Các anh hùng trong tiểu thuyết võ hiệp luôn hấp dẫn độc giả với những tuyệt thế võ công muôn người khó địch, tuy nhiên trên thực tế đây chỉ là thứ võ công vỏ ngoài nông cạn mà thôi…
Khi nhắc tới tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung, chúng ta thường nghĩ ngay đến những anh hùng với võ công cái thế, hô phong hoán vũ, uy chấn thiên hạ như Tiêu Phong với Giáng Long Thập Bát Chưởng, Hư Trúc với tuyệt thế Bắc Minh Thần Công, hay như Đoàn Dự với Lục Mạch Thần Kiếm, Lăng Ba Vi Bộ, Lệnh Hồ Xung với Độc Cô Cửu Kiếm, Trương Vô Kỵ với Cửu Dương Chân Kinh, Càn Khôn Đại Nã Di, Dương Quá với Ám Nhiên Tiêu Hồn Chưởng…
Đây đều là những tuyệt thế võ công muôn người khó địch, và giang hồ cũng bao phen nổi sóng phong ba cốt cũng chỉ để có được những bí kíp võ công này. Tuy nhiên trên thực tế đây lại chỉ là những thứ võ công vỏ ngoài nông cạn mà thôi. Với những ai yêu thích nhân vật anh hùng của Kim Dung có lẽ đều nhận ra một điều, tất cả những anh hùng tên tuổi đều có chung một điểm, họ không thực sự dựa vào võ công để đi lại trên giang hồ mà là dựa vào nhân cách trượng nghĩa, dám xả thân vì người.
Kỳ thực nhân cách của một người không chỉ là hiên ngang anh dũng trước hiểm nguy mà còn biết bao dung độ lượng cho người khác, có thể lấy ân báo oán cho kẻ thù.
Trong tập 9 bộ phim “Thiên Long Bát Bộ” có đoạn nói về Phong Ba Ác, một nhân vật ở Giang Nam, võ công cao cường, có thể nói rằng để lấy mạng một người thường dễ như trở bàn tay. Tuy nhiên khi đi đến giữa cầu bắc qua sông, gặp một tên nhà quê gánh phân đi qua nhất quyết không chịu nhường đường. Đã vậy còn bị hắn hất nước phân lên mặt, việc này cũng có thể nói là sự sỉ nhục không nhỏ.
Tuy nhiên Phong Ba Ác không hề manh động khiến cho người này kinh sợ tự nhảy xuống sông. Khi người này nhảy xuống sông Phong Ba Ác liền ra tay cứu lại đưa lên bờ rồi cười sảng khoái bỏ đi. Đây chính là đức tính của người quân tử, thà chịu nhục chứ không chịu hại người vô tội.
Hay như lúc Tiêu Phong bị đám người của tứ đại trưởng lão hiểu nhầm nên phản bội, sau khi sự việc phơi bày, theo luật cái bang thì tứ đại trưởng lão phải chấp hành đao pháp, tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên Tiêu Phong đã chẳng màng ân oán cá nhân, lấy đại cục làm trọng nên đã tự lấy đao đâm chính mình 6 nhát để rửa tội thay cho họ. Tiêu Phong đã thể hiện đầy đủ bản chất của một bậc anh hùng vì nhân, vì đức, vì đại cục, và vì cả nghĩa trọng tình thâm xả thân vì người. Đây mới chính là bí kíp “Tâm pháp” thượng thừa của bậc anh hùng để đi lại trong chốn giang hồ.
Và khi nhắc đến anh hùng trong võ thuật Kim Dung thì cũng không thể không nhắc đến Lệnh Hồ Xung. Mặc dù khi mới bước chân ra giang hồ, võ công của Lệnh Hồ Xung cũng chỉ thuộc diện tầm thường, nhưng khi gặp cảnh bất bình luôn ra tay trượng nghĩa. Thậm chí khi thân mang trọng bệnh, tính mạng bản thân khó bảo toàn vậy mà khi gặp Hướng Vấn Thiên, một người không hề quen biết, Lệnh Hồ Xung vẫn không màng sống chết, xả thân hết mình tương trợ lúc nguy nan để rồi sau đó kết thành huynh đệ. Đây chính là khí chất của bậc anh hùng vì người mà xả thân, không màng được mất của chính mình.
Hay như Quách Tĩnh, một anh hùng luôn ngây ngô chất phác nhưng lúc nào cũng lo cho an nguy của người khác trước cái an nguy của bản thân. Thậm chí vì an nguy của muôn dân mà đánh đổi tính mạng của con mình. Cả cuộc đời của Quách Tĩnh là sự đôn hậu chân chất, sống ngay thẳng không biết đến tính toán mưu mô là gì. Kỳ thực đây lại chính là điểm mạnh nhất của Quách Tĩnh khiến thiên hạ bội phục chứ không phải nhờ vào võ công cái thế.
Vạn cổ xưa nay những bậc anh hùng dựng thân lập thế, tung hoành ngang dọc chốn giang hồ đều nhờ vào nhân cách, trượng nghĩa. Ngay như Đoàn Dự, trước khi luyện thành Lục Mạch Thần Kiếm thì không hề có chút võ công nào hết, chân yếu tay mềm, nhưng khi gặp chuyện bất bình lại không màng sống chết bản thân mà ra tay tương trợ. Hay như Hư Trúc, trước cảnh Tiêu Phong bị cả thiên hạ truy sát ở núi Thiếu Lâm nhưng cũng chẳng màng hiểm nguy kết nghĩa anh em, tuy không cùng sinh nhưng nguyện cùng tử đã khiến cho cả thiên hạ phải nghiêng mình kính trọng…
Trong phim ta cũng có thể thấy Kim Luân Pháp Vương, mặc dù võ công thượng thừa, trong chốn giang hồ địch thủ chẳng có mấy ai, tuy nhiên nhân cách không có, hành sự thủ đoạn đê hèn khiến cho người trong thiên hạ căm hờn oán trách. Cuối cùng thân bại danh liệt, bỏ mạng vô ích nơi sa trường.
Cổ nhân xưa nay luôn trọng nhân chứ không trọng dũng, một người có nhân cách, chính nghĩa thì dù cho sức trói gà không chặt cũng được coi là bậc anh hùng tôn kính. Còn bằng không, dù cho có võ công kinh thiên động địa, một người địch cả vạn người thì cũng chỉ là phường thất phu mà thôi.
Tây Phong