Đại Kỷ Nguyên

Tô Đông Pha thác mộng tặng thơ, trao chữ quý gợi nhớ tiên hiền

Ảnh minh hoạ: Shutterstock.

Giấc mơ tựa như cuộc du hành bí ẩn, có người trong mơ mà cảm thấy như bước vào cõi Tiên, lại có người như dạo chơi nơi âm phủ. Có người nhờ giấc mộng mà học được những kỹ năng, lại có người từ trong mộng mà thấy được quá khứ, biết được tương lai. 

Dưới đây là hai giấc mơ kỳ lạ liên quan đến nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha.

Tô Đông Pha thác mộng, tặng “Người chân thật giữa nhân gian”

Xưa có vị quan tên là Trịnh Hiệp, tự Giới Phu, là người ở Phúc Thanh, Phúc Châu, Trung Quốc. Vào những năm Hy Ninh dưới triều vua Tống Thần Tông (1068-1077), Trịnh Hiệp vì nói lời ngay thẳng nên bị giáng chức, điều về Anh Châu. Đến thời Tống Triết Tông, nhờ có Tô Đông Pha tiến cử mà Trịnh Hiệp lại được phục hồi chức quan cũ.

Đến những năm Thiệu Thánh thời Tống Triết Tông, Trịnh Hiệp lại bị giáng chức và điều trở về Anh Châu một lần nữa. Khi đó Tô Đông Pha cũng bị giáng chức và điều về Huệ Châu. Anh Châu cách Huệ Châu không xa, vì vậy hai người có cơ hội gặp nhau, vừa mới gặp mà như đã quen thân.

20 năm sau, năm Chính Hòa thứ 8 triều vua Tống Huy Tông, tức năm 1118, Trịnh Hiệp ở quê nhà Phúc Thanh nằm mơ thấy một giấc mộng kỳ lạ, trong mơ có vị khách tự xưng là Thiết Quan đạo sỹ đến nhà và tặng ông một bài thơ.

Trịnh Hiệp nhận ra vị khách ấy chính là Tô Đông Pha, bởi trước kia khi còn sống Tô Đông Pha từng giới thiệu ông là Thiết Quan đạo sỹ. Tuy nhiên vào lúc Trịnh Hiệp mơ giấc mộng này thì Tô Đông Pha đã qua đời được 17 năm rồi.

Bài thơ Tô Đông Pha viết cho Trịnh Hiệp như sau:

“Nhân gian chân thực nhân, thủ thứ bất li chân.
Quan vi ưu quân thất, gia nhân hảo lễ bần.
Môn lan đa kỷ cúc, đình hạm tẫn tùng quân.
Ngã hữu vu sơ giả, tương tòng hận bất tần.”

Bài thơ của Tô Đông Pha ca ngợi Trịnh Hiệp là “người chân thật giữa nhân gian”, dẫu là làm người hay xử thế thì việc gì cũng không xa rời chữ “Chân”. Tô Đông Pha lại cảm thán nói: Trịnh Hiệp mất chức quan vì lo lắng quân vương mất đi cái đức, nói lời ngay thẳng mà chịu mất mát, bởi vì tôn kính lễ nghĩa mà chấp nhận gia cảnh bần hàn. Trước nhà trồng rất nhiều khóm cúc, sau đình tùng trúc xanh tươi. Bạn cũ của ta ơi, bởi vì lười mà không muốn bấu víu vào người khác, ta rất hối hận không thường xuyên ở cùng ông.

Trong mơ, Tô Đông Pha còn nói: “Giới Phu à Giới Phu, không lâu nữa ông cũng đến rồi”. Trịnh Hiệp tỉnh dậy liền thở dài nói: “Không lâu sau, ta cũng phải qua đời”. 

Mùa thu năm sau, Trịnh Hiệp lâm bệnh nặng. Ông nói với cháu trai Trịnh Gia Chính của mình rằng: “Cơ thể con người hợp thành từ thổ, thủy, hỏa, phong. Nếu bốn nhân tố này bị phân tán thì cơ thể sẽ chẳng còn nữa”. Nói rồi ông đọc bốn câu thơ:

“Tự thử bình sinh chỉ tạ thiên,
Hoàn như quá điểu tại vân biên.
Như kim thân bạn hồn vô vật,
Doanh đắc hư đường nhất chẩm miên”

Diễn nghĩa:

Đời này chỉ là trông cậy vào Trời,
Hoàn trả lại chỉ như chim trở về mây
Hôm nay bên thân hầu như trống rỗng
Thì có được ngôi nhà lớn chỉ như là giấc mộng mà thôi.

Vài ngày sau, ông qua đời.

Nhập mộng trao chữ, nhớ tiên hiền

Mao Văn Trọng là một người bạn cũ của Tô Đông Pha, con trai ông cũng vô cùng ngưỡng mộ vị Đông Pha cư sỹ tài năng này. Sau khi trưởng thành, con trai của Mao Văn Trọng đã đổi tên thành Tại Đình, nhưng vẫn băn khoăn không biết nên lấy chữ gì làm tên tự.

Đêm hôm đó, Mao Tại Đình mơ thấy Tô Đông Pha trao cho mình hai chữ “Quý Tử” làm tự. Lúc ấy, Tô Đông Pha qua đời đã được hơn 10 năm.

Mao Tại Đình tỉnh dậy vô cùng hưng phấn, vui mừng đến mức quên ăn quên ngủ, đem hai từ này đến hỏi hòa thượng Huệ Hồng. Có người thắc mắc: “Tại Đình lại lấy tự là Quý Tử, đó là có ý gì?”.

Hòa thượng Huệ Hồng ngẫm nghĩ một lát rồi trả lời: Năm xưa, Tô Đông Pha rất sùng bái Giả Nghị và Tô Vũ, không chỉ yêu thích văn phong mà còn khâm phục cả sự chính trực của họ.

Giả Nghị là thái phó của Lương Hoài Vương Lưu Ấp nhà Tây Hán. Lưu Ấp vốn là hoàng tử nhỏ tuổi nhất và được Hán Văn Đế sủng ái. Năm 169 TCN, Giả Nghị hộ tống Lương Hoài Vương vào triều, nhưng Hoài Vương không may ngã ngựa mà qua đời. Giả Nghị cho rằng bản thân mình là một thái phó vậy mà lại không thể bảo vệ chủ nhân, từ đó trong tâm luôn tự trách mình, ngày đêm khóc than, đến năm sau thì ông cũng qua đời.

Còn Tô Vũ thì vâng lệnh Hán Vũ Đế đi sứ đến Hung Nô, nhưng lại bị người Hung Nô giam cầm. Hung Nô đã nhiều lần khuyên ông đầu hàng nhưng đều bất thành, liền tức giận bắt ông ra Bắc Hải chăn cừu. Tô Vũ sống ở Hung Nô được 19 năm, trải qua rất nhiều khó khăn gian khổ nhưng ông vẫn nhất quyết không chịu khuất phục, không làm nhục sứ mệnh mà triều đình nhà Hán giao phó. Cho đến năm Thủy Nguyên thứ 6, tức năm 81 TCN, ông mới được Hung Nô thả trở về Đại Hán.

Tô Đông Pha tin rằng, những bậc hiền sỹ năm xưa có đức độ và khí tiết không giống nhau, nhưng đều học hỏi từ Quý Trát (còn gọi là Quý Tử) của nước Ngô. Thời Xuân Thu, Quý Tử trên đường đi sứ đã đi qua nước Từ. Vua nước Từ thích thanh kiếm của ông nhưng không dám hỏi. Quý Tử biết ý vua Từ nhưng vì bận đi sứ nên chưa tiện tặng gươm. Khi từ nước Tấn trở về, ông lại qua nước Từ, định tặng gươm thì hay tin vua nước Từ đã băng hà, ông bèn treo thanh kiếm lên mộ vua để tỏ rõ lòng mình.

Từ thời Xuân Thu đến nhà Hán, thời gian kéo dài hàng trăm năm nhưng phẩm cách và đạo đức của người xưa vẫn được gìn giữ qua nhiều thế hệ. Đó là một tấc lòng chân thật, một trái tim chân thành sáng tỏ giữa nhân gian. Hòa thượng Huệ Hồng giải thích rằng, có lẽ chính vì điều này mà Tô Đông Pha lấy hai chữ “Quý Tử” để tặng cho Mao Tại Đình.

Ngọc Linh
Theo Epochtimes

Video: Bạn lựa chọn cúi đầu làm bông lúa hay ngẩng đầu làm cỏ dại?

Exit mobile version