Nếu như Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân là tuyệt thế kỳ thư vĩ đại nhất trong “Tứ đại danh tác”, thì bộ phim cùng tên của đạo diễn Dương Khiết cũng xứng đáng được tôn vinh là tác phẩm bất hủ nhất của điện ảnh Trung Hoa.
Làm nên thành công ấy phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của các nhạc khúc trong phim. Và trong những nhạc khúc bất hủ ấy, có một bài hát, mà dẫu chỉ xuất hiện trong một phân cảnh nhỏ của phim, nhưng lại khiến lòng người mãi bồi hồi da diết. Đó chính là bài hát kể lại tâm sự của Tôn Ngộ Không suốt 500 năm bị đè dưới Ngũ Hành Sơn. Không hào tráng như ca khúc mở đầu “Đường chúng ta đi”, không tươi vui ngộ nghĩnh như “Ngộ Không trộm đào”, lại không ngọt ngào trong sáng như “Tình nhi nữ”, vậy mà “500 năm bãi bể nương dâu” cứ vương vấn mãi trong lòng người xem.
Có một điều đặc biệt là, dù được biểu diễn bằng giọng nam hay giọng nữ, có ca từ hay giai điệu không lời, trên nền của nhạc cụ hiện đại hay dân gian, và cho dù người nghe có hiểu ý nghĩa của bài hát hay không, thì tất cả chúng ta đều có thể cảm nhận được một điều gì đó rất da diết, rất mênh mang, một cảm xúc nào đó thật khó diễn tả bằng câu chữ, tựa như lời nhắn nhủ chạm tới tận sâu thẳm sinh mệnh con người.
Vì sao lại như vậy?
Nếu chỉ tìm trên bề mặt câu chữ, khó có thể tìm ra ý vị sâu xa mà bài hát muốn nhắn gửi tới người đọc. Đó là bởi bài hát ấy gắn liền với cuộc đời của Tôn Ngộ Không, từ khi thác sinh từ tảng đá, trở thành Tề Thiên Đại Thánh tung hoành ngang dọc giữa đất trời, sau phạm tội đại náo Thiên Cung mà bị đè dưới chân núi Ngũ Hành, nhớ về quá khứ huy hoàng tiêu diêu tự tại để rồi xót xa cho hiện tại đã an bài… Bởi lấy cảm hứng từ nguyên tác Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, mà một cách tự nhiên, “500 năm bãi bể nương dâu” cũng mang trong nó cái phần hồn, phần thần mà Ngô Thừa Ân muốn gửi gắm.
Bởi vậy, hãy cùng trở về với nguyên tác Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân trước khi nghe lại bài hát, bạn sẽ khám phá ra những ý vị thâm sâu đằng sau giai điệu ấy.
Tôn Ngộ Không sinh ra từ tảng đá, hấp thụ linh khí của đất trời
Mở đầu Tây Du Ký kể về thời thiên địa còn hỗn độn, đất trời còn mờ mịt chưa phân. Rồi Bàn Cổ khai thiên lập địa, Tam Hoàng trị thế, Ngũ Đế định ra nhân luân. Đây là nói về việc nhân loại đã khởi đầu như thế nào.
Tiếp đó là sự ra đời kỳ lạ của Tôn Ngộ Không. Ngộ Không sinh ra từ tảng đá trên ngọn Hoa Quả Sơn – ngọn núi này vô cùng đặc biệt, được miêu tả là “mạch tổ của mười châu, là tay long của ba đảo bỏ lại, tự mở giữa trong đục mà đứng lên, phân rõ mờ mịt mà tạo thành, thật là một dãy núi quý, đẹp”.
Còn nói về tảng đá, đây cũng không phải đá bình thường, mà là “đá tiên” mang tinh khí của tạo hoá: cao 3 trượng 6 thước 5 tấc, hợp với vòng giời 365 độ; vây tròn 2 trượng 4 thước, hợp với lịch chính 24 khí, trên có 9 khiếu 8 lỗ tương ứng với 9 cung 8 quẻ. Tả rằng:
“Có lẽ từ khi sinh ra, tấm đá cảm thụ linh hoa của trời đất, của mặt trời, mặt trăng nên mới linh thông được. Trong tấm đá lại có một tiên thai. Một hôm tấm đá nứt ra, sinh một trứng đá, to bằng quả cầu lớn, gặp gió hoá ra con khỉ đá, đủ mặt, mũi, chân, tay. Con khỉ đá liền học cào, học chạy, vái lạy bốn phương, hai mắt có hào quang sáng rực lên tận trời, làm kinh động đến Ngọc Hoàng Thượng Đế”.[1]
Như vậy, Tôn Ngộ Không là được Thiên Địa hoá dục mà thành, sinh ra đã mang sẵn tinh hoa của đất trời, tuyệt nhiên không phải là con khỉ tầm thường nơi trần thế. Điều này cũng phù hợp với cách nhìn nhận của Phật gia về sinh mệnh con người:
Phật gia giảng rằng con người là do Thần tạo ra, bản mệnh chân chính của con người thuộc về nơi thượng giới.
Vậy vì sao con người lại có mặt trên Trái Đất này? Ấy là bởi qua tháng năm dài đằng đẵng, các sinh mệnh không còn giữ được bản tính thuần khiết như thuở ban đầu nên mới rơi rớt xuống đến đây. Đó cũng là điều mà các tôn giáo và các nền văn hoá cổ xưa đều nhìn nhận. Thánh Kinh chép rằng, Thiên Chúa Giê-hô-va tạo ra người đàn ông đặt tên là Adam, sau lại tạo ra người đàn bà đặt tên là Eva. Còn trong huyền sử Hy Lạp, hai anh em thần Prometheus và Epimetheus đã phỏng theo hình dáng của các vị thần mà tạo ra loài người. Tại phương Đông, sau khi Bàn Cổ khai thiên lập địa, thần Nữ Oa đã du ngoạn khắp đó đây giữa trời và đất. Và khi bay lượn dọc theo sông Hoàng Hà, Nữ Oa cúi đầu thấy bóng dáng xinh đẹp của mình mà bất giác vui mừng. Bà quyết định dùng bùn đất dưới sông nặn một người theo hình dạng của thần.
Đại náo Thiên Cung, Đại Thánh bị giam dưới Ngũ Hành
Ngộ Không có xuất thân cao quý như vậy nên căn cơ cũng rất phi phàm. Bởi vậy mà Ngộ Không là người duy nhất trong chúng đệ tử được Bồ Đề Tổ Sư bí mật trao truyền cho tiên đạo.
Ở đây cũng cần nói thêm rằng, Đạo gia khác với Phật gia ở chỗ: Phật gia chú trọng tu “Thiện”, nên giảng phổ độ chúng sinh. Nhưng Đạo gia thì không như vậy, Đạo gia giảng “Chân”, chú trọng thanh tu độc tu, vì vậy mà sư phụ dù có thu nhận bao nhiêu đồ đệ thì trong đó chỉ có một đệ tử được chân truyền.
Trong truyện cũng viết, vào đêm khi truyền đạo pháp cho Ngộ Không, Tổ Sư Bồ Đề đã ngâm bài kệ rằng:
“Chữ Đạo rất diệu huyền,
Tu đâu phải chuyện bỡn
Gặp người tốt mới truyền
Nếu không thành nói uổng
Miệng mỏi lưỡi khô phiền!”
Vì biết Ngộ Không là trời đất sinh ra, là người căn cơ phi phàm, nên Bồ Đề Tổ Sư mới bí mật truyền cho phép trường sinh màu nhiệm, sau lại dạy cho 72 phép thần thông biến hoá.
Kể từ sau khi tu học nơi Bồ Đề Tổ Sư, Ngộ Không đã có thể đi mây về gió, chứng đắc tiên quả, không chỉ chấn nhiếp các quỷ thần khắp bốn bể nghìn non mà còn kinh động tới thần tiên trên thượng giới.
Thế nhưng, khi càng trở nên thần thông quảng đại, càng được chúng thần kính nể, thì Ngộ Không lại càng trở nên kiêu ngạo hống hách: chê Bật Mã Ôn là chức quan quèn nên tự dựng cờ xưng vương “Tề Thiên Đại Thánh”, ở trên Thiên Đình mà náo loạn thiên cung, trộm đào tiên, uống ngự tửu, lấy cắp tiên đan, giao đấu với Na Tra, đại chiến Nhị Lang Thần, sau cùng lại giở thói ngông cuồng trước mặt Phật Tổ và đòi Ngọc Hoàng Đại Đế phải nhường ngôi cho mình.
Nếu so sánh với Ngộ Không thuở mới tầm sư học đạo thì quả là khác xa. Lúc ấy, đứng trước mặt Tổ Sư Bồ Đề, Ngộ Không từng giới thiệu rằng: “Con không có tính gì cả. Người ta chửi con, con cũng không giận. Người ta đánh con, con cũng không thù, chỉ lễ phép với người ta mà thôi.” Vậy mà giờ đây, khi đứng trước Phật Tổ thì Ngộ Không lại ngang nhiên tuyên bố rằng:
“Luyện được trường sinh nhiều phép thuật
Học tài biến hoá rộng vô biên
Chỉ hiềm hạ giới còn eo hẹp
Lập chí lên trời chiếm Cửu Thiên
Bảo Điện lẽ đâu Trời ở mãi
Nhân gian vua chúa vẫn chia truyền
Ngươi tài làm chủ, nhường ta chứ?
Thế mới anh hùng dám đứng lên.”
Ở đây, có thể thấy rằng kiếp nạn 500 năm dưới Ngũ Hành Sơn không chỉ là báo ứng cho tội danh ‘đại náo Thiên Cung’, mà nguyên nhân sâu xa hơn, chính là do tâm tính Ngộ Không đã rơi rớt xuống phía dưới, không giữ được bản tính thuần thiện lúc ban đầu.
Phật gia giảng rằng, sinh mệnh chân chính của con người là được sinh ra trên thiên giới. Nhưng hễ tâm tính biến đổi không còn tốt nữa, cũng tức là tạo nghiệp, cá nhân ấy sẽ mang nặng tâm phàm mà rơi rớt xuống phía dưới. Không chỉ riêng Tôn Ngộ Không mà từ lai lịch của các nhân vật trong Tây Du Ký chúng ta cũng có thể thấy điều đó: Đường Tăng vốn là Kim Thiền Tử, là đệ tử thứ hai của Phật Thích Ca Mâu Ni, chỉ vì khinh mạn Phật Pháp mà bị đày xuống hạ giới, rốt cuộc phải tu luyện lại từ đầu. Còn Trư Bát Giới thì trêu ghẹo Hằng Nga, Sa Ngộ Tĩnh lỡ tay làm vỡ chén lưu ly, Tiểu Bạch Long phóng hoả đốt viên minh châu – đó đều là tội nghiệp khiến họ bị tước bỏ thần vị, và phải mang thân phàm mà tu luyện mới có thể quay trở về.
Vậy nói đến đây, ta có thể hiểu được ẩn ý của cái tên “Ngũ Hành Sơn”. Đạo gia giảng về âm dương ngũ hành, coi Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ là 5 yếu tố cấu thành nên vạn vật. Nhưng “ngũ hành” dẫu sao vẫn chỉ là vật chất của tam giới chứ không phải nơi thượng giới. Bởi vậy, Ngộ Không bị đè dưới núi Ngũ Hành cũng chính là bị chôn vùi nơi trần thế, bị khống chế trong cái thân xác phàm mà không thể tự tại, tiêu dao…
Tu luyện là để quay trở về
“500 năm bãi bể nương dâu
Tảng đá cứng đã phủ xanh rêu,
phủ xanh rêu…
Chỉ một trái tim người chưa chết
Nhìn lại quá khứ tiêu diêu tự tại,
tiêu diêu tự tại…”
Người ta nói, con người đến nơi trần thế là phải chịu kiếp luân hồi. Luân hồi nghĩa là đời này là người, nhưng đời sau có thể là thực vật, động vật, thậm chí là vật vô giác vô tri. Cũng giống như biển xanh qua tháng năm đằng đẵng mà biến thành ruộng cạn, dẫu kiếp này là anh hùng hào kiệt, là bậc công tử vương tôn, thì ai còn biết rằng kiếp sau có được mang thân người hay không? Vậy mới nói, đời người là bể khổ, hạnh phúc dẫu có cũng chỉ là niềm vui thoáng qua, huy hoàng cả một đời cũng chỉ như ánh đèn loé lên trong phút chốc.
Đời người là bể khổ, khổ nhưng cũng là mê. Con người sống trong mê nên mới chìm đắm trong danh lợi vật chất mà quên mất bản nguyện của mình là phải quay trở về.
Đạo gia giảng rằng, con người đến thế gian không phải vì để làm người, mà là để phản bổn quy chân, quay trở về Thiên giới.
Ở đây không phải chúng ta đang nói điều huyền hoặc, cũng không phải nói chuyện hoang đường, mà là đứng từ góc độ Phật gia và Đạo gia để hiểu về tác phẩm của người tu hành. Ta biết rằng, Ngô Thừa Ân là bậc đại sĩ am hiểu cả Phật và Đạo. Ông viết Tây Du Ký không phải để kể những chuyện thần tiên quỷ quái mua vui cho người đời, mà là thông qua câu chuyện thỉnh kinh của Đường Tam Tạng mà gửi vào đó cả thiên cơ rộng lớn.
Câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để trở về? Đó chính là tu luyện! Vì tu luyện, mà qua mỗi lần văn minh xuất hiện lại có Đại Giác Giả hạ thế độ nhân. Những bậc giác giả như Giê-su, Lão Tử, Thích Ca Mâu Ni, đã khai sáng cho nhân loại một con đường tu luyện. Nhưng tu luyện không phải là vứt bỏ hết thảy mọi vật chất, không phải là chối bỏ người thân, cũng không phải là chui vào hang động trong núi, cách xa khỏi nơi xã hội con người — âu đó chỉ là phương pháp của một vài pháp môn trong quá khứ, chứ không phải là bản chất của tu hành. Mà bản chất của tu hành thực sự, chính là buông bỏ tâm phàm, cuối cùng đạt tới cảnh giới của bậc trí giả.
Giống như trong hồi 85, khi Ngộ Không nói với Đường Tăng rằng: “Phật tại Linh Sơn mạc viễn cầu, Linh Sơn chỉ tại nhữ tâm đầu. Nhân nhân hữu cá Linh Sơn tháp, Hảo hướng Linh Sơn tháp hạ tu.” (Phật ở Linh Sơn lọ phải cầu, Linh Sơn trước mắt lại tìm đâu! Ai ai cũng có Linh Sơn tháp, tu ở Linh Sơn đạo rất mầu), Đường Tăng đã trả lời: “Đồ đệ ạ, ta há không biết sao? Nếu theo bốn câu ấy, dù thiên kinh vạn quyển cũng chỉ là tu tâm.”
Tu luyện là thần thánh, tu luyện là thiêng liêng, vậy mà người đời hễ nghe đến “tu luyện” lại lắc đầu coi như điều u mê ngu muội. ‘Thân người khó được, Phật Pháp khó tìm’ [2], nếu bỏ lỡ cơ duyên vạn cổ này thì sẽ là điều ân hận nhất của sinh mệnh. Bởi vậy, khổ thơ cuối cùng của bài hát kết thúc bằng một câu hỏi, giống như lời nhắc nhở cho mỗi chúng ta:
“Đã phí hoài năm tháng,
Mang theo bao hoài bão.
Vì sao mà, vì sao mà,
Ta lại chịu sự an bài này?”
Chú thích:
[1] Ngoài lời bài hát, các trích dẫn trong bài viết lấy từ bản dịch Tây Du Ký của dịch giả Thuỵ Đình, NXB Văn Học (2015)[2] Trong nguyên tác là: “Nhân thân nan đắc, Trung thổ nan sinh, chính Pháp nan ngộ; toàn thử tam giả, hạnh mạc đại yên” nghĩa là: Thân người khó được, Trung thổ khó sinh, chính Pháp khó gặp; nếu được cả ba điều, thì may mắn lắm thay!
Huyền cơ ẩn sau những nhân vật được lựa chọn trong Tây Du Ký