Đại Kỷ Nguyên

Trẩy hội Lim, say trong ký ức dòng sông quan họ ngọt ngào

Không hiểu duyên cớ gì, mảnh đất Bắc Ninh lại khéo gửi thương gửi nhớ cho Thương đến vậy…

Làn gió xuân mang theo hơi thở rộn ràng của hội Lim đã thổi đến văn phòng công ty Thương. Mấy hôm nay cả văn phòng xôn xao hẳn lên. Vài chiếc ghế trống lác đác bởi lẽ chủ nhân của chúng đã xin nghỉ ở nhà chơi hội, làm cơm tiếp đãi họ hàng, bè bạn. Mỗi năm đến ngày hội Lim chẳng hiểu người ở đâu ùa về, ùn ùn đông như kiến, tắc nghẽn suốt dọc đoạn đường dài. Suốt dọc chiều dài chừng 1km người người chen nhau, chật cứng như nêm.

Thương cũng háo hức rủ mấy bạn đồng nghiệp trong văn phòng và mấy em bảo vệ trong công ty đi chơi hội. Cô háo hức trong lòng, đến nỗi người ngồi trước máy tính mà tâm hồn lại để ở hội Lim, cứ nhấp nhổm cầu mong cho mau mau hết giờ, để cùng mấy anh chị em kéo nhau đi hội Lim.

Đồng hồ vừa điểm 5 giờ chiều Thương reo lên vui mừng, mọi người trong văn phòng nô nức ra về. Tiếng chuông điện thoại reo liên tục, mọi người hẹn hò nhau diện những bộ cánh thật đẹp vào nhà Thảo ăn hội. Đến nơi đã thấy mẹ Thảo chạy ra mời chào đon đả. Mọi người quây quần bên nồi lẩu tỏa khói nghi ngút, vừa nhâm nhi vừa cười nói rộn ràng.

Thương ở Hà Nội, nhưng vốn trầm tính ít nói và không thích chốn phố xá ồn ào nơi Hà Thành. Thương cũng ngại cảnh mỗi sớm thức giấc, cưỡi trên con “tuấn mã vàng mơ” chen chúc giữa dòng người đông nghịt giữa khói bụi và những tiếng còi thúc giục. Cô thích bầu không khí trong lành, khung cảnh yên bình và những hàng cây trứng cá xanh mướt mát trên những con đường dẫn vào khu công nghiệp nơi đây hơn.

Mùa hè Thương còn được thưởng thức những quả trứng cá bé li ti, béo ngậy, nhưng ngon đáo để. Mọi người thi nhau hái cho vào túi, rồi ngồi tụm lại chia nhau, vừa nhai tóp tép vừa khen lấy khen để. Đặc biệt là con người nơi đây vô cùng thân thiện và hiếu khách. Không hiểu duyên cớ gì mảnh đất này lại khéo gửi thương gửi nhớ cho Thương đến vậy.

Thật vậy người Bắc Ninh vốn trọng chữ tình, người Bắc Ninh vốn trọng giao duyên mảnh đất này rất thân thiện và hiếu khách. (Ảnh minh họa: toursinvietnam.com)

Sau khi cái dạ dày đã được nạp thêm năng lượng, đám nam thanh nữ tú lại kéo nhau ra chơi hội. Ban tối thưa vắng người hơn lúc ban ngày, nhưng vẫn không kém phần đông vui. Mùi cá chỉ vàng thơm phức lại ùa về, khiến Thương nuốt nước bọt đánh ực một cái: “Chà chà, vẫn nhớ cái cảm giác nhấn nhá cá chỉ vàng hồi tóc còn buộc bím hai bên!”.

Mấy bạn anh chị em khoác tay nhau giữa tiết trời lành lạnh, đi dọc theo con đường nhỏ dưới núi Lim. Nào bánh đa kê, nào kẹo bông, nào những chiếc vòng nhựa lung linh sắc màu, nào mấy đồ trang trí bằng đá khá vui mắt. Cả tụi lại kéo nhau vào chụp vài kiểu ảnh Hàn Quốc làm kỷ niệm. Thảo cười tít đã ngồi đung đưa trên chiếc ghế xích đu tự khi nào. Đã hơn hai mươi cái tuổi xuân xanh, nhưng mỗi lần đi chơi hội, cảm giác hạnh phúc thời thơ bé vẫn ùa về trong Thương.

Thương không ngờ trong tà áo của người Quan họ lại chứa đựng nội hàm sâu sắc như vậy

Đám bạn như bị hút hồn bởi những lời ca đong đầy ân tình, không ai bảo ai, mọi người đều vây quanh các lán trại, ngồi lặng im nghe câu ca quan họ. Thảo kéo tay Thương dắt đến bên ao nước phía trước. Thương ngước nhìn thấy hai chiếc thuyền đang trôi lững lờ trên mặt ao. Ánh sáng lấp lánh tỏa ra, khi mờ, khi tỏ, hai chiếc thuyền như đang phiêu dạt chốn bồng lai. Một bên là các liền chị, một bên là các liền anh đang say sưa trao nhau những câu hát tình tứ, kín đáo.

Ánh mắt Thương dán chặt những tà áo sặc sỡ sắc màu của các liền chị duyên dáng, e ấp. Các liền chị trong tà áo mớ ba mớ bảy, đầu chít khăn mỏ quạ, tay cầm nón thúng quai thao mỉm cười chúm chím. Các liền anh thì áo the khăn xếp, tay cầm chiếc ô lục soạn cũng tình tứ không kém.

Thảo vừa trỏ vào các liền anh, liền chị, vừa tự hào khoe về nét đẹp của quê hương mình: “Trang phục của người Quan họ cũng chịu ảnh hưởng của Nho giáo nhiều lắm đấy. Các liền chị Quan họ chít khăn nắn “mỏ quạ” theo hình chữ “Nhân”. Các liền anh thì vẫn khăn xếp nhưng cũng vấn sao cho hai nếp đầu tiên phải tạo thành hình chữ Nhân. Hàm ý là con người cần lấy chữ “Nhân” làm đầu, coi trọng tình người, đề cao nhân nghĩa”. Thương tròn mắt ngạc nhiên: “Ồ, hóa ra là vậy!”.

Thảo xòe lòng bàn tay của mình ra vạch vạch chữ Nhân 人. Ánh mắt cô bé lém lỉnh hỏi Thương: “Cậu nhìn xem chữ này giống hình gì?”. Thương ngơ ngác: “Giống người đang bước đi!”. “Còn giống cái gì nữa không?”. Thương lắc đầu bó tay. “Cậu nhìn xem giống không?” Thảo đưa hai tay chắp trước ngực. “Ồ, tư thế hợp thập. Như đang bái lạy ý nhỉ? Có nghĩa là gì cơ?”.

“Chữ này có hàm nghĩa là con người do các vị Thần sinh ra, chứ không phải do loài khỉ, loài vượn nào hóa thành cả. Vậy nên con người cần phải tôn kính các vị Thần. Mà những bậc chính Thần thì luôn dạy con người làm điều nhân nghĩa để tích đức hưởng phúc và tránh khỏi kiếp nạn do thiên tai nhân họa mang đến”. Thảo thoáng lộ vẻ tự hào về chút am hiểu Hán tự của mình. “Thật là bác đại tinh thâm!”, Thương gật gù.

Chữ Nhân 人 này có hàm nghĩa là con người do các vị Thần sinh ra, chứ không phải do loài khỉ, loài vượn nào hóa thành cả. Vậy nên con người cần phải tôn kính các vị Thần. (Ảnh: youtube.com)

“Cậu có thấy trang phục thời xưa khác với thời nay không?”. “Ừ, ừ, có khác, trông các liền chị dịu dàng, đoan trang, mềm mại và duyên dáng quá. Không cần phải mặc quần áo bó sát để khoe các đường cong hay mặc kiệm vải khoe mông, khoe đùi, khoe ngực như bây giờ nhỉ?”. Thảo lim dim mắt tán thưởng: “Cậu nhận xét tinh tường đấy. Chuẩn mực vẻ đẹp của người xưa coi trọng sự đoan trang, thùy mị, nết na và kín đáo. Đôi lứa tìm hiểu và yêu thương cũng qua tiếng hát câu hò, tâm hồn họ hòa làm một, nên sống chung thủy, vẹn nghĩa vẹn tình”.

Tiếng hát quan họ văng vẳng bên tai, sao lại ngọt ngào, da diết và sâu lắng đến lạ

Thảo mơ màng lắng nghe câu hát, miệng lẩm nhẩm: “Bao giờ cho đến ngày xưa!”. Thương bật cười với cô bạn của mình: “Sao lại vậy? Chẳng phải bây giờ chúng mình đang sống rất sung túc hay sao? Có ti vi, có internet, có máy bay này…”. “Ừ, nhưng cảm thấy người với người không chân thành, lương thiện và tình cảm như xưa. Cậu cứ nghe mà xem. Quan họ không chỉ là nghệ thuật hát, trong đó còn hàm chứa biết bao những nét đẹp văn hóa, đạo đức truyền thống trong cách ứng xử khéo léo, tế nhị, kín đáo của người dân Kinh Bắc. Khi xưng hô với nhau, lúc nào người Quan họ cũng nhận mình làm em để bày tỏ sự khiêm nhường và kính trọng với đối phương”.

Thương nghe loáng thoáng bên tai những lời Thảo nói, chẳng biết tự khi nào Thương đã chìm sâu vào trong từng làn điệu Quan họ da diết. Những lời hát ngọt ngào, trong trẻo, liên tiếp hết làn điệu này tới làn điệu khác, như đang mở ra bức tranh về cuộc sống ấm áp tình người của người dân nơi đây. “Mỗi khi khách đến chơi nhà, Đốt than quạt nước pha trà mời người xơi, Trà này quý lắm người ơi, Mỗi người một chén cho tôi vui lòng…”. Cứ thế Thương như lạc vào một thế giới nhẹ nhàng, tinh tế và đầy ắp yêu thương, thời gian như ngưng lại tại nơi này. Thi thoảng các liền chị môi hồng chúm chím, ánh mắt say sưa, vừa ngân nga câu hát, vừa nhẹ nhàng nâng khay trầu với những miếng trầu têm cánh phượng cầu kỳ mời khán giả.

Các liền chị môi hồng chúm chím, ánh mắt say sưa, vừa ngân nga câu hát, vừa nhẹ nhàng nâng khay trầu với những miếng trầu têm cánh phượng cầu kỳ mời khán giả. (Ảnh: vietnamtourism.com)

Bất chợt tiếng Thảo reo lên hân hoan: “Ô kìa, anh Nam cũng lên hát kìa!”. Thương liếc nhìn bóng anh nhỏ thó, khuôn mặt rám nắng đen nhẻm. Thi thoảng anh cũng đến văn phòng Thương, nhưng lần nào đến anh cũng chỉ ngồi lặng lẽ chờ sếp gọi lên. Anh có vẻ nhút nhát và khá kiệm lời. Anh cất vang câu hát, tiếng vỗ tay vang lên rào rào.

Ồ, hóa ra tình yêu Quan họ có thể khiến những người nhút nhát như anh cũng tự tin và hát nồng nàn, đắm say đến vậy. Khán giả xung quanh như được khích lệ, thi nhau hát đối với các liền anh, liền chị. Dường như không còn khoảng cách giữa những người nghệ sỹ và khán giả. Những người dân trên quê hương Quan họ bỗng chốc hóa thân thành những nghệ sỹ cất lên những làn điệu trữ tình chân chất: “Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng, Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.

Trời dần trở về khuya, các lán trại cũng dần thưa thớt. Câu hát “Người ơi người ở đừng về. Người về em vẫn khóc thầm, đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa…” da diết như muốn níu kéo bước chân người đi. Thương và nhóm bạn tiếc nuối ra về giữa bầu trời đêm thăm thẳm. Ánh đèn đường le lói đứng im phăng phắc như vẫn chưa bừng tỉnh khỏi những làn điệu mềm mại, ngọt ngào.

Tới dự hội Lim, lắng nghe câu hát, câu hò nơi đây Thương mới hiểu vì sao người dân nơi này lại mến khách và thân thiện đến vậy. Cả nhóm bạn vừa khoác tay nhau vừa ngân nga câu hát: “Người về tôi vẫn ngậm ngùi, để thương, để nhớ cho tôi thế này… Người về tôi chẳng dám nài, áo trong người mặc, áo ngoài người để làm tin”. Trong cái khoảng khắc ấy dường như những muộn phiền và lo âu trong cuộc sống đều tan biến vào hư không, chỉ còn lại sự ấm áp và ân tình chan chứa.

Đỗ Quyên

Exit mobile version