Đại Kỷ Nguyên

Trí tuệ Vương Dương Minh: Làm một người bình thường nhưng không sống tầm thường

Trí tuệ Vương Dương Minh: Làm một người bình thường nhưng không sống tầm thường

Trên đời này chắc chắn có những người bình thường, cũng có những người rất đặc biệt. Nhưng phần lớn đều là những người bình thường sống cuộc đời rất bình thường. Dù vậy nếu như có thể lan tỏa hương thơm cho người khác và đồng thời làm đẹp chính mình, thì đó chính là một cuộc đời không bình thường.

Có những người sống cả đời nhưng chưa từng thực sự sống hoàn chỉnh một ngày nào. Bởi vì họ nếu không nghĩ tưởng về quá khứ thì là mong đợi vào tương lai, chưa bao giờ thực sự sống trong hiện tại.

Giá trị của một người là phải xem người đó cống hiến những gì, chứ không phải xem người đó lấy được những gì. Bình thường và tầm thường có sự khác biệt về bản chất.

Bình thường sống thiết thực một cách tỏa sáng và hết mình. Tầm thường sống tạm bợ qua ngày sống dựa dẫm vào người khác.

Nếu trong lòng thực sự chấp nhận điều bình thường, thì nhất định sẽ tự nhiên mà từ chối sự tầm thường.

Không làm bạn với sự tầm thường, không đối địch với điều bình thường mới là trí tuệ sâu sắc của đời người.

Không làm bạn với sự tầm thường

Vương Dương Minh (1472 – 1529), tên thật là Vương Thủ Nhân, người huyện Dư Diêu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Vì những năm cuối đời sống trong động Dương Minh nên người đời gọi ông là Dương Minh tiên sinh. Ông là một nhà quân sự và là một chính trị gia lão luyện, đã lập được rất nhiều công lớn, lưu danh sử sách. Ông cũng là một nhà tư tưởng, khai sáng chân trời mới cho Nho giáo, trở thành nhất đại tông sư về “Tâm học”.

Vương Dương Minh bị giáng chức xuống Quý Châu, trải qua sự kiện “Long Trường ngộ Đạo”, ông sáng lập Long Cương thư viện, thu nhận đệ tử dạy học và lập ra quy tắc học nổi tiếng đối với người cầu học, gọi là “giáo điều cho học sinh đậu Long Trường”. Điều đầu tiên trong đó chính là “lập chí”.

Ông nói: “Không lập chí thì không thể làm thành công chuyện gì trên đời. Dù có trăm kỹ nghệ cũng không thể thiếu chí hướng. Có người quanh năm bận rộn, đến lúc già chết vẫn không biết mình thành tựu được gì, thật quá bi ai”.

Thứ quý giá nhất trên đời chính là sinh mạng, sinh mạng đối với mỗi người mà nói đều chỉ có một lần. Vì vậy, cuộc đời con người nên là khi nhìn lại những gì đã qua sẽ không phải hối hận vì đã lãng phí cuộc đời. Nếu tất cả mọi người đều cam tâm sống tầm thường, duy trì mãi một trạng thái thì làm sao nâng cao được phong khí xã hội đây?

Tục ngữ nói rất hay: Anh đào ngon nhưng cây khó trồng, không bỏ công sức không đơm hoa. Bỏ ra bao nhiêu giọt mồ hôi, thì nhận lại được bấy nhiêu kết quả. Không chịu cầu tiến, không chịu làm gì, cuộc sống chưa chắc đã vui vẻ thoải mái. Sống bận rộn tầm thường qua ngày, hãy cẩn thận đến thời khắc cuối cùng bạn lại bị chính cuộc sống đánh lừa.

Đã tận lực thì nên chấp nhận sự bình thường

Trong Truyền Tập Lục, Vương Dương Minh nói: “Sở dĩ thánh nhân được gọi là bậc thánh, cái chính nằm ở chỗ có chuyên tâm hay không, chứ không phải là thành tựu lớn hay nhỏ. Nếu như có thể bỏ được cái tâm so sánh với người khác, mỗi người đều dùng hết khả năng của mình, chỉ cố gắng vào trong công việc của mình, thì mọi người đều có thể thỏa mãn, ai nấy đều có thể thành công, không có ai là không viên mãn cả. Nếu như mù quáng theo đuổi những thứ xa vời, không nhận biết rõ thực lực của bản thân, khăng khăng muốn tìm hiểu những thứ bản thân không thể nào học được, muốn nắm bắt những thứ bản thân không thể làm được, thì làm sao thực hiện được?”.

Cuộc sống chính là như vậy, không phải người nào cũng có thể trở thành nhân vật có tầm ảnh hưởng, cuộc đời của đa số người đều là cuộc đời bình thường. Vốn dĩ là một hạt giống chỉ mọc ra được lá xanh, nhưng lại cứ bắt nó phải mọc ra lá đỏ, vậy chẳng phải là trái với quy luật tự nhiên hay sao? Thiết thực làm một cái lá xanh, sống cuộc đời bình thường mà tự tại, không phải rất tốt sao?

Có thể giữ được tâm mình trong cõi hồng trần, sống tốt mỗi một ngày bình thường, đó mới thực sự là “không bình thường”.

Đời người có hạnh phúc hay không, đều là do thái độ sống của chúng ta quyết định. Đừng sống tạm bợ, dùng thái độ nhập thế để làm việc, dùng thái độ xuất thế để làm người.

Hãy nhớ: Bạn vốn bình thường, nhưng không tầm thường!

Theo Secret China
Châu Yến biên dịch

Exit mobile version