Đại Kỷ Nguyên

Trí tuệ cổ nhân: “Thà sinh cùng mệnh không sống cùng tướng” có nghĩa là gì? 

Chúng ta nên tràn đầy thái độ lạc quan và ý chí vươn lên, tin tưởng và hoàn thiện bản thân mỗi ngày (Ảnh: Adobe stock).

Dân gian xưa có câu: “Thà sinh cùng mệnh, không sống cùng tướng”. Bạn có biết câu này có ý nghĩa là gì không?

Người xưa tin rằng ‘Tướng do tâm sinh’. Căn cứ vào tướng mặt, tướng tay, ngôn hành cử chỉ và một số đặc điểm đặc thù khác của con người mà nhà tướng số có thể đoán được tương lai cũng như tiền đồ của người đó.

Người làm nghề này được gọi là người xem tướng đoán mệnh. Họ chuyên môn xem tướng cho người khác để dự đoán tương lai hung cát họa phúc, vận thế sinh hoạt đại phú đại quý hay khốn cùng suy bại. 

Từ thời cổ đại đến nay, lịch sử có lưu lại không ít những câu chuyện viết về công việc của nhà bói toán. Ngôn từ miêu tả về họ được nhiều người thuật lại vô cùng thần kỳ. Thực tế thì thuật xem tướng có huyền bí như vậy hay không? Có căn cứ khoa học hay không? 

Nội tâm và tính cách bên trong của mỗi người có ảnh hưởng rất lớn đến tương lai của người đó. Có những người che giấu nội tâm rất kỹ lưỡng, tuy vậy dù ít dù nhiều nó cũng vẫn được biểu hiện ra bên ngoài thông qua hành vi và ngoại hình. Đây gọi lại trường khí, khí chất hay tướng do tâm sinh. 

Dân gian xưa có câu như thế này: “Thà sinh cùng mệnh, không sống cùng tướng”. Bạn có biết câu này có ý nghĩa là gì không? 

Trong câu này có chữ “mệnh”, nó không phải ám chỉ số phận của một người mà muốn nói đến xuất thân khi mới chào đời hoặc vị trí hoàn cảnh tạo ra cho người đó sau này. Còn ‘tướng’ cũng không phải nói đến tướng mạo bề ngoài, mà là chỉ khí chất và ngôn hành cử chỉ biểu hiện ra mà người khác có thể nhìn thấy. 

– Đối với tất cả mọi người, ý tứ của từ ‘cùng mệnh’ là tương đối dễ hiểu. ‘Cùng mệnh’ có nghĩa là một người sinh ra trong gia đình bần hàn, hoặc là ở một thời điểm nào đó trong đời người đó đột nhiên gặp phải biến cố khiến cho gia đạo sa sút. (Chữ “cùng” ở đây cũng như trong “bần cùng”, “khốn cùng”)

Mỗi người đến với thế giới này, vạch xuất phát không thể giống hệt nhau. Có người vừa sinh ra, miệng đã ngậm thìa vàng, mới chào đời thì họ đã có tất cả mọi thứ, từ quần áo đẹp tới đồ ăn ngon. Mọi thứ mà họ có thì người khác phải làm lụng vất vả mấy chục năm mới có được. Thế nhưng cũng có người, vừa chào đời lại chẳng có thứ gì, cho dù làm việc chăm chỉ suốt đời cũng không thể trở thành người giàu có hoặc thăng quan tiến chức. Tuy vậy, đối với mỗi người mà nói, dù xuất thân như thế nào, hay gặp phải biến cố gì, chỉ cần bản thân biết nỗ lực mỗi ngày, sống thiện lương thì hoàn cảnh đó cũng sẽ được cải thiện ở mức độ nhất định trong tương lai. 

– Còn cái gọi là “cùng tướng”, là ám chỉ một người không có chí tiến thủ, không nỗ lực, luôn cho rằng bản thân chẳng thể thành công, thậm chí còn chấp nhận rằng số phận bần cùng của mình là do Trời sinh.

Họ nghĩ rằng bản thân không thể thay đổi số phận cho nên chỉ biết oán trời trách đất. Đây là nói đến người ‘cùng tướng’. Người có suy nghĩ như vậy thì dù có nhận được trợ giúp hay nâng đỡ cũng sẽ ngày một ngày hai mà nhận về thất bại. Bởi vì họ không có chí vươn lên, cho nên không biết được nơi thật sự bản thân muốn đến. 

Có một thực tế không thể thay đổi được, đó chính là xuất thân. Thế nhưng số mệnh của một người lại có thể thay đổi được thông qua nỗ lực tu thân, bởi vì mọi thứ đều do con người tạo ra, “cảnh tuỳ tâm chuyển”. Nếu như chúng ta cứ một mực phủ nhận năng lực của bản thân, dùng thái độ tiêu cực đối diện với cuộc đời và thế giới bên ngoài, điều này đã định trước rằng chúng ta sẽ không có được thứ mà bản thân mong muốn. 

Vì vậy, chúng ta phải tràn đầy thái độ lạc quan và ý chí vươn lên, tin tưởng và hoàn thiện bản thân mỗi ngày, tâm niệm tin tưởng rằng bản thân có thể cải biến con đường nhân sinh của chính mình. Cuộc sống có thể trải qua nghèo khó nhưng ý chí không thể nghèo. 

Bạn có đồng ý với quan điểm này không? Hãy chia sẻ cho chúng tôi biết nhé! 

Theo Vision Times
San San biên dịch

Exit mobile version