Con người cứ ngỡ rằng tình yêu chỉ đơn thuần là sự thăng hoa về cảm xúc của hai nửa khác biệt, mà quên mất rằng: tình yêu hợp với Đạo mới có được hạnh phúc, trái với Đạo thì chỉ tích thêm khổ nghiệp cho mình mà thôi.
Tình yêu thời hiện đại và những hệ luỵ không mong muốn
Ngày nay, trên báo đài và các phương tiện truyền thông, bạn đều có thể nghe thấy những lời tâm sự và tư vấn của các chuyên gia tâm lý về “chuyện thầm kín”, “chuyện chăn gối” của các cặp uyên ương. Chẳng hiểu sao những câu chuyện có cả hàng triệu thính giả lại được gọi là “chuyện thầm kín”, riêng tư? Những người phụ nữ ngày xưa mà nghe thấy những “lời tâm sự” này có lẽ phải đỏ mặt vì xấu hổ!
Người thứ 3 chen vào hạnh phúc gia đình của người khác, lại được tôn vinh như một biểu tượng về sắc đẹp và quyến rũ. Người ta còn vô cùng “đồng cảm” với những người sẵn sàng ly hôn để tìm về bến đỗ tình yêu trong mơ của mình. Dường như chưa bao giờ tình yêu lại được tháo cũi, sổ lồng buông thả đến vậy.
Thế nhưng, càng buông thả trong tình yêu thì tỷ lệ ly hôn, ngoại tình, và các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục lại ngày càng tăng. Trớ trêu thay, dẫu con người không tin nhân quả, thì luật nhân quả vẫn chế ngự xã hội nhân loại.
Vì sao người xưa có thể dắt tay nhau đến tận cuối đường đời?
Thời xưa, khi đạo đức được cả xã hội tôn vinh, thì dẫu đã thành vợ thành chồng hai người vẫn phải “tương kính như tân”, tôn trọng nhau như khách. Trong “ân ái” giữa vợ chồng, thì chữ “ân” (ơn) luôn đứng trước chữ “ái” (yêu). Chữ “ân 恩” lại gồm chữ “nhân 因” trong “nhân quả” đặt trên chữ “Tâm 心” (trái tim).
Người xưa hiểu rất rõ rằng, mệnh trời không thể không tuân theo, lại càng chẳng thể làm trái. Họ tin rằng, kiếp này hai người xa lạ có thể nên duyên vợ chồng, là do nhân duyên tiền định, vợ chồng chính là sự ban ơn của Thiên Thượng và là ân điển của cha mẹ.
Rất nhiều trường hợp là do kiếp trước người vợ chịu ơn người chồng, hay người chồng chịu ơn người vợ mà kiếp này nguyện ý thành vợ thành chồng để báo đáp cho đối phương. Giữa vợ chồng, thì “ân” (ơn) được coi là nền tảng, vậy nên người xưa mới có thể chung sống hòa hợp với nhau đến tận “đầu bạc răng long”.
Người xưa quan niệm rằng, vợ chồng trên bề mặt là “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, nhưng kỳ thực, lại là do ông Tơ bà Nguyệt se duyên mà thành. Nhân duyên ngàn dặm, đường đời quanh co, hết thảy đều là sự an bài của Thần.
Vào thời đại con người còn coi trọng đạo đức truyền thống, nam nữ chưa được sự đồng ý của cha mẹ mà đã chung sống cùng nhau bị coi là việc trái với luân thường đạo lý, là việc “đại nghịch bất đạo”.
Lương Sơn Bá và Chúc Anh Đài đã làm trái với lệnh của cha mẹ. Tình yêu của họ được các nhà văn, nhà làm phim lột tả đến mức khiến người xem phải đồng cảm, cùng khóc cùng cười với họ. Nhưng cách hành xử của hai người lại được coi là không hợp Đạo nên mới phải chịu cảnh sinh ly tử biệt.
Chữ Ái giản thể của thuyết vô thần dường như phản ánh đúng hiện thực xã hội ngày nay
Chữ “Ái 愛” chính thể gồm chữ Tâm 心 (Trái tim) nằm xen vào giữa chữ Thụ 受 (Tiếp nhận, chịu đựng). Nghĩa là khi hai người yêu nhau, họ sẽ đón nhận tình cảm của đối phương, tiếp nhận và chịu đựng cả điều tốt lẫn điều xấu của họ. Tình cảm ấy cũng được giấu kín, kìm nén trong lòng, như trái tim chen ở giữa. Dẫu yêu nhau họ cũng phải thuận theo Đạo Trời.
Sau cuộc Cách mạng văn hóa, Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) viện cớ giản lược chữ Hán cho dễ học nên đã sáng tạo ra loại chữ Hán giản thể biến dị. Nhờ đó, ĐCSTQ thoả sức tráo đổi những nội hàm nhân văn, sự kính ngưỡng Thần Phật trong chữ Hán chính thể thành thuyết vô thần đầy hận thù và tranh đấu. Từ đó chữ “Ái 爱” giản thể vô tâm 心 ra đời (Yêu mà không có trái tim).
Văn tự là tải thể văn hoá được đúc kết qua hàng ngàn hàng vạn năm và được truyền thừa qua lớp lớp thế hệ. Văn tự mất, gốc văn hoá cũng chẳng còn, như con người dẫu vẫn nguyên vẹn hình hài nhưng linh hồn và trái tim đã bị đánh cắp.
Thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước đã bị tách rời khỏi cái gốc làm người như vậy mà chẳng hề hay biết, khiến cho tình yêu thời hiện đại trở nên hời hợt, bề ngoài mà thiếu mất con tim. Điều này không chỉ làm tổn thương tới người khác, mà ngay cả bản thân họ cũng không được hạnh phúc, tội nghiệp chồng chất, biết đời nào kiếp nào mới trả xong. Lãng tử quay đầu là bờ, con người quay trở lại với những giá trị đạo đức truyền thống mới có được hạnh phúc chân chính.
Nhã Văn