Trời đất rừng cây sắc khói hồng,
Đương triều Phật tử khổ vô cùng.
Đổi ăn một bát cơm thiên hạ,
Rét buốt nghìn kim áo lạnh lùng.
Ý ngựa buông tuồng đừng thả sổng,
Lòng hầu ngỗ ngược phải dày công.
Tính tình đã định muôn duyên hợp,
Rực rỡ trăng tròn lúc đổ lòng.

Những người yêu mến Tây du ký* hẳn còn nhớ cách xưng hô quen thuộc của Tôn Ngộ Không là “lão Tôn đây”. Hỏi trời đất bao nhiêu tuổi, mà Ngộ Không tự nhận mình là “già”? Mỹ hầu vương trước điện Linh Tiêu không thèm lạy Thượng đế, thế mà về sau trên đường thỉnh kinh lại có lần lạy một con hồ ly tinh chín đuôi. Vì sao lại có chuyện ngược đời như vậy?

Tây du ký, hồi thứ tư: “Quan phong Bật mã lòng đâu thỏa/ Tên gọi Tề Thiên dạ chẳng yên”, Tôn Ngộ Không được Thượng đế gia ân, Thái Bạch Kim Tinh rước lên cõi trời hưởng quan tước. Viết rằng:

“Thái Bạch kim tinh dẫn Mỹ hầu vương đến ngoài điện Linh Tiêu, không chờ chiếu gọi, vào thẳng trước tòa ngự để lạy Thượng đế. Ngộ Không đứng thẳng ở bên cạnh, không thi lễ, chỉ lắng tai nghe Kim Tinh tâu:

– Thần vâng theo thánh chỉ, dẫn yêu tiên vào.

Thượng đế buông rèm hỏi:

– Đứa nào là yêu tiên?

Ngộ Không chỉ cúi mình trả lời:

– Chính lão Tôn đây.

Các vị tiên đều cả sợ thất sắc nói:

– Con khỉ dã man kia, tại sao không cúi lạy, lại dám trả lời vô lễ “lão Tôn đây”? Tội thật đáng chết! Đáng chết!

Thượng đế ra lệnh:

– Tôn Ngộ Không là con yêu tiên ở hạ giới, mới được thành thân người, chưa biết lễ nghĩa nay ta tạm tha tội cho.

Các vị tiên giục:

– Mau lạy tạ ơn đi!

Ngộ Không chỉ nhìn lên, “vâng” một tiếng thật to”.

Tôn Ngộ Không cao ngạo là thế, coi trời bằng vung, thế mà trên đường đi thỉnh kinh, có một lần đã phải rơi nước mắt, lạy một con yêu quái.

Tây du ký kể rằng sau khi Ngộ Không giải cứu sư phụ thoát nạn biến thành hổ ở nước Bảo Tượng, mấy thầy trò lại cùng lên đường, đến núi Bình Đính, đụng độ hai con yêu quái tài phép đa mưu là Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương. Ngân Giác biến thành một đạo sĩ bị thương để lợi dụng lòng thương xót của Đường Tam Tạng, bắt Ngộ Không phải cõng mình trên vai, rồi vận thần thông đè cả mấy ngọn núi lên khiến Hành Giả hai vai đau đớn, máu bảy khiếu phun ra. Yêu quái bắt được cả Đường Tăng, Bát Giới và Sa Tăng mang về động.

Hai con yêu quái này không chỉ lắm mưu nhiều kế, mà còn có 5 thứ bảo bối uy lực vô song là hồ lô hồng, bình ngọc mỡ dê, kiếm thất tinh, quạt ba tiêu và sợi dây kim tuyến; khiến Tôn Ngộ Không năm lần bảy lượt phải chui vào động quỷ, ra tử vào sinh để đoạt lấy bảo bối, giải cứu sư phụ và các em.

Ở hồi thứ 34: “Ma vương giỏi mẹo khốn Hầu vương/ Đại Thánh khéo lừa thay bảo bối”, Kim Giác đại vương và Ngân Giác đại vương sau khi bị Tôn Ngộ Không lừa lấy mất hai bảo bối là hồ lô và bình ngọc, thì hầm hầm nổi giận. Ngân Giác bèn sai hai tiểu yêu là Ba Sơn Hổ và Ỷ Hải Long đi mời mẫu thân chúng đang ở động Áp Long đến ăn thịt Đường Tăng và nhờ bà ta mang “Sợi dây kim tuyến” đến bắt Tôn Hành Giả. Ngộ Không biến hoá thành một tiểu yêu chạy theo Ba Sơn Hổ và Ỷ Hải Long, nói dối rằng mình được đại vương sai đi theo để “thúc hai anh đi cho nhanh”. Đến trước hang động của mụ yêu quái, Hành Giả vung gậy sắt đánh nát hai con tiểu yêu, “rồi nhổ lông, thổi hơi tiên, hô “biến!”, biến thành Ba Sơn Hổ, còn mình biến thành Ỷ Hải Long, giả cải trang thành hai yêu quái đến thẳng động Áp Long mời mụ già”.

Tây du ký, hồi thứ 34 có viết:

“Đến tầng cửa thứ hai, Hành Giả ngẩng đầu nhìn vào trong, chỉ thấy một bà cụ già ngồi chính giữa nhà. Bạn bảo bà già ấy ăn mặc ra sao? Chỉ thấy:

Tóc bạc trắng, rối tơ vò,
Mắt như chảo chớp thò lò long lanh.
Má xề xệ lắm vết nhăn.
Răng tuy có rụng tinh thần vẫn tươi.
Mặt như hoa cúc sương phơi.
Người gầy như thể thông trời sau mưa.
Đầu chít khăn lụa trắng ghê.
Đôi hoa vàng chóe tai kia rủ thòng.

Tôn Đại Thánh trông thấy không dám tiến vào, chỉ đứng ngoài tầng cửa thứ hai mặt mũi rầu rĩ, sùi sụt khóc thầm. Bạn bảo làm sao mà Hành Giả lại khóc? Có phải sợ mụ không? Mà có sợ cũng không dám khóc, huống hồ định đánh lừa lấy bảo bối của mụ, lại đánh chết hai tiểu yêu, còn khóc nỗi gì? Trước kia, lúc bị nấu trong vạc dầu sôi cửu đỉnh, bị nấu luôn bảy, tám ngày liền, mà Hành Giả cũng chưa hề rơi một giọt nước mắt nào cơ mà. Chính là Hành Giả nghĩ tới Đường Tăng lấy kinh vất vả, nên mới đau lòng rơi lệ, dụi mắt khóc thầm như vậy, lại tự nhủ trong lòng:

– Ta đã trổ tài nghệ, biến thành tiểu yêu, đến mời nữ quái, không có lý gì cứ đứng sừng sững mà nói, nhất định phải dập đầu lạy mụ mới xong. Từ khi ta làm người là một trang hảo hán, chỉ biết lạy có ba người: Đó là lạy Phật tổ ở phương Tây, lạy Quan Âm ở Nam Hải và lạy sư phụ cứu ta ở núi Lưỡng Giới. Ta lạy thầy bốn lạy. Vì thầy mà gan ruột ta tan nát, ăn ở đến hết lòng. Một quyển kinh có giá trị gì mà hôm nay bắt ta phải lạy mụ yêu quái này nhỉ? Mà nếu không lạy, tất sẽ lộ chuyện. Khổ quá! Chỉ tại sư phụ bị khốn, nên ta mới nhục nhã thế này.

Đến nước này thì biết làm thế nào được. Hành Giả đành tiến vào, ngoảnh về phía mụ quỳ xuống, nói:

– Xin cúi đầu chào đức bà”.

Vì cứu sư phụ, vì thỉnh chân kinh, Tôn Ngộ Không cao ngạo thuở nào nay phải dằn lòng, nhẫn nhục quỳ lạy một mụ già yêu quái. Về sau đánh chết, mới biết mụ vốn là một con hồ ly chín đuôi. Khi trước, Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, ba lần bị sư phụ mắng chửi đuổi đi, cũng là một nỗi thống khổ như thế. Có thể nói, nếu như với Đường Tăng, hành trình thỉnh kinh là con đường khiến ông trở nên ngày một lý trí, thanh tỉnh và dũng cảm, thì với Ngộ Không, quá trình xông pha nguy hiểm, trừ yêu diệt quái, hộ vệ một Đường Tăng yếu đuối đã giúp Tề Thiên Đại Thánh ngông ngạo hung hãn thuở nào rèn luyện tâm đại thiện, đại nhẫn, cung kính nhu hoà.

Tôn Ngộ Không chỉ một cân đẩu vân là bay tới Linh Sơn, nhưng lại phải lặn lội vượt núi băng đèo, phò tá Đường Tăng, vì chỉ có như vậy mới có thể thành tựu sinh mệnh chính giác. 81 nạn trên hành trình sang Tây Trúc thỉnh kinh của thầy trò Đường Tăng được Phật Tổ và Bồ Tát an bài để giúp năm thầy trò buông bỏ nhân tâm chấp trước, đề cao cảnh giới tâm tính, tìm lại chân ngã thanh tịnh không lấm bụi trần. 

Trong 81 nạn thì ma nạn gặp Kim Giác và Ngân Giác đại vương này là tốn giấy mực bậc nhất, từ đầu hồi thứ 32 cho tới hết hồi thứ 35. Thông thường, một ma nạn chỉ kéo dài 1-2 hồi là hết. Trong nạn này, Ngộ Không chẳng những nhọc cái thân xác, mà còn phải khổ cái tâm trí vô cùng. Thế nhưng khổ nhất cũng là quý nhất, sau đại nạn này, Ngộ Không dường như thoát thai hoán cốt, tâm cảnh trở nên chín chắn, vững vàng, thuần khiết. Trong thử thách tiếp theo trên hành trình thỉnh kinh (giải cứu quốc vương nước Ô Kê), Tôn Hành Giả đã đạt tới cảnh giới “chỉ một lòng chuyên nhất, mong tới phương Tây lễ Phật, nên đặt mình là ngủ chẳng có mộng mị gì”.

Quả đúng là:

Xử thế cốt sao lòng nhẫn nhục,
Tu thân nên nhớ nói lời ngay.
Thường nghe chữ nhẫn là sinh ý,
Phải nghĩ cho sâu chớ nói bậy.
Thượng sĩ không tranh còn mãi mãi,
Thánh hiền giữ đức nối tương lai.
Cương cường lại gặp cương cường trị,
Rút cục bao giờ có gặp hay!

*Ảnh minh hoạ: Phim Tây du ký (1986). Bài viết có tham khảo bản dịch Tây Du Ký của Như Sơn, Mai Xuân Hải, Phương Oanh, Nhà xuất bản Văn học.

videoinfo__video3.dkn.tv||2fc53753a__