Đại Kỷ Nguyên

Trí tuệ người xưa: Viết sai một chữ, lưu lại giáo huấn nhân văn muôn đời

Mọi thứ chữ viết trên thế giới này đều có hệ thống quy tắc viết rất chuẩn xác của mình. Sẽ luôn chỉ có hai trường hợp, một là bạn viết đúng, hai là viết sai. Thế nhưng với chữ viết tượng hình cổ đại có nội hàm thâm sâu như tiếng Hoa chính thể, một lỗi sai rất rõ ràng đôi khi lại bao hàm trong đó những tư tưởng và bài học rất đúng đắn.

Trong lịch sử Trung Quốc có bốn từ sai nghiêm trọng, nhưng lại sai một cách hợp lý, sai một cách tốt đẹp, khiến người người đều vỗ tay khen ngợi. Chắc chỉ có ở loại chữ viết này, mới có cái “sai” mà không hoàn toàn “sai”. Hơn nữa, thú vị ở chỗ, những chữ sai này đều được lưu lại ở những danh lam thắng cảnh nổi tiếng của Trung Hoa ngày nay.

Từ sai có thiện tâm nhất: Ngư 魚 (Cá)

Tây Hồ có mười cảnh đẹp, một trong số đó là Hoa Cảng Quan Ngư 花港觀魚 (xem cá tại ao hoa). Hoàng đế Khang Hy bởi vì cảnh đẹp mà đề bốn từ “Hoa Cảng Quan Ngư” lên một phiến đá, nhưng từ “Ngư 魚” chữ chính thể (không phải là chữ giản thể như ngày nay) trên đó lại mất đi một chấm, chỉ còn ba chấm. Tương truyền đây là do Khang Hy cố tình viết sai.

Khang Hy theo đạo Phật, tâm mang từ bi, có đức hiếu sinh, khi viết từ “Ngư” ông nghĩ rằng, phía dưới có bốn chấm, nhưng bốn chấm hợp lại sẽ thành bộ “Hỏa 火 (Lửa)”. Cá mà dùng lửa nướng, làm sao sống được? Cho nên ông cố tình viết thiếu một chấm, ba chấm lại biến thành bộ “Thủy 水(Nước)”, cá ở trong nước có thể tự do tự tại mà sống.

Thật ra, ngoài việc khen ngợi Hoàng Đế Khang Hy có lòng nhân ái, từ “Ngư” trong các tác phẩm thư pháp viết thiếu đi một nét rất thường gặp phải, để đạt được bút pháp lưu loát, trôi chảy, viết thiếu một chấm hay nhiều hơn một chấm đều được, không có gì kỳ lạ, đây cũng là một điểm kỳ diệu của Hán tự và là một trong thú vui tao nhã của các nhà văn.

Cá chỉ gần nước mới có thể phát triển. (Ảnh: Rin Rin Park)

Từ sai có triết lý nhất: Lưu 流 (Lưu lại)

Bình Sơn Đường của Đại Minh Tự ở Dương Châu, tỉnh Giang Tô do nhà văn học Dương Tu nhậm chức Thái Thú ở Dương Châu thời kỳ Bắc Tống xây dựng. Phía trước có hoa cỏ tươi tốt, đình viện yên tĩnh, từ trên lan can có thể ngắm nhìn những ngọn núi xa xa của Giang Nam, có tầm nhìn vừa vặn quan sát cảnh vật xung quanh, nên được gọi là Bình Sơn Đường.

Bên trái chính đường của Bình Sơn Đường có treo một tấm biển đề tựa “Phong Lưu Uyển Tại”, do chính tay của Tổng Đốc hai con sông Hoàng Hà và Trường Giang là Lưu Khôn Nhất viết vào năm đầu tiên hoàng đế Quang Tự của triều Thanh kế vị. Tương truyền, Lưu Khôn Nhất vì muốn tưởng niệm Dương Tu mà viết ra.

Trong bốn từ “風流宛在 – Phong Lưu Uyển Tại” có hai từ viết sai, từ thứ nhất: “Lưu 流” thiếu đi một chấm, từ thứ hai: “Tại 在” lại nhiều hơn một chấm.

Truyền rằng lúc Dương Tu ở Dương Châu là một vị thái thú phong lưu, lưu lại ở đây không ít chuyện đào hoa.

Lưu Khôn Nhất cố ý viết từ “Lưu” bớt đi một chấm, mà từ “Tại” lại nhiều thêm một chấm, ý nghĩa không cần nói cũng hiểu, chính là mong rằng bớt đi phong lưu, nhiều thêm thực tại.

Hai câu “Hoa Cảng Quan Ngư” và “Phong Lưu Uyển Tại” đều chứa từ viết sai, mặc dù lý do khác nhau nhưng lại có chung điểm kỳ diệu, đó chính là trong quá trình viết đều mang phép ẩn dụ. Chỉ một hành động thêm, bớt mà lưu lại bài học đầy nhân văn, sâu sắc, lại không cần diễn giải, giáo huấn gì nhiều, hơn nữa còn có thể lưu truyền cho hậu thế.

Bức bình phong có bốn chữ “Phong Lưu Uyển Tại” ở Bình Sơn Đường. (Ảnh: Boanson.ozweb)

Từ sai khiến người khác cảm thấy tuyệt nhất: Phú 富 (Giàu có)

Phủ Khổng Tử ở vùng núi Sơn Đông là một nơi văn hóa bậc nhất, nhưng khi du khách đến đây, lúc qua cửa đều sẽ thấy hai từ viết sai nghiêm trọng rất rõ ràng.

Ở cửa lớn Khổng phủ có treo một tấm biển nền xanh chữ vàng, trên đó có viết hai từ “Thánh phủ”, phía trên hai cây cột ở hai bên có viết như thế này: “Dữ quốc thành hưu an phú tôn vinh công phủ đệ, đồng thiên tịnh lão văn chương đạo đức thánh nhân gia”, ý nói: Dốc sức giúp đỡ đất nước giàu có, hưng thịnh, đồng thời cũng có kiến thức đạo đức của thánh nhân truyền lại.

Từ “富 Phú (Phú quý)” trong câu đối vế trên viết thiếu đi một chấm, ở vế dưới từ “章 Chương (Văn chương)” có một nét sổ thẳng kéo dài lên tận phía trên.

Tương truyền hai câu đối này là do Thần viết ra, được tiên nhân chỉ điểm. Trong ngày thành thân của hậu nhân đời thứ bốn mươi hai của Khổng Tử là Khổng Quang Tự, có thần tiên đi ngang qua, nhìn thấy từ “Phú” trước phủ, liền xóa bớt một chấm. Khổng gia cảm thấy kỳ quái, thần tiên có vẻ bí ẩn, nói rằng Khổng gia không thể quá giàu có, cần phải bớt đi một chút phú quý.

Chỗ hay ở đây là mượn từ sai nói lên những đạo lý làm người lớn lao, “Phú quý vô đầu, văn chương thông thiên“. Ý tứ là không cần quá mức phú quý, dù mất đi cũng không sao, chỉ cần tinh thông văn chương, kiến thức vượt bậc, giàu có không thể so sánh với kiến thức, hiểu biết.

Hai từ sai này nhất thời thể hiện được thân phận đáng kính của người ở Khổng phủ, không những không có ai nói là viết sai, mà du khách đến đây còn vỗ tay tán thưởng khen hay.

Hai từ này biểu đạt ngụ ý đặc thù của thời kỳ cổ đại đã qua, thuộc về phạm trù thể chữ khác, cho nên không tính là sai. Vào thời kỳ Mẫn Tề cuối triều Minh, “Lục Thư Thông” có ghi chép lại một lượng lớn quá trình biến hóa hình thể của từ ngữ, nếu tìm hai từ này trên mạng, cũng có thể tìm thấy chúng tồn tại trong văn học cổ đại.

Miếu Khổng Tử. (Ảnh: Khoahoc.tv)

Từ sai đứng đầu trong thiên hạ: Tị (Tránh)

Từ sai đứng đầu trong thiên hạ là do chính tay một vị hoàng đế viết. Tị Thử Sơn Trang (避暑山莊) (Sơn Trang tránh nắng) ở huyện Thừa Đức, phía trên cánh cửa của chính cung có treo một tấm biển. Trên tấm biển bốn bề đều được điêu khắc những con rồng nổi bằng đồng, ở giữa tấm biển màu xanh có bốn chữ lớn màu vàng lấp lánh: “Tị Thử Sơn Trang”.

Nhưng chỉ cần nhìn một lần liền phát hiện, từ “Tị 避 (Tránh)” có nhiều thêm một nét nằm bên dưới từ “Tân辛 (Khổ, Đắng)”, do chính tay Khang Hy viết lên, đề tên Khang Hy năm thứ năm mươi.

Người ngày nay cho rằng, đối với việc Khang Hy hoàng đế viết nhiều thêm một nét, thật ra các quan viên trong triều đình đã sớm nhận ra. Nhưng lời của hoàng đế là vàng ngọc, không dám lên tiếng nhắc nhở ngài viết sai. Việc một vị hoàng đế tài ba lại viết sai một từ càng khiến nó trở thành từ sai đứng đầu trong thiên hạ.

Thật ra là vì họ không biết rằng, viết từ “Tị 避 (Tránh)” ba nét không phải chỉ có một mình hoàng đế Khang Hy, xuất hiện sớm nhất là trong Triện Thư, Lệ Thư, thường thấy ở Bắc Ngụy, trong các tác phẩm thư pháp thời Đường. Trong Sử Thư có ghi chép, Hoàng Đế Khang Hy thông qua Tứ Thư Ngũ Kinh, cũng xem qua Triện, Lệ Thư, cho nên từ”Tị 避 ” mà ông viết là vì học theo cách viết của Triện, Lệ thư. Dương Tuân, một trong 4 nhà thư Pháp lớn về chữ Khải Thư của triều đại nhà Đường cũng viết chữ “Tị” nhiều hơn một nét.

Tị Thử Sơn Trang ngày nay. (Ảnh: LostBird)

***

Từ sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa nắm quyền, chữ quốc ngữ của dân tộc này được chuyển sang lối viết giản thể. Kiểu chữ chính thể truyền thống dần dần ít người biết đến, ngày nay chỉ còn Đài Loan, Hồng Kông sử dụng kiểu chữ chính thể, ngoài ra, cũng chỉ còn những nhà văn đam mê thư pháp, văn học mới biết về những từ ngữ cổ điển mà người hiện đại không thường sử dụng.

Đã có rất nhiều ví dụ về việc chữ giản thể làm mất đi nội hàm thâm sâu của chữ viết tương truyền do Thần truyền xuống. Việc người thời nay bị cắt đứt liên hệ với văn hóa truyền thống của mảnh đất Thần Châu hàng nghìn năm văn vật đã khiến họ không thể biết được nguyên do cổ nhân viết chữ không giống thời nay. Lại còn cho rằng đó là chữ sai đứng đầu trong thiện hạ. Thật ra đây cũng là một sự mất mát to lớn đối với nền văn hóa truyền thống Trung Hoa.

Cố tình sai để chỉ ra cái đúng, thoạt nghe có chút không hợp lý, thế nhưng lại trí lý vô cùng trong trường hợp ba chữ viết sai đầu tiên. Chữ cuối cùng lại là để cho thấy sự mất mát và xa rời truyền thống cổ xưa chỉ vì cải cách chữ viết. Người ta còn có thể gán cho một vị hoàng đế xuất chúng một thời cái lỗi mà nó thật sự không có. Nếu như không chú trọng lưu giữ và trân trọng văn hóa truyền thống đầy nội hàm, một ngày nào đó, những hảo hán, anh hùng một thời có thể cũng trở thành tội đồ.

Khải Phong biên dịch

Exit mobile version