“Nỗ lực”, “đấu tranh” và “tiến bộ” dường như là những nhân tố không thể thiếu đối với người thành công, đồng thời chúng cũng là động lực chính của sự phát triển xã hội và nhân loại. Nhưng lại có một số người, vào thời khắc then chốt trong cuộc đời của họ, lại chọn “thoái bước” vì để lưu lại mỹ danh. Tại sao lại như vậy? Chúng ta hãy cùng nhìn lại những nhân vật lịch sử biết “thoái”, dũng “thoái” và rất giỏi “thoái” khi họ đang trên đỉnh cao.

Phạm Lãi ba lần dời chuyển

Lý Bạch viết bài thơ: 

Việt Vương Câu Tiễn phá Ngô quy
Nghĩa sĩ hoàn hương tận cẩm y

Câu chuyện Câu Tiễn nếm mật nằm gai chờ đợi cơ hội đánh Ngô có lẽ không ai không biết, nhưng là một mưu thần trọng yếu nhất bên cạnh Câu Tiễn, Phạm Lãi sau thất bại ở Hội Kê, ông và Việt Vương Câu Tiễn cùng nhau phụng sự Ngô Vương, bí mật mưu hoạch kế phục hưng nước Việt, cuối cùng tiêu diệt nước Ngô hơn 20 năm sau.

Sau đó, quân đội nước Việt bắc tiến vượt sông Hoài Hà, cùng các nước chư hầu là Tề, Tấn họp ở Từ Châu, nộp cống cho nhà Chu, nước Việt nghênh đón thời kỳ đỉnh thịnh. Chu thiên tử cho Câu Tiễn làm bá chủ ở phía đông sông Giang, sông Hoài.

Tuy nhiên Phạm Lãi, với tư cách là thượng tướng quân, khi đang ở thời kỳ đỉnh cao của cuộc đời, ông lại chọn lặng lẽ rời bỏ Việt Vương, lênh đênh ngũ hồ. 

Sau khi rời đi, ông không quên viết thư thuyết phục người bạn cũ Văn Trọng: “Thỏ khôn chết, chó săn bị làm thịt; chim bay cao hết, cung tốt bị vứt bỏ; nước địch phá xong, mưu thần bị giết. Việt Vương có tướng diện mỏ chim cổ dài, chỉ có thể cùng chung hoạn nạn, không thể cùng chung hưởng lạc, bạn vì sao còn không rời đi?” 

Đáng tiếc, Văn Trọng không thể hoàn toàn buông bỏ vinh hoa phú quý của bản thân, chỉ cáo bệnh không lên triều, bỏ lỡ cơ hội tốt nhất để toàn thân nhi thoái. Sau này, có người vu khống Văn Trọng chuẩn bị làm loạn, Việt Vương ban ngay cho Văn Trọng một thanh kiếm, yêu cầu ông tự sát. Thật đáng buồn khi một vị đại thần từng giúp đỡ Việt Vương xưng bá lại phải tự sát theo cách này. (Theo “Sử ký”)

Sau khi Phạm Lãi đến nước Tề, ông cải tên đổi họ, tự xưng là Si Di Tử Bì, ông đưa người nhà đến bên bờ biển canh tác, quản lý sản nghiệp. Sau vài năm, ông đã tích lũy được tài sản hàng chục vạn.

Ngay sau đó, Phạm Lãi nhờ hiền năng của mình mà trở thành tể tướng nước Tề, nhưng ông lại thở dài: “Ở nhà có thể tích lũy tài sản ngàn lượng, làm quan đạt đến vị trí cao khanh tướng, đây là địa vị tối cao mà bình dân bách tính có thể đạt được. Nhưng danh hiệu tôn quý hưởng thụ lâu dài không phải là điều cát tường.” Thế là ông trả lại tương ấn, tẩu tán gia tài, rồi lại lần nữa rời đi.

Sau đó, Phạm Lễ đến đất Đào. Ông tin rằng nơi này là trung tâm của thiên hạ, thuận lợi cho kinh thương. Lần này ông đổi tên thành Đào Chu Công, bắt đầu khởi nghiệp từ con số không. Chẳng bao lâu, ông lại một lần nữa kiếm được tài phú khổng lồ.

Phạm Lãi minh bạch lý được mất, khi thịnh ắt nghĩ đến lúc suy, khi tiến ắt nghĩ đến lúc thoái, khi đã chí đắc mãn ý, ông vẫn có thể nhìn thấy nguy cơ tiềm tại. Không chỉ như vậy, ông coi nhẹ danh lợi như chẳng là gì, vì có thể bảo toàn bản thân mà thoái, ba lần đều thoái khi đang trong vinh quang, điều này tuyệt đối vượt qua tầm của người thường.

Trương Lương công thành thân thoái

Nhắc tới nhà Hán, chắc chắn không thể không nhắc tới tam kiệt thời kỳ đầu nhà Hán, và trong số họ, sự tích Trương Lương càng có sắc thái huyền thoại hơn. Trương Lương tổ thượng làm tể tướng cho Hàn Vương. Sau khi Tần diệt Hàn, Trương Lương dùng hết gia tài để chiêu mộ dũng sĩ, thích sát Tần Thủy Hoàng tại dốc Bác Vọng khiến thiên hạ chấn động.

Sau khi vụ thích sát thất bại, Trương Lương cải tên đổi họ, trốn ở Hạ Bi, lại gặp lão nhân Hoàng Thạch truyền thụ cho binh pháp, ông đã nghiên cứu cả ngày lẫn đêm, cuối cùng có thể kiềm chế bản thân, tùy cơ ứng biến. Đến thời thiên hạ đại loạn, Trương Lương đã phò tá Lưu Bang bình định thiên hạ, kiến lập nên triều nhà Hán.

Trong số đó, những câu chuyện như “Minh tu sạn đạo, ám độ Trần Thương” (là kế dương đông kích tây mà Hàn Tín đã dùng để qua mặt Hạng Vũ, “Tiệc Hồng Môn cứu Lưu Bang”, “ngàn dặm Kim Thành”, “Trọng thưởng Ung Xỉ” v.v. được mọi người biết đến. Lưu Bang cũng khen ngợi Trương Lương về điều này và nói: “Trong khi ngài vận trù kế sách, quyết thắng ngoài ngàn dặm, ta không bằng Tử Phòng.”  

Trương Lương tuy có địa vị cao như vậy, nhưng ông không hề để tâm đến điều đó. Ông từng nói với Lưu Bang: “Nhà tôi đời này qua đời khác làm tướng nhà Hàn, đến khi nước Hàn diệt vong, không tiếc gia tài vạn vàng, thay nước Hàn báo thù nước Tần hùng mạnh, thiên hạ chấn động. Như nay nhờ vào ba tấc lưỡi làm thầy của đế vương, được phong ấp vạn hộ, địa vị như liệt hầu, điều này đối với bình dân mà nói đã là chí cao vô thượng rồi, tôi đã vô cùng mãn ý rồi. Tôi nguyện ý vứt sự tình thế gian, đi theo thần tiên Xích Tùng Tử.”

Sau này, Trương Lương thuyết phục Lưu Bang định đô tại Quan Trung. Sau khi Lưu Bang nhập quan, Trương Lương không ăn không uống, tịch cốc tu luyện, đóng cửa không ra ngoài. 

Sau khi Lưu Bang qua đời, Lã hậu cảm kích Trương Lương vì đã giữ được ngai vàng cho thái tử. Bà không hiểu tại sao Trương Lương lại muốn tịch cốc, nên đã cố gắng hết sức thuyết phục Trương Lương ăn. Tám năm sau, Trương Lương qua đời, được phong thụy là Văn Thành Hầu.

Sau khi Trương Lương qua đời, ông được táng tại Long Thủ Nguyên. Trong thời loạn Xích Mi, có người đã quật mộ của ông lên, khi mở quan tài ra, chỉ nhìn thấy một chiếc gối đá vàng giống như sao băng bay lên trời. Tuy nhiên, trong mộ không có thi thể của Trương Lương, chỉ có một cuốn tố thư và vài chương binh lược. Theo “Thái Bình quảng ký”, Trương Lương tu Đạo thành tiên, trở thành đồng tử Thái Huyền bên cạnh Thái Thượng Lão Quân.

Trương Lương sớm đã ngộ được lý thăng trầm, biết quy tắc đủ thì dừng, thực hành thiên đạo “công thành danh toại thân thoái”, cuối cùng tu luyện thành tiên, được hậu thế ngưỡng vọng.

Chu Tam Úy treo mũ quan mà đi

“Tráng chí cơ xan Hồ Lỗ nhục, tiếu đàm khát ẩm Hung Nô huyết.” Có lẽ Nhạc Phi không thể ngờ rằng, không thể “trực đảo hoàng long” đã trở thành một niềm tiếc nuối chung của những nam nhi nhiệt huyết. Và có lẽ kẻ thủ phạm Tần Cối cũng không thể ngờ rằng, bản thân hắn cho đến nay vẫn phải quỳ gối trong miếu Nhạc Phi để chuộc tội.

Nhưng vào thời khắc lịch sử đó, đối mặt với quyền thế của Tần Cối, có bao nhiêu người có thể đưa ra lựa chọn đúng đắn? Vào tháng 10 năm Thiệu Hưng thứ 11 (năm 1141 sau Công Nguyên), gian thần Tần Cối đã tống Nhạc Phi vào ngục, ra lệnh cho quan ngự sử trung thừa Hà Chú và đại lý khanh Chu Tam Úy thẩm tra. Sau khi nghe Nhạc Phi tự bào chữa, Chu Tam Úy phát hiện Nhạc Phi căn bản không hề có tâm mưu phản, trái lại là một anh hùng chân chính. Cả hai đều không thể hãm hại một người trung lương, quyết không làm theo yêu cầu của Tần Cối chế bằng chứng giả để quy tội Nhạc Phi mưu phản. Mặc dù phải chịu áp lực quyền thế cực lớn, nhưng cuối cùng Chu Tam Úy vẫn chọn không đồng lưu ô hợp với Tần Cối, mà từ bỏ quan chức, treo mũ quan mà đi.

Bạn biết đấy, một thư sinh phải học tập chăm chỉ hơn 10 năm để đạt được công thành danh toại, nếu từ quan, thì không chỉ sinh kế của cả gia đình sẽ đối mặt với khó khăn, mà rất có khả năng còn bị Tần Cối gán cho là đồng đảng của Nhạc Phi, và cùng bị bức hại. Trong tình huống đương thời, sự lựa chọn của Chu Tam Úy chắc chắn cần tới dũng khí lớn lao. Vì vậy, sau khi ông qua đời, người ta đã xây dựng “Trung Ẩn am” để kỷ niệm ông, trải qua hàng nghìn năm, người ta vẫn ca tụng câu chuyện của ông.

Kết luận

“Tiến” đòi hỏi nghị lực bền bỉ và kiên trì, trong khi “Thoái” đòi hỏi trí tuệ và dũng khí cực đại, nếu bạn có thể minh bạch đạo tiến thoái, hành trình của nhân sinh sẽ có đường có lối, trong mưa gió sẽ không đánh mất phương hướng, thậm chí có thể giúp người tránh khỏi những nguy cơ tiềm phục. Đặc biệt trong thời đại đặc thù này, sự lựa chọn “thoái” càng đặc biệt quan trọng. 

Bạn đọc có câu chuyện nào liên quan đến “thoái”, xin hãy chia sẻ nhé.

Theo Chính Kiến,
Hương Thảo biên dịch