Từ trong thần thoại bước ra một kỳ tích thiên cổ, công trình thủy lợi hơn 2.000 năm trước đã tạo ra một vùng đất trù phú, triển hiện cảnh giới chí cao của Thiên nhân hợp nhất.
Khi nói đến các công trình thủy lợi, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là một con đập nhân tạo cắt ngang dòng sông và trữ nước nhân tạo; hoặc xây kênh, đào mương dài, dẫn nguồn nước đi đến những nơi khác, hoặc nối liền hai con sông. Nhưng Đô Giang Yển, nó và tự nhiên hợp thành nhất thể, bảo trì đơn giản, không gây bất cứ sự phá hại môi trường nào, mà sử dụng trường kỳ, mãi cho đến ngày nay và còn có thể sử dụng mãi mãi.
Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!
Công nghệ của thời tiền Tần tựa hồ như ở cuối có sự đứt đoạn, bất luận là chim gỗ bay được do Lỗ Ban làm, thanh bảo kiếm có linh tính của Âu Dã Tử cắt sắt như bùn, hay những binh mã đất nung khiến người ta kinh ngạc của Tần Thủy Hoàng trong lăng Tần thần bí mà đến nay vẫn không cách nào nhìn thấu toàn diện mạo, đều dường như cho thấy nền văn minh của nhân loại thời kỳ đó so với nhân loại ngày nay không chút thua kém, thậm chí còn cao hơn. Hôm nay, chúng ta nói về một công trình “kỹ thuật cao” đáng kinh ngạc ở nước Tần – kỳ tích thủy lợi Đô Giang Yển.
Chúng ta trước hết hãy xem một truyền thuyết đô thị: Người ta kể rằng vào năm 1940, máy bay quân sự của quân xâm lược Nhật Bản đã lượn vòng qua sông Mân Giang ở Tứ Xuyên. Họ chấp hành một nhiệm vụ bí mật: làm nổ tung công trình thủy lợi Đô Giang Yển trong truyền thuyết. Sở dĩ quân đội quốc gia của Tưởng Giới Thạch có thể kiên thủ ở hậu phương phía Tây Nam đều là vì chỗ đó có một bình nguyên lớn, đất đai phì nhiêu, sản vật trù phú. Bình nguyên lớn toàn bộ được tưới bởi công trình thủy lợi Đô Giang Yển, mà căn cứ theo truyền thuyết, nó đã được xây dựng từ hơn hai ngàn năm trước, nghe nói chính là nhờ công trình Đô Giang Yển này, mới khiến cho bình nguyên Tứ Xuyên nước lên nước xuống theo ý người, không biết đến mất mùa, không năm nào đói kém. Nếu làm cho nó nổ tung, chẳng phải chính phủ Quốc dân đảng sẽ đầu hàng sao? Nhưng quân Nhật quay đi quay lại, cúi nhìn xuống dưới đều chỉ thấy mênh mông sông nước tuôn chảy, đập lớn nằm ở chỗ nào? Đô Giang Yển thần bí ở chỗ nào đây? Cuối cùng quân Nhật vô công rút về.
Tất nhiên, đây chỉ là truyền thuyết, nhưng từ đây mọi người có thể đã hiểu rằng Đô Giang Yển là kỳ tích thủy lợi thế nào. Bởi vì khi nói đến các công trình thủy lợi, điều đầu tiên người ta nghĩ đến là một con đập nhân tạo cắt ngang dòng sông và trữ nước nhân tạo; hoặc xây kênh, đào mương dài, dẫn nguồn nước đi đến những nơi khác, hoặc nối liền hai con sông. Nhưng Đô Giang Yển, nó và tự nhiên hợp thành nhất thể, bảo trì đơn giản, không gây bất cứ sự phá hại môi trường nào, mà sử dụng trường kỳ, mãi cho đến ngày nay và còn có thể sử dụng mãi mãi. Ngày nay, diện tích được tưới của công trình thủy lợi Đô Giang Yển đã lên tới hàng chục triệu mẫu Anh, đồng thời cung cấp nước sinh hoạt và nước công nghiệp cho hàng chục triệu người ở Thành Đô và các vùng lân cận.
Vậy Đô Giang Yển rốt cuộc có những thiết kế thần kỳ gì? Chúng ta hãy nói chuyện về nó.
Mở núi dẫn nước
Đồng bằng Thành Đô là bình nguyên lớn nhất ở khu vực miền núi phía tây nam Trung Quốc, có diện tích 18.800 km vuông. Nơi đây có khí hậu cận nhiệt đới, thổ nhưỡng phì nhiêu, là nơi thích hợp để trồng lương thực. Trước khi Đô Giang Yển được kiến thành, nước xuất phát từ Tây Tạng từ trên núi chảy xuống đã bị chặn lại bởi núi Ngọc Lũy ở phía tây đồng bằng Thành Đô và chảy hết vào sông Mân Giang ở bên ngoài. Mặc dù núi Ngọc Lũy đã ngăn không cho lũ tràn vào đồng bằng Thành Đô và biến nơi đây thành biển nước bao la, nhưng nó đã chặn dòng chảy về phía bắc vào đồng bằng Thành Đô, khiến những nơi này không có nước. Còn phần phía nam của đồng bằng Thành Đô thì sao? Khi nước sông Mân Giang chỉ hơi lớn một chút, nó liền gây ngập lụt. Làm thế nào đây? Cổ nhân nghĩ đến, tại địa điểm núi Ngọc Lũy mà khai sơn dẫn thủy, dẫn một phần nước của sông Mân Giang hướng về phía đông, vừa đảm bảo phía bắc có nước tưới tiêu, còn phía nam thì nhờ phân phối một phần nước cho phía bắc mà không còn bị ngập lụt.
Phương pháp này quả là cao siêu, nhưng ở đây có vấn đề, núi Ngọc Lũy vô cùng kiên ngạnh, không phải nghĩ muốn mở núi liền có thể mở được. Tuy nhiên, điều này đã không làm nản lòng Lý Băng, nhà thiết kế và chuyên gia công trình thủy lợi của nước Tần thời chiến quốc.
Vậy Lý Băng đã xẻ núi Ngọc Lũy như thế nào? Người ta nói rằng khi bắt đầu xẻ núi, dụng cụ sắt để xẻ núi đã bị bẻ cong ngay khi nó bổ xuống, điều này khiến Lý Băng phải đau đầu. Sau đó, một người thợ đá đã nảy ra một sáng kiến hay: đầu tiên hãy cắt một số đường rãnh trên đá, sau đó lấp các đường rãnh và kẽ hở tự nhiên trên đá bằng ván cây và cỏ khô, rồi đốt chúng lên, làm cho đá thật nóng, rồi tưới nước lạnh lên đó, khiến đá tự nứt vỡ ra, cách này giúp tiết kiệm nhiều công sức khi xẻ núi. Lý Bằng quyết định theo phương pháp này, yêu cầu mọi người làm theo. Ngọn núi Ngọc Lũy khổng lồ cuối cùng cũng bị xẻ ra một con đèo, rộng khoảng 20 mét, được gọi là cửa Bảo Bình. Ở phía bên phải là một đống đá rơi xuống từ núi Ngọc Lũy, đó là Li Đôi nổi tiếng. Sau đó, Lý Băng ra lệnh cho người đào một con sông dẫn nước rộng 20 mét, sâu 40 mét và dài 80 mét để chuyển dòng nước từ sông Mân Giang.
Sau khi núi được mở ra, nhiệm vụ tiếp theo là phân thủy và bài sa.
Hai dòng “nhị bát bài sa”
Trị thủy trước hết phải trị cát, vì nếu bùn cát phù sa do quá trình lắng đọng của sông không được tiêu thoát hết, thì sau hàng chục năm lắng đọng, phù sa sẽ lại bít chết miệng kênh.
Làm thế nào? Cổ nhân sớm đã rất khôn ngoan khi nhận ra rằng nước và cát có những phẩm chất khác nhau, vì vậy khi chúng chảy qua những đường cong thì chúng phân chia khác nhau. Tại khúc cong của sông, 20% lượng phù sa sẽ theo theo dòng chảy mà đi ra ngoài (như được hiển thị bằng mũi tên màu xanh lam trong hình), ở đây được gọi là sông Nội, và 80% lượng phù sa sẽ theo dòng chảy mà đi vào trong (như mũi tên màu cam trong hình), ở đây được gọi là sông Ngoại, toàn bộ nguyên lý này được gọi là “nhị bát bài sa”. Kết quả là, tuyệt đại bộ phận lượng phù sa do nước mang xuống sau khi đi qua khúc cong sẽ trôi vào sông Mân Giang. Dù vậy, 20% phù sa là quá nhiều, và sẽ nhanh chóng bít chặt cửa Bảo Bình.
Vậy làm cách nào đây? Lý Băng đã phát huy công lực của một nhà thiết kế thiên tài. Hãy nhìn vào hình bên phải, Lý Băng đã khéo léo kiến tạo thêm một đảo nhỏ ở trung tâm dòng sông, gọi là kè Kim Cương, phía trước của kè Kim Cương được gọi là Ngư Chủy (miệng cá), cách này sẽ tạo thêm một đường cong nhân tạo nữa. Theo nguyên lý phù sa nhị bát phân qua đường cong, 20% phù sa vào sông Nội lại có thêm 80% chảy vào sông Mân Giang, phần phù sa còn lại chảy vào sông nối tiếp chỉ còn 20% x 20% = khoảng 4%, nhân công có thể dễ dàng xử lý. Điều này thật tuyệt vời phải không?
Nhưng với cách này, nước chảy vào cửa Bảo Bình không phải còn quá ít sao? Lý Băng cũng đã xây dựng một tiểu đảo gọi là Kè Xương Cá, và thiết kế một bờ kè thấp ở giữa gọi là Phi Sa Yển. Thiết kế của Phi Sa Yển này thực sự rất tuyệt vời, nó có thể trữ nước và xả cát.
Làm thế nào có thể xả cát? Khi lượng nước lớn, nước và phù sa sẽ chảy qua Phi Sa Yển vào sông Mân Giang, khi lượng nước nhỏ, phù sa sẽ lọt vào Phi Sa Yển, còn có một bộ phận phù sa sẽ quay quanh Phi Sa Yển và cửa Bảo Bình, cuối cùng sẽ lọt vào Phi Sa Yển, không tụ lại ở cửa Bảo Bình và sông nối tiếp.
Tứ lục phân thủy
Sau khi nói về nhị bát bài sa, chúng ta hãy nói về phân thủy (chia nước). Chia nước như thế nào mới có thể đạt được lượng nước thích hợp? Tại đây, Lý Băng đã có một ý tưởng hay, ông đã khảo sát địa thế của nơi này, cao ở phía tây và thấp ở phía đông, ông lợi dụng điều kiện này để thiết kế “tứ lục phân thủy”. Kè Kim Cương, Phi Sa Yển và kè Xương Cá vừa được đề cập lại trở nên hữu ích. Đầu tiên chúng ta hãy xem hình ảnh mặt cắt của phần miệng cá ở đầu trước của kè Kim Cương.
Đáy sông Nội thấp hơn sông Ngoại, vào mùa khô đông xuân, mực nước sông Mân Giang tương đối thấp, kè phân thủy cho phép khoảng 40% lượng nước sông chảy vào sông Ngoại, trong khi 60% lượng nước sông chảy vào sông Nội, tiến vào cửa Bảo Bình, đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu cho khu vực. Vào mùa lũ hè và thu, mực nước sông Mân Giang tương đối cao, kè phân thủy cho phép 60% lượng nước sông chảy vào sông Ngoại, và 40% lượng nước sông vào cửa Bảo Bình, để đảm bảo không xảy ra lũ lụt.
Đối với Phi Sa Yển, nó đảm bảo rằng khi nước thấp, nó sẽ hoạt động như một con đập để chặn nước sông, cho phép nước chảy vào sông Nội; và khi nước lớn, dòng nước có thể vượt qua Phi Sa Yển, chảy ra sông Ngoại.
Đối với một công trình cao minh như vậy, sổ tay bảo trì của nó lại khá đơn giản và dễ hiểu, chỉ với sáu từ: thâm đào than đê tố yển.
Hàng năm vào mùa khô không làm ruộng, người dân đào phù sa tích tụ ở cửa Bảo Bình, phù sa đào ra thì làm sao? Nó có thể được chất đống đắp lên Phi Sa Yển, vì nước sông xói mòn sẽ khiến Phi Sa Yển mất một phần cát sỏi, chỉ cần lấp đầy cát sỏi đã đào lên, nhưng đừng chất đống quá cao, cần thấp hơn kè Kim Cương và kè Xương Cá là được. Nó được gọi là “tuế tu”. Nếu gặp phải thời kỳ chiến loạn, nó có thể duy trì được hơn mười năm mà không cần tu bổ. Ngoài ra, Đô Giang Yển sẽ không ảnh hưởng đến luồng tàu vãng lai, và hàng hóa luôn có thể được thông hành vận chuyển tự do. Hơn nữa, mỗi năm vào thời kỳ vận hành xuân hạ không cần quản lý hàng vận, giống như được giám sát và điều khiển bằng hệ thống điện tử hiện đại. Thiết kế tinh xảo và trình độ trí huệ của nó có thể nói là như Thần.
Lý Băng thành Thần?
Đô Giang Yển đã khiến đất Thục không biết đến hạn hán và lũ lụt, nổi tiếng với lời khen là “Thiên Phù”, trở thành vựa lương thực của nước Tần, là chỗ dựa vững chắc cho sự phát triển và lớn mạnh không ngừng của nước Tần, kiên cường hậu thuẫn Tần Thủy Hoàng cuối cùng thống nhất thiên hạ. Ai là người kiến tạo ra một thiết kế tuyệt vời như vậy? Mọi người muốn hỏi, vừa đề cập chẳng phải là Lý Băng sao?
Nói không sai, nhưng quý vị có biết không? Trong lịch sử, không có ghi chép chính xác về tên họ “Lý” của nhà thiết kế của Đô Giang Yển. “Sử ký” lần đầu tiên ghi lại việc xây dựng Đô Giang Yển, chỉ nói rằng “Thái thú Thục địa Băng đào kênh dẫn nước để tưới tiêu”. Điều này thật kỳ lạ, về lý mà nói, những nhân vật trọng yếu ngay cả tên họ cũng không muốn lưu lại. Ví dụ, mọi người biết rằng Lão Tử không phải là họ Lão mà là họ Lý, và Lỗ Ban không phải là họ Lỗ mà tên thật của ông là Công Thâu Ban. Vì vậy, nhân vật “Băng” quan trọng này thậm chí ngay cả họ cũng không ghi chép? Bên cạnh đó, nếu chiểu theo nguyên tắc mệnh danh “Lỗ Ban là người nước Lỗ” thì hậu thế cũng nên gọi ông là “Tần Băng” mới hợp lý. Do đó, một số người bắt đầu nghiên cứu thân thế phụ tử của Lý Băng.
Trong dân gian Tứ Xuyên, có rất nhiều ngôi đền thờ cha con Lý Băng. Người ta nói rằng khi Lý Băng trị thủy đã liều mạng với thần sông. Sách “Hoa Dương Quốc Chí · Thục Chí” ghi lại vào thời nhà Tấn, “Băng tạc nhai thì, thủy thần nộ, Băng nãi thao đao nhập thủy trung dữ thần đấu, chí kim mông phúc.”, ý tứ là khi Băng xẻ núi, thủy thần tức giận, Băng đã lao xuống nước để đấu với thủy thần, tới nay đã gặp phúc. Lý Băng còn chế tác một thần thú trấn thủy để áp thủy thanh trị thủy hại, sách “Thục vương bản kỉ” có ghi chép như sau: “Khi nước sông có hại, Lý Băng, người bảo trợ nước Thục, đã làm năm con tê giác bằng đá, hai con trong phủ, một con dưới cầu thành và hai con dưới nước, dùng để trấn thủy.”
Nói đến đây, các bạn đã từng đọc số báo về “Không thể động tới văn vật Trung Quốc” hẳn còn nhớ ngày 8/1/2013, một “Thần thú bằng đá ngàn năm tuổi” nặng 8,5 tấn được khai quật ở Quảng trường Thiên Phủ, các chuyên gia nghi ngờ rằng đây chính là thần thú mà Lý Băng năm xưa dùng để trấn thủy. Vào ngày 8 tháng 7 cùng năm, Tứ Xuyên và những nơi khác đã trải qua những trận mưa lớn trong nhiều ngày liên tiếp, gây ra các thảm họa tự nhiên như lũ lụt và lở đất. Đông đảo cư dân mạng nghi ngờ việc này có liên quan đến việc khai quật thần thú trấn thủy vào đầu năm, đồng thời họ còn kêu gọi đưa “thú đá” trở lại nguyên trạng. Tuy nhiên, giới quan chức biểu thị họ không tin vào điều đó, và tất nhiên “thú đá” đã không được hồi về.
Hãy quay lại với Lý Băng. Theo ghi chép của “Hoa Dương Quốc Chí · Thục Chí”, khả năng trị thủy của Lý Băng có thể nói là thần thông quảng đại. Ông không chỉ xây dựng Đô Giang Yển mà còn mà còn khai thông các đường thủy nguy hiểm ở Kim Nghi Tân, Lạc Sơn, nạo vét đường thủy, xây dựng sông Ôn Kinh (nay là sông Vấn Tỉnh ở huyện Sùng Khánh), sông Bạch Mộc (nay là sông Cung Lai Nam), Lạc Thủy (nay là sông Thạch Đình), Miên Thủy (nay là sông Miên Viễn) và các dự án thủy lợi và vận tải biển khác, cũng tham gia sửa chữa cầu cáp, mở giếng muối, v.v.
Ông cũng xây dựng một con đường rộng 5 thước nối tiếp Trung Nguyên, thành Nhã An Tứ Xuyên và Vân Nam… Đơn giản khiến người ta kinh ngạc về trình độ cao. Bất kỳ ai làm việc trong lĩnh vực công trình đều biết rằng, một công trình lớn không thể được hoàn thành bằng một sơ đồ là xong. Bạn phải đưa ra những con số cụ thể vô cùng chi tiết, chiều dài, chiều rộng, chiều cao, góc, v.v. và cách xây dựng nó. Làm thế nào mà Lý Băng có thể hoàn thành nhiều công trình như vậy? Đây chỉ đơn giản là trí huệ và năng lực của Thần, tương truyền rằng vì thế mà hậu nhân đã đặt cho ông họ của Lão Tử: Lý, người đã tu Đạo thành Tiên, cho rằng ông ấy là thần tiên. Do đó cái tên “Lý Băng” đã ra đời như thế.
Vậy cuối cùng, Lý Băng đã đi về đâu? Sách “Thục trung danh thắng ký” ghi lại: “Chương sơn hậu nhai hữu đại trủng, bi vân: Tần Lý Băng tán sở. Cổ Thục kí vị: Lý Băng công phối hạ hậu, thăng tiên tại hậu thành hóa (trị), tàng y mão ư Chương Sơn trủng trung hĩ.”, phiên dịch sang văn bạch thoại, chính là nói, ngôi mộ sau núi Chương, có dựng một tấm bia. Người cổ Thục nói Lý Băng công tích sánh ngang Đại Vũ trị thủy, bản thân đã thăng lên thành Tiên, do đó lập một ngôi mộ sau vách núi Chương chỉ để giấu y phục mũ mão mà đi.
Thời kỳ nhân – Thần đồng tại
Trên thực tế, nếu bạn nhìn vào lịch sử Trung Quốc, bạn sẽ thấy rằng vào thời thượng cổ đã có một thời kỳ nhân – Thần đồng tại. Có rất nhiều sinh mệnh cao tầng với năng lực phi phàm giáng lâm xuống nhân gian, dùng hình tượng Thần hoặc nửa người nửa Thần đi khắp nhân gian, truyền cấp cho nhân gian các loại văn hóa, khoa học kỹ thuật, quy phạm nhân luân đạo đức. Họ thần thông đại hiển, người phổ thông cũng không cảm thấy kỳ lạ, bởi vì vào thời đại đó, người người đều tín Thần, Thần tích cũng thường thường triển hiện, mọi người đều không thấy kỳ quái.
Lấy Đại Vũ làm ví dụ. Những gì ông trị lý thực sự là một trận đại hồng thủy xảy ra một lần trong 5.000 năm, sách chỉ nói rằng Đại Vũ sử dụng phương pháp nạo vét sông để xả lũ, trị thủy trị lũ tốt. Đó là một câu rất đơn giản, nhưng hãy nghĩ xem có bao nhiêu phụ lưu, hẻm núi và những khu vực nguy hiểm thượng hạ nam bắc sông Trường Giang, và làm thế nào để nạo vét hàng nghìn km các loại sông, hồ, biển một cách xảo diệu, giống như Lý Băng, Đại Vũ cũng phải mở núi, tạc đá, quan sát địa lý, kiểm tra thủy thế, trị lý lũ lụt, giúp nền văn minh Trung Hoa kéo dài hưng thịnh qua hàng nghìn năm. Dưới con mắt của người hiện đại, Đại Vũ đã làm được điều đó như thế nào vào thời viễn cổ thiếu thốn các công cụ hiện đại hóa? Và điểm mấu chốt là, con người ngày nay thậm chí không thể nhìn thấy dấu vết của nhân tạo, nói không chừng ngày nay chúng ta còn cảm thấy rằng những gì Đại Vũ trị thủy lưu lại là địa thế hình thành tự nhiên.
Cho dù đó là Đại Vũ trị thủy, hay là công trình Đô Giang Yển của Lý Băng, chúng đều giống như những kỳ tích thiên cổ bước ra từ thần thoại. Họ có thể là thần tiên, hoặc họ có thể đã làm chủ khoa học công nghệ cao thời viễn cổ mà con người chúng ta ngày nay không lý giải được, nhưng vì một số lý do nào đó, cùng với sự phát triển của thời đại, những năng lực và kỹ thuật thần kỳ này đã không còn lưu lại. Nhưng bất luận thế nào đi nữa, những ghi chép lịch sử tốn ít giấy mực đó đã được lướt qua, cho phép người ta cảm nhận được trí huệ tuyệt vời của cổ nhân.
- Trọn bộ Bí ẩn chưa được giải đáp
Theo Epoch Times, Hương Thảo biên dịch