“Ngư đầu tham chính” thời Bắc Tống – Lỗ Tông Đạo, vì trong tâm không che giấu lợi ích cá nhân, nói lời thực việc thực mà được trọng dụng.
Lỗ Tông Đạo (tự Quán Chi) có danh hiệu “Ngư đầu tham chính” vào thời Bắc Tống, rất nhiều quan lại quyền quý sợ hãi ông. Khi còn đảm nhiệm chức thái tử dụ đức, ông từng uống rượu trong một tửu điếm, khiến sứ giả do hoàng đế phái đến truyền lệnh triệu kiến phải đợi ở bên ngoài cửa rất lâu, trì hoãn thời gian vào yết kiến hoàng đế, nhưng ông không những không bị trừng phạt, mà còn được trọng dụng làm quan lớn. Rốt cuộc là chuyện gì đã xảy ra?
Lỗ Tông Đạo người Bạc Châu, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, được gửi về nhà ngoại nuôi nấng. Nhiều người cậu của ông là võ tướng, nhưng Lỗ Tông Đạo lại thích đọc sách, học hành phi thường chăm chỉ. Nhờ một bài văn chương viết trong tay áo, ông đã được diện kiến đại thần Thích Luân (từng là xu mật trực học sĩ, tả gián nghị đại phu), Thích Luân rất coi trọng ông. Sau khi Lỗ Tông Đạo thi trúng tiến sĩ, ông được bổ nhiệm làm định viễn úy Hào Châu, sau đó được điều nhiệm làm huyện lệnh Hải Diễm. Có một cổng cảng cổ xưa ở phía đông nam của huyện Hải Diễm có thể dẫn nước biển đến huyện thành, nhưng nó đã bị hư hỏng và bị bồi lấp trong một thời gian dài. Lỗ Tông Đạo kêu gọi những người đàn ông trong làng cùng nhau cải tạo, chuyển nước biển thành công đến thành, vì vậy nó được người dân gọi là “ngạch Lỗ Công”. Sau đó, ông được điều đến Thiệp Châu làm phán quan quân sự, và sau đó được thăng lên chức vị bí thư thừa.
Nói thật làm thật được tin tưởng
Tông Đạo tính tình ngay thẳng, ghét ác như hận, gặp chuyện là nói thẳng không kiêng dè ai, tuyệt đối không cẩu thả hư ngụy. Khi còn làm thái tử dụ đức (phụ trách dạy dỗ đạo đức cho thái tử, khuyên nhủ can gián, giống như một thị vệ bên cạnh), có một lần, ông từng mặc thường phục uống rượu trong một quán rượu gần đó. Chân Tông đột phát gọi vào, sứ giả phải đợi trước cửa quán rất lâu mới thấy Lỗ Tông Đạo từ quán rượu trở về. Sứ giả tiến vào nhà ông, hỏi: “Vì sao Công về muộn như vậy? Hoàng thượng trách phạt ta, ta nên hồi đáp thế nào?”
Tông Đạo đáp: “Chỉ cần nói sự thật”. Sứ giả nói: “Vậy thì e rằng Công sẽ đắc tội”. Tông Đạo nói: “Uống rượu là chuyện thường tình, lừa dối quân vương mới là đại tội của người làm quan”.
Chân Tông quả nhiên đã hỏi về chuyện này, và sứ giả kể lại với hoàng đế những gì Tông Đạo đã nói. Chân Tông trách vấn Tông Đạo, Tông Đạo tạ tội và nói: “Có một người bạn cũ từ quê lên, thần nhà nghèo, không có chén đĩa bày tiệc, nên đã mời ông ấy vào quán rượu uống rượu”.
Khi hoàng đế Chân Tông nghe câu trả lời của Tông Đạo, cảm thấy rằng ông ấy là người trung thực khả tín, có thể được trọng dụng, từng nói về vấn đề này với hoàng hậu Chương Hiến trong hậu cung. Sau này, thái hậu Chương Hiến khi lâm triều chủ trì triều chính đã đề bạt Lỗ Tông Đạo, phong ông làm “tham chính”.
Ngư đầu tham chính
Tống Nhân Tông lên ngôi khi còn trẻ, thái hậu Chương Hiến chủ trì triều chính, bà hỏi Tông Đạo rằng ông bình phẩm thế nào về việc hoàng hậu Võ Tắc Thiên của nhà Đường xưng đế. Tông Đạo trả lời: “Đường Võ Hậu là tội nhân của triều Đường, suýt chút nữa nguy hại đến xã tắc quốc gia”. Thái hậu trầm mặc tại chỗ. Sau đó, cận thần Trình Lâm đã trình lên bức tranh “Võ hậu lâm triều”, thái hậu Chương Hiến ném nó xuống đất ngay tại chỗ và nói: “Ta sẽ không làm loại việc xúc phạm tổ tông”.
Có một viên quan nhỏ tên Phương Trọng Cung viết thư, rằng chiểu theo lệ cũ của Đường Võ Hậu, thỉnh hãy xây dựng bảy ngôi miếu tổ tông Lưu thị cho thái hậu Chương Hiến. Thái hậu hướng triều thần hỏi ý kiến, mọi người đều không ai dám trả lời căn cứ theo lễ chế chính thống, khi đó chỉ có Tông Đạo dám nói không, ông nói: “Nếu lập bảy ngôi miếu tổ của Lưu thị, còn địa vị của quốc vương kế vị thì nên thế nào?”
Bảy ngôi miếu tổ là nơi các hoàng đế Trung Quốc thờ cúng tổ tiên của họ. Theo “Lễ ký ‧ Vương chế” quy định, thiên hạ chỉ có thiên tử mới có thể truy tế bảy thế tổ và lập bảy ngôi đền. Còn cấp bậc chư hầu lập năm ngôi miếu, đại phu chỉ có thể vì tam đại tổ tiên xây ba ngôi miếu. Bảy ngôi đền của thiên tử phù hợp với lễ chế chính thống cổ kim. Vì vậy, sách “Thượng thư” nói “Thất đại chi miếu, khả dĩ quan đức”. Ngoài thể hệ thiên tử mà lập bảy miếu thờ tổ tiên là một việc làm vượt quyền hạn không theo lễ chế.
Một lần khác, thái hậu Chương Hiến muốn cùng hoàng đế Nhân Tông đến chùa Từ Hiếu, cỗ xe của thái hậu sẽ đi trước, theo sau là cỗ xe của hoàng đế. Tông Đạo nói: “Phu tử tòng tử, đây mới là đạo của nữ nhân”. Thái hậu lập tức thay đổi mệnh lệnh, để cỗ xe Đại An của bà đi theo sau xe của hoàng đế.
Khi đó, cơ mật sứ Tào ỷ quyền kiêu ngạo, hoành hành bá đạo, tác oai tác quái. Lỗ Tông Đạo nhiều lần mắng mỏ ông ta trước mặt hoàng đế. Vì Tông Đạo không khoan nhượng với những kẻ quyền thế, nên mọi người từ quý tộc trong triều đến các trọng thần chấp chính đều sợ ông, coi ông như “Ngư đầu tham chính” (ngư đầu là đầu con cá). Chính vì Tông Đạo họ “Lỗ” 魯, trong chữ Lỗ có chữ “ngư” 魚 trên đầu, vì ông tính tình cực kỳ ngay thẳng, trực ngôn tiến gián, như một chiếc xương đầu cá khiến người ta bị hóc xương, nên mới có biệt danh là “đầu cá tham chính”.
Trong nhiệm kỳ bảy năm của Lỗ Tông Đạo trong chính phủ, ông đã nỗ lực ức chế những kẻ cơ hội mưu đồ tiến vị, bản thân ông không bao giờ vị tư. Khi ông lâm bệnh nặng, hoàng đế Nhân Tông đến thăm và ban tặng ông ba nghìn lượng bạch kim. Sau khi Tông Đạo qua đời, thái hậu Chương Hiến đã đích thân đến tế cúng, truy tặng ông tôn hiệu Binh bộ thượng thư.
Mọi người đã thảo luận về việc phong tước hiệu cho ông, có người đề nghị phong tước “Cương giản”, sau này được đổi thành “Túc giản”. Tuy nhiên, một số người cho rằng chữ “Cương” có thể phản ánh chân thực hơn phẩm đức của ông. “Tống sử” nhận xét: Khi thái hậu Chương Hiến lâm triều xưng chế, hầu hết các đại thần trong triều đều phục tùng thế cục, chỉ có Lỗ Tông Đạo, Tiết Khuê và Thái Tề kiên trì chính đạo, lễ nghĩa, hết sức độc lập, không sợ bị người khác cản trở, không bị người khác làm dao động. Tông Đạo có thể lên tiếng ngăn chặn đề xuất xây dựng bảy ngôi miếu thờ Lưu thị chính là biểu hiện của việc phục vụ quân chủ theo đường chính đạo!
Phong cách nói lời thực việc thực đã mở ra cánh cửa “ngư đầu tham chính” của Lỗ Tông Đạo, nhận được sự đánh giá cao và tin tưởng của hoàng đế và thái hậu. Tài năng của ông đã có thể được tận dụng triệt để để phụng hiến xã tắc, tạo phúc cho nhân dân.
(Nguồn: “Tống sử‧ Liệt truyện 45”, “Tống sử – Liệt truyện 1: Hoàng hậu và Phi tần”)
- Trọn bộ Nhân sinh cổ đạo
Theo Epoch Times
Hương Thảo biên dịch