Đại Kỷ Nguyên

Trải nghiệm của người mẹ Trung Quốc trên đất Nhật (P.6): Cách người Nhật bồi dưỡng nên những đứa trẻ kiên cường

Sự bình tĩnh của người Nhật trong các thảm hoạ động đất luôn khiến thế giới phải ngưỡng mộ. Vậy, điều gì đã giúp họ hun đúc nên sức mạnh kiên cường và bản lĩnh phi thường ấy?

Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3, Phần 4, Phần 5.

Người Nhật không chỉ sở hữu những công trình kiến trúc có khả năng chống đỡ cơn địa chấn, mà ngay từ nhỏ, học sinh Nhật Bản đã được học cách đối phó và xử lý tình huống khi gặp thiên tai.

Từ khi bước vào tiểu học, trẻ em Nhật đã được học và thực hành diễn tập về cách thoát nạn động đất. Ví dụ như làm thế nào để tránh các mảnh thủy tinh vỡ, làm thế nào để tránh bị tường đổ vào người, khi xảy ra động đất thì không nên hoảng loạn lo sợ ra sao, v.v…

Hình ảnh học sinh tiểu học của Nhật tham gia diễn tập tránh động đất (Ảnh: Getty Images)

Con cái là hy vọng của cha mẹ, cũng là tương lai của đất nước. Bởi vậy để các con có thể sống khỏe mạnh và an toàn là điều vô cùng quan trọng đối với các bậc phụ huynh. Ở Trung Quốc, từ khi một đứa trẻ sinh ra cho tới khi tốt nghiệp đại học, nhà trường và chính phủ đều coi nhẹ việc giáo dục an toàn cho các em, từ đó đã dẫn đến biết bao thảm kịch không đáng có.

Vài năm trước, căn cứ vào những tiêu chuẩn như tỷ lệ tội phạm, thiên tai, mức độ tham nhũng, tình hình kinh tế…, một trang web của Mỹ đã tiến hành bình chọn 10 quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Trong đó, Nhật Bản được bình chọn là quốc gia hàng đầu. Nguyên nhân là bởi người Nhật rất coi trọng việc giáo dục an toàn và hướng dẫn các biện pháp an toàn cho công dân.

Học sinh các cấp, từ mẫu giáo, mầm non, đến tiểu học, cho tới đại học, đều được đào tạo về an toàn một cách khá nghiêm khắc. Ví dụ như cách vệ sinh an toàn, cách phòng ngừa bệnh tật, giữ an toàn sau khi tan học, cách phòng tránh tội phạm, v.v…

Bên cạnh đó, trẻ nhỏ còn được tham gia các buổi tập huấn khác nhau về phòng tránh hỏa hoạn, cách tránh nạn, và tập huấn về tội phạm xâm nhập. Cho dù đó chỉ là cấp bậc mẫu giáo hay trường mầm non, nhưng mỗi tháng một lần các em đều được tham gia tập huấn về phòng tránh tai nạn trong các tình huống giả định như: động đất, hỏa hoạn, bão lũ,…

Bởi vậy, ngay từ nhỏ trẻ em Nhật Bản đã biết cách tự chạy thoát thân, tự cứu lấy mình trong thời khắc nguy cấp.

Trẻ em ở nhà trẻ Nhật Bản đang tham gia huấn luyện chữa cháy. (Ảnh: shirobara)

Từ tiểu học tới trung học, mỗi tháng một lần học sinh lại phải tham gia tập huấn về tránh nạn và học thêm về đề phòng hỏa hoạn cũng như an toàn tính mạng. Ví dụ như trong bài hướng dẫn về an toàn giao thông, tình huống diễn tập là tai nạn xe dẫn tới tử vong. Hay như khi giáo dục về ngăn chặn hành vi phạm tội, thì nhà trường sẽ mời cảnh sát tới giảng dạy cho học sinh về sự nguy hại của ma túy, thuốc phiện, và các nhóm xã hội đen, và các lưu ý đối với học sinh để không bị kẻ xấu dụ dỗ làm hại.

Với phương pháp giáo dục như vậy, các em nhỏ Nhật Bản đã hiểu được cách bảo vệ chính mình.

Người Nhật luôn tin rằng, chỉ có những đứa trẻ trưởng thành an toàn và khỏe mạnh mới có thể làm cho quốc gia trở nên vững mạnh hơn.

Nhà trường Nhật Bản mời cảnh sát tới giảng dạy cho học sinh. (Ảnh dẫn theo okasyo)

Mặc dù trong hơn chục năm vừa qua, tỷ lệ phạm tội ở Nhật liên tục giảm, tuy nhiên các khoá học an toàn và phòng tránh tội phạm lại tăng cấp độ theo từng năm. Những năm gần đây, các trường học ở Nhật Bản còn yêu cầu phụ huynh phải dùng điện thoại di động để đăng ký thông tin gia đình với hội giáo dục của thành phố. Nếu có bất kỳ em nhỏ nào gặp sự cố ngoài ý muốn, hay gặp những sự việc nguy hiểm, tất cả các bậc phụ huynh trong thành phố sẽ đồng thời nhận được tin nhắn thông báo của hội.

Ví dụ vào giờ này, tại địa điểm này, một em học sinh bị ai đó làm hại hay xảy ra sự cố gì đó, kiến nghị các bậc phụ huynh hãy chú ý đề phòng để không xảy ra trường hợp tương tự với con em mình.

Khi trong thành phố xảy ra những vụ việc giết người phạm tội, thì chỉ sau một đến hai giờ đồng hồ, phụ huynh sẽ nhận được thông báo về sự việc. Hiệu quả của mạng lưới thông tin liên lạc này đã góp phần giảm tối đa mức độ nguy hiểm, nhắc nhở các bậc phụ huynh như chúng tôi đề cao cảnh giác vào bất cứ khoảnh khắc nào, khiến tội phạm thật sự không có chỗ ẩn nấp.

Khi xảy ra đại nạn, các trường tiểu học và trung học ở Nhật luôn là cơ sở tránh nạn đầu tiên của người dân nơi đó, bởi vì nơi đây tuyệt đối là an toàn nhất (Ảnh dẫn qua Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung)

Mỗi một trường học tại Nhật đều là một “cơ sở lánh nạn”, bởi vì đây là nơi được xây dựng và thiết kế an toàn nhất, kiên cố nhất.

Trong vụ động đất xảy ra ở Kanto, Nhật Bản, vào năm 1923, vì các trường học đều xây dựng bằng gỗ hoặc gạch nên tất cả đã sụp đổ sau thiên tai, khiến rất nhiều học sinh gặp nạn. Sau sự cố ấy, chính phủ Nhật Bản vô cùng đau xót và hối hận. Họ cho rằng: “Mạng sống của các em gắn liền với đất nước và duy trì tương lai của dân tộc”. Vậy nên họ đã quyết định nâng cao khả năng kháng chịu động đất mỗi khi xây dựng và tu sửa trường học.

Trong một văn bản của chính phủ về việc gia cố và sửa chữa các hạng mục xây dựng, có đoạn: “Trường học là nơi thế hệ mầm non tương lai của Nhật Bản phó thác sinh mệnh của mình”. Câu nói này đã giúp chúng ta lý giải và hiểu được tại sao các trường học Nhật Bản lại giáo dục và thực hành rất nhiều biện pháp an toàn cho học sinh.

Hơn 90 năm đã trôi qua, mặc dù tần xuất của các trận động đất vẫn xuất hiện, nhưng trường học của Nhật vẫn là nơi kiên cố và an toàn nhất.

Trận động đất xảy ra vào lúc 01h25 ngày 16/4/2016 có cường độ 7,0 Mw với tâm chấn gần thành phố Kumamoto, tỉnh Kumamoto, trên đảo Kyushu, Nhật Bản, đã làm cho tòa nhà ủy ban thành phố bị sụp đổ một phần và phần còn lại bị lung lay. Sau đó vì khó khăn về tài chính, thành phố chỉ có thể dành cơ hội củng cố khả năng chống động đất cho trường học, ưu tiên các biện pháp bảo vệ an toàn cho các em học sinh.

Điều này khiến tôi vô cùng cảm kích. Nếu như trường học và chính phủ các quốc gia khác đều có thể như vậy, thì thật là tốt biết bao!

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Bình Nhi biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version