Xưa có câu “Ngàn vàng dễ có, tri kỷ khó tìm”, “Kẻ sỹ chết vì tri kỷ”. Cổ nhân vô cùng coi trọng bằng hữu, đời người nếu có được một người bạn tâm giao thì chết cũng không hối tiếc. Có rất nhiều điển cố chứng minh điều này.

Những người bạn có thể chia thành hai loại: Một là bạn xã giao, hay là bạn tương tri (bạn thân, hiểu rõ về nhau). Xã giao thì dễ nhưng tìm được người thực sự hiểu mình quả là rất khó. Trong cuốn một, sách “Cảnh thế thông ngôn” của Phùng Mộng Long đời Minh (ông cũng chính là tác giả bộ ‘Đông Chu liệt quốc’ nổi tiếng) có viết: “Tương tri có mấy sắc thái thế này: Kết giao ân đức, gọi là tri kỷ; lòng dạ thấu hiểu, gọi là tri tâm; thanh khí tương cầu, gọi là tri âm”.

Cao sơn lưu thủy

Tương truyền vào thời Xuân Thu cách đây hơn 2000 năm, Du Bá Nha đi sứ nước Sở. Vào ngày 15/8, ông đi thuyền tới sông. Buổi tối thấy vầng trăng sáng, Du Bá Nha thấy tâm tình khoáng đạt vui thú, bèn gảy đàn bày tỏ tâm chí.

Ông chơi hết khúc này đến khúc khác, trong lúc đang đắm chìm trong âm nhạc dưới trăng thì đột nhiên đứt dây đàn. Lúc này ông phát hiện có người đang nghe trộm.

Bá Nha nhìn xung quanh bỗng thấy một tiều phu. Ông nghĩ: “Một tiều phu đốn củi, sao có thể hiểu tiếng đàn của ta”. Liền tiến đến chỗ tiều phu hỏi: “Nếu ông biết nghe đàn, ông nói coi, tôi vừa chơi khúc nhạc gì vậy?”.

Du Bá Nha là đệ nhất cao thủ đàn cầm, xưa nay vốn rất tự phụ, cho rằng nơi núi sâu hoang vắng sẽ chẳng có ai có thể nghe hiểu được khúc “Dương xuân bạch tuyết” của mình. Nào ngờ, người tiều phu thao thao bất tuyệt, từ cầm sử, cầm lý cho đến những khúc đàn mà Du Bá Nha chơi, thực sự khiến Du Bá Nha kinh ngạc vô cùng.

Ảnh minh họa: Facebook/ Shenyun.

Du Bá Nha mời tiều phu lên thuyền. Bá Nha trầm tư một lát, lên lại dây đàn, vỗ đàn chơi tiếp. Đầu tiên tâm chí đặt ở ngọn núi cao. Tiều phu khen rằng: “Đẹp thay, sừng sững nguy nga, tâm ý ở ngọn núi cao”. Bá Nha lại tấu một bản nhạc đặt ý vào dòng nước chảy. Tiều phu lại khen rằng: “Đẹp thay, mênh mông cuồn cuộn, tâm ý ở dòng nước chảy”.

Bá Nha mừng rỡ vô cùng, trước đây ông dùng tiếng nhạc để biểu đạt tâm ý nhưng không ai nghe mà hiểu được, vậy mà người tiều phu này lại thấy rất rõ ràng. Thật không mong đợi, ở nơi xa xôi thế này, lại tìm được người bạn tri âm, người tiều phu ấy chính Chung Tử Kỳ. Hai người kết nghĩa huynh đệ, hẹn trung thu năm sau tái ngộ.

Trung thu năm sau, Bá Nha đúng hẹn đi tới Hán Dương nhưng Chung Tử Kỳ đã qua đời vì bệnh. Trước khi lâm chung, Tử Kỳ trăng trối phải đem phần mộ của mình xây ở bờ sông, để tới ngày 15/8, ông sẽ nghe tiếng đàn của Bá Nha.

Bá Nha đau đớn mất tri âm, bi thương vô hạn, bèn đàn khúc “Cao sơn lưu thủy” trước mộ Tử Kỳ. Sau đó Bá Nha cắt đứt dây, đập vỡ đàn, buồn bã nói “Tri âm duy nhất của tôi không còn ở thế gian này nữa, đàn này còn gảy cho ai nghe đây”.

Cổ Cầm Đài, nằm ở quận Hán Dương, thành phố Vũ Hán (ảnh: Facebook/ Best China Scenery).

Hai người bạn tri âm đã cảm động tới hậu thế. Ở nơi họ hẹn gặp nhau, người ta xây một đài gọi là Cổ Cầm Đài (hay Bá Nha Đài) để kỷ niệm. Cho đến tận ngày nay, mọi người vẫn thường dùng từ “Tri âm” để hình dung tình bạn giữa những người bằng hữu.

Quản Bào chi giao

Quản Trọng là danh tướng Tề quốc thời xuân thu, trợ giúp quốc vương Tề Hoàn Công làm nên cơ nghiệp, trở thành một trong 5 vị bá chủ thời kì Xuân Thu trong lịch sử Trung Quốc (Ngũ Bá).

Quản Trọng có người bạn tri kỷ từ thuở hàn vi, tên là Bào Thúc Nha.

Theo như sách “Đông Chu Liệt Quốc” có ghi thì Quản Trọng và Bào Thúc Nha cùng buôn bán, mỗi lần chia tiền thì Quản Trọng thường lấy nhiều hơn một chút. Bào Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng là kẻ tham lam, bởi vì ông biết nhà Quản Trọng rất nghèo.

Quản Trọng từng thay Bào Thúc Nha đề xuất ý kiến, ngược lại khiến Bào Thúc Nha rơi vào cảnh khốn đốn không chịu nổi. Bào Thúc Nha không chê bạn ngu dốt, ông ấy biết thời vận có lúc thuận lúc không.

Quản Trọng đã từng phò tá ba vị đại thần, cả ba lần đều bị đuổi đi nhưng Bào Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng là người không có tiền đồ, triển vọng; trái lại ông cho rằng con đường công danh của bằng hữu chưa tới.

Quản Trọng từng ba lần đánh giặc, ba lần phải chạy trốn. Bào Thúc Nha không cho rằng bạn nhát gan, biết ông có mẹ già cần phụng dưỡng.

Quản Trọng phò tá Công tử Củ, nhưng sau khi Công tử Củ thất bại và mất mệnh, Quản Trọng trái lại đến phò tá cho cho kẻ địch của Công tử Củ. Bào Thúc Nha không cho rằng Quản Trọng vô liêm sỉ; ông biết Quản Trọng là người có chí hướng, không thể vì chủ chết mà không cống hiến tài trí giúp nước giúp dân.

Phong vân mạn đàm (Kỳ 43): Khương Thượng câu cá gặp minh chủ, Quản Trọng nhận ơn Bào Thúc Nha
Tranh vẽ Bào Thúc Nha (ảnh chụp màn hình Youtube).

Vì Bào Thúc Nha đối xử với Quản Trọng như thế, cho nên Quản Trọng mới cảm thán mà thốt ra: “Sinh ra ta là cha mẹ, nhưng hiểu ta chỉ có Bào Thúc Nha”.

Sau này khi Quản Trọng lâm bệnh nặng, trước lúc qua đời Tề Hoàn Công hỏi ông, Bào Thúc Nha có thể thay ông làm chức tể tướng không. Nhưng Quản Trọng không đồng ý, bởi Bào Thúc Nha thiện ác rõ ràng, gặp người xấu thì đến chết cũng không quên. Nếu đem chính quyền giao cho Bào Thúc Nha thì chính là hại ông ấy. Bào Thúc Nha sau khi biết chuyện này, không những không bất mãn vì không được tiến cử làm tể tướng, trái lại còn cao hứng, nói rằng chỉ có Quản Trọng hiểu ông ấy nhất.

Thành ngữ “Quản Bào chi giao” được sử dụng như phép ẩn dụ về những người có tình bạn sâu sắc.

Liêm Phạm báo đáp ơn tri ngộ

Liêm Phạm là người sống trong những năm Vĩnh Bình thời Bắc Ngụy. Thái thú Thiểm Tây Đặng Dung từng mời ông đến bổ nhiệm làm Công tào. Không lâu sau, Đặng Dung bị tố cáo liên quan đến một vụ án. Liêm Phạm biết rằng vấn đề này rất phức tạp và khó giải quyết, nên dự định đổi phương pháp để giúp Đặng Dung. Ông vờ cáo bệnh, xin từ chức. Đặng Dung không hiểu được dụng ý của Liêm Phạm nên rất căm hận, cho rằng Liêm Phạm vong ân bội nghĩa, bỏ đi đúng lúc ông ta lâm nạn.

Liêm Phạm đến Lạc Dương, thay tên đổi họ, thỉnh cầu làm công việc cai ngục. Không lâu sau, Đặng Dung quả nhiên bị bắt giải đến nhà ngục Lạc Dương. Lúc này Phạm Liêm làm lính coi ngục, hầu hạ bên Đặng Dung, dốc toàn tâm chăm sóc ông ta. Đặng Dung thấy tướng mạo người cai ngục rất giống Liêm Phạm, nhưng không thể ngờ đó chính là Liêm Phạm. Đặng Dung hỏi: “Sao ông trông giống người công tào của tôi trước kia đến vậy?”

Liêm Phạm mắng ông ta: “Ngài bị giam cầm ở đây, thần trí đã loạn chưa vậy?”

Sau đó Đặng Dung được thả, vừa bệnh tật vừa bần hàn, Liêm Phạm vẫn luôn đi theo để chăm sóc ông ta. Sau khi Đặng Dung chết, Liêm Phạm tống táng đến Nam Dương, lo xong hậu sự mới rời đi, cũng không nói với ai họ tên thật của mình.

Một lần mang ơn, khiến Liêm Phạm suốt đời không quên, hơn nữa liên tục trợ giúp ân nhân của mình. Kẻ sĩ báo ân, thật không gì sánh nổi.

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” điển tích kết nghĩa vườn đào đã lưu danh thiên cổ. Lúc ấy, Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi biểu đạt “Không cầu sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm, chỉ nguyện chết cùng ngày cùng tháng cùng năm”. Ấy chính là “sinh tử chi giao” của cổ nhân, có thể bỏ thời gian, tiền bạc, sức khỏe thậm chí sinh mệnh của mình vì tri âm.

Tham khảo Epochtimes 
Ngọc Mai (tổng hợp)

Video xem thêm: Lời Tiên tri từ 1.200 năm trước của Đại sỹ Liên Hoa Sinh về thời mạt kiếp

videoinfo__video3.dkn.tv||84ec99175__