Đại Kỷ Nguyên

Tỉnh dậy liền nói được tiếng Hoa, tăng nhân Thiên Trúc đến Trung thổ hoằng dương Phật pháp

Cao tăng Gunabhadra đến Trung Quốc từ Thiên Trúc (Ấn Độ cổ đại) để truyền Phật pháp. (Phạm vi công cộng)

Vào những năm Nguyên Gia thời Nam Bắc triều Lưu Tống, một tăng nhân tên là Gunabhadra đã đến Trung Quốc từ Thiên Trúc, chính là Ấn Độ cổ đại, để truyền Phật pháp. Ông đã có những trải nghiệm kỳ diệu nào?

Theo “Lương cao tăng truyện” nói, Gunabhadra được dịch ra là “Công Đức Hiền”, ông xuất thân Bà-la-môn, là đẳng cấp cao nhất ở Ấn Độ. Tuy nhiên, Gunabhadra lại đi theo con đường trái ngược với gia đình. Ông từ nhỏ đã học tập ngũ môn, gồm thanh minh, công xảo minh, y phương minh, nhân minh, nội minh.

Thanh minh đề cập đến học tập năng lực biểu đạt ngôn ngữ, viết sách, miêu tả. Nhân minh đề cập đến học tập logic và lập luận. Nội minh đề cập đến học tập kinh điển. Y phương minh đề cập đến học tập y học, dược học v.v. Công xảo minh đề cập đến việc học các kỹ năng kỹ thuật cần thiết trong cuộc sống hàng ngày.

Thông qua những môn học trên, Gunabhadra rất tinh thông ngôn ngữ, thiên văn học, thư pháp, phương thuốc và các phương diện khác. Về sau, ông bắt đầu kính ngưỡng và tu tập Phật pháp, đồng thời ông cũng xuất gia đi viễn phương cầu sư tầm bạn. Ông đối đãi với người khác nhân từ và cung cẩn, đối đãi với sư phụ vô cùng kính trọng.

Khi Gunabhadra thọ giới, ông đã tinh thông Tam Tạng Kinh, Luật và Luận. Sau khi thọ giới, ông đã viết một lá thư cho cha mẹ mình, thuyết phục họ quy y Phật giáo. Cha ông cảm động trước ngôn từ của ông, đã chuyển sang Phật giáo.

Kể từ đó, Guṇabhadra du lịch đến xứ sở Sư Tử Simhaladvipa và các quốc gia khác, được mọi người trên đường đi tôn trọng. Biết mình rất có duyên phận với phương Đông, ông đã theo thuyền vượt biển đến phương Đông, chính là Trung Quốc ngày nay.

Nào ngờ, khi thuyền đi được nửa đường, bỗng gió ngừng thổi, thuyền cũng dừng lại, nước ngọt để uống trên thuyền cũng sắp cạn. Mọi người trên tàu đều kinh hãi. Gunabhadra bảo mọi người cùng nhau niệm Phật hiệu. Đồng thời, Gunabhadra bí mật niệm chú kinh, thành kính lễ bái.

Chỉ một lúc sau, gió nổi lên, bầu trời u ám đen kịt, mưa nặng hạt, con thuyền lại có thể tiến lên. Một đoàn người đã được cứu, mọi người từ đó tin vào uy lực của Phật pháp.

Vào năm thứ mười hai Nguyên Gia của triều Lưu Tống (năm 435 sau Công nguyên), Gunabhadra đến Quảng Châu. Tống Văn Đế Lưu Nghĩa Long phái người nghênh tiếp ông đến kinh thành Kiện Khang (nay là Nam Kinh), Lưu Nghĩa Tông tín ngưỡng Phật pháp, ông không chỉ tôn trọng Phật giáo mà còn có nhận thức sâu về tác dụng giáo hóa nhân tâm của Phật giáo đối với xã hội, góp phần an định xã hội.

Sau khi đến kinh thành, Gunabhadra bắt đầu tuyên dương Phật giáo, phiên dịch kinh Phật ở chùa Đông An và những nơi khác. Đại tướng quân (sau này được phong là Bành Thành Vương) Lưu Nghĩa Khang, thừa tướng (sau này được phong là Nam Tiếu Vương) Lưu Nghĩa Tuyên và những người khác đều tôn ông làm thầy. Tống Văn Đế cũng thường thỉnh giáo ông.

Tống Văn Đế từng muốn ăn chay, không bao giờ sát sinh, nhưng ông đã không làm được. Vì vậy, ông hướng Gunabhadra xin thỉnh giáo. Guṇabhadra nói với hoàng đế: “Kẻ thất phu thấp cổ bé họng, nếu không khắc kỷ khổ tu, làm sao có thể tạo phúc cho người ta? Đế vương thống trị vạn dân, một lời nói một chính sách nhân từ cũng đủ giúp thiên hạ được thụ ích”, cũng chính là nói, làm việc thiện không câu nệ hình thức, thân làm đế vương, thi hành chính sách nhân từ chính là một sự hành thiện lớn lao nhất.

Sau đó, Tiếu Vương Lưu Nghĩa Tuyên muốn xuất khỏi trấn Kinh Châu, thỉnh cầu Gunabhadra đi cùng để giảng kinh thuyết pháp cho mình. Gunabhadra thầm nghĩ, mình không giỏi Hán ngữ, làm sao có thể thuyết pháp? Vì vậy, ông sáng sớm hành lễ bái Phật, cầu xin Bồ Tát Quán Thế Âm giúp đỡ.

Một đêm nọ, ông mơ thấy một người đàn ông mặc y phục trắng, tay cầm một thanh kiếm sắc bén, túm một cái đầu người mang đến trước mặt ông và hỏi: “Tại sao lại lo lắng?” Guṇabhadra nói ra sự thật. Vị khách nói, đừng lo lắng. Nói xong, dùng thanh kiếm chặt đứt cái đầu ông, rồi thay một cái đầu mới vào. Sau đó bảo ông quay đi quay lại để xem có đau không. Guṇabhadra nói không đau, người mặc đồ trắng lặng lẽ biến mất.

Khi Gunabhadra tỉnh dậy, ông đột nhiên thấy mình rất cao hứng, có thể nói Hán ngữ trôi chảy. Kể từ đó, ông bắt đầu giảng Pháp bằng Hán ngữ.

Vào năm Nguyên Gia cuối cùng, Tiếu Vương thường có những giấc mơ kỳ lạ. Gunabhadra nói với ông rằng điều này là do ở kinh đô sẽ có họa loạn. Quả nhiên không quá một năm, kinh đô phát sinh một cuộc phản loạn. Lưu Thiệu, con trai của Tống Văn Đế, giết vua cha tự lập vị, cải thành Nguyên Thái Sơ; không lâu sau, Lưu Thiệu binh bại và bị giết, em trai Lưu Tuấn lên ngôi, lấy hiệu là Tống Hiếu Vũ Đế. 

Khi Tống Hiếu Vũ Đế mới kiến lập chính quyền của mình, Tiếu Vương đã lên kế hoạch cho âm mưu phản loạn. Gunabhadra đã đoán trước được sự tình sắp xảy ra, nên khi nhìn thấy Tiếu Vương, vẻ mặt đầy đau buồn. Tiếu Vương hỏi ông là lý do gì, Gunabhadra thuyết phục Tiếu Vương đừng thực hiện bất kỳ hành vi sai trái nào. Tiếu Vương không chịu nghe theo, và bị đánh bại.

Sau khi thất bại, Gunabhadra bị mắc kẹt trong bại quân bỏ chạy. Con thuyền mà họ bắt được nhỏ hẹp và cách xa bờ, Gunabhadra đoán định chúng nhân không cách nào được bảo toàn, nên đã thành tâm niệm Quán Thế Âm, ném mình vào trong dòng sông với một thanh tre trong tay. Không ngờ, mực nước chỉ đến đầu gối nên ông chống gậy tre bơi vào bờ. Lúc này, một đồng tử đi tới bên cạnh ông, nắm lấy tay ông, chỉ bước mười bước là lên bờ. Gunabhadra cởi y phục ra và muốn cảm tạ cậu bé, nhưng phát hiện cậu bé đã biến mất, lúc đó ông mới biết rằng Thần linh đang giúp đỡ mình.

Sau đó, Tống Hiếu Vũ Đế cử người đi tìm Gunabhadra, Hiếu Vũ Đế tiếp tục coi ông là cao tăng, cho ông giảng pháp.

Vào năm 462 sau Công nguyên, thiên hạ đại hạn, mọi người vào trong núi sông cầu nguyện trong vài tháng, nhưng không có hiệu quả. Hiếu Vũ Đế yêu cầu Gunabhadra cầu mưa, nói rằng nếu không thành công, sẽ không gặp lại ông nữa. Gunabhadra thắp hương tại điếu đài ở Bắc Hồ, không ăn không uống cầu nguyện. Chiều ngày hôm sau, bầu trời phía tây bắc đột nhiên mây đen bao phủ, mưa to lập tức từ trên trời giáng xuống. Mọi người không ai không kính phục ông.

Năm 468 sau Công nguyên, Guṇabhadra qua đời ở tuổi 75. 

Theo “Cao tăng truyện” – Tập 3
Dung Nãi Gia, Epoch Times, Hương Thảo biên dịch

Exit mobile version