Năm 221 TCN, Tần Thuỷ Hoàng quét sạch sáu nước, thống nhất thiên hạ, kiến lập chế độ Hoàng đế, sau đó tuần hành thiên hạ 5 lần. Năm 210 TCN, hùng chủ một thời đã băng hà ở Sa Khâu, thọ 49 tuổi.
Tần Thuỷ Hoàng có mười mấy người con nhưng vẫn chưa lập Thái tử, đến thời khắc cuối, ông quyết định để con trai trưởng là Phù Tô kế vị. Nhưng mọi người đều biết Tần Nhị Thế là Hồ Hợi chứ không phải Phù Tô, rốt cuộc ở giữa đã xảy ra biến cố gì?
- Loạt bài Tần Hoàng Hán Vũ
Phù Tô làm Giám quân ở Thượng Quận
Giáo sư Chương Thiên Lượng giảng khi ấy Phù Tô không phải ở Hàm Dương, mà là ở Thượng Quận. Khi Tần Thuỷ Hoàng ‘chôn thuật sĩ’ vào năm 212 TCN, Phù Tô từng nói với ông: ‘Cha chớ nên đối xử với người đọc sách nghiêm khắc như thế, bởi vì những người này đọc sách của Khổng Tử, có một bộ tài năng tế thế an dân, tương lai của quốc gia có thể sẽ nhờ những người ấy’.
Lời này Tần Thuỷ Hoàng nghe có chút không vui, thế là cho Phù Tô đi Giám quân. Bởi vì thời ấy đại tướng Mông Điềm đang đem 30 vạn đại quân ‘bắc kích Hung Nô’. Quân đội nhà Tần có 2 bộ phận chủ lực, một là 50 vạn đang ở phía nam đánh Bách Việt do Đồ Tuy và Triệu Đà lãnh binh, một bộ phận khác 30 vạn quân là do Mông Điềm ‘bắc kích Hung Nô’. Tần Thuỷ Hoàng để con trai là Phù Tô đến phía bắc làm Giám quân của Mông Điềm, phụ trách một số công tác quản lý trong quân đội. Như thế Phù Tô đã đến Thượng Quận (nay thuộc Phu Thi tỉnh Thiểm Tây).
Ở địa khu Sa Khâu, nay là thành phố Hình Đài tỉnh Hồ Bắc, Tần Thuỷ Hoàng muốn để Phù Tô trở lại Hàm Dương để chủ trì tang sự, tức là muốn Phù Tô kế vị. Từ di chiếu của Tần Thuỷ Hoàng thấy rằng, ông đã chuẩn bị đem bộ cách làm của Pháp gia kéo dài 12 năm sửa thành bộ cách làm của Nho gia, bởi vì Phù Tô là người đọc sách Nho gia. Phù Tô chủ trương lấy nhân chính trị quốc. Đây là cơ hội rất tốt để nước Tần thay đổi hình thái chính trị, từ Pháp gia sang Nho gia.
Thời khắc này, Giáo sư Chương nhìn nhận di chiếu của Tần Thuỷ Hoàng giống ‘Luận đài chiếu thư’ của Hán Vũ Đế, tức thay đổi toàn bộ hình thái chính trị quốc gia. Nhưng đáng tiếc chiếu thư chưa phát ra thì Tần Thuỷ Hoàng đã băng hà.
Đôi nét về Triệu Cao
Sau khi băng hà thì ai là người quản việc phát chiếu thư của Tần Thuỷ Hoàng? Đó là Triệu Cao. Triệu Cao làm quan chức gì? Chính là Trung xa phủ lệnh. Triệu Cao là một hoạn quan có bề ngoài khá đẹp, Tần Thuỷ Hoàng đối xử với Triệu Cao rất tốt, hơn nữa Tần Thuỷ Hoàng cũng đưa người con thứ 18 là Hồ Hợi cho Triệu Cao dạy dỗ.
Chức vụ Trung xa phủ lệnh phụ trách việc đánh xe khi Tần Thuỷ Hoàng xuất hành, ngoài kỹ thuật tốt, đương nhiên còn thêm một số yếu tố như thân thủ nhanh nhẹn, ứng đối thong dong, Hoàng đế nói gì phải nhanh chóng đối đáp… Triệu Cao là người có những tố chất như thế. Sau này Tần Thuỷ Hoàng để Triệu Cao làm ‘phù tỷ sự’. ‘Phù tỷ sự’ chính là Triệu Cao vừa nắm binh phù vừa nắm cả ngọc tỷ. Binh phù tương đương với đại quyền điều binh, còn ngọc tỷ tương đương với đại quyền ban bố chiếu mệnh của Hoàng đế. Hai thứ này đều đều để Triệu Cao nắm.
Chúng ta biết rằng triều Tần và triều Hán rất xem trọng ‘phù’ (符), nếu làm một việc ví như Hoàng đế viết một chiếu thư, phải đóng đại ấn của Hoàng đế, nếu không có đại ấn thì chiếu thư không có tác dụng. Triệu Cao nắm đại ấn, nói cách khác: nếu bản thân Triệu Cao viết, đóng thêm đại ấn, thì coi như là chiếu thư của Hoàng đế. Đương nhiên khi Tần Thuỷ Hoàng còn tại thế thì Triệu Cao không dám, hiện nay Tần Thuỷ Hoàng đã mất thì Triệu Cao có thể tuỳ tiện làm.
Sau khi Tần Thuỷ Hoàng mất, Triệu Cao liền bắt đầu động tà niệm ấy. Triệu Cao là một hoạn quan vô cùng tà ác, chúng ta xem những ghi chép về Triệu Cao sẽ biết được điều này. Trong ‘Sử ký’ có 70 thiên liệt truyện, người được vào liệt truyện, Tư Mã Thiên cho rằng phải có tài năng và tiêu chuẩn đạo đức nhất định. Nhưng Triệu Cao vô cùng tà ác, nên Tư Mã Thiên không làm liệt truyện cho Triệu Cao. Toàn bộ sự tích về Triệu Cao là gắn trong ‘Sử ký – Lý Tư liệt truyện’.
Triệu Cao sau khi tiếp được chiếu thư, ông ta bắt đầu nghĩ về tiền đồ của mình. Vì sao? Bởi vì trước đây Triệu Cao có thù với em trai của đại tướng Mông Điềm là Mông Nghị.
Tần Thuỷ Hoàng muốn con trai trưởng Phù Tô kế vị, mà Phù Tô là người đọc sách Nho gia, còn Triệu Cao lại thích những thứ của Pháp gia, cho nên về mặt lý niệm Triệu Cao không phủ hợp với quốc quân tương lai. Đây là nguyên nhân thứ nhất.
Nguyên nhân thứ hai, Triệu Cao có quan hệ cá nhân không tốt với Thái tử. Trước đây Triệu Cao từng phạm tội, bị giao cho Mông Nghị (em trai đại tướng Mông Điềm) để phán quyết tử hình. Khi phán quyết tử hình được đưa cho Tần Thuỷ Hoàng, thì Tần Thuỷ Hoàng đã miễn xá cho Triệu Cao, và tiếp tục để Triệu Cao làm Trung xa phủ lệnh. Do đó Triệu Cao khẳng định rất thống hận Mông Nghị, đương nhiên cũng thống hận luôn cả đại tướng Mông Điềm và Công tử Phù Tô.
Vậy thì Triệu Cao, thứ nhất lý niệm không hợp, thứ hai quan hệ cá nhân với quốc quân tương lai cũng không tốt, cho nên Triệu Cao không muốn để Phù Tô kế vị. Thế là Triệu Cao tìm đến Nhị Thế Hồ Hợi để phò tá Hồ Hợi làm Hoàng đế.
Triệu Cao nói với Hồ Hợi: ‘Hiện nay ngọc tỷ của Hoàng đế đang nằm trong tay ta, ngươi muốn làm Hoàng đế không?’. Hồ Hợi không muốn làm Hoàng đế, Hồ Hợi khi ấy chỉ mới 20 tuổi. Theo người xưa thì ‘nhị thập nhi quan’, 20 tuổi thì đội mũ (tức lễ trưởng thành). Hồ Hợi vừa mới thành niên, còn thích vui chơi, không thích quản lý thiên hạ.
Khi đó Hồ Hợi cự tuyệt yêu cầu của Triệu Cao. Hồ Hợi đưa ra 3 lý do là: Bất Nghĩa, bất Hiếu và bất Năng (không thể).
- Bất Nghĩa nghĩa là: ta không thể lấy thân phận làm em mà soán vị anh trai, đây là bất Nghĩa.
- Sau đó phụ thân để anh của ta làm Hoàng đế, mà ta không nghe mệnh lệnh của phụ thân, thì đây là bất Hiếu.
- Thêm nữa, anh trai ta năng lực rất lớn, năng lực của ta lại nhỏ, nếu làm Hoàng đế thì ta không gánh nổi trách nhiệm to lớn ấy, đây là bất Năng. Cho nên ta không muốn làm Hoàng đế.
Triệu Cao lại nói một đoạn lời rằng: ‘Cổ đại có Thành Thang phạt Kiệt, Vũ Vương phạt Trụ, chẳng phải đại thần cũng giết quốc quân sao? Ngươi giết anh trai không có gì là ghê gớm cả’. Giáo sư Chương đánh giá đoạn lời này không có sức thuyết phục, bởi vì Phù Tô không phải là hôn quân bạo chúa giống như vua Kiệt vua Trụ, còn Hồ Hợi lại không có đại đức cảm hoá lòng người như Thành Thang và Chu Vũ. Nhưng dù thế nào, Hồ Hợi cũng là người thích vinh hoa phú quý, cho nên đã tiếp nhận đề nghị của Triệu Cao.
Lời bạch: Tháng 7 năm 210 TCN, Tần Thuỷ Hoàng băng hà ở Sa Khâu, di mệnh cho con trai trưởng là Phù Tô chủ trì tang sự. Người nắm chiếu thư là Trung xa phủ lệnh Triệu Cao không hợp với Phù Tô, cho nên âm mưu soán cải chiếu thư, muốn lập ‘người con trai nhỏ cùng đi xuất hành với Tần Thuỷ Hoàng’ là Hồ Hợi làm Hoàng đế. Nhưng Triệu Cao rốt cuộc chỉ là một hoạn quan, dưới Hoàng đế còn có Chính phủ Tổng lý – Thừa tướng Lý Tư. Vậy thì Triệu Cao có qua được ‘ải’ Lý Tư không?
Triệu Cao đã đánh vào chấp trước tham luyến phú quý của Lý Tư để soán cải di chiếu
Giáo sư Chương giảng rằng, Triệu Cao muốn làm được việc soán cải di chiếu nhất định phải vượt được ải Lý Tư, bởi vì thân phận của Lý Tư là Thừa tướng nắm giữ một phần quyền lực quốc gia. Triệu Cao nói với Lý Tư: ‘Hoàng thượng đã chết rồi, ngài muốn lập Phù Tô làm thái tử, nhưng ngọc tỷ trong tay ta, cho nên ai làm thái tử chỉ là một câu nói giữa ông và ta. Ông tính thế nào?’. Lý Tư nghe xong giật mình nói: ‘Sao ông có thể nói những lời đại nghịch bất đạo như vậy được, lập ai làm Hoàng đế là vấn đề thảo luận của tôi với ông sao?’.
Triệu Cao lập tức nói: ‘Hiện nay tôi hỏi ông 5 vấn đề:
- Quân hầu tự nghĩ, năng lực của ông có hơn Mông Điềm không?
- Công lao có hơn Mông Điềm không?
- Mưu lược có hơn Mông Điềm không?
- Trong tâm mắt của lão bách tính, uy vọng của ông có hơn Mông Điềm không?
- Quan hệ giữa ông với quốc quân mới có hơn Mông Điềm không?’
Lý Tư nói: ‘5 phương diện này tôi không so được với Mông Điềm’.
Triệu Cao nói: ‘Đúng thế. Nếu đã là như vậy, sau khi Phù Tô làm Hoàng đế, nhất định sẽ lập Mông Điềm làm Thừa tướng. Đến lúc đó ông định thế nào? Ông còn làm Chính phủ Tổng lý không? Đến khi Mông Điềm làm Chính phủ Tổng lý, ông sẽ bị bãi miễn. Theo tôi nhìn nhận, từ lịch sử nước Tần, phàm là Thừa tướng bị bãi miễn đều không có kết cục tốt đẹp. Ông thử nghĩ xem, sau khi bị bãi miễn, ông sẽ chết rất thảm. Ông sẽ không có cơ hội đem ấn hầu tước trở về quê mà an hưởng tuổi già’.
Lý Tư là người như thế nào? Lý Tư là người vô cùng tham luyến vinh hoa phú quý. Từ trước đến nay Lý Tư luôn cho rằng (và đây cũng là một câu nói rất nổi tiếng): ‘Ti tiện là điều sỉ nhục nhất, nghèo khó là bi ai lớn nhất’. Đối với Lý Tư mà nói, thì vinh hoa phú quý là điều đến chết cũng không rời tay. Do đó khi Triệu Cao lấy vinh hoa phú quý để uy hiếp Lý Tư như ‘tương lai sau này không được đảm bảo’, thì Lý Tư đã đồng ý thỉnh cầu của Triệu Cao.
Đây chỉ là những điều Giáo sư Chương nói một cách giản lược, còn trong ‘Sử ký’ giữa hai người này có những đoạn đối thoại khá dài, Triệu Cao từng bước từng bước lấn tới, Lý Tư từng bước từng bước thoái lùi, lúc ban đầu rất nghiêm khắc, Lý Tư hỏi Triệu Cao ‘tại sao ông mưu phản’ v.v. Sau này Lý Tư mới từng bước nhượng bộ.
Giáo sư Chương đọc đoạn này có cảm giác giống như hai người ấy đang nói chuyện trong đêm tối có ngọn đèn dầu chỉ bằng hạt đậu, Triệu Cao từng từng bức ép Lý Tư, Lý Tư cuối cùng toát mồ hôi lạnh mà đồng ý với Triệu Cao. Thế là hai người này quyết định soán cải di chiếu, lập Hồ Hợi làm Hoàng đế.
Nguyên nhân Triệu Cao không phát tang Tần Thuỷ Hoàng
Triệu Cao là một người vô cùng âm hiểm, ông ta quyết định bí mật không phát tang. Vì sao? Bởi vì thi thể Tần Thuỷ Hoàng hiện nay đang ở Sa Khâu (nay thuộc Hình Đài tỉnh Hà Bắc) cách đô thành Hàm Dương rất xa, mà Công tử Phù Tô lại đang ở Thượng Quận, cách Hàm Dương tương đối gần. Hễ phát tang bố cáo thiên hạ, thì Phù Tô sẽ nhanh chóng trở về Hàm Dương. Khống chế được Hàm Dương sẽ khống chế được hoàng vị, do đó Triệu Cao không dám phát tang.
Không dám phát tang thì thi thể của Tần Thuỷ Hoàng giải quyết thế nào? Vì khi ấy là tháng 7 âm lịch, tháng 9 dương lịch, thời tiết rất nóng, thi thể của Tần Thuỷ Hoàng rất nhanh bị thối rữa có mùi. Để che giấu cái chết của Tần Thuỷ Hoàng, Triệu Cao phái một tiểu thái giám ngồi trong xe của Tần Thuỷ Hoàng, mỗi ngày Triệu Cao đều đưa cơm, đồng thời thường xuyên trình tấu để tiểu thái giám trả lời, như thế Triệu Cao đã giấu được cái chết của Tần Thuỷ Hoàng.
Sau này thi thể bốc mùi, Triệu Cao bảo người mua thêm bào ngư đặt trong xe, mùi của bào ngư lẫn lộn với mùi thi thể khiến mọi người không phân biệt được, như thế xe tuần hành một đường trở về Hàm Dương.
Khi xe chưa tới Hàm Dương, Triệu Cao đã giơ con dao đồ tể để hạ sát Phù Tô – người có ảnh hưởng lớn nhất đến vương vị của Hồ Hợi, và đại tướng Mông Điềm đang lãnh 30 vạn đại quân tinh nhuệ nhất của nước Tần. Triệu Cao đã viết một chiếu thư mệnh lệnh cho hai người đó phải tự sát.
Phù Tô khi nhận được chiếu nói rằng: ‘Phụ thân bảo ta chết thì ta chết vậy’. Mông Điềm cản lại nói: ‘Hoàng thượng để ngài bên ngoài làm Giám quân, đây là trách nhiệm vô cùng quan trọng. Trước đây Hoàng thượng không có bất cứ khiển trách, tự nhiên hôm nay lại hạ chiếu bảo ngài tự tử, ngài không đặt câu hỏi sao?’.
Phù Tô nói: ‘Phụ thân bảo ta chết, vậy ta nghe lời, nếu không nghe lời thì không có hiếu thuận’. Thế là Phù Tô bèn tự sát. Còn Mông Điềm không muốn tự sát, ông bị bắt vào ngục. Như thế Triệu Cao và Hồ Hợi trở về Hàm Dương.
Về đến Hàm Dương, Hồ Hợi xưng đế, đây là Tần Nhị Thế. Hồ Hợi sau khi xưng đế cảm thấy cao hứng hoa chân múa tay, một người 20 tuổi kế thừa đại nghiệp to lớn như vậy, vui vẻ không nói nên lời. Hồ Hợi nói với Triệu Cao: ‘Nhân sinh tại thế như bạch câu quá khích. Cuộc sống chỉ khoảng trăm năm, giống như chiếc xe 6 ngựa chạy vụt qua khe cửa, chớp mắt là trôi qua. Ta muốn nhân cơ hội này vui chơi một chút, ngươi thấy thế nào?’. Triệu Cao nói: ‘Quá đúng rồi. Làm Hoàng đế thì nên như thế, không hưởng thụ cuộc sống thì còn ý nghĩa gì nữa. Nhưng trước khi ngài hưởng thụ, còn có hai việc khẩn cấp cần phải làm ngay’.
Hai việc quan trọng mà Triệu Cao nói là việc gì, kính mời quý độc giả đón xem phần tiếp theo: Hoạ khởi tiêu tường (hoạ khởi âm thầm).
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Link ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 3: Sa Khâu âm mưu.
(**) Ảnh trong bài cũng lấy từ ‘Tiếu đàm phong vân’ phần 2 tập 3.