Đại Kỷ Nguyên

Tinh hoa võ thuật truyền thống: Võ đức như núi nặng, danh lợi cỏ rác khinh

Người xưa nói, võ đức và võ nghệ là hai cánh của chim, hai bánh của xe, là điều không thể thiếu đối với người luyện võ…

Võ thuật truyền thống là một bộ phận của nền văn minh Á Đông, có lịch sử lâu dài cùng nội hàm rộng lớn tinh thâm, đã nổi danh và phổ truyền ra khắp thế giới. 

Nền văn minh truyền thống phương Đông tôn Đạo trọng đức, vậy nên võ thuật truyền thống tự nhiên cũng mang những nhân tố thượng võ sùng đức, tu thân dưỡng tính. 

Chữ Võ (武) gồm chữ Chỉ (止 – dừng, ngăn) và chữ Qua (戈 – binh khí, can qua), có nghĩa là Võ là để ngăn chặn can qua, ngăn chặn chiến tranh. Võ là dùng uy sát để ngăn chặn tàn sát. Võ thuật ngay từ khởi đầu đã là không để con người đánh nhau, tàn sát nhau.

Thời cổ đại, bất kể là võ nghệ và võ sư của phái nào, ai nấy đều toát lên tinh thần chung của võ thuật truyền thống: Võ Đức. Hàng ngàn năm nay, những người luyện võ đều tuân theo nguyên tắc “Thượng võ, lấy đức làm đầu”, “Quyền cước lấy đức làm chủ”, “Không có đức thì không truyền thụ quyền cước”.

Thư tịch cổ nhất nói về võ đức là “Quốc ngữ” có viết: “Người có hiếu đức (đức hiếu hạnh) thì có thể làm công khanh, người có cung đức (đức cung kính) có thể thăng chức vị, người có võ đức có thể làm chính khanh, người có ôn đức (đức ôn nhu) có thể thành danh”.

Cùng với diễn biến của lịch sử, võ đức cũng được các võ sư qua các thời đại coi trọng và cụ thể hóa. Người xưa đại đa số đều tôn sư trọng Đạo, hiếu đễ chính nghĩa, cứu nguy nan giúp khốn khó, trừ bạo an dân:

‘Tôi xin ra sức anh hào,
Cứu người cho khỏi lao đao buổi này’…

Và:

‘Anh hùng tiếng đã gọi rằng
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha’…

(Trích: ‘Lục Vân Tiên’ – Nguyễn ĐÌnh Chiểu).

Người xưa coi trọng khiêm tốn thường xin thỉnh giáo, khiêm hạ đối xử với người khác, lấy việc giúp người làm niềm vui, tránh kiêu căng xa hoa, an dật… Đó là đạo lý của người xưa, cũng là tín điều của võ đức. 

Xưa các loại quyền thuật, các hệ phái đều định ra môn quy, giới luật, giới ước cho riêng mình như “3 không truyền”, “5 không truyền”, “10 không truyền”, và “8 giới luật”, “10 yếu quyết”… những điều đó đều được coi là những tiêu chuẩn của võ đức. 

(Ảnh minh họa: vothuat.vn)

Ngay cả đến ngày nay, những võ sư truyền thống chân chính vẫn yêu cầu người luyện võ tôn sư trọng Đạo, kính già yêu trẻ, dùng lễ đối xử với người, nghiêm cấm cậy võ đánh người, nghiêm cấm cậy mạnh hiếp yếu, cần phải có tinh thần “từ, dũng, trí, hằng” và ý chí kiên cường.

Người xưa nói, võ đức và võ nghệ là hai cánh của chim, hai bánh của xe, là điều không thể thiếu đối với người luyện võ. Chỉ có người có võ đức cao thượng, võ nghệ tinh thông mới xứng danh là võ sư. 

Nếu một người võ nghệ tinh thông mà phẩm hạnh không đoan chính thì võ thuật trở thành công cụ giúp kẻ hành ác, kết quả sẽ là hại người hại mình.

Nếu một người phẩm hạnh đoan chính mà võ nghệ không tinh thông, tuy có tinh thần cứu nguy nan giúp khốn khó, nhưng khi gặp kẻ xấu ức hiếp người thiện lương thì cũng lực bất tòng tâm:

‘Nhớ câu kiến nghĩa bất vi,
Làm người thế ấy cũng phi anh hùng’…

(Trích: ‘Lục Vân Tiên’ – Nguyễn Đình Chiểu).

Trong lịch sử đã từng xuất hiện rất nhiều võ sư, anh hùng có võ nghệ tinh thông lại có cả võ đức. Họ bảo vệ quốc gia, bảo vệ xóm làng, cứu nguy nan, giúp khó nạn, lập nhiều chiến tích được mọi người ngợi ca:

Múa giáo non sông trải mấy thâu,
Ba quân hùng khí át sao Ngưu.
Công danh nam tử còn vương nợ,
Luống thẹn tai nghe chuyện Vũ hầu.

(‘Thuật hoài’ – Phạm Ngũ Lão’).

Người xưa nói, muốn học nghệ thì trước tiên học lễ, muốn luyện võ thì trước tiên luyện đức. Có câu:

Võ đức như núi nặng, danh lợi cỏ rác khinh.

Tâm chính thì quyền chính, tâm tà thì quyền tà.

Cao nhân tất có cao nhân trị, chớ khoe khoang khoe tài với người.

Tưới hoa phải tưới rễ, dạy quyền phải dạy người.

Luyện võ có ngàn giới, giới nhất tâm đố kỵ.

Nam Phương
Theo zhengjian.org

Bạn đang đọc bài viết: “Đức của võ” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn!

Exit mobile version