Đại Kỷ Nguyên

Tinh hoa võ thuật Việt Nam (P.1): Thương pháp của Lý Công Uẩn và Hùng Kê Quyền của Nguyễn Lữ

Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng. 

Võ thuật Việt Nam đầy ắp tinh hoa của biết bao môn phái, chiêu thức, vũ khí. Loạt bài này sẽ giúp độc giả có thêm một góc nhìn mới về tinh hoa võ thuật dân tộc. 

U Linh Thương Pháp của Lý Thái Tổ Lý Công Uẩn 

Thương được mệnh danh là vua của trăm binh khí dài, là sức mạnh tuyệt đối của ba quân khi xung trận và cũng là vũ khí yêu thích của rất nhiều chiến tướng nổi danh trong lịch sử thế giới. Từ Triệu Tử Long vang danh trong trận Đương Dương – Trường Bản cho đến Phạm Ngũ Lão vung giáo quét quân Nguyên Mông khỏi bờ cõi, hay như đoàn quân nón nhọn giáo dài của Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản mãi vẫn nằm trong tâm trí chúng ta. 

Lý Thái Tổ của Việt Nam cùng với Tống Thái Tổ của Trung Quốc là hai người không cùng thời đại nhưng lại có sự tương đồng trong bản lĩnh chiến trận và việc cai trị một cách đáng ngạc nhiên. Cả hai đều là Hoàng đế khai quốc, đều cai trị thiên hạ bằng sự nhân từ nổi tiếng của mình. Cả hai cũng đều là tướng quân với bản lĩnh võ công đứng đầu thiên hạ. Và nhờ võ công đó mà cả hai đã tạo nên những đạo quân tinh nhuệ bách thắng để thống nhất sơn hà, lập ra nghiệp lớn ngàn năm.

Nếu như Tống Thái Tổ để lại côn pháp và Trường quyền còn nổi danh đến ngày nay thì Lý Thái Tổ cũng để lại bộ U Linh Thương Pháp. Tương truyền lúc bấy giờ, các thế lực phản loạn nổi lên khắp nơi, dân chúng lầm than, khổ sở. Lý Công Uẩn nhiều phen đích thân đi dẹp loạn. Nhưng do địa hình đất nước núi rừng thâm u, tịch mịch, các trận chiến thường diễn ra vào lúc chạng vạng nên với những bài thương thông thường, khả năng đánh tan quân phiến loạn rất thấp.

Bản thân Lý Thái Tổ là một cao thủ dùng thương nên đã sáng tạo ra bài thảo U Linh Thương rồi tập cho binh lính. Điểm độc đáo của U Linh Thương là có tầm sát thích cao, đường thương đâm thẳng, trực diện với kình lực lớn, kết hợp các động tác uyển chuyển, nhu cương hòa diệu. Điều đó thích hợp với lối đánh áp sát cận chiến, phù hợp với thể hình thấp bé của đa số binh sĩ triều Lý thời bấy giờ. 

Điểm độc đáo của U Linh Thương là có tầm sát thích cao, đường thương đâm thẳng, trực diện với kình lực lớn, kết hợp các động tác uyển chuyển, nhu cương hòa diệu. (Ảnh: youtube.com)

Dưới đây là lời giới thiệu về U Linh Thương Pháp:

Sa La thành tẩu mã
Hô lục tướng
Thúc Sa La thành thất phược binh
Đằng đằng khí trận
Loạn mã tung thương
Khốc lược truy hình
Phong linh ảnh địa. 

Dịch nghĩa:

Thành Sa La ngựa phi nhốn nháo
Phất cờ hiệu, sáu mặt dồn binh
Thành Sa La vây làm bảy bận
Khí trận truyền khiếp nhược tình quân
Người – ngựa, dày nhau cơn bão giáo
Tìm đường thoát nạn, địch theo chân
Ngã tối, chiêng khua bày đất trận. 

Siêu Xung Thiên của Nguyễn Huệ

Những Hoàng đế hay các tướng dũng mãnh vô địch của Việt Nam hay Trung Quốc đều rất ưa thích đại đao. Hoàng đế Quang Trung cũng vậy. Theo sử sách, cuộc đời binh nghiệp của vị chiến thần bách thắng này luôn gắn liền với thanh Ô Long đao đầy huyền bí. Tương truyền Nguyễn Huệ là người có võ công cao cường. Nhờ thân vóc cao lớn cũng như nội lực mạnh mẽ, nên ông chuyên về sử dụng đao ngoài những môn võ khác.  

Đến nay thế gian vẫn đang lưu truyền một bài Đại Đao (hay còn gọi là Siêu) tương truyền do Nguyễn Huệ sáng tạo có tên là Siêu Xung Thiên. Bài Siêu này có bài giới thiệu bằng chữ Hán, tạm dịch như sau:

Bái tổ

Chọc trời đề đao chém ngược sau
Gió nổi vờ chạy quỷ thần kinh
Ngoái đầu nép cây, tiến lên bằng Phụng Tấn
Chém ngang, trung bình tấn vững như trâu
Chém lên như rồng, chặt xuống như hổ
Nép dấu trốn nằm kín như chim sợ tiếng
Rớt ngựa bay xuống lập tức đâm nhanh
Bốn phía cùng ngồi xuống, về nẻo sống
Đề đao đứng bái tổ như ban đầu. 

Đến nay thế gian vẫn đang lưu truyền một bài Đại Đao (hay còn gọi là Siêu) tương truyền do Nguyễn Huệ sáng tạo có tên là Siêu Xung Thiên. (Ảnh: vietnam.vnanet.vn)

Lôi Long đao của Đô đốc Võ Văn Dũng

Không chỉ Nguyễn Huệ để lại bài Siêu Xung Thiên, một trong những tướng lĩnh giỏi nhất của ông, Đô đốc Võ Văn Dũng cũng để lại di sản là một bài đao còn truyền lại đến ngày nay, tên là Lôi Long đao. Bài đao này là 1 trong 18 bài võ quy chuẩn của võ cổ truyền Việt Nam hiện nay. 

Theo lời võ sư Đông Hải, huấn luyện viên trưởng võ cổ truyền tỉnh Bình Định, cũng là người truyền ra bài Lôi Long đao này hiện nay thì: “Tuyệt kỹ đao pháp “Lôi Long đao” do đô đốc Võ Văn Dũng nghiên cứu chiêu pháp rồi soạn ra vào mùa thu năm 1768 tại huyện Tây Sơn (Bình Định). Sau này, bài “Lôi Long đao” được tìm thấy trong cuốn “Tây Sơn danh tướng bí kíp mộ hồn thao” của Nguyễn Trung Như, một danh tướng nhà Tây Sơn, chép lại. Trải qua nhiều thế kỷ, cuốn cổ thư võ học này được lưu giữ tại chùa Lộc Sơn. Sau này, cố thượng tọa Thích Tịnh Quang truyền dạy lại cho tôi. Rồi tôi đã dạy lại cho học trò xuất sắc nhất của mình là võ sư Trần Duy Linh. Và cũng chính bài đao này đã mang lại cho võ sư Linh nhiều huy chương vàng giải võ cổ truyền toàn quốc”. 

Theo võ sư Hải, bài Lôi Long đao này có uy lực rất lớn, vô cùng ảo diệu, khiến đối phương trở tay không kịp. Lôi Long đao vận dụng lối đánh linh hoạt, các loại vũ khí khác rất khó chống đỡ. Lôi Long đao có đặc điểm là chế ngự trực tiếp, trảm phạt vào đôi tay của đối thủ cầm thương, cầm kiếm. Khi ấy, ngọn kiếm, đường thương dẫu có linh hoạt đến đâu cũng không thể bù lại được. 

Lôi Long đao còn thường sử dụng những đòn thế “gậy ông đập lưng ông”, mượn sức đối thủ để hạ đối thủ. Người dùng đao có những động tác chém dụ, buộc đối phương phải gạt đỡ rồi nhân cơ hội đối phương sơ hở, bị đánh lạc hướng để đoạt mạng.

Theo võ sư Hải, bài Lôi Long đao này có uy lực rất lớn, vô cùng ảo diệu, khiến đối phương trở tay không kịp. (Ảnh: youtube.com)

Hùng Kê Quyền của Nguyễn Lữ 

Quân đội Tây Sơn thần dũng vô địch trên chiến trường cũng nhờ công huấn luyện của các chủ tướng. Các tướng lĩnh Tây Sơn toàn là cao thủ võ nghệ tuyệt luân. Trong đó nổi bật nhất chính là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. 

Người ta biết nhiều về Nguyễn Huệ nhưng không hiểu rằng Nguyễn Lữ mới chính là đại tông sư về võ học trong cả ba anh em Tây Sơn. Vì võ học là một thứ Đạo dùng để tu thân, nên khi đạt Đạo thì người ta sẽ không màng danh lợi và tranh giành quyền lực. Nguyễn Lữ là người ít tiếng tăm và sống một cuộc sống kín đáo cho đến lúc mất. 

Nhưng trình độ võ công của ông lại trội hơn rất nhiều so với 2 người anh. Nguyễn Lữ chính là người sáng tác ra bài quyền Hùng Kê nổi tiếng còn lưu lại đến ngày nay. Bài quyền này là một trong 10 bài quốc võ của Việt Nam hiện đại. Tương truyền rằng Nguyễn Lữ vốn người mảnh khảnh, yếu hơn các anh mình là Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ. Tính ông hiền hòa, ưa thanh tịnh, thích giao du với các nhà sư Ấn Độ và Trung Quốc, thích học văn hơn học võ.

Với tính cách đó ông có khiếu hơn về các môn võ lấy nhu chế cương. Nguyễn Lữ nhận thấy võ thuật Thiếu Lâm phần nhiều thiên về dương cương, có những điểm không phù hợp với thể chất người Việt Nam và nhất là tính thực tiễn áp dụng trong chiến đấu.

Nguyễn Lữ cũng say mê nghệ thuật chọi gà. Trong một dịp Tết, ông quan sát đôi gà chọi, một con to lớn kềnh càng, dũng mãnh, mặt đỏ gay, các đòn nặng nề sát thủ và một con nhỏ bé mà linh hoạt. Cuối cùng, khi giao đấu, con gà to lớn kia đã liên tục phải cúp đuôi bỏ chạy trước sức tấn công bền bỉ, liên tiếp, nhanh như chớp của con gà nhỏ. 

Với ngộ tính rất cao của mình, ông thấy được sức mạnh mà con gà nhỏ kia dùng có cùng nguyên tắc với dòng nước. Vì gà là thuần Kim thuộc Ngũ Hành nên đòn đánh của nó tương sinh ra một dòng nước với năng lượng rất mạnh mẽ. Nó có đặc tính gồm cả âm dương, khi thì miên viễn, bền bỉ, nhẹ nhàng nhưng khi cần thì nhanh như sóng chồm dữ dội, có thể chọc phá bất cứ sự phòng thủ nào. 

Ông đã sáng tạo ra bài Hùng Kê Quyền vừa phù hợp với sở học của bản thân, vừa phù hợp với thể chất người Việt nói chung. Đặc tính của nước được áp dụng trong bài bằng những yếu lĩnh, nhằm đến mục tiêu, yếu có thể đánh mạnh, thấp có thể đánh cao, nhỏ có thể đánh lớn, ít có thể đánh nhiều, gần có thể đánh xa. Bài quyền này đã thể hiện 1 cách tận tường về phong cách võ công cũng như bản tính của Nguyễn Lữ. 

Vì uy lực lớn của bài quyền này, hiện nay nó thường chỉ được truyền dạy cho môn đồ đã có trình độ nhất định, chẳng hạn như cấp huấn luyện viên. Đặc điểm của các bài quyền hay binh khí trong võ thuật cổ truyền Việt Nam là lời thiệu luôn được viết bằng thơ cho dễ nhớ, dễ thuộc, thể hiện chất văn trong võ đạo. Hùng Kê Quyền cũng không phải là ngoại lệ, thiệu của bài là một bài thơ thể thất ngôn bát cú.

Vì uy lực lớn của bài quyền này, hiện nay nó thường chỉ được truyền dạy cho môn đồ đã có trình độ nhất định, chẳng hạn như cấp huấn luyện viên. (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Nguyên văn:

Lưỡng kê giao thủ thủy tranh hùng
Song túc tề phi trảo thượng xung
Trấn ải kim thương như Bạch Hổ
Thủ quan ngân kiếm tựa Thanh Long
Xuyên cung độc triểu tăng ư trác
Hồi thủ đơn câu thọ tứ hung
Thiểu, tẩu, vượt, trầm thiên sở tứ
Nhu, cương, cường, nhược tận kỳ trung

Dịch nghĩa:

Hai con gà chọi nhau để tranh hùng
Hai chân cùng bay, móng chân đâm hất lên
Trấn biên ải, cây thương vàng như cọp trắng
Giữ cửa quan, lưỡi kiếm bạc tựa rồng xanh
Mũi tên độc đâm vào hầu được cất giấu từ mỏ gà (mổ thóc)
Quay đầu móc đâm vào ngực kẻ địch
Chạy, nhảy lên, luồn, hụp xuống là thế trời cho
Mềm, cứng, mạnh, yếu, tất cả đều trong bài quyền này.

(Còn nữa)

Tĩnh Thủy

Exit mobile version