Đại Kỷ Nguyên

Tới tuổi 60, có 4 điều ‘thiên cơ’ cần giữ chắc để sống ung dung

Sinh lão bệnh tử là quy luật bất biến của kiếp nhân sinh, không ai có thể tránh khỏi. Khi bước vào tuổi 60 cũng chính là lúc người ta bắt đầu cảm nhận được tuổi già, là độ tuổi nên biết trân trọng, để những năm tháng còn lại của cuộc đời không trôi đi trong vô vị.

Có rất nhiều sự việc cần học cách buông bỏ. Với rất nhiều điều thấy bất lực hãy học cách mỉm cười bỏ qua. Đứng trước nhiều dục vọng bày trước mặt, hãy học cách làm sao để xem nhẹ. Người ta khi tới 60 tuổi, học cách giữ lấy 4 điều được coi là “thiên cơ” mới có thể tránh khỏi cảnh thê lương, lạnh lẽo tuổi già. Vậy thực ra thì 4 điều đó là gì? 

Vui quá dễ lỡ lời (Đại hỷ dị thất ngôn) 

Cổ nhân thường khuyên chúng ta” uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, bởi nói dài, nói dai dễ thành nói dại. Nói nhiều tất có lúc sơ hở. Người ta khi có chuyện vui thường muốn chia sẻ cho mọi người, ấy cũng là lẽ bình thường. Tuy nhiên, tới tuổi 60 mà người ta không thể kiểm soát bản thân, gặp điều gì vui mừng, còn muốn đi đó đây thông báo, thậm chí nói khoác để khoe khoang bản thân ắt sẽ dễ bị lỡ lời. Người ta cũng dễ trở nên thất lễ, dễ đắc tội với người khác.

Tới độ tuổi này, nếu người ta vẫn không biết cách bớt phóng túng bản thân, giữ cho mình tác phong khiêm tốn, trầm tĩnh thì càng về già càng dễ cô đơn vì mất đi tình bạn với những người xung quanh. Tuổi già ập đến, người ta trở nên cô độc lủi thủi, một mình mà cảm nhận sự lạnh lẽo, thê lương.

Giận quá dễ thất lễ (Đại nộ dị thất lễ)

Tới tuổi 60 hãy học cách kiềm chế cơn tức giận. Người xưa có câu: “Nộ tòng tâm đầu khởi, ác hướng đảm biên sinh”, tạm hiểu là: khi người ta ở vào trạng thái tức giận cực điểm thì việc gì cũng dám làm. Vào độ tuổi này, nếu không biết cách kiểm soát bản thân, để cơn nóng giận chi phối, thì sức khỏe và tâm lý chắc chắn phải chịu ảnh hưởng. Nước sâu chảy chậm, lời nói chậm là lời của quý nhân, người không tức giận không phải người đần độn mà là người đại trí. Lời giận trong lòng không nói ra cũng chẳng phải do khiếp sợ, mà là biết suy trước nghĩ sau, tâm điềm ý đạm.

Cả giận thì mất khôn. Trong khi giận giữ, mọi quyết định đa phần đều không sáng suốt, thậm chí để lại hậu quả nghiêm trọng. Điều đó ai cũng hiểu nhưng về khía cạnh sức khỏe, bạn có thể sẽ không thể tin nổi những tác hại của sự nóng giận. Chúng ta thường biết rằng nổi nóng sẽ làm tổn thương cơ thể, nhưng một khi đã cảm thấy khó chịu thì bạn vẫn sẽ giận dữ và không thể kiềm chế nổi. Trong thực tế, mỗi khi tức giận, bản thân bạn đã tự gây ra một “trận động đất” cho cơ thể. Ngay lập tức, sẽ có một tác động rất lớn lên cơ thể và thiệt hại gây ra là vô cùng lớn, không thể phục hồi.

Một khi giận dữ xúc phạm người khác, bạn sẽ thất lễ với họ, từ đó mất tình cảm bạn bè, người thân. Tới lúc nằm trên giường bệnh, đôi khi chỉ vì cơn giận giữ mà ta phải một mình cô đơn, lủi thủi không người hỏi han, chăm sóc. Vì vậy, tới tuổi 60 hãy học cách sống vui, sống khỏe, mọi việc hãy bình thản mà đối đãi. Khi gặp phải chuyện không vừa ý, hãy học cách giải tỏa để không tức giận. Người thực sự thông minh là người không bao giờ tức giận với người khác. 

Ảnh: Sohu.

Bi thương quá dễ mất đi diện mạo (Đại ai dị thất nhan)

Người ta khi tới tuổi 60 không những cần học cách khiêm tốn, điềm tĩnh, kiểm soát cơn giận dữ của bản thân, mà còn phải học cách bình tĩnh, thản nhiên đối mặt với những chuyện bi thương, đau buồn xảy đến với mình. Ở vào độ tuổi này, khi những người thân xung quanh và bạn bè lần lượt rời đi trước, hãy học cách kiểm soát cảm xúc, bình tĩnh đối diện với mọi việc. Sinh lão bệnh tử là quy luật bất biến không ai có thể thay đổi, mọi chuyện hãy để thuận tự nhiên, không nên quá đau thương với những chuyện đã xảy ra. Đừng để những cảm xúc này ảnh hưởng tới tinh thần, làm bạn suy sụp, chán nản.

Theo quan điểm “Hình thần hợp nhất” của Đông y, hệ thống Tạng phủ trong cơ thể không chỉ đảm nhiệm các chức năng sinh lý, mà còn chi phối các hoạt động cảm xúc. Mỗi loại cảm xúc lại ứng với một Tạng nhất định. Ví dụ: “Kinh” (khiếp sợ) và “Hỷ” (vui) ứng với tạng Tâm, “nộ” (giận) ứng với tạng Can, “tư” (lo âu) ứng với tạng Tỳ, “bi” (buồn) và “ưu” (sầu muộn) ứng với tạng Phế, “khủng” (sợ) ứng với tạng Thận. Nói cách khác, cảm xúc là biểu hiện bên ngoài của hoạt động Tạng phủ, tựa như là chiếc “phong vũ biểu” phản ánh tình trạng hoạt động của Tạng phủ bên trong cơ thể. Tạng phủ kiện toàn thì tinh thần sáng suốt, tâm trạng thoải mái. Và ngược lại, cảm xúc điều hòa, tâm trạng ổn định thì nội tạng cũng sẽ mạnh khỏe.

Ham muốn mạnh mẽ dễ mất mạng (Đại dục dị thất mệnh)

Sống hạnh phúc là việc của cả đời nhưng chắc hẳn nhiều người đã quên mất. Thậm chí, nhiều người đã quên hẳn nhiệm vụ quan trọng nhất này mà chỉ nghĩ rằng ngày mai phải kiếm được thật nhiều tiền, phải nở mặt nở mày, ngang vai phải vế với những “đại gia” trong thiên hạ. 

“Thiên cơ” cuối cùng dành cho những người đến tuổi 60 là: Cảnh giác không để bi kịch “người chết vì tiền, chim chết vì mồi” xảy đến với bản thân. Có những người vì ham muốn quá độ mà mất mạng. Sinh mệnh con người là quý giá, bất kể thứ gì đều không thể bằng. Người sống ở đời, quý ở chỗ giàu mà có đức, đối với tiền tài luôn coi nhẹ. Bởi vả chăng những thứ “vật ngoài thân” ấy cũng là sinh không mang theo đến, tử không mang theo đi. Đừng quá truy cầu mà dính mắc vào nó, cái gì là của bạn sẽ là của bạn, nếu không phải của bạn dù có cưỡng cầu cũng không được.

Đến tuổi 60, nếu vẫn bị mê đắm trong công danh lợi lộc, tranh chấp, ham muốn hưởng thụ vật chất thì những năm tháng còn lại trong cuộc đời dễ sống trong cảnh nhàm chán, vô vị. Tới độ tuổi này, hãy học cách tĩnh tâm, buông bỏ hết thảy những dục vọng và ham muốn về lợi ích vật chất, sống cuộc đời giản đơn. Hãy cố gắng biến những năm tháng còn lại trong cuộc đời trở nên bình yên, hòa ái, tĩnh lặng như nước hồ thu.

Ảnh: Zhidao.

***

Người tới tuổi 60, đã đi qua hơn nửa chặng đường của kiếp nhân sinh, hãy học cách nghĩ cho tương lai của chính mình, học cách tự giúp bản thân có thể vui vẻ, bình an. Đó mới là điều quan trọng nhất. Những truy cầu ham muốn vô vị, những dục vọng về mọi thứ vật chất hãy gác lại một bên.

Trên hành trình của cuộc đời, ai rồi cũng sẽ phải gặp người và việc không như ý. Tính toán, so đo nhiều thì niềm vui sẽ ít đi, khổ tâm nhiều thì hạnh phúc sẽ ít đi. Quan trọng nhất là tâm tình ấm áp, ăn no mặc ấm, thân thể mạnh khỏe và có người để thương yêu.

Người đến tuổi trung niên đã chịu nhiều thống khổ, cũng được nhiều niềm vui, đã trải qua trắc trở, cũng chứng kiến nhiều thành công. Thực ra, có nhiều thứ ta muốn lưu giữ mãi nhưng vẫn không ngăn được tháng năm trôi vùn vụt. Có muôn vạn điều không như ý nhưng ta vẫn phải đặt nó lên vai mà gắng sức bước đi. 

Bao than thở và nuối tiếc cũng chẳng để thể cứu vãn lại được hai từ hạnh phúc. Chi bằng hãy cứ thong dong, yên định mà bước qua những tháng năm dù bão tố, dù phong ba, dù đẹp xinh như mộng kia. Những xúc động và nhiệt tình tuổi trẻ, xin bạn hãy kìm lại. Tuổi 60, đã là lúc bạn nên biết mệnh Trời, biết mệnh người vậy. 

Kiên Định
Theo aboluowang

Exit mobile version