiên Dung đã chia hết của cải cho người nghèo trong vùng. Hai người như hai vị khách lữ hành đi khắp mọi nơi cứu nhân độ thế.

Huyền thuật hiển linh 

Một bữa nọ hai người đang bước mải miết trên đường thì trời xập tối. Làng xóm còn xa, chung quanh gò hoang, đầm nước vắng vẻ, sương đêm bốc lên lạnh lẽo. Chử Đồng Tử – Tiên Dung đều cảm thấy mỏi mệt bèn bảo nhau dừng chân tạm nghỉ. Hai người chọn nơi cao ráo, cắm chiếc gậy xuống, úp cái nón lên rồi ngồi bên dưới tựa vào vai nhau nhắm mắt thư giãn.

Chu dong tu 4

Chẳng ngờ phép thuật hiển linh. Nửa đêm quanh chỗ hai người ánh sáng chói lòa. Rồi trong phút chốc cả một tòa thành quách, lâu đài, cung điện hiện ra. Trời đã sáng, dân đi làm thấy có sự lạ, bảo nhau theo đến rất đông. Người ta thấy cổng thành cờ xý rực rỡ, lính canh uy nghiêm, voi ngựa ra vào rầm rập. Nhìn vào bên trong thấy lâu đài tráng lệ, tỳ tướng, quân hầu, thị nữ đứng giàn hai bên như đang tấu trình công việc. Ngồi trên giữa chính điện là Chử Đồng Tử – Tiên Dung, mặc áo hoàng bào thêu long phượng, nét mặt oai nghiêm mà đầy nhân hậu.

Biết mình có diễm phúc được bậc thiên tiên che chở, dân các miền bảo nhau kéo về quy phục, lập thành phố xá đông vui như một nơi đô hội.

Khách phương xa tới nước mình trước khi đến Phong Châu đều dừng thuyền lên bờ vào làm lễ ra mắt Chử Đồng Tử – Tiên Dung.

Ngày tháng trôi qua, Chử Đồng Tử – Tiên Dung mải miết hành nghề cứu dân. Những lúc rỗi hai người lại ngồi bên nhau trò chuyện. Chử Đồng Tử: Từ ngày làm bạn với nàng cuộc đời ta thay đổi nhưng cũng chưa bao giờ mơ ước được có hôm nay. Tiên Dung đáp: Do có sự xếp đặt của trời cả thôi. 

Chử Đồng Tử lại nói: Như cái sự mong muốn của ta là con người thoát cảnh nghèo nàn được sống ấm lo hạnh phúc thì đã đạt một phần. Tiên Dung lắc đầu: Con người có thể sống dư thừa ấm no, nhưng hạnh phúc thì còn tùy thuộc… Đồng Tử gật đầu:


Nàng nói chí phải. Ai chẳng biết lúc trăng tròn đầy là đẹp, nhưng không biết trăng non đầu tháng mọc nơi hoàng hôn, trăng khuyết rụng ngay buổi bình minh nơi mặt trời mọc. Đạo ta còn phải truyền rộng…

Duyên tiếp duyên và cùng nhau thực hiện sứ mệnh

Hai người lại đi khắp bốn phương, có lần vào tới tận cửa biển Quỳnh Nhai, nay thuộc Nghệ An, khi ấy là biên giới nước ta.

Lần ấy Chử Đồng Tử – Tiên Dung vừa rời lâu đài đi tới Đông Kim (thuộc xã Đông Tảo ngày nay) thì gặp một người con gái đang cấy lúa bên đường. Thấy Chử Đồng Tử dừng ngựa nhìn cô gái, Tiên Dung hiểu ý chồng bèn đến gần nói với cô:  Em là người tiên hay người trần? Thiếu nữ trả lời: Em là Tây Sa, tiên nữ ở Tây cung xuống giả là người trần đó thôi. Cũng như hai vị, nay đã đắc đạo.

Cuộc hội ngộ hôm nay hẳn do ý trời. Tiên Dung nói:

Mưu sự tại nhân, hành sự tại Thiên (con người mưu sự, nhưng thực hiện là do Trời).

Chử Đồng Tử hỏi: Ta đã học được đạo cứu giúp con người, các nàng có đi theo ta không? Cả hai nàng cùng đáp: Cứu người là việc thiện, sao chúng em lại không theo? Từ đấy Chử Đồng Tử có thêm người vợ thứ, vốn là tiên nữ Tây cung đầu thai vào một nhà họ Nguyễn có nghề thuốc nam gia truyền, dân trong vùng quen gọi là nàng Nguyễn.

Nàng Nguyễn đã về Phong Châu chữa bệnh cho vua Hùng. Khi nhà vua khỏi bệnh truyền đem lụa, gấm ra tiễn. Nàng Nguyễn cúi đầu lạy tạ, thưa chính công chúa Tiên Dung nghe tin vua cha ốm đã cử nàng về thay mặt Chử Đồng Tử – Tiên Dung báo hiếu.

Hoàn thành sứ mệnh trở về thiên quốc

Ảnh: Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân
Ảnh: Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân

Nhưng rồi thanh thế Chử Đồng Tử – Tiên Dung ngày càng rộng lớn. Tiếng đồn về lòng nhân đức, sự cảm phục tài năng phép thuật cứu được người chết sống lại càng ngày càng xa. Thêm vào đó những lời đồn đại về cung điện nguy nga, lâu đài thành quách rộng lớn, phố chợ đông vui, nhiều người về quy phục đến tai vua Hùng, cố tình gây cho nhà vua lòng nghi ngờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung mưu đồ phản nghịch. Nghe lời sàm tấu nhà vua quyết định cử tướng mang quân đi bắt Chử Đồng Tử – Tiên Dung về hỏi tội.

Quân nhà vua sát khí đằng đằng, gươm giáo sáng lóa chỉ một ngày tốc thẳng tới nơi. Nhưng vì trời tối và còn cách con sông rộng nên các tướng truyền hạ trại ngày mai sẽ tấn công bắt trói giải nghịch tử nghịch nữ về triều.

Trong lâu đài, các tướng của Chử Đồng Tử – Tiên Dung xin được ra nghênh chiến. Ai cũng muốn có dịp lập công tạ ơn Chử Đồng Tử – Tiên Dung. Ai cũng muốn làm sáng tỏ nỗi oan ức vì sự hiểu lầm của vua cha.

Nhưng Chử Đồng Tử gạt đi: Việc binh đạo sát hại dân lành là điều ta trước nay không muốn. Tiên Dung cũng khuyên mọi người: Đạo làm con không được chống lại cha. Hai người truyền đóng cửa thành. Nhấc nón, nhổ gậy.

Quan quân nhà vua còn đang bàn tính. Dân trong vùng còn đang lo lắng chờ đợi. Thì nửa đêm trời nổi sấm chớp, mưa như trút nước, gió mạnh đổ rạp ngọn cây.


Tự nhiên ánh sáng chiếu lòa như giữa ban ngày, những người bạo nhất dám hé mắt nhìn ra thấy trong tiếng ầm ầm cả tòa lâu đài thành quách của Chử Đồng Tử – Tiên Dung đang bốc khỏi mặt đất rồi bay vút về trời.

Sau đó mưa tạnh, gió yên. Cho đến sáng quan quân mới dám cử người đi dò la rồi lần lượt sang sông. Đến nơi, ai nấy kinh hãi nhìn nhau vì trước mặt chỉ là một đầm nước rộng mênh mông. Cả tòa thành lớn cùng tiên chủ, quân hầu không để lại vết tích gì. Đó là đêm 17/11 Âm lịch.

Đền Hóa Dạ Trạch- Đầm một đêm xã Khoái Châu, Hưng Yên, nổi tiếng linh thiêng, nơi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân cùng thành quách bay về trời
Đền Hóa Dạ Trạch- Đầm một đêm xã Khoái Châu, Hưng Yên, nổi tiếng linh thiêng, nơi Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân cùng thành quách bay về trời

Vua Hùng hay tin, về tận nơi xem xét. Bấy giờ mới tường mọi việc. Nhà vua cho đặt tên đầm là Nhất Dạ Trạch (đầm một đêm). Lại truyền xây miếu thờ Chử Đồng Tử – Tiên Dung, nhà vua mở đầu lễ dâng hương, dặn nhân dân địa phương ngày đêm thờ phụng, hàng năm triều đình cử quan đại thần về làm lễ tưởng niệm. Tất cả những nơi Chử Đồng Tử – Tiên Dung đã tới truyền đạo, cứu giúp, nhân dân cũng lập đền thờ rất tôn nghiêm.

Hết thảy hành động của họ đều thuận theo thiên ý (ý trời). Câu chuyện gốc cổ nhất về Chử Đồng Tử và nhị vị phu nhân hoàn toàn không có ý nghĩa quyền tự do yêu đương.

Mà câu chuyện, các nhân vật đều toát lên sự thanh thoát cao thượng, điềm tĩnh, không chút dung tục phàm trần, không màng danh lợi, tình ái. Họ chỉ đơn giản là tùy duyên để thực hiện vai diễn dưới hạ giới, đắc đạo, hành đạo, cứu nhân trước khi bay trở về thiên giới.

Hà Phương Linh

Tham khảo: Lĩnh Nam chích quái, Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Huyền Sử Tiên Dung Chử Đồng Tử (Nguyễn Bình 1572)

Xem thêm: