Đại Kỷ Nguyên

Trà, thiền nhất vị thanh tao nhưng đời là bể khổ, còn mê đắm thứ gì thì còn thống khổ chẳng yên

‘Vang bóng một thời’ của Nguyễn Tuân có kể chuyện về cụ Sáu là người sành và yêu trà, kính Phật. Cụ thường ấn tống kinh Phật, chuông và cúng dường trùng tu chùa Đồi Mai. Cụ cũng thân với nhà sư già trụ trì, thường cùng nhau thưởng trà, ngắm lan, đàm đạo.

Ông cụ Sáu tỳ tay vào thành giếng nhờn mịn rêu xanh, chỉ ngón tay xuống lòng giếng sâu thẳm gần hai con sào mà nói: “Chùa nhà ta có cái giếng này quý lắm. Nước rất ngọt. Có lẽ tôi nghiện trà tàu vì nước giếng chùa nhà đây. Tôi sở dĩ không nghĩ đến việc đi đâu xa được, cũng là vì không đem theo được nước giếng này đi để pha trà. Bạch sư cụ, sư cụ nhớ hộ tôi câu thề này: ‘Là giếng chùa nhà mà cạn thì tôi sẽ lập tức cho không người nào muốn xin bộ đồ trà rất quý của tôi. Chỉ có nước giếng đây là pha trà không bao giờ lạc mất hương vị…’”

Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, chỉ có tri kỷ mới biết người tri kỷ, cụ Sáu chỉ thích kết giao với các bậc cao tăng nhã sỹ yêu trà. Hôm đó nhà cụ có ông khách sành trà, cụ sai gia nhân đến chùa Đồi Mai xin nước về pha trà cùng khách đàm đạo. Ông khách kể chuyện:

“Ngày xưa, có một người ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào ăn xin. Hắn toàn vào xin những nhà đại gia thôi và cố làm thế nào cho giáp được mặt chủ nhân rồi có xin gì thì hắn mới xin. Có một lần hắn gõ gậy vào đến lớp giữa một nhà phú hộ kia, giữa lúc chủ nhà cùng một vài quý khách đang ngồi dùng bữa trà sớm. Mọi người thấy hắn mon men lên thềm, và ngồi thu hình ở chân cột một cách ngoan ngoãn, mọi người không nói gì cả, để xem tên ăn mày định giở trò gì.

Hắn chả làm gì cả, chỉ nhìn mọi người đang khoan khoái uống trà. Hắn đánh hơi mũi, và cũng tỏ vẻ khoan khoái khi hít được nhiều hương trà nóng tản bay trong phòng. Thấy mặt mũi người ăn mày đã đứng tuổi không đến nỗi bẩn thỉu quá, chủ nhân bèn hỏi xem hắn muốn xin cơm thừa hay là canh cặn, hay là hơn nữa, hắn lại muốn đòi xôi gấc, như kiểu người trong phương ngôn. Hắn gãi tai, tiến gần lại, tủm tỉm và lễ phép xin chủ nhân cho hắn “uống trà tàu với!”.

Mọi người tưởng hắn dở người. Nhưng tại sao không nỡ đuổi hắn ra và còn gọi hắn lại phía bàn cho hắn nhận lấy chén trà nóng. Hắn rụt rè xin lỗi và ngỏ ý muốn được uống nguyên một ấm trà mới kia. Hắn nói xong, giở cái bị ăn mày của hắn ra, cẩn thận lấy ra một cái ấm đất độc ẩm.

Thấy cũng vui vui và lạ lạ, mọi người lại đưa cho hắn mượn cả khay trà và phát than tàu cho hắn đủ quạt một ấm nước sôi, thử xem hắn định đùa định xược với bọn họ đến lúc nào mới chịu thôi.

(Ảnh: jianglishi.cn)

Hắn xin phép đâu đấy rồi là ngồi bắt chân chữ ngũ, tráng ấm chén, chuyên trà từ chén tống sang chén quân, trông xinh đáo để. Lúc này không ai dám bảo hắn là ăn mày, mặc dầu quần áo hắn rách như tổ đỉa.

Uống một chén thứ nhất xong, uống đến chén thứ nhì, bỗng hắn nheo nheo mắt lại, chép môi đứng dậy, chắp tay vào nhau và thưa với chủ nhà: “Là thân phận một kẻ ăn mày như tôi được các ngài cao quý rủ lòng thương xuống, thực kẻ ty tiện này không có điều gì dám kêu ca lên nữa. Chỉ hiềm rằng bình trà của ngài cho nó lẫn mùi trấu ở trong. Cho nên bề dưới chưa được lấy gì làm khoái hoạt lắm”.

Hắn lạy tạ, tráng ấm chén, lau khay hoàn lại nhà chủ. Lau xong cái ấm độc ẩm của hắn, hắn thổi cái vòi ấm kỹ lưỡng cất vào bị, rồi xách nón, vái lạy chủ nhân và quan khách, cắp gậy tập tễnh lên đường.

Mọi người cho là một thằng điên không để ý đến. Nhưng buổi chiều hôm ấy, cả nhà đều lấy làm kinh sợ người ăn mày, vì ở lọ trà đánh đổ vung vãi ở mặt bàn, chủ nhân đã lượm được ra đến mươi mảnh trấu”.

Ông cụ Sáu nghe khách kể đến đấy, thích quá, vỗ đùi mình, vỗ đùi khách, kêu to lên:

– Giá cái lão ăn mày ấy sinh vào thời này, thì tôi dám mời anh ta đến ở luôn với tôi để sớm tối có nhau mà thưởng thức trà ngon. Nhà, phần nhiều lại toàn là ấm song ấm quý.

Nhà sư già là bậc cao tăng, đã sớm thấy rõ cốt cách thanh cao, nhưng cũng biết trước số mệnh cuối đời nghèo khổ của cụ Sáu ngay khi cụ còn đang phong lưu, khá giả.

Nhà sư già thở dài cùng sư bác chờ đấy: “Ông cụ Sáu này, nếu không đam mê cái phong vị trà tàu, đam mê đến nhiều khi lầm lỗi, nếu ông ta bỏ được thì cũng thành một ông sư tại gia. Danh và lợi, ông ta không màng. Phá gần hết cơ nghiệp ông cha để lại, ông ta thực đã coi cái phú quý nhỡn tiền không bằng một ấm trà tàu. Nhưng một ngày kia, nếu không có trà tàu mà uống nữa thì cái ông cụ Sáu này sẽ còn khổ đến bực nào. Phật dạy rằng hễ muốn là khổ. Biết đâu trong bốn đại dương nước mắt chúng sinh của thế giới ba nghìn, sau đây lại chẳng có một phần to nước mắt của một ông già năng lên chùa nhà xin nước ngọt về để uống trà tàu. Mô Phật!”.

Còn chấp trước vào vui thú thế gian thì còn khổ, thứ lẽ ra chẳng bao giờ xa lìa cũng lần lượt ra đi. (Ảnh: ĐKN)

Sau này quả đúng như vậy, cụ Sáu phải bán những chiếc ấm trà quý báu với giá rẻ mà xưa kia có ai chồng cho đống bạc trắng cụ cũng không bán.

Người ta nói: ‘Trà, thiền nhất vị’, trà cũng như thiền đều thanh đạm, tinh khiết, lại có sức cuốn hút đối với các bậc nhân văn nhã sỹ cũng như các bậc tu hành. Trà nhân dùng trà để tu tâm dưỡng tính, coi nhẹ danh lợi cõi nhân gian, vui thú bên chén trà thanh khiết, rất giống thiền sư ngày ngày thiền định, buông bỏ danh lợi tình chốn hồng trần, tìm niềm vui của thiền duyệt vong ngôn, cho đến ngày khai công khai ngộ, đắc Đạo viên mãn về nơi Thiên Quốc.

Trà nhân cũng thích làm bạn với thiền sư, trà nhân học thiền từ thiền sư, còn thiền sư cũng thích kết giao với trà nhân, vì trà nhân là bậc nhã sỹ nhất trong chúng sinh còn trong thế tục, lặn ngụp trong phàm trần.

Trà nhân yêu trà, mê trà quá cũng bị trà trói buộc. Thiền nhân say mê đả tọa, ngồi thiền quá cũng chấp mê vào ngồi thiền. Giống như người sang bờ giác ngộ, cần có con thuyền nan để chèo thuyền sang sông. Nếu yêu thích bơi thuyền quá, cứ mải mê xuôi xuôi ngược ngược giữa những dòng nước, vui cùng con sóng lấp lánh ánh chiều tà, hay bàng bạc ánh trăng khuya, mà quên nhắm tới bờ kia con sông gắng sức khua mái chèo, cho đến khi sức cùng lực kiệt, bị con sóng lớn cuộc đời nhấn chìm.

Cõi nhân gian thế giới phồn hoa, ánh hào quang của công danh sự nghiệp, người người kính trọng cúi đầu. Hay ma lực của tiền bạc, có thể hô phong hoán vũ, sai khiến con người thế gian, có thể khiến thế giới nghiêng mình. Và sức hấp dẫn của cái tình: ấm áp tình thân, đậm đà tình bạn, nồng cháy tình yêu… như rượu ngon ngọt nồng, đắm say lòng tráng sỹ, nhấn chìm những anh hào.

Cõi nhân gian như giấc mộng, đến rồi rời đi, có vui thú đến bao nhiêu, công danh lớn thế nào cũng tan theo mây khói. (Ảnh: linkedin.com)

Còn chấp trước vào bất kỳ vui thú thế gian nào thì còn khổ. Phật dạy rằng, đời là bể khổ. Muốn thoát khổ thì chỉ có cách duy nhất tu luyện trong chính Pháp. Thân trong cõi trần, tùy kỳ tự nhiên, tùy duyên đắc được thì cũng tùy duyên buông bỏ, không cưỡng cầu. Duyên đến, có công danh thì giữ mà không cố cùng, có tiền tài thì cầm mà không tham, có tình thì trân trọng mà không si mê… như vậy cũng gần với Đạo lắm rồi, cái bể khổ nhân sinh kia cũng đã bỏ lại phía sau rồi đó.

Triêu Lộ

Exit mobile version