Đại Kỷ Nguyên

Tránh được tai họa chết người nhờ tổ tiên từng làm chuyện phúc đức

Có câu: “Tướng tùy tâm sinh, mệnh tùy tâm tạo”, ai đó cũng từng nói: “Làm người sau 30 tuổi phải tự chịu trách nhiệm với khuôn mặt của mình”. Nghĩa là chúng ta làm người, tướng mạo của bản thân tốt xấu ra sao, tất cả đều do tâm tính bản thân tạo thành. Vận mệnh của mình may mắn hay đen đủi, tất cả cũng do tâm mình làm nên.

Khổng Tử trong “Dịch Kinh” cũng từng giảng về “Tích âm đức”. Người hành thiện tích đức ắt sẽ được phúc báo, bản thân nếu như dùng không hết có thể truyền thừa lại cho con cháu đời sau. Ngược lại, người hành ác, tạo nghiệp thì bản thân trả nghiệp chưa xong, con cháu vẫn phải thay thế đền tội. Đây là luật trời xưa nay không hề thay đổi.

Câu chuyện: Ba đời tích đức, con cháu được miễn ôn dịch

Tấn Vân, người thời nhà Minh, vào hôm Nguyên Đán, sáng sớm có việc khởi hành, vừa ra khỏi cửa tự nhiên nhìn thấy một đám quỷ hình thù kỳ dị mới giật mình sợ hãi. Tuy nhiên, đám quỷ này lại không làm hại mình, Tấn Vân thấy vậy hỏi bọn quỷ có việc gì mà tụ tập nơi đây nhiều như vậy? Bọn quỷ mới trả lời: “Chúng tôi là quỷ dịch, mỗi năm đều đến nhân gian truyền bệnh dịch cho con người ở những nơi mang nhiều nghiệp chướng”.

Tấn Vân nghe xong mới hỏi tiếp: “Vậy nhà ta có bị không?”.

Đám quỷ đáp: “Không”.

Tấn Vân: “Tại sao không?”.

Đám quỷ đáp: “Nhà anh tổ tiên tích đức ba đời, gặp chuyện bất bình thì ra tay ngăn chặn, gặp chuyện thiện lương thì tán dương khen ngợi, vậy nên con cháu đương nhiên sẽ được bảo hộ, chúng tôi làm sao dám động vào?”.

Đám quỷ nói xong liền biến mất tăm mất dạng. Năm đó, ôn dịch hoành hành, người dân chịu nạn vô số, duy chỉ có nhà Tấn Vân bình an vô sự.

Năm đó, ôn dịch hoành hành, người dân chịu nạn vô số, duy chỉ có nhà Tấn Vân bình an vô sự… (Ảnh minh họa: baidu.com)

Vậy rốt cuộc tích âm đức là gì?

Nghĩa là chúng ta giúp người, hành thiện, cả quá trình đó đều âm thầm lặng lẽ không nói cho người khác biết, khi làm cũng là làm với một tâm thái vô tư không mong cầu tính toán, làm phúc không cầu đền ơn. Đây được gọi là tích âm đức. Còn nếu như làm được chút việc thiện giúp người nhưng lại đi khoe khoang với người khác, hay có mục đích cầu mong được hưởng lợi sau này, đây không được tính là tích âm đức.

Làm việc thiện một cách chân chính là không để người khác biết, vì người khác mà ra tay tương trợ chứ không phải mong cầu đền đáp hay danh lợi cho bản thân.

Có câu chuyện kể rằng có hai người bạn đi buôn với nhau, một hôm đi ngang qua một con sông bị sóng to đánh lật, hai người chết đuối. Trước lúc sắp chết, một người xưa nay nổi tiếng chuyên làm việc thiện giúp người mới nói với bạn: “Chết rồi tôi chắc chắn sẽ được lên thiên đường vì cả đời tôi đã làm rất nhiều việc thiện, còn anh giàu có nhưng xưa nay tôi chẳng thấy anh giúp đỡ ai bao giờ, chắc anh phải xuống địa ngục chịu tội thôi”. Người bạn kia nghe xong không nói gì.

Sau khi chết, linh hồn của hai người được đưa đến phòng phán xử, xem xét giữa công và tội khi sống của mỗi người ra sao để định đoạt tương lai sẽ về đâu. Tuy nhiên, lúc này điều bất ngờ xảy ra, người bạn xưa nay nổi tiếng là làm việc thiện lại bị đày xuống địa ngục; còn người bạn kia, trước giờ chẳng thấy làm gì giúp người lại được đưa lên thiên đường.

Thấy quá bất bình nên người nổi tiếng làm việc thiện mới kháng cáo, quan chủ phán thấy vậy mới nói: “Nhà người tuy làm nhiều việc thiện nhưng lại hay đi khoe khoang, đây gọi là làm việc thiện để mua danh, còn bạn nhà ngươi xưa nay làm thiện đều không kể công, cầu thưởng”. Nói rồi cho người này xem lại chân tướng. Hóa ra anh bạn của mình, xưa nay luôn làm việc thiện giúp người nhưng không hề nói với ai lời nào. Ví như gặp người khốn khổ, bản thân người nổi tiếng kia chỉ giúp có 10 đồng nhưng lại kể lể khoe khoang, còn anh bạn âm thầm kia lại cho tới tận 50 đồng nhưng đều âm thầm lặng lẽ, thậm chí có những lúc giúp người mà người được giúp cũng chẳng biết là ai đã giúp mình.

Khi kháng cáo, người bạn nổi tiếng làm việc thiện mới biết bản thân mình làm việc thiện mục đích đều là cầu danh cầu lợi. (Ảnh minh họa: pinterest.com)

Kỳ thực, hành thiện cần phải có tấm lòng chân thành, chân thành giúp người mà không kể công, cầu lợi, đó mới là chân chính hành thiện. Tích âm đức cũng giống như người đi gieo hạt, muốn hạt nảy mầm thì phải vùi trong đất, không để lộ bên ngoài thì mới có cơ hội nảy mầm đâm lá.

Cổ ngữ có câu: “Họa, phúc vô môn, duy nhân tự chiêu”, ý tứ là làm người phúc hay họa đều tự mình tìm lấy cả. Vận mệnh của một người may mắn hay không tất cả đều liên quan mật thiết đến hành vi và tâm thái thường ngày của bản thân. Hành thiện tích đức chính là tạo thiện căn, gặt thiện quả, tránh hung tìm cát.

Theo soundofhope.org
Minh Vũ biên dịch

Exit mobile version