Đại Kỷ Nguyên

Trải nghiệm của người mẹ Trung Quốc trên đất Nhật (P2): Tôi đã học cách cúi đầu khiêm nhường ra sao?

Nhật Bản là một quốc gia lễ giáo và khiêm tốn, họ tôn trọng người khác không phân biệt thân phận hay địa vị. Khi vừa đặt chân tới Nhật Bản, tôi luôn tỏ ra hơn người, dương dương tự đắc nên rất khó hòa nhập vào xã hội Nhật. Phải 10 năm sau đó tôi mới có thể thay đổi quan niệm cố hữu đã bám rễ từ khi tôi còn ở Trung Quốc.

Tiếp theo Phần 1.

Ngày thứ hai khi tới đất nước Mặt Trời mọc này, tôi ra ngoài tản bộ ở một con ngõ nhỏ yên tĩnh gần nhà. Phía trước mặt có một người phụ nữ thấp lùn tầm hơn 60 tuổi đi tới, bà lùn lắm, chỉ tầm 1m40, bởi vậy khi đối diện với bà tôi càng cảm thấy mình cao lớn hơn, vì thế mà tôi đã ngẩng cao đầu ưỡn ngực đi qua bà.

Bà lão lại hơi gù lưng, với khuôn mặt như biết cười, bà điềm tĩnh tiến tới trước mặt tôi và nói: “Xin chào!“. Nói xong bà cúi gập người ở góc 90 độ làm tôi vô cùng ngạc nhiên. Thấy vậy tôi luống cuống vội vàng nói: “Xin chào!” và muốn học cách tôn trọng người khác của bà. Tuy nhiên ở Trung Quốc chúng tôi chưa bao giờ có cách cung kính như vậy, nên không biết hành động như thế nào cho phải lý, tôi chỉ có thể gật đầu chào.

Văn hóa cúi đầu. Ảnh theo nipponkiyoshi.com

Đây là lần đầu tiên từ khi sinh ra và lớn lên tôi được người khác tôn trọng như vậy. Trước đây khi còn sinh sống và làm việc tại Trung Quốc, tôi chỉ nhìn thấy hành động này khi cấp dưới nịnh nọt cấp trên. Khi tới Nhật không ngờ tôi lại nhận được hành động này từ một bà lão đang chào hỏi mình, chứ không phải kiểu a dua nịnh nọt như ở Trung Quốc. Trong lòng tôi cảm thấy vô cùng kỳ lạ và tự hỏi: Tại sao bà ấy lại có thể khiêm tốn nhún nhường chào hỏi một người hoàn toàn xa lạ như mình?

Trở về nhà, tôi cứ mãi suy nghĩ về hành động đó nên đã hỏi chồng tôi về chuyện này. Anh bật cười và nói: “Người Nhật ai cũng như vậy đấy! Đừng nên lấy làm ngạc nhiên, nếu không em sẽ phải ngạc nhiên cả đời”. Ngày thứ ba tôi có gặp một đồng nghiệp khoảng tầm 50 tuổi của chồng, chị ấy cũng cúi đầu chào hỏi tôi như vậy: “Rất vui được gặp chị, cảm ơn chị!”. Còn tôi khi đó ngồi trong xe chỉ gật đầu chào hỏi: “Rất vui được gặp chị”.

Khi con tôi vào tiểu học, thầy giáo của cháu đến nhà tôi để tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình. Khi thầy tới nơi, từ ngoài cổng đã khom lưng cúi đầu chào tôi, và tôi cũng hành lễ cúi đầu chào lại. Khi ngẩng đầu lên thấy thầy giáo vẫn đang khom lưng, tôi chỉ còn cách khom lưng cúi đầu lần nữa, cho tới khi thầy ngẩng đầu lên tôi mới ngẩng đầu. Trong lòng tôi thầm nghĩ: “Khom lưng cúi đầu lâu như vậy mà lưng của thầy ấy không đau nhỉ?”

Sau khi vào nhà, tôi và thầy giáo ngồi đối diện nói chuyện, thầy giáo luôn dùng kính ngữ với vẻ tôn trọng để trò chuyện với tôi. Không những vậy, thầy còn chia sẻ về rất nhiều ưu điểm nổi bật của con, có những ưu điểm mà đến bản thân tôi là mẹ cũng không phát hiện ra. Ngược lại, khi chia sẻ về những khuyết điểm của con, thầy lại dùng khẩu khí an ủi động viên nói với tôi: “Chúng có những khuyết điểm đó vì vẫn là trẻ con mà chị, trẻ con bé nào cũng vậy cả”. 

Điều này làm tôi vô cùng ngạc nhiên, dường như trong mắt thầy giáo con tôi là một cô bé hoàn hảo không có khuyết điểm gì, tất cả mọi lời thầy nói làm tôi cảm thấy bất cứ khuyết điểm nào đều là nhỏ bé và nên được bao dung. Cuối cùng thầy nói với tôi: “Trong năm nay, mong chị hãy chăm sóc chú ý tới con nhiều hơn nữa”. Nói xong thầy cáo từ ra về, khi ra tới cửa vẫn cúi đầu khom lưng chào tạm biệt như lúc tới.

Khom lưng cúi đầu chào là một lễ nghi đặc trưng của người Nhật. (Ảnh theo Achau.ne)

Sống và tiếp xúc lâu dần ở Nhật Bản, tôi mới phát hiện người Nhật ai cũng đều khiêm nhường cung kính như vậy. Những người có quyền chức có thân phận lại càng kính cẩn hơn, tôi thường xuyên nhìn thấy các nhân viên lãnh đạo của quận huyện nơi tôi sinh sống cúi đầu khom lưng chào những người dân đi làm bằng xe bus ở các trạm xe.

Ngoài ra, chất lượng dịch vụ tại Nhật cũng đứng đầu thế giới, nhân viên phục vụ luôn nở nụ cười tươi tắn và cúi đầu khom lưng với khách hàng, làm khách hàng cảm nhận được sự nhiệt tình chu đáo cũng như sự tôn trọng của họ dành cho mình. Trong nền văn hóa trà đạo, kiếm đạo, ju-đô, thái cực quyền…, người Nhật đều có nghi lễ cúi đầu khom lưng, đôi khi là quỳ gối cúi đầu chào.

Sau khi tìm hiểu sâu về văn hóa Nhật, tôi bắt đầu yêu mến sự khiêm nhường cung kính đó, và cũng học cách khiêm nhường cúi gập 90 độ chào hỏi lễ phép của họ. Không những vậy tôi còn học được cách cư xử chân thành đối với từng người mà tôi gặp, bất kể là đối phương có hành lễ lại với tôi hay không, tôi cũng đều làm như vậy. Nguyên nhân vì từ sâu thẳm trong tâm tôi muốn tôn trọng và khiêm nhường kính cẩn với họ.

Khi nước Nhật xảy ra động đất sóng thần, tôi được chứng kiến vợ của Thiên hoàng Nhật, thủ tướng Nhật cung kính hỏi thăm những người dân bị nạn. Khi Trung Quốc xảy ra trận địa chấn tại Đường Sơn, đội cứu trợ của Nhật đã tổ chức buổi lễ tưởng niệm đồng bào Trung Quốc bị thiệt mạng. Chỉ qua những hành động và biểu hiện đó tôi có thể cảm nhận được một cách sâu sắc: Cho dù người nghèo hay người giàu, cho dù ở bất kể địa vị nào, người Nhật đều trân quý sinh mệnh, trân quý tính mạng con người, và đều rất tôn trọng người khác.

Tác giả: Tâm Di
Kiên Định biên dịch

Xem thêm:

 

 

Exit mobile version