Đại Kỷ Nguyên

Tô Đông Pha nhiều lần gặp giấc mộng kỳ quái, làm thơ chọc giận Long Vương

Rốt cuộc thì giấc mộng và đời thực có liên quan gì đến nhau, điều này cho đến nay vẫn chưa có lời lý giải thấu đáo. Tô Đông Pha nhiều lần gặp giấc mộng kỳ quái, và ông đều ghi chép lại cẩn thận…

Tô Đông Pha từng gặp rất nhiều giấc mộng kỳ quái, cảnh trong mơ có thể nói rõ cảm xúc của ông.

Trong mộng giúp người thoát hổ dữ, đạo nhân tới cửa đòi thưởng

Khi Tô Đông Pha làm quan ở Dương Châu từng có một giấc mộng quái dị: Ông lẻ loi một mình đi vào núi sâu rừng thẳm, gặp một con mãnh hổ chặn đường uy hiếp. Đang lúc kinh hãi không biết phải làm sao, có một vị đạo sĩ thân mặc áo tím, đầu đội mũ vàng đột nhiên xuất hiện, đứng ngay ở giữa. Chỉ nghe vị đạo sĩ hét to một tiếng, mãnh hổ chạy trối chết.

Ngày hôm sau, ở châu phủ nha môn có một vị đạo sĩ đi đến, nói là muốn gặp tri châu đại nhân. Vừa mới gặp, vị đạo sĩ liền đi thẳng vào vấn đề: “Tối hôm qua, Tô đại nhân chắc là lo sợ hốt hoảng lắm?”. Đạo sĩ nói ra hơi bất ngờ, nhưng Tô Đông Pha bắt đầu nghi hoặc, thầm nhớ lại, hiểu ra lập tức trừng mắt trách mắng: “Yêu đạo ở phương nào, dám làm phép dọa người! Lại còn dám đến ngồi ở đây, đáng bị đánh 100 roi! Niệm tình ngươi vi phạm lần đầu, tạm thời tha cho!”

Tranh minh họa. (Theo tinhhoa.net)

Đạo sĩ bằng phép thuật lại có thể xác định địa điểm thời gian để chen vào cảnh trong mơ của người khác, so với thiết bị định vị toàn cầu GPS còn chuẩn xác hơn, nghĩ thật đáng sợ! Ông ta nghĩ Tô Đông Pha dễ bề đối phó, nên đến nhà đòi thưởng, ai ngờ suýt nữa thì bị đánh. Nghe Tô Đông Pha nghiêm mặt nói vậy, đạo sĩ mặt ủ rũ, nhanh chóng rời đi.

Trong mộng xuống biển gặp Long Vương, làm thơ gây mầm họa

Thời gian Tô Đông Pha ở Đam Nhĩ (tức Hải Nam sau này), thì đây cũng không phải là một nơi dễ sống, nằm ngủ ở nhà tranh, chưa hẳn tất cả đều là mộng đẹp. Một ngày Tô Đông Pha uống rượu, mơ thấy một con cá có hình thù kỳ dị từ biển nhảy lên bờ, chạy băng băng nhanh như ngựa. Vào đến nhà tranh, con quái vật này lễ phép dùng ngữ khí cung kính nói: “Quảng Lợi Vương mời Tô học sĩ tới gặp”.

Tô Đông Pha thân mặc áo vải, chân đi giày rơm, đầu đội mũ vàng, theo sát con vật quái dị này đi xuống biển khơi, nước biển rẽ ra, không hề làm ướt y phục, ven đường chỉ nghe tiếng gió gầm như rót vào tai.

Một lúc sau, trước mắt trở nên rộng rãi sáng sủa, ông được đưa vào một tòa thủy tinh cung, ở đây dạ minh châu, sừng tê giác, ngọc bích, san hô, hổ phách, thứ gì cũng có, khiến người ta hoa cả mắt. Quảng Lợi Vương uy phong lẫm liệt, lưng đeo bảo kiếm, đầu đội ngọc miện, thân mặc áo rồng, phía sau có hai người hầu đứng thẳng uy nghiêm. Tô Đông Pha giữ đúng chừng mực, không quỳ gối hành lễ, mà chắp tay nói: “Tôi là khách ở trên biển, may mắn được Đại Vương mời”. Quảng Lợi Vương vẻ mặt ôn hòa, vuốt nhẹ cằm, ra hiệu dâng trà.

Trong chốc lát, Đông Hoa chân nhân, Nam Minh phu nhân cũng đến trong điện tiếp khách, bọn họ lấy ra một mảnh lụa dài, thỉnh Tô học sĩ đề thơ. Vì thế Tô Đông Pha ngẫu hứng phú một bài thơ:

“Thiên địa tuy hư khuếch,
Duy hải vi tối đại.
Thánh vương giai tự sự,
Vị tôn hà bá bái.
Chúc dung vi dị hào,
Hoảng hốt tụ bách quái.
Nhị khí biến lưu quang,
Vạn lý phong vân khoái… .
Nhược đắc minh nguyệt châu,
Khả thường trục khách trái”.

Vừa mới viết xong, không cần xem lại, ông đem bài thơ mới dâng cho Quảng Lợi Vương. Các vị tiên nhân truyền tay nhau đọc, khen không ngớt lời, chỉ có một vị Miết tướng công (miết: con ba ba) đứng bên cạnh nhíu mày nói: “Ngươi biết rõ là xung khắc như nước với lửa, lại không kiêng dè, trong thơ đề cấp đến Hỏa Thần ‘Chúc Dung’ là kẻ thù không đội trời chung với chúng ta. Ngươi làm như vậy, không khác chi lấy nước tiểu của con chuột mà làm thuốc nhỏ mắt”.

Quảng Lợi Vương nghe đến vậy, chịu không nổi sự châm biếm này, khuôn mặt vốn đang ôn hòa bỗng chốc xám xịt như mây đen. Tô Đông Pha bản tính thông minh, thấy tình thế không ổn, nhanh chóng cáo lui, trong đầu không khỏi thầm mắng một câu: “Nơi nào cũng có loại người nói chuyện xấu như Miết tướng công này”.

Về sau, Tô Đông Pha mượn mộng nói chuyện, lấy “miết tướng công” làm tên lóng chỉ người tâm thuật bất chính, ví như Lã Huệ Khanh, Chương Đôn, Triệu Đĩnh Chi, Thái Kinh là những người thuộc loại này, có thể nói là một cách nói châm chọc chua cay.

(Tranh minh họa Long Vương. Theo congdongdulich.com.vn)

Hàn Kỳ cố ý đi vào giấc mộng, Tô Đông Pha buồn vui lẫn lộn

Dù ở chân trời góc biển nào, Tô Đông Pha cũng giữ tấm lòng ngay thẳng, chưa từng đánh mất uy tín. Một đêm nọ, ông mộng thấy mình đi lên lầu Hợp Giang, trước mắt tất cả đều là mênh mông ánh trăng, Hàn Ngụy Công (Hàn Kỳ) thừa lúc ngồi trên tiên hạc bay tới, nói cho ông biết: “Ngươi đã vâng mệnh cùng ta trông nom đại tào, ta tới có lời nhắn trước, sắp tới ngươi có thể trở về Trung Nguyên, ngày tháng khổ lao sắp hết”.

Giấc mộng này tiết lộ hai tin tức quan trọng: Thứ nhất, Tô Đông Pha sắp chấm dứt cuộc sống bị giáng chức; thứ hai là tuổi thọ của ông sắp hết, tương lai không còn có mấy. Giấc mộng này tốt xấu lẫn lộn, nửa nọ nửa kia, Tô Đông Pha sau khi lấy bút ghi chép lại, không khỏi vui buồn lẫn lộn.

Có người nói, cảnh trong mơ và đời thật có mối quan hệ đối ứng kỳ bí, bởi vậy có rất nhiều giấc mộng đều rất ứng nghiệm. Có người lại nói, đời thật là mặt dương, cảnh trong mơ là mặt âm, tuy rằng có thể bù đắp lẫn nhau, nhưng mộng đẹp cũng khó mà thành sự thật.

“Trong mộng không biết thân là khách, nhất thời ham vui”, hoàng đế Lý Dục thời Nam Đường từng nói như vậy. Tô Đông Pha cả đời đã ghi chép lại rất nhiều giấc mộng, trong đó những cung bậc cảm xúc của ông, hỉ nộ ái ố yêu ác dục, có thể nói là không thể giấu, đều có hết ở trong đó.

Theo tinhhoa.net

Xem thêm: 

Exit mobile version