Đại Kỷ Nguyên

Trí huệ của Khổng Tử qua 3 điển tích

Khổng Tử suy đoán: Lửa cháy miếu Ly Vương

Trong lúc Khổng Tử và Tề Cảnh Công đang nói chuyện với nhau thì hai vị quan tả và hữu Thị thần đến tâu với Cảnh Công: “Chu Thiên tử phái Sứ giả đến tuyên bố: Tông miếu của nhà Chu bị cháy”.

Cảnh Công hỏi: “Là miếu nào?”

Khổng Tử nói xen vào: “Tôi đoán là miếu Ly Vương”.

Cảnh Công hỏi: “Tại sao ngài lại đoán là miếu Ly Vương?”

Khổng Tử nói: “Trong «Kinh thi» có ghi: ‘Ông Trời luôn công bằng, chắc chắn sẽ phù hộ người quân tử có đức hạnh’. Cũng tương tự như vậy, kẻ thất đức sẽ bị trừng phạt. Ly Vương phế bỏ chế độ của Văn Vương, Võ Vương, xây cung điện rộng lớn, đắm chìm vui chơi hưởng lạc, xa xỉ lãng phí. Vì thế mà ông trời giáng họa, nhất định cháy là miếu thờ của Ly Vương”.

Cảnh Công hỏi: “Vậy tại sao ông trời không trừng phạt bản thân ông ta ngay lúc đó? Tại sao để lâu như thế mới giáng họa tông miếu của ông ta (miếu Ly Vương)?”

Khổng Tử nói: “Chính là nguyên do từ Văn Vương. Nếu trực tiếp trừng phạt Ly Vương ngay khi đó, Văn Vương mất hậu duệ thì sao? Việc giáng họa tông miếu này để tỏ rõ là Ly Vương đã mắc sai lầm.”

Một lúc sau, tả hữu Thị thần lại đến tấu: “Là lửa cháy miếu Chu Ly Vương”.

Cảnh Công thất kinh vội vàng đứng lên làm lễ trước Khổng Tử: “Trí tuệ của thánh nhân thật quá kỳ diệu!”

Thuốc tốt khó uống

Khổng Tử nói: “Thuốc có thể trị được bệnh, thường là khó uống; những lời can gián chân thành thường nghe khó lọt tai. Thương Thang và Võ Vương thích nghe lời thẳng thắn chân thành, vì thế mà quốc gia hưng thịnh; Hạ Kiệt và Thương Trụ thích nghe lời ngon ngọt nên thân tan nước mất”.

“Quân vương mà không có bề tôi can gián, cha mà không có con can gián, anh mà không có em can gián, đa số mọi người mà không có bạn hiền can gián, sẽ ngày càng phạm nhiều sai lầm. Vì thế mà nói, những gì quân vương không có, có thể tìm ở thần tử; cha không có, có thể tìm ở con; anh không có, có thể tìm ở em; bản thân mình không có, có thể tìm ở bạn hữu. Như thế thì quốc gia không suy vong, gia đình không tan vỡ, giữa cha con, anh em, bạn hữu không dễ mắc sai lầm”.

Khổng Tử rời nước Tề

Trong một lần Khổng Tử đàm đạo cùng Tề Cảnh Công, Tề Cảnh Công cao hứng muốn dùng tiền thuế thu được của vùng Lẫm Khâu ban thưởng cho Khổng Tử, nhưng Khổng Tử từ chối không nhận.

Khổng Tử nói với các học trò: “Ta nghe nói: Người quân tử chỉ khi lập được công lao mới nhận thưởng. Hôm nay ta cùng Tề Cảnh Công nói chuyện, ta nói nhưng Cảnh Công việc gì cũng chần chừ chưa làm, lại còn muốn thưởng cho ta tiền thuế thu được từ vùng Lẫm Khâu. Thật đúng là không hiểu gì về thái độ làm người của ta.”

(Ảnh: internet)

Thế là Khổng Tử rời bỏ nước Tề ra đi.

Lời bàn thêm:

Đây là lý giải về nguyên nhân Khổng Tử rời nước Tề được thuật lại trong «Khổng Tử gia ngữ». Nhưng có vẻ câu chuyện quá đơn giản, không giống cách làm thông thường của Khổng Tử. Chiếu theo «Sử ký» của Tư Mã Thiên, câu chuyện không đơn giản như thế. Nguyên nhân là có quan đại phu nước Tề gây bất lợi cho Khổng Tử.

Sau đó Tề Cảnh Công tuyên bố: “Ta tuổi đã cao, không còn hơi sức để có thể mạnh mẽ thực thi cải cách theo ý của ngài.”

Khổng Tử trả lời: “Người và chim thú không thể sống chung với nhau, nếu thiên hạ có đạo, tôi cũng không cần phải cải cách”.

Theo Cát Quang Vũ (吉光羽) Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version