Trên hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh, Đường Tăng bao phen sa vào tay yêu quái, may có Tôn Ngộ Không thần thông quảng đại, ứng biến thông minh nên mới thoát khỏi vòng nguy hiểm. Cả Bát Giới, Sa Tăng tuy pháp lực có kém hơn một chút, nhưng cũng là Thiên Bồng Nguyên Soái xuống trần, Quyển Liêm Đại Tướng hạ giới. Thế mà cả ba người bọn họ từng bị sư phụ mắng một lượt là “chí hạ chí ngu” (kém cỏi nhất, ngu dốt nhất). Sự thể là thế nào?
Tây du ký* kể rằng, sau khi đấu phép thắng ba đạo sĩ yêu quái ở nước Xa Trì, giúp quốc vương tỉnh ngộ, cứu nạn các nhà sư, Tôn Hành Giả hộ tống sư phụ tiếp tục lên đường sang Tây. Bốn thầy trò ngày đi đêm nghỉ, khát uống, đói ăn, thấm thoắt xuân hết hè tàn, tiết thu đã đến. Một hôm, trời đã sẩm tối, trước mặt lại có sông Thông Thiên “Rộng quá tám trăm dặm, từ xưa ít người qua”, đoàn người đành vào tạm một nhà dân đang tấu nhạc làm lễ để xin nghỉ trọ.
Hồi thứ 47 “Thánh tăng đêm vướng sông Thông Thiên, Hành Giả thương tình cứu con trẻ” có viết:
“Đoạn, cụ già nói:
– Mời vào! Mời vào! Nhà chúng tôi có chỗ nghỉ đấy.
Tam Tạng quay đầu gọi to:
– Các đồ đệ ơi, vào đây.
Hành Giả vốn tính nóng nảy, Bát Giới sinh ra đã thô lỗ, Sa Tăng thì lì lợm. Ba người nghe thấy tiếng sư phụ gọi, bèn dắt ngựa, gánh hành lý, bất kể hay dở ùa cả vào như một trận gió. Cụ già nhìn thấy, sợ quá ngã lăn ra đất, miệng lắp bắp:
– Yêu quái đến! Yêu quái đến!
Tam Tạng đỡ cụ già dậy, nói:
– Cụ đừng sợ, không phải yêu quái đâu, đồ đệ của tôi đấy.
Cụ già run rẩy nói:
– Sư phụ trông đẹp như vậy, mà sao đồ đệ lại xấu thế kia?
Tam Tạng nói:
– Tuy xấu người nhưng lại có tài hàng long phục hổ, bắt quái tróc yêu.
Cụ già nửa tin nửa ngờ, đỡ Đường Tăng thong thả đi vào.
Lại nói chuyện ba người thô lỗ cứ xông bừa vào hiên nhà buộc ngựa đặt gánh. Trong nhà lúc ấy đang có mấy vị hòa thượng đang ngồi tụng kinh. Bát Giới dẩu cái mõm ra hỏi lớn:
– Các ngài niệm kinh gì đấy?
Mấy hòa thượng nghe tiếng hỏi, vội vàng ngẩng đầu nhìn ra:
Nhìn thấy người đứng ngoài,
Mồm dài tai to vểnh.
Người thô, lưng tấm phản.
Tiếng ồm ồm sấm vang.
Hành Giả và Sa Tăng.
Mặt mũi dáng dữ tợn.
Trong nhà mấy hòa thượng,
Đều hoảng hốt giật mình.
Sư chủ còn đọc kinh.
Sư cụ bảo dừng lại.
Chuông khánh chẳng ai đoái.
Tượng Phật vứt chỏng chơ.
Đèn nến tắt, tối mờ,
Người người bỏ chạy ráo,
Sờ soạng, chân lảo đảo.
Bậu cửa bước không qua.
Đầu vào đụng đầu ra,
Như bầu khô trong lốc.
Đạo tràng đang nghiêm túc.
Bỗng thành trận cười rền!
Ba anh em thấy mấy hòa thượng ngã lăn ngã lộn, vỗ tay cười ầm cả lên, làm cho mấy nhà sư càng sợ hãi, chạm trán đụng đầu, bỏ chạy thục mạng chẳng còn một ai cả.
Tam Tạng dìu cụ già bước vào trong nhà, thấy đèn nến tắt tối om, ba người vẫn đang cười ngặt nghẽo, bèn mắng:
– Đồ súc vật khốn kiếp, thật là bất thiện! Ta sớm sớm dạy dỗ, ngày ngày dặn dò. Cổ nhân nói: “Không dạy mà thiện chẳng thánh là gì? Dạy rồi nên thiện, chẳng hiền là gì? Dạy mãi không thiện, chẳng ngu là gì?”. Vậy mà các ngươi cứ hỗn láo mãi như thế thì chẳng phải là loại chí hạ chí ngu sao? Bước vào nhà chưa biết nếp tẻ, làm cụ già đây ngã lăn, các nhà sư tụng kinh chạy ráo, làm hỏng mọi việc hay của nhà người ta, như thế có phải là đổ tội lên đầu ta không?
Sư phụ mắng xong, ba anh em im thin thít chẳng ai dám nói gì”.
Thì ra, ý nghĩa của từ “ngu” này vốn không như cách hiểu thời hiện đại. Thời nay, những ai chậm chạp hiền lành, không biết tranh giành lợi ích, mồm mép không lanh lợi, bị người ức hiếp, thường phải chịu thiệt, thì bị gọi là ngu. Cách hiểu này quả là đã cách xa một trời một vực với ý nghĩa chân chính tự ngàn xưa! Người mà hôm nay bị coi là ngu đần, thực ra lại là người hiền thiện, thánh thiện, là cảnh giới mà cổ nhân thường ca ngợi.
Trong ba đồ đệ của Đường Tăng, theo cách nói thời hiện đại thì Trư Bát Giới là “thông minh” nhất. Anh chàng này trước khi theo sư phụ còn dặn dò “bố vợ” chăm sóc vợ mình chu đáo, “Chỉ sợ nhất thời lỡ xảy ra điều gì thì hỏng cả việc làm hòa thượng, hỏng cả việc lấy vợ, xôi hỏng bỏng không thì sao?”. Trên đường đi, cứ lúc nào gặp yêu ma hung dữ, tình cảnh hiểm nghèo là chàng ta lại nhanh nhanh đòi phân chia hành lý, tếch về Cao lão trang vui thú vợ con. Khi gặp nạn ở thành Sư Đà, ta mới biết “hắn còn góp nhặt dành dụm được ít vốn riêng”, đúc được một khối bạc bốn đồng cân sáu hoa giắt vào lỗ tai. “Cẩn thận”, “thông minh”, “biết lo xa” là thế, mà cuối cùng Bát Giới chỉ tu thành Tịnh Đàn Sứ Giả, trong khi Đường Tăng “ngờ nghệch” lại thành Phật mất rồi.
Thế mới biết, cái “thông minh” mà người thường hôm nay vẫn tán thưởng, hoá ra chẳng thông minh tí nào. Con người dưới sự dẫn dắt của tâm tham lam, truy cầu danh lợi mà chẳng từ thủ đoạn để hãm hại người khác, tranh tiền đoạt vị, lại còn tự tưởng rằng mình rất thông minh. Nào biết rằng càng “thông minh” như thế thì càng rời xa tính thiện, càng tạo nghiệp chất chồng, trong tương lai phải đem thân trả nợ bằng khổ đau, bệnh tật, đọa địa ngục, đầu thai làm súc sinh… Chỉ những ai bỏ ác làm lành, sửa tâm theo thiện, lễ độ khiêm cung, mỗi ý niệm ngôn hành đều nghĩ cho người khác, thì mới là thông minh thực sự, trở thành bậc Thánh hiền có tương lai tốt đẹp.
Nên ở đoạn Tôn Ngộ Không ỷ sức làm càn, đại náo thiên cung, bị Phật Đà giam dưới Ngũ Hành Sơn, Tây du ký có bài thơ rằng:
“Phú quý công danh,
Số duyên đã định
Chính đại quang minh
Lọc lừa nên tránh
Phúc quả dành cho người lương thiện,
Hành vi cuồng vọng trời tha đâu
Nhãn tiền chưa gặp, gặp mai sau,
Hỏi Đông quán vì sao,
Mà nay nhiều tai ách?
Chỉ tại kiêu căng khinh trời đất,
Dưới trên bất kể loạn cương thường”.
Ngẫm ra, Tôn Ngộ Không vốn đã từng ngu si như vậy, nhờ quy y Phật Pháp, nỗ lực một phen gian khổ tu luyện mới có thể quay về bản tính lương thiện thuần chân, minh tâm kiến tính. Có lẽ nhờ lời mắng mỏ của sư phụ mà Hành Giả càng về sau càng lễ độ, từ bi, cuối cùng tu thành chính quả.
Ảnh minh họa: Phim Tây Du Ký 1986.
*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.
Thanh Ngọc