Đại Kỷ Nguyên

Trời cao có mắt, gieo nhân nào sẽ gặt được quả ấy!

Đức là cái gốc làm người. Người coi trọng đức một khi gặp việc thiện thì sẽ vui vẻ làm. Người làm việc thiện cho dù không cầu người khác báo đáp nhưng Thiên lý rõ ràng, sẽ nhất định ban phúc báo, quả thiện cho họ.

Có người thậm chí còn vì làm việc thiện mà thay đổi được vận mệnh khốn đốn của mình, đúng như cổ nhân nói: “Nhà nào tích thiện thì tất sẽ có dư phúc”. Trong cuộc sống có rất nhiều trường hợp xảy ra chứng minh đạo lý này là đúng.

Vào những năm cuối triều đại nhà Minh, thời Lý Tự Thành tác loạn, Viên Công là người Thiểm Tây dắt con trai đi lánh nạn, không may hai cha con bị lạc mất nhau. Viên Công vô cùng bi thương, tìm kiếm con hết ngày này qua ngày khác mà không thấy. Suốt thời gian ấy, ông lúc nào cũng mang một vẻ mặt ủ rũ, chán nản.

Về sau này, Viên Công đến Giang Nam sống nhờ ở nhà một người quen. Sau thời gian cô đơn một mình, lại mang tội bất hiếu vì không có con nối dõi hương hỏa nên cuối cùng ông quyết định sẽ tìm một người phụ nữ ở đây làm vợ.

Hôm ấy, Viên Công bỏ một số tiền không nhỏ ra mua một cô gái xinh đẹp và trẻ tuổi. Nhưng cô gái này sau khi được Viên Công đưa về nhà, thì chẳng những không vui vẻ mà lặng lẽ khóc không ngừng.

Viên Công không hiểu nguyên do vì sao liền gặng hỏi: “Hôm nay là ngày vui của chúng ta, lẽ ra nàng nên vui mới đúng chứ. Nhưng đằng này nàng lại khổ sở thương tâm như vậy, là vì sao? Nàng hãy nói thật ra để ta xem có giúp được gì cho nàng không.”

Cô gái này nghe xong câu hỏi chân thật của Viên Công liền nói:

“Xin ngài thứ lỗi! Thiếp là vì nghĩ đến cuộc sống nghèo khó khi xưa mà trong lòng bất giác thấy bi thương. Lúc ấy, chồng cũ của thiếp bị bệnh, hai vợ chồng đã ở vào bước đường cùng rồi. Trong những ngày tháng rối loạn, bất an ấy, muốn tiếp tục sinh sống quả thực là điều quá khó. Chồng cũ của thiếp vì bệnh tật, không muốn thiếp phải khổ nên muốn chết đi để cả hai được giải thoát. Thiếp không đành lòng nhìn chồng chết như vậy nên mới nghĩ ra hạ sách này, bán mình để lấy tiền cứu chồng.

Bây giờ đến nhà ngài, bỏ mặc chồng cũ, thiếp không khỏi nghĩ đến cuộc sống vợ chồng khốn khổ trước đây. Mặc dù cuộc sống khốn khổ túng thiếu nhưng tình cảm vẫn vô cùng tốt. Là cuộc sống bức bách quá nên khiến thiếp phải vạn bất đắc dĩ mà đến bước đường cùng như thế này, cho nên trong lòng thấy bi thương, không nhịn được mà khóc.”

Nói ra những lời này xong, cô gái lại khóc không ngừng, khóc không thành tiếng.

Viên Công nghe xong, bất giác rơi lệ, cảm thấy người phụ nữ này thật đáng thương mà tâm địa lại thiện lương. Chồng cũ của cô nghèo khổ lại bệnh tật như vậy mà cô không oán không hận, còn hy sinh bản thân mình để cứu chồng. Dù lấy được người chồng có tiền hơn nhưng cô vẫn không quên lo lắng cho chồng cũ đang cảnh bệnh tật, sống một mình. Viên Công thầm nghĩ: “Người phụ nữ này thật là có tình có nghĩa!”

Vừa nghĩ như vậy, Viên Công không nói thêm lời nào, suốt đêm dẫn cô gái về nhà cũ. Hai vợ chồng cô gái không thể tin được lại gặp được người đại thiện, nên chỉ nhìn Viên Công mà không nói được lời nào.

Viên Công nói: “Thỉnh xin ngài không cần hoài nghi ý tốt của ta. Thê tử hiền lương của ngài đã kể hết với ta về chuyện của hai vợ chồng ngài. Ta vô cùng cảm động nên nguyện ý đưa cô ấy về đoàn tụ cùng chồng. Số tiền mà ta bỏ ra để mua cô ấy, hai vợ chồng ngài cũng không cần trả lại.”

Giúp người “gương vỡ lại lành”, được phúc báo đoàn tụ với con trai thất lạc (Ảnh minh họa/Nguồn: Sưu tầm)

Viên Công vừa nói vừa lấy ra một túi tiền nhỏ tặng cho hai vợ chồng họ coi như tiền vốn làm ăn. Hai vợ chồng cô gái cảm kích trước đại ân đại đức của Viên Công nên quỳ sụp xuống bái tạ và bật khóc.

Về sau, hai vợ chồng họ quả nhiên không phụ lòng hy vọng của Viên Công mà chăm chỉ làm ăn nên cuộc sống đã khấm khá hơn rất nhiều. Cả hai luôn mang trong mình lòng biết ơn Viên Công, vì vậy mà cũng thường xuyên muốn tìm một cô gái tốt, thích hợp để gả cho Viên Công làm người chăm sóc.

Một lần, hai vợ chồng ngẫu nhiên đến Dương Châu làm việc thì gặp một người phụ nữ dẫn theo đứa bé trai khôi ngô tuấn tú đi rao bán. Vì chưa tìm được cô gái nào tốt nên họ đành bỏ một số tiền ra để mua đứa trẻ kia, với hy vọng giao nó cho Viên Công coi như làm người chăm sóc hầu hạ ông.

Họ qua sông trở về nhà và đưa đứa bé đến gặp Viên Công. Viên Công vừa nhìn thấy đứa trẻ ngoan ngoãn nhanh nhẹn, không ngừng xem xét và không tin được rằng trên đời lại có chuyện trùng hợp đến thế.

Ông đứng ngây người ra, vui mừng đến sững sờ rồi nghĩ: “Đây chẳng phải đứa con bị thất lạc của mình sao, chẳng phải đứa con mà mình vẫn mong nhớ ngày đêm hay sao? Trong biển người mênh mông, không ngờ kiếp này còn có thể may mắn gặp lại cốt nhục duy nhất của mình! Không ngờ, ông trời có mắt đã phái sứ giả đến đem đứa con đã thất lạc về tặng lại cho mình.” Viên Công ôm chầm lấy đứa bé vào lòng và òa khóc trước mặt mọi người còn đang ngơ ngác.

Ngay sau đó, Viên Công đã kể lại chuyện thất lạc con năm xưa cho vợ chồng họ nghe. Sau khi nghĩ lại những chuyện đã xảy ra, mọi người đều cảm thán rằng: “Đúng là không phải ngẫu nhiên!” 

Nếu không có Viên Công coi trọng đức, làm việc thiện giúp hai vợ chồng cô gái “gương vỡ lại lành” thì chắc gì đã gặp lại chính đứa con thất lạc của ông. Thực sự là “gieo nhân nào gặt quả ấy!” Làm việc thiện được phúc báo là luôn đi cùng nhau, như hình với bóng, một điểm cũng không sai. Thiên lý quả thực là tuyệt đối công bằng!

Theo Đại Kỷ Nguyên Tiếng Trung
Mai Trà biên dịch

Xem thêm:

Exit mobile version