Cổ nhân cho rằng: Bí quyết của đối nhân xử thế nằm ở tu dưỡng bản thân, gìn giữ phẩm hạnh, và đề cao nhân cách làm người. Dưới đây là những minh chứng cho thấy trí tuệ và phẩm đức của người xưa.
Để lại cho con cháu báu vật gì quý nhất?
Tư Mã Quang là đại sử gia, đồng thời là nhà chính trị lớn đời Tống. Ông từng nói rằng đem tiền bạc và thư tịch lưu lại cho con cháu không phải là thượng sách. Vậy báu vật ông để lại cho hậu thế là gì?
Tư Mã Quang nói: “Tích trữ tiền bạc để lại cho con cháu đời sau, con cháu chưa chắc đã giữ được. Tích trữ thư tịch để lại cho con cháu đời sau, con cháu chưa chắc đã đọc được. Chi bằng trong những ngày còn sống, hành thiện giúp dân, làm thêm việc tốt, tích thêm âm đức, làm cái ô che chở bảo hộ lâu dài cho cháu con đời sau. Như thế mới là biện pháp tốt nhất cho bản thân cũng như cho hậu thế sau này”.
Hàn Dũ vinh nhục đều không thay đổi tâm thái
Hàn Dũ là nhà thơ lớn đời Đường. Vốn là người thiên tính thông đạt, khi kết giao với người, bất kể là bậc vinh hiển hay kẻ chịu tủi nhục, ông đều không thay đổi thái độ mà đối đãi. Khi còn trẻ, ông kết thân với Mạnh Giao người Lạc Dương và Trương Tịch người Đông Quận. Lúc đó, hai người này vẫn chưa nổi tiếng, cũng chưa hiển đạt.
Hàn Dũ chẳng quản thị phi đàm tiếu, ông tiến cử hai người bạn của mình với các công khanh. Trương Tịch sau này đăng khoa tiến sỹ, quan lộ rất thuận lợi. Sau này Hàn Dũ hiển đạt, lúc nhàn rỗi hay khi đã giải quyết xong việc quan, ông thường cùng những người bạn cũ đàm đạo, uống rượu, luận văn, ngâm thơ… làm mọi việc đều giống như xưa.
Mối tâm giao vua tôi khiến mọi người cảm động
Một hôm, Hoàng đế Đường Thái Tông thấy trong lòng thoải mái, bèn tùy ý hỏi Ngụy Trưng: “Gần đây chính sự ra sao?”.
Ngụy Trưng cho rằng trong suốt thời gian dài, trật tự xã hội yên ổn, thế cuộc chính trị ổn định, tư tưởng Thái Tông có chút buông lỏng, bèn nói: “Năm Trinh Quán thứ nhất, bệ hạ chủ động khích lệ mọi người can gián. Sau ba năm, gặp người can gián, bệ hạ cũng vui lòng lắng nghe. Nhưng gần một, hai năm nay, bệ hạ tiếp nhận ý kiến can gián có phần miễn cưỡng, trong lòng không vui”.
Thái Tông kinh ngạc hỏi: “Khanh lấy gì chứng minh?”.
Ngụy Trưng trả lời:
“Khi mới kế vị, bệ hạ đã phán xử Nguyên Luật Sư tội chết. Tôn Phục Già can gián, cho rằng chiểu theo pháp luật thì không được phán xử tội chết. Bệ hạ đã thưởng cho ông ta vườn hoa của công chúa Lan Lăng, trị giá hàng trăm vạn quan tiền. Có người nói: ‘Thưởng quá hậu hĩnh’. Bệ hạ nói: ‘Từ khi ta làm hoàng đế đến nay vẫn chưa có ai can gián ta, do đó phải trọng thưởng cho ông ta’. Đó chính là chủ động khuyến khích mọi người can gián.
Sau này, Liễu Hùng báo cáo sai lý lịch rằng bản thân đã làm quan triều Tùy. Sau khi quan chủ quản phát hiện ra liền cáo giác ông ta làm giả lý lịch, đồng thời phán tội chết. Đới Trụ dâng tấu, cho rằng nên phán xử tội lao dịch, đồng thời nhiều lần nói ra quan điểm của mình, cho đến khi bệ hạ cuối cùng cũng tha tội cho Liễu Hùng. Khi đó bệ hạ nói với Đới Trụ rằng: ‘Chỉ cần chấp pháp như khanh thế này thì không phải lo lắng xuất hiện hiện tượng lạm dụng hình phạt nữa’. Đó chính là vui vẻ tiếp thu can gián.
Gần đây, Hoàng Phủ Đức Tham dâng thư rằng: ‘Xây dựng cung Lạc Dương, nhọc sức dân tổn hao tiền của. Thu thuế địa tô, tô thuế quá nặng. Các cô gái trong xã hội yêu chuộng búi tóc cao là do ảnh hưởng của phong cách trong hoàng cung’. Bệ hạ bỗng nổi giận nói: ‘Người này muốn quốc gia không lao dịch một người nào, không thu đồng thuế nào, các cung nữ không được để tóc dài thì hắn mới toại nguyện vừa lòng đây’. Thần dâng tấu rằng: ‘Là kẻ bề tôi can gián, nếu không thẳng thắn quyết liệt thì không đủ để vua chú ý. Nhưng thẳng thắn quyết liệt thì rất dễ bị coi là công kích ác ý’. Lúc đó bệ hạ tuy tiếp thu ý kiến của thần, thưởng gấm vóc cho Hoàng Phủ Đức Tham, nhưng trong tâm bệ hạ không thoải mái. Đó chính là khó tiếp thu can gián rồi”.
Đường Thái Tông nghe xong bỗng nhiên bừng tỉnh ngộ, nói: “Ngoài khanh ra không có người nào khuyến cáo trẫm như thế này. Con người thường khổ vì không tự biết mình vậy”.
Bề tôi qua đời, hoàng đế đích thân viết văn bia
Sau khi Ngụy Trưng chết, lúc sắp an táng, vợ ông là Bùi Thị nói: “Cả đời Ngụy Trưng cần kiệm chất phác liêm khiết, bây giờ làm lễ an táng nhất phẩm, nghi lễ quá long trọng, không phù hợp với ý nguyện của người chết lúc còn sống”. Thế nên bà đã từ chối tất cả các lễ vật nghi trượng mà hoàng đế ban cho. Kết quả là xe linh cữu Ngụy Trưng chỉ dùng vải trắng làm rèm che, không có một chút đồ trang sức, hoa văn nào cả.
Đường Thái Tông lên Tây lầu trong Ngự uyển, nhìn thấy xe linh cữu Ngụy Trưng thì ôm mặt khóc. Ông lệnh cho văn võ bá quan hộ tống linh cữu đến tận ngoại thành, tới nơi an táng.
Thái Tông đích thân viết văn bia, sai người khắc lên bia đá. Sau này Thái Tông luôn nhớ đến Ngụy Trưng, ban cho gia quyến ông đất phong 900 hộ.
Khi thiết triều, Thái Tông nói với quần thần:
“Dùng đồng để chế thành tấm gương thì có thể giúp người ta chỉnh sửa mũ áo. Dùng lịch sử để làm tấm gương thì có thể giúp người ta sáng tỏ đạo lý thời đại thịnh suy. Dùng người làm tấm gương thì có thể soi tỏ thành bại được mất. Trẫm luôn giữ ba tấm gương này, để ngăn mình phạm sai lầm. Hôm nay Ngụy Trưng qua đời, trẫm cũng đã mất đi một tấm gương rồi.
Sau khi Ngụy Trưng qua đời, trẫm sai người đến nhà ông ta, tìm thấy một bản tấu trong các thư tín văn chương của ông. Đó là một bản thảo nét chữ khó nhìn, chỉ có mấy hàng chữ đầu là còn có thể nhìn rõ. Trẫm đọc phần nhìn rõ nhé:
‘Việc trong thiên hạ, có việc tốt đẹp và cũng có việc xấu xa. Bổ nhiệm sử dụng người thiện lương thì quốc gia sẽ an định. Bổ nhiệm sử dụng kẻ tà ác thì quốc gia sẽ suy bại. Các công khanh đại thần, về tình cảm có yêu có ghét, đối với người mình ghét thì chỉ nhìn thấy khuyết điểm của họ, đối với người mình yêu thì chỉ nhìn thấy ưu điểm của họ. Yêu thích và ghét đối với người nào đó, cần vô cùng thận trọng. Nếu thích một người nào đó, cần nhìn ra khuyết điểm của họ, ghét một người nào đó, cần hiểu được ưu điểm của họ. Diệt trừ tà ác, không để tồn tại mối lo. Sử dụng người hiền lương, cần nhất tâm nhất ý. Thế thì quốc gia sẽ hưng thịnh phát đạt’.
Ngụy Trưng trước khi chết đã để lại bản tấu chương như thế này. Nhưng trẫm suy nghĩ mãi, sợ không tránh được những vấn đề như Ngụy Trưng đã chỉ ra. Thế nên, mời các vị công khanh đại thần, hãy đem những lời này của Ngụy Trưng viết lên thẻ ghi chép lên triều, phát hiện ra trẫm có vấn đề, nhất định phải chỉ ra cho trẫm”.
An bần lạc đạo
Có vị tiền bối đã từng nói: Bỏ chiếc mũ quan xuống, lên giường ngủ một giấc, mọi người ai nấy chỉ là một thân nghèo. Người làm quan nên thường xuyên xem xét vấn đề như thế: ‘Thà để cho người ta kinh ngạc mình ra đi mà không trở lại, chớ để người ta trách mình đến mà lại không đi’.
Kẻ sỹ bần hàn thì nên thường xuyên xem xét vấn đề như thế: ‘Thường ăn cơm thô, tay cầm quyển sách, mỗi ngày gặp gỡ cổ nhân suốt cả ngàn năm, kết giao đàm đạo cùng các bậc cổ Thánh tiên hiền, quả thực quá hạnh phúc rồi. Việc gì cứ phải làm quan hay truy cầu kết bằng hữu với những người làm quan làm gì?’.
Theo Secretchina
Kiến Thiện biên dịch