Đại Kỷ Nguyên

Trải nghiệm của người mẹ Trung Quốc trên đất Nhật (P.3): Coi trọng lễ nghi là nền tảng thành công của người Nhật

Trung Quốc là cường quốc kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, tuy nhiên một điều đáng tiếc là họ lại đang dần để mất đi thứ đáng quý nhất. Mặc dù sinh ra và lớn lên ở Trung Quốc đã mấy chục năm, tôi hoàn toàn không biết văn hóa truyền thống là gì, bản thân cứ luôn cho rằng những trào lưu thời thượng mới là thứ tốt nhất.

Tiếp theo Phần 1, Phần 2.

Nhật Bản là quốc gia có nền khoa học và công nghệ rất phát triển, mức sống, chế độ dịch vụ và cơ sở vật chất cũng đứng hàng đầu trên thế giới, nhưng ngược lại họ vẫn còn lưu giữ được nền văn hóa truyền thống được học lại từ người Trung Quốc cổ xưa. Sau khi có cơ hội tới đây, dần dần tôi mới hiểu được sức mạnh mà nên văn hóa truyền thống của dân tộc Trung Hoa mang tới cho nhân loại hiện tại.

Đạo lý ‘Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín’ của văn hóa truyền thống Trung Quốc dường như được người Nhật hoàn toàn truyền thừa lại cho tới ngày nay. Những người Trung Quốc từng tới Nhật, đều cảm thấy yêu mến đất nước này và muốn có cơ hội gắn bó lâu dài. Nguyên nhân là bởi khi tới đây người Trung Quốc như có thể nhìn thấy đất nước mình thời cổ xưa, một đất nước Trung Quốc với những lễ nghi truyền thống mà hiện nay hoàn toàn được tái hiện ở Nhật.

Có một lần nọ tôi đưa con tới công viên chơi, ở đó con chơi nghịch cát với các bạn nhỏ cùng lứa tuổi. Khi mọi người chuẩn bị tạm biệt ra về, có một em bé mới hơn một tuổi còn chưa biết nói, nhưng khi thấy mẹ ra hiệu, bé cũng biết cúi đầu khom lưng chào tạm biệt mọi người.

Bé nhà tôi khi đó còn chưa biết tới nghi lễ này, nhìn thấy biểu hiện của bé không khỏi làm người ta cảm thán về phương thức giáo dục của người Nhật. Từ khi con mới chập chững tập đi cho tới khi tốt nghiệp đại học, các bậc phụ huynh cũng như các thầy cô giáo đều dùng lễ nghi đối đãi với mọi người và cũng lấy đó làm tấm gương để dạy con trẻ.

Sau khi con bắt đầu vào học trường mẫu giáo ở Nhật, điều đầu tiên con được học là sử dụng những từ ngữ lễ phép lịch sự đơn giản: Chào buổi sáng, cảm ơn, xin lỗi, tạm biệt, chào buổi tối… Tới khi con học tiểu học, mỗi sáng sớm đều có giờ tập huấn về các loại lễ nghi, ngoài các giờ học văn hóa còn có các giờ học về đạo đức, học về thành tín, học về cảm ơn…

Ngoài các giờ học văn hóa, trẻ em Nhật còn được học về đạo đức, thành tín và cảm ơn. (Ảnh: geos.edu.vn)

Mỗi lần khi có cơ hội tiếp xúc chia sẻ với các giáo viên của con, bao giờ các cô cũng hỏi con ở nhà có giúp tôi làm việc nhà không. Đây tuy là một cử chỉ rất nhỏ nhưng làm tôi rất cảm động. Và có một điều càng khó quên hơn, đó là khi tốt nghiệp tiểu học, mỗi con cần chuẩn bị một phần quà cho cha mẹ, viết một bức thư cảm ơn và tận tay tặng cha mẹ ngày lễ tốt nghiệp.

Trong bài diễn văn của mình, hiệu trưởng trường tiểu học nói: “Hy vọng học trò phải biết và có tấm lòng biết ơn với cha mẹ, không bao giờ được quên đi công lao to lớn mà cha mẹ đã bỏ ra 6 năm qua nuôi các con khôn lớn”.

Khi nghe được những lời này tôi và rất nhiều bậc phụ huynh khác không khỏi xúc động mà rơi nước mắt.

Bắt đầu bước vào trung học, người Nhật có yêu cầu rất nghiêm khắc với học trò về đạo lý tôn sư trọng đạo. Bất kể là đối với thầy giáo hay đối với các bạn học, luôn phải dùng kính ngữ khi nói chuyện, lại còn phải học rất nhiều thơ Đường, thơ Tống và cả ‘luận ngữ” của Đức Khổng Tử…

Sự nghiêm khắc này trong nhà trường Nhật làm con tôi thay đổi rất nhanh, con thường hay nói với tôi những câu kiểu như: “Làm như vậy là không được, sẽ làm tổn thương người khác”, hoặc “Những lời này là không nên nói vì không tôn trọng người khác”…

Các em bé người Nhật trong trang phục truyền thống. (Ảnh: Pinterest)

Có một ngày nọ giáo viên mời tôi và con gái tới nói chuyện. Khi cô giáo hỏi về tình hình học tập ở nhà của con, tôi nói: “Mỗi ngày ở nhà con học khoảng 1 giờ”. Ngay lập tức con tôi liền đính chính và nói: “Dạ thưa cô, con không học 1 giờ mỗi ngày đâu ạ, chỉ có khoảng 30 phút thôi ạ, hơn nữa không phải mỗi ngày đâu mà chỉ thỉnh thoảng thôi ạ”. Tôi xấu hổ đỏ mặt nhìn cô giáo và nói: “Xin lỗi cô, tôi nhớ nhầm”.

Khi về tới nhà con gái nói với tôi: “Mẹ người Nhật nói chuyện rất khiêm tốn, thành thật. Mà mẹ có nhìn thấy con học 1 giờ mỗi ngày không…?”.

Khi bị con gái “giáo huấn” một hồi lâu tôi mới ý thức ra rằng: Kiểu giáo dục của Trung Quốc hoàn toàn xa lạ, không phù hợp trong xã hội của Nhật, và tôi cần học lại mọi thứ từ ban đầu.

Tôi học cách cư xử với mọi người và xử lý công việc khi làm việc với người Nhật, lại khiêm tốn “thỉnh giáo” cô con gái nhỏ về những lễ nghi con học được ở trường. Và chỉ vài năm sau đó, cuối cùng tôi đã cảm nhận được sự bác đại tinh thâm của nền văn hóa truyền thống.

Vào một lần khác, tôi cùng con gái tới tham quan một ngôi trường trung học dân lập, thầy hiệu trưởng có chia sẻ với chúng tôi về khẩu hiệu của trường: “Chúng tôi muốn các con làm được hai điều khi tới học ở đây, đó là biết cảm ơn và biết đúng giờ. Hai việc này rất quan trọng trong bước đường đời sau này của con”.

Suy nghĩ rất lâu về khẩu hiệu đó, tôi mới hiểu được:

Hiệu trưởng không hề yêu cầu học sinh của mình nâng cao thành thích học tập, thi đỗ đại học, mà yêu cầu học sinh của mình biết hiểu thế nào là cảm ơn người khác và tuân thủ đúng thời gian. Nguyên nhân bởi chỉ có học được cách làm người như thế nào, mới có thể thực hiện được mục tiêu của cuộc đời mình. Một dân tộc, một quốc gia chỉ có lưu giữ được nền văn hóa truyền thống mới có thể trở thành một quốc gia có lễ nghi có văn hóa.

Nhật Bản một quốc gia lễ nghi. (Ảnh theo dulich.vn)

Một dân tộc, một quốc gia chỉ có lưu giữ được nền văn hóa truyền thống mới có thể trở thành một quốc gia có lễ nghi có văn hóa.

Sống tại Nhật Bản mười mấy năm, tôi đã cảm nhận và hiểu được sự phát đạt của nền kinh tế, sự dân chủ về chính trị, sự tốt đẹp về trị an và tất cả mọi thứ tốt lành của đất nước Nhật Bản. Tất cả là đến từ sự tôn trọng và đề cao văn hóa truyền thống làm đầu của người dân Nhật Bản. Lịch sử của Nhật không lâu đời như Trung Quốc, nền văn hóa của Nhật cũng không bác đại tinh thâm như Trung Quốc, thế nhưng người dân Nhật lại vô cùng yêu mến, trân trọng và gìn giữ lịch sử văn hóa của đất nước mình.

Người Nhật có thể bảo tồn rất tốt và khá nguyên vẹn nơi ở cũng như khu lăng mộ của các bậc danh nhân lịch sử, các danh lam thắng cảnh văn hóa của mình. Không những vậy, họ còn kịp thời tu sửa, và đề xuất đăng ký di sản văn hóa thế giới với mục đích hy vọng mọi người dân ở các nước khác có thể tới chiêm ngưỡng và học hỏi về văn hóa Nhật Bản, chiêm ngưỡng những danh lam thắng cảnh đó.

Hầu hết học sinh các trường trung học ở Nhật đều được đến thăm và chiêm ngưỡng các ngôi đền chùa nổi tiếng trong nước. Đặc biệt là ở Kyoto và Nara, hầu như tất cả mọi học sinh đều phải tới đó.

Dường như người Nhật có thể truyền thừa bảo tồn hoàn toàn và nguyên vẹn nền văn hóa được học từ Trung Quốc. Đó chủ yếu là nền văn hóa từ thời nhà Đường bao gồm từ kiến trúc, văn học, lịch sử, hội họa, phong tục tập quán. Đặc biệt hơn nữa là những tinh hoa tinh túy của nền văn hóa từ thời nhà Đường: Sùng bái tôn kính thần Phật, tôn trọng lễ nghi lễ giáo; tất cả những điều đó luôn ảnh hưởng tới cả người Nhật thời nay.

Thành phố Kyoto của Nhật có chiều dài lịch sử cả ngàn năm, đây chính là sự tái hiện của cố đô Trung Quốc thời nhà Đường. Đến thời điểm hiện nay học sinh Nhật Bản vẫn đang học “Luận Ngữ” của Khổng Tử và các bài thơ Đường, Tống. Tên gốc của Nhật Bản là Wonu, vua Đường Thái Tông căn cứ theo vị trí của Nhật ở biển Đông, là nơi mặt trời mọc nên đặt tên cho nước Nhật là ‘Nhật Bản’.

Sau khi cải cách Taika, hoàng đế Nhật chính thức đổi tên nước thành Nhật Bản và tên gọi đó được lưu truyền tới ngày nay. Nhật là quốc gia có rất nhiều chùa miếu, vào mỗi ngày mùng một, ngày rằm và các dịp lễ tết, đi tới bất cứ nơi đâu bạn cũng sẽ thấy có rất đông người đến lễ chùa. Và cho đến hiện tại, Nhật Bản vẫn là quốc gia coi trọng lễ nghi lễ giáo bậc nhất thế giới.

Tác giả: Tâm Di
Kiên Định biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version