Kỳ tài Tô Đông pha tinh thông thơ, từ, thư, họa, không những có nhiều thành tựu trên lĩnh vực nghệ thuật mà còn có thể vận dụng trí tuệ của mình để giải quyết những vấn đề nan giải cho người dân.
Câu chuyện này đã xảy ra trong thời gian ông ở Hàng Châu nhậm chức. Ở tuổi 37, Tô Thức được triều đình phái đến Hàng Châu làm thông phán. Một ngày nọ, Tô Đông Pha mở tiệc chiêu đãi những người bạn thơ của mình. Lúc đó mới là đầu thu, hoa cúc đang nở rộ. Khi ông và những người bạn đang cùng đối thơ, thưởng hoa thì đột nhiên nghe thấy tiếng cãi nhau từ phía nha môn, thì ra có người đang dâng cáo trạng.
Tô Thức khoác vội lên mình áo quan, thăng đường thẩm án. Người đến dâng cáo trạng là một thương gia địa phương. Ông đến kiện người hàng xóm Trương Nhị mượn tiền không trả.
Tô Thức nói với anh ta: “Đừng vội, cứ nói rõ sự tình vụ án, ta sẽ giúp ngươi”.
Người thương nhân nói: “Tôi kiện Trương Nhị mượn tiền không trả. Tôi cực khổ buôn bán mới kiếm được 300 tiền. Vài tháng trước tôi cho Trương Nhị vay để làm vốn cho cửa tiệm bán quạt. Chúng tôi vốn là hàng xóm của nhau, dù thế nào cũng có chút cảm thông, tôi không cần anh ta trả lãi, chỉ cần trả tiền gốc cho tôi là được. Con trai tôi sắp lấy vợ vì thế gia đình tôi cần rất nhiều tiền nhưng Trương Nhị nhất định không trả tiền”.
Tô Thức liền quay đầu hỏi Trương Nhị: “Có đúng là anh vay tiền của hàng xóm không?”.
Trương Nhị nét mặt buồn như đưa đám nói: “Đúng thế thưa đại nhân, gia đình tôi nhiều thế hệ đều làm quạt gấp kiếm sống. Vừa hay năm nay, bố tôi qua đời, phải dùng đến nhiều tiền, lại cần tiền để mua nguyên vật liệu làm quạt để bán vì thể mới vay hơn 300 tiền của bạn thân mua nguyên liệu để làm quạt. Không ngờ, năm nay mưa liên tục, thời tiết cũng lạnh, đến mùa hè mà mọi người vẫn mặc áo dài tay, vì thế chẳng ai mua quạt nhà chúng tôi cả. Những chiếc quạt đã làm xong vẫn đặt trong hộp, đều mốc hết cả rồi, xem ra không bán được nữa. Mấy ngày hôm nay, trời vẫn đổ mưa, chẳng ai mua quạt cả, tôi thực sự không có cách nào để trả tiền”.
Nói xong Trương Nhị liền khóc hu hu. Những gì Trương Nhị nói rất hợp tình hợp lý, nhưng vay tiền phải trả cũng là lẽ bất di bất dịch. Tô Thức trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi nói: “Bây giờ ta xử thế này. Trương Nhị vay 300 tiền mua nguyên liệu làm quạt, bây giờ đem số quạt đó trả cho hàng xóm thì coi như là hoàn trả 300 tiền đó”.
Người thương nhân nghe xong liền bật khóc: “Quan gia, ngài làm như thế có khác gì 300 tiền của tôi coi như không đòi về được, những chiếc quạt đã mốc rồi thì cũng là đồ vô giá trị. Xin quan gia làm chủ cho tôi, tôi chỉ cần tiền không cần những chiếc quạt đã mốc meo đó”.
Lúc này những người dân đứng xung quanh công đường nghe đều xôn xao bàn tán: “Tô Đông Pha là đại học sỹ nổi tiếng thiên hạ, làm sao phá án như thế?”.
Tô Đông Pha lại nói: “Trương Nhị ngươi mau về nhà mang những chiếc quạt đã mốc đến đây”.
Trương Nhị, ngay lập tức về nhà và lấy ba mươi cái quạt bị mốc, mở từng cái một và đặt chúng lên bàn. Tô Đông Pha lại truyền lệnh mài mực. Sau đó người ta thấy ông vẽ lên từng chiếc quạt, biến những chỗ đã bị mốc thành tranh phong cảnh non nước, nếu mốc ít thì biến thành cái cây, chưa đến nửa ngày 30 chiếc quạt đều hoàn thành.
Một lúc sau, Tô Đông Pha nói với Trương Nhị: “Ngươi mang số quạt này ra ngoài đường bán, nói là quạt do Tô Đông Pha vẽ xem bán như thế nào”.
Trương Nhị cảm động nhận lấy số quạt, lập tức mang ra phố bán. Quả nhiên, người ta vừa nghe nói là quạt do Tô Đông Pha vẽ liền tranh nhau mua, chưa đến nửa canh giờ 30 chiếc quạt đã được mua hết sạch. Sau đó, Tô Đông Pha yêu cầu Trương Nhị trả tiền cho hàng xóm và tiếp tục dùng số tiền lời quay vòng vốn để mua nguyên liệu làm quạt.
Ban đầu, quạt giấy ở Hàng Châu chỉ có màu đen và trắng, kể từ khi Tô Đông Pha vẽ lên quạt, mọi người đã bắt đầu tìm hiểu và thêm một số hình hoa, chim, người và phong cảnh lên trên quạt. Chính vụ xử án của Tô Đông Pha năm đó đã mở đường cho phong cách vẽ tranh và thư pháp của người Hàng Châu. Từ thời Bắc Tống cho đến hiện tại hầu như đó đã trở thành một nét văn hoá truyền thống.
Tô Đông Pha xử án, không chỉ dựa trên lý mà còn dựa trên tình, không phải chỉ để tìm ra người chịu trách nhiệm mà còn xét đến hoàn cảnh khốn khổ của người ta. Hơn nữa, ông xử án vô cùng thấu tình đạt lý, nhanh trí, thông minh, xét đến cả người mất tiền lẫn người không thể trả tiền.
Ngọc Linh
Theo Forhuaren
Video: Cổ nhân thường nói “tích đức, thất đức” – Đức ấy là gì?