Khi hoàng đế Gia Tĩnh phát hiện ra, ông vô cùng phẫn nộ, ngoài việc cắt tên tội phạm thành nhiều mảnh, ông còn xử tử viên huyện lệnh. Quan viên các cấp từ tuần phủ trở xuống, đều bị xử hình nghiêm khắc…
Dưới thời trị vì của hoàng đế Gia Tĩnh nhà Minh (1507-1567 SCN), có một chàng thanh niên họ Giáp ở Thiệu Hưng, Chiết Giang, đến kinh đô để học kỹ nghệ trang sức vàng bạc khi còn nhỏ. Vì bẩm sinh đã có trí thông minh hơn người, sau khi học nghệ thành công, đồ bạc do chàng chế tác có phong cách mới lạ, ý tưởng kỳ xảo, nhất thời tất cả thợ thủ công lành nghề ở kinh đô đều không sánh được với chàng. Từ đó về sau, trâm cài tóc và mũ đội đầu của vương tộc quyền quý cho đến những gia môn giàu có quyền lực và nữ nhân khuê các, nếu không phải do chàng chế tác, thì không được coi là của quý. Vì lý do này, chàng thường có thể ra vào những nơi quyền quý, tích lũy được tài sản vạn lượng.
Chàng có một cô em gái tên là Uyển Cô, người mà chàng rất yêu quý, năm đó Uyển Cô đã mười lăm tuổi, vô cùng diễm lệ. Uyển Cô từ nhỏ đã được hứa hôn với một chàng trai họ Ất ở quê, nhưng vì nhà Ất nghèo, nên không thể đích thân lên kinh đô cưới Uyển Cô, còn họ Giáp thì vì bận bịu công việc nên chàng cũng không thể tiễn em gái về quê lấy chồng, vì vậy mà trong tâm chàng luôn trăn trở.
Giáp có một người em họ là một hiếu liêm (hiếu liêm là nhã xưng của cử nhân thời nhà Minh và nhà Thanh), người này đến kinh đô để tham gia thi cử, sống ở nhà Giáp, nhưng đã trượt bảng. Khi anh ta chuẩn bị trở về nhà, Giáp tổ chức một bữa tiệc chia tay. Sau khi uống vài ly rượu, Giáp đặt một phong bạc lên chiếc khay hồng của bàn trà, hướng tới vị hiếu liêm bái hai lần rồi trịnh trọng nói: “Tôi có một bầu tâm sự, tư niệm đã nhiều năm, nhưng mãi vẫn chưa tìm được người phù hợp để giúp tôi hoàn thành, hôm nay rất may mắn đã gặp được cậu, tâm nguyện của tôi có thể thực hiện. Hiền đệ tuổi trẻ có triển vọng, nếu sẵn lòng đồng ý, tôi sẽ hoàn toàn phó thác việc này cho cậu”.
Hiếu liêm nhìn thấy tình ý khẩn thiết, liền trả lời: “Tôi cùng huynh đồng tông đồng thích, chỉ cần tôi có thể làm được, tôi tất sẽ tuân mệnh, sao dám từ chối”. Theo đó, Giáp đã phó thác Uyển Cô cho hiếu liêm và nói: “Tôi không cách nào có thể đích thân tiễn em gái về quê, cậu hiện tại đúng lúc phải về phương nam, mong cậu hộ tống Uyển Cô về quê để hoàn thành hôn ước cho cô ấy, thì đại sự vẫn vướng mắc trong tâm tôi sẽ hoàn toàn được giải quyết. Bây giờ tôi sẽ đưa cậu một phong bạc làm lộ phí, hy vọng nó sẽ không làm phật lòng cậu vì quá ít”. Hiếu liêm cảm thụ thâm tình hậu ý của Giáp, liền đáp ứng lời thỉnh cầu.
Hiếu liêm đưa Uyển Cô trở về Chiết Giang, ở lại nhà riêng của mình vài ngày, sau đó chọn ngày lành tháng tốt gả nàng cho nhà họ Ất. Trong nhà họ Ất chỉ có một người mẹ già. Sau khi Uyển Cô về nhà họ Ất, đúng sáng hôm sau, Uyển Cô vào bếp thì thấy người chồng mới cưới và mẹ chồng đã bị giết, cả hai đều chết trong bếp, nàng sợ hãi hét lên. Những người hàng xóm nghe thấy tiếng la hét, tất cả chạy vào nhà. Khi nhìn thấy những xác chết, họ vô cùng kinh ngạc, nghi tâm khởi lên, vì vậy đã cùng nhau đến nha môn để báo cáo với quan viên.
Huyện lệnh là một thanh niên xuất thân khoa bảng, luôn tự phụ là người thông minh tài cán. Sau khi kiểm tra thi thể của người chết, ông ta lần lượt đưa Uyển Cô và vị hiếu liêm đến huyện nha, sau khi biết hai người họ cùng nhau về quê, liền vỗ bàn, vẻ mặt nghiêm trọng, nói: “Vụ án này không cần thẩm tra, ta đã biết rõ như lòng bàn tay rồi. Một đôi nam có vợ nữ chưa chồng đồng hành cả ngàn dặm, cả hai đều xinh đẹp trẻ trung, không có ai khác cùng đồng hành, thử nói trên đường hai người họ có thể ở chung vài tháng mà vẫn giữ gìn khuôn phép, bảo trì thân trinh tiết không, ta không tin được!”
Ông ta hạ lệnh cho kiền bà kiểm tra Uyển Cô, quả nhiên không phải là một trinh nữ. Vị huyện lệnh tưởng rằng mình đoán sự như thần, thập phần đắc ý nói: “Chà, lời ta nói không sai mà”. Thế là ra lệnh tra tấn dã man hai người, đánh đến thập tử nhất sinh, cuối cùng hai người vô tội vì không chịu nổi khốc hình mà đành phải nhận tội. Sau khi thẩm lý vụ án, họ bị xử tử hình. Khi đó, mọi người đều đồng thanh ca ngợi huyện lệnh phá án thần kỳ, mắng chửi Uyển Cô bất trinh, mắng hiếu liêm là đồ dã thú đội lốt người, cô phụ họ Giáp, chết cũng không oan uổng.
Giáp ở kinh thành khi nghe thấy sự việc này, ban đầu cảm thấy kinh hãi dị thường, thập phần ảo não, cho rằng hai người ấy đã vi phạm lễ nghĩa nhân luân, tội đáng bị trừng phạt. Nhưng chàng nghĩ tới Uyển Cô từ nhỏ đã theo mình hơn mười năm, luôn tuân thủ lễ nghĩa, ngôn đàm hành cử đều không khinh suất; và vị hiếu liêm cũng nổi tiếng là người thuần chính thận trọng, lễ nghi cử chỉ đoan chính, làm sao có thể làm ra những sự việc miệt lễ phạm pháp như vậy? Vì trăm mối tơ vò như thế, trong lòng chàng có chút không tin.
Giáp xa quê đã nhiều năm, đành tạm thời giao việc quản lý cửa hàng cho người khác, chuẩn bị về quê tảo mộ, đồng thời cũng nhân dịp này để điều tra chân tướng sự việc. Giáp là một thợ thủ công nổi tiếng ở kinh đô, hầu hết các cửa hàng và thương nhân ở phía bắc đều vãng lai với chàng. Một hôm, chàng đến một hiệu cầm đồ, đang nói chuyện với người chủ thì chợt thấy một người bán hàng mang đến một đôi lắc vàng và hỏi ý kiến chủ quán: “Cặp lắc vàng này được làm rất tinh xảo quá, tôi không dám đưa ra quyết định, vì vậy đặc biệt xin chủ nhân quyết định có giữ hay không”.
Giáp nhìn thấy cặp lắc vàng thì phi thường kinh ngạc, chàng khóc và nói với chủ tiệm cầm đồ: “Đây chính là món quà cưới mà tôi đã tặng cho em gái tôi khi nàng hồi hương xuất giá. May mắn thay, hôm nay tôi lại nhìn thấy nó ở đây, để nỗi oan khuất của người quá cố có thể được rửa sạch”. Vì vậy, chàng kể chi tiết cho chủ cửa hàng những gì đã xảy ra, yêu cầu ông giữ chân người mang cặp lắc vàng đi cầm.
Giáp tự mình vội vã đến nha môn, đánh trống cáo trạng. Các quan viên địa phương bắt giữ người mang cặp lắc vàng đi cầm, hắn đã phải nhận tội khi bị thẩm vấn. Nguyên lai vì nhà Ất quá nghèo, sợ em gái lấy chồng phải sống khốn khó, nên Giáp đã làm đôi lắc vàng trị giá khoảng một ngàn lượng vàng để làm của hồi môn cho em gái. Thật không ngờ, một tên trộm ở kinh đô đã phát hiện chuyện này, nên đã đi theo sau Uyển Cô và hiếu liêm đến tận Chiết Giang.
Vào ngày Uyển Cô kết hôn, nhà Ất quá nghèo nên sau hôn lễ, họ hàng lục tục từ biệt về nhà. Tên trộm đã lẻn vào bếp từ trước lúc còn lộn xộn nhiều người, nhân lúc mẹ Ất đang rửa bát trong bếp, hắn từ trong bóng tối đột nhiên lao ra và dùng dao đâm chết bà. Chàng họ Ất nghe tiếng đập cửa trong bếp nên tự tay cầm nến bước vào, bị tên trộm xông ra dùng dao chém chết.
Uyển Cô vừa tới nhà Ất, lại là vào ban đêm, không biết Ất thật Ất giả. Sau khi lên giường, tên trộm thì thầm với Uyển Cô, nói: “Nghe nói rằng anh trai nàng đã tặng nàng một đôi lắc vàng tinh xảo làm của hồi môn, tại sao nàng không mang chúng ra ngắm?” Uyển Cô nghĩ rằng hắn là chồng mới cưới của mình, đã lấy tất cả của hồi môn ra và đưa cho tên trộm xem. Tên trộm mừng rỡ, giả vờ khen nàng rồi ngủ với nàng. Trước bình minh, trong khi Uyển Cô vẫn đang ngủ, tên trộm đã lấy đi mọi thứ. Kết quả là hắn đã bị Giáp nhận ra khi cầm những chiếc lắc vàng này. Lời khai của tên trộm là như thế.
Huyện lệnh báo cáo vụ án lên tuần phủ, lại gửi thông tri đến tỉnh Chiết Giang và trình báo lên hoàng đế. Khi hoàng đế Gia Tĩnh phát hiện ra, ông vô cùng phẫn nộ, ngoài việc cắt tên trộm thành nhiều mảnh, ông còn xử tử viên huyện lệnh trẻ tuổi tự phụ. Quan viên các cấp từ tuần phủ trở xuống, đều bị xử hình nghiêm khắc. Hoàng đế còn hạ chỉ trưng một tấm biển biểu chương Uyển Cô, còn con trai của hiếu liêm được nhận vào Quốc tử giám để học tập. Ân sủng và pháp luật đã được thực thi, cả người sống người chết đều cảm tri. Đây cũng là bài học cho những quan viên xử án kiêu ngạo tự phụ, coi mình là thông minh tài cán mà phán quyết bừa bãi, bất chấp pháp quy.
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch