Câu chuyện về trà, dẫu có kể đi kể lại hàng trăm lần cũng chẳng bao giờ thấy chán…
Trời có ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Con người có ngũ tạng Phế, Can, Thận, Tâm, Tỳ. Trong trà lại vừa vặn có ngũ sắc trắng, vàng, đen, hồng (đỏ), xanh. Ngũ sắc lại sinh ra ngũ vị cay, ngọt, mặn, đắng, chát. Ngũ hành, ngũ tạng, ngũ sắc, ngũ vị này cấu thành nên một “vòng dưỡng sinh và dưỡng tâm” vô cùng đặc biệt.
Trà có nguồn gốc từ Trung Quốc, vậy nên trong quá trình phát triển và truyền bá ra thế giới, trà và văn hóa trà đều mang đậm “hương vị Trung Quốc”. Trong “Thần Nông bản thảo kinh” có ghi: “Thần nông thưởng bách thảo, nhất nhật ngộ thất thập nhị độc, đắc trà nhi giải chi” (Thần Nông nếm thử trăm loại thảo mộc, một ngày gặp 72 loại độc, nhờ có trà mà giải được độc).
Tương truyền khi Thần Nông đang nếm thử 100 loại thảo mộc, cây thuốc, khi nếm đến hạt kim lục sắc thì trúng độc, vừa hay ngã ngay dưới gốc cây trà, sương trên lá cây trà rơi vào miệng giúp ông tỉnh lại. Tuy rằng đây chỉ là câu chuyện truyền thuyết nhưng lại có ghi chép một sự thật rằng lá trà có chức năng giải độc và trị bệnh. Sự cố mà Thần Nông gặp phải này, nhìn bề ngoài dường như là điều tất yếu xảy ra trong quá trình ông tìm hiểu các loại cây cỏ.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ khác, việc lưu lại câu chuyện truyền thuyết này phải chăng để người đời sau chúng ta hiểu rằng khắp nơi trong nhân gian đều tràn đầy các loại cỏ độc (những nhân tố bất hảo hình thành ở nhân gian như: lợi ích, dục vọng, tự tư, v.v), lúc đó cần phải nhờ đến công dụng của trà (tượng trưng cho hình ảnh thanh khiết, vô tư phù hợp với nguyên tắc tu tâm tính của người tu luyện) mới có thể giải trừ.
Trà có thể dưỡng sinh và dưỡng tâm. Điều này được ghi chép rất chi tiết tỉ mỉ trong rất nhiều sách về trà và sách y dược thời cổ đại. Trong “Cật trà dưỡng sinh ký” ca ngợi điểm “không tầm thường” của trà rằng: “Trà! quý thay, trên thông với cảnh giới Thần linh, dưới có thể cứu giúp người khi bị độc”. Đây được xem là thảo dược cao quý thánh khiết, bởi: trên có thể thông với Thần linh, cảnh giới trên trời, dưới có thể cứu giúp người khi bị độc, là tiên dược trị được bách bệnh.
Theo Hoàng Đế nội kinh, màu xanh thuộc mộc và là màu của Can tạng, màu hồng (đỏ) thuộc hỏa là màu của Tâm, màu vàng thuộc thổ là màu của Tỳ, màu trắng thuộc kim là màu của Phế, màu đen thuộc thủy là màu của Thận. Thời Tống, Trần Trực ghi chép trong Thọ thân dưỡng lão thư, Vô luận là loại phương pháp dưỡng sinh nào, lý luận và ăn uống đều có thể dùng học thuyết ngũ hành thời cổ đại để giải thích. Hơn nữa có thể dựa vào nền tảng là học thuyết này để nâng cao cấp độ. Trà cũng như vậy.
Trà đạo của Trung Hoa thường được chia làm sáu loại là Hắc Trà, Bạch Trà, Hồng Trà, Lục Trà, Hoàng Trà và Thanh Trà. Trong đó Thanh Trà là loại trà thuộc Lục Trà. Nên thực tế là có 5 loại trà, còn gọi là “Ngũ sắc trà”: Hắc Trà, Bạch Trà, Hồng Trà, Lục Trà, Hoàng Trà. “Ngũ sắc trà” này có thể làm dịu ngũ tạng, đạt đến mục đích cuối cùng là giúp con người khỏe mạnh, tâm thân an hòa. Dùng ngũ hành tương sinh tương khắc để điều hòa vạn vật trong trời đất, đây cũng chính là bản chất thực sự của việc uống trà dưỡng sinh, dưỡng tâm của cổ nhân.
***
Có một câu chuyện uống trà rất hay được truyền tụng mãi như sau: Trong thiền phòng của ngôi chùa cổ nọ, thiền sư ngồi đối ẩm cùng một tục khách. Ngoài trời tuyết rơi mỗi lúc một dày, thiền sư cho thêm củi, khơi lại lò, bắc ấm nước, nhìn ra cửa sổ trầm ngâm.
Một lát, nước sôi già, thiền sư vén tay áo, khẽ khàng khơi trà vào chiếc ấm tử sa cổ màu gan gà, chiêu thêm nước, đậy nắp ấm, lại cố tình dội một lượt nước sôi tráng khắp thân ấm. Động tác của thiền sư thuần thục, không thiếu không thừa, ung dung tự tại, làm tục khách cảm thấy khoan khoái lắm.
Đoạn, thiền sư chuyên trà từ chén tống sang chén quân, mỉm cười nhìn khách, khẽ gật đầu, tay dâng chén trà đầy trân trọng. Khách vội vươn người tới đón, cung kính đáp lễ, đưa chén lên mũi thoạt tiên thưởng hương, lại ghé sát vào đầu môi nhấm nháp ra chiều khoái hoạt lắm.
Khách hỏi bâng quơ: “Bạch sư phụ, ngài pha trà đã nhiều năm như vậy, xin giảng cho kẻ hèn này biết trà uống ở tuần nước nào mới thơm ngon nhất?”.
Thiền sư an tọa, tay nâng chén trà còn nghi ngút khói lên, trầm ngâm nói:
“Tuần nước thứ nhất tựa gió thoảng, tuần thứ hai giống dòng sông xuân xanh, còn tuần thứ ba cơ hồ như ánh trăng vàng chiếu rọi”.
Khách càng băn khoăn không hiểu: “Bạch sư phụ, vậy thì kẻ hèn vẫn chưa biết tuần gió thoảng hay tuần trăng vàng mới là ngon nhất?”.
Thiền sư khẽ nhấp một ngụm trà, vuốt chòm râu bạc, tay lần tràng hạt, ôn tồn giảng giải: “Cái đạo tối cao của trà không ở vị ngon đầu lưỡi, cuống họng mà ở tâm thái. Nếu ngài để ý kĩ thì sẽ nhận ra rằng tuần trà nào cũng có dư vị riêng, như gió như sông như trăng, mỗi thứ một vẻ. Chung quy lại, nước nào cũng quý cả”.
Khách gật gù, nhưng vẫn gặng hỏi: “Bạch sư phụ, đầu óc tôi chậm chạp, thỉnh thầy giảng rõ hơn!”.
Thiền sư cười lớn: “Ha ha! Nếu cứ giảng mãi cả ngày e rằng cũng không đến đích. Ngài hãy nhìn xem, chén trà trên tay đã nguội rồi. Ngài vừa bỏ lỡ chén trà ngon nhất rồi đó!”.
Khách sực tỉnh, nhìn thiền sư cùng cười lớn. Bên ngoài mưa tuyết vẫn bay bay…
Đúng là:
Trà thơm đợi bằng hữu
Chén quỳnh phút tri giao
Đối ẩm nhìn trăng sáng
Bể dâu nhớ thuở nào…
Nguyệt Hạ
Bạn đang đọc bài viết: “Trà thơm đợi bằng hữu, bể dâu nhớ thuở nào…” tại chuyên mục Văn hóa của Đại Kỷ Nguyên. Để cập nhật thêm nhiều bài viết hay, quý độc giả vui lòng truy cập Fanpage chính thức của chúng tôi: facebook.com/DaiKyNguyenVanhoa/. Mọi ý kiến phản hồi và tin bài cộng tác xin gửi về hòm thư: daikynguyen.vanhoa@gmail.com. Xin chân thành cảm ơn! |