Đại Kỷ Nguyên

Tinh hoa võ thuật Việt Nam (P.2): Yến Phi Quyền của vua Quang Trung và dàn trống chiến độc đáo

Có bài thơ rằng: 

“Sông Đằng một dải dài ghê
Sóng hồng cuồn cuộn tuôn về bể Đông
Những người bất nghĩa tiêu vong
Nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh”

(Bạch Đằng Giang Phú – Trương Hán Siêu) 

Lịch sử như dòng sông dài cuốn đi trong lớp sóng của nó bao nhiêu sự tích, chiến công, thành bại của cả một dân tộc. Thế kỷ 21 hiện đại với quá nhiều thú vui và dục vọng, mấy ai còn lưu tâm đến những huy hoàng của quá khứ, những tinh hoa của cổ nhân hay những bài học sâu sắc từ ngàn xưa? 

Việt Nam 4.000 năm văn hiến với nhiều triều đại kiệt xuất thấm đẫm văn hóa Phật Đạo Thần đã đem đến cho dải đất xinh đẹp này biết bao nhiêu kỳ tích và truyền kỳ vẫn còn rọi sáng đến tận hôm nay. Chúng tôi tiến hành loạt bài viết về lịch sử Việt Nam mong muốn đem đến cho quý độc giả một góc nhìn mới về sử Việt, chính là ôn cũ biết mới, ngẫm chuyện xưa nhìn chuyện nay, tự đúc rút cho mình những trải nghiệm riêng.

Võ thuật Việt Nam đầy ắp tinh hoa của biết bao môn phái, chiêu thức, vũ khí. Loạt bài này sẽ giúp độc giả có thêm một góc nhìn mới về tinh hoa võ thuật dân tộc. 

Xem thêm : Phần 1

Yến Phi Quyền và bài quyền Enpi của Karate Shotoka

Yến phi quyền là bài danh quyền của võ cổ truyền Việt Nam, tương truyền do Nguyễn Huệ sáng tạo dựa vào các bài Thần đồng, Lão mai, Ngọc trản để các nghĩa binh Tây Sơn rèn luyện trong giai đoạn trước khi đưa quân ra Bắc Hà. Trái với người em của mình, do thể chất trời sinh mạnh mẽ to lớn và nội lực thâm hậu nên Nguyễn Huệ lại thiên về các môn võ công dương cương. Binh khí mà ông sử dụng cũng là đại đao.

Vậy nên bài Yến Phi Quyền này mặc dù là miêu tả động tác né tránh, bay nhảy nhẹ nhàng của chim én nhưng những đòn thế lại dứt khoát và quyết liệt giống với đặc điểm võ công của Nguyễn Huệ. Thủ pháp bài quyền khoáng đạt rộng mở với những chiêu thức sải rộng cánh. Đòn thế tấn công đối thủ thường bằng cạnh tay chém, mũi bàn tay đâm và các ngón tay móc hổ trảo. Cước pháp trong bài là các đòn đá bằng cạnh chân và móc vòng đánh gót.

Miêu tả một số động tác của Yến Phi Quyền. (Ảnh: uptung.blogspot.com)

Có một điều thú vị trùng hợp là bài quyền Enpi của hệ phái Karate Shotokan cũng bắt nguồn từ hình thế của chim én với cách đánh và khí thế tương tự như bài Yến Phi Quyền này của Việt Nam vậy. Quả thật là: “ Ánh trăng chiếu xuống nước thì ở đâu cũng là hình tròn cả ”. Cũng như các bài võ cổ truyền khác, Yến Phi Quyền cũng có bài thiệu bằng thơ của riêng mình. Lời thiệu của bài được viết bằng thể thơ lục bát, gồm 9 câu:

Bước vào biến thế Yến Phi
Tam câu tam đả tức thì làm xong
Rồi lại biến thế Thần Đồng
Hồi về yến bãi chực phòng song phi
Phi rồi cuốn cánh nép vi
Lập thế bộ hổ hồi về Triệu Công
Ví dù nó có lướt xông
Thì ta biến thế Phượng hoàng một chân
Bái tổ sư lập như tiền

Trống trận Tây Sơn

Âm thanh chính là một loại năng lượng rất mạnh có thể tác động đến tâm linh của người ta. Đặc biệt là trong quân sự thì sự vận dụng âm thanh đã thành một nghệ thuật. Binh thư yếu lược có ghi rõ: “ Phàm trống chiêng là để làm uy cho tai, cờ xí là để làm uy cho mắt, cấm lệnh hình phạt là để làm uy cho lòng. Tai sợ uy tiếng, tiếng không thể không trong; mắt sợ uy sắc, sắc không thể không sáng; lòng sợ uy hình, hình không thể không nghiêm. Ba điều ấy không dựng lên được thì tuy có nước cũng phải thua địch. Cho nên nói rằng: Tướng phất cờ thì không ai là không theo, tướng chỉ cờ thì không ai là không liều chết ”. 

Vì thế nên một đạo quân hùng mạnh tất phải đi kèm với một lực lượng chiêng trống, cờ xí tương ứng. Những quân sĩ này chính là tinh nhuệ của chỉ huy và luôn nằm ở trung quân. Có thể nói đạo quân này cũng chính là uy nghiêm của toàn quân đội và uy lực xông trận nghiêng trời lệch đất của hàng trăm vạn đại quân trong trận mạc chính là đến từ hệ thống chiêng trống, cờ xí này. Hiện nay chúng ta chỉ còn lưu lại một ít bài trống trận Tây Sơn nên cũng không thể tái hiện lại toàn bộ binh uy như ngày xưa được.

Hình minh họa trống trận. (Ảnh: ttngbt.blogspot.sg)

Thời cổ, người đánh trống trận phải là người am hiểu võ thuật, binh pháp. Tương truyền nhà Tây Sơn đặt ra nhạc võ để huấn luyện quân và khiển trận. Dàn nhạc võ Tây Sơn xưa gồm mười sáu trống chiến, tù và, chiêng, phèng la… Trống chiến là linh hồn của nhạc võ. Hiện nay trống chiến chỉ còn mười hai chiếc, tượng trưng cho thập nhị địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão…), xếp thành ba bậc trên giá đỡ, ứng với triết lý tam tài. Một bài trống trận Tây Sơn gồm có 3 hồi: Xuất quân, xung trận – công thành và ca khúc Khải hoàn. 

Khi tiếng trống cất lên, hồn thiêng sông núi, tiếng võ ngựa thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn như vọng về… Khi xưa dưới cờ nữ tướng Bùi Thị Xuân có bốn phó nữ tướng trẻ đẹp tài cao, mà người đương thời gọi là Tây Sơn Ngũ Phụng thư (gồm Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Nguyễn Thị Dung và Huỳnh Thị Cúc), đã cùng nhau huấn luyện và điều khiển tượng binh gồm một trăm thớt voi và đoàn nữ binh trên hai ngàn người làm nên những chiến thắng thần tốc của nghĩa quân Tây Sơn – Nguyễn Huệ. 

Lời kết

Để xây dựng một nền văn hóa đã rất khó, bảo vệ nó nguyên vẹn khỏi họa ngoại xâm cũng khó khăn không kém. Với vị trí địa lý đặc thù của mình nên Đại Việt là nạn nhân chính của vô số lần xâm lấn của ngoại bang trải suốt mấy nghìn năm lịch sử. Vì thế mà nền văn hóa Việt Nam mang tính thượng võ rất cao với võ thuật đóng vai trò vô cùng quan trọng ngang với văn học và nghệ thuật. Việc lưu giữ, tìm hiểu và phát triển những di sản võ thuật của ông cha để lại cũng chính là bảo tồn 1 tương lai tốt đẹp cho các thế hệ mai sau vậy.

(Còn nữa)

Tĩnh Thủy

Exit mobile version